(Dân trí) - Thấy gia đình làm hàng ăn quá vất vả, lại chẳng được học hành đầy đủ, chị Bùi Thu quyết sang Đài Loan làm giúp việc với mong ước "đổi đời", nhưng chẳng ngờ duyên nghề cũ lại "vận vào thân".
Thấy gia đình làm hàng ăn quá vất vả, lại chẳng được học hành đầy đủ, chị Bùi Thu quyết sang Đài Loan làm giúp việc với mong ước đổi đời, nhưng chẳng ngờ duyên nghề cũ lại "vận vào thân".
10h30 nhà hàng "Hello Vietnam" mới mở cửa đón khách, nhưng chị Bùi Thu đã dậy từ sáng sớm để chuẩn bị mọi công việc trong ngày. Bên trong 2 căn nhà rộng hơn 165m2, người phụ nữ thoăn thoắt cùng nhân viên sơ chế các nguyên liệu tươi mới. Hôm nay là cuối tuần, chị Thu biết quán sẽ rất đông, chưa kể lượng đơn đặt hàng qua app có thể tăng vọt.
"Dọn sạch giúp chị chỗ này, rồi mang rau, đậu vào bếp sơ chế. Mắm tôm để lát nữa pha cũng được nhưng phải chuẩn theo tỷ lệ chị đã hướng dẫn nhé", chị Thu nhắc nhở nhân viên.
Nhìn dáng vẻ của người phụ nữ tràn đầy năng lượng, chẳng ai ngờ được, hơn 20 năm trước, bà chủ người Việt này mới ngày đầu "chân ướt chân ráo" rời quê sang Đài Loan gần như chẳng có gì, thậm chí một câu tiếng Trung đơn giản cũng không thể giao tiếp.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), mỗi khi hỏi về quãng thời gian tuổi thơ, chị Thu không khỏi ngậm ngùi.
Cha mẹ sớm ly hôn, chị Thu về sống cùng nhà nội. Cuộc sống của chị từ đó gắn chặt với những món ăn dân dã làng quê như bún, bánh rán, bánh đúc, bánh trôi, bánh dày do gia đình từ nhiều đời có truyền thống làm hàng ăn uống.
Nhớ lại ngày bé, chị tâm sự, mỗi tối phải đi ngủ sớm từ 21 giờ để 2 giờ sáng dậy cùng bà làm các loại bánh. Đúng 6 giờ, bà cho hàng vào thúng gánh gồng, cháu đặt đồ lên xe đạp. Hai bà cháu cứ thế rao bán rong khắp thôn xóm.
Thấy làm hàng ăn vất vả quá, chị Thu khát khao được đi xa đổi đời, làm một ngành nghề mới để có tiền giúp đỡ bà nội. Năm 2001, chị quyết định xin sang Đài Loan xuất khẩu lao động, làm giúp việc gia đình và chăm sóc người già.
"Lần đầu tiên bước chân ra khỏi quê hương tới nơi đất khách quê người, một câu giao tiếp cũng không biết, chữ nghĩa lại càng mù tịt, nên tôi rất lo lắng. Ban đầu, tôi không hiểu chủ nói gì nên chỉ biết nhìn động tác họ chỉ trỏ ra hiệu để làm theo. Mới được một tháng, người chủ trả tôi về môi giới với lý do tôi học chậm quá, dạy nấu ăn mãi không xong", chị nhớ lại.
Khi người môi giới nói sẽ trả chị về nước, chị Thu rất sợ hãi. Chị cầu xin cho mình một cơ hội nữa. Thấy hoàn cảnh khó khăn, người này đồng ý tìm cho chị chủ mới.
Trong quãng thời gian chờ đợi, chị được đưa tới ở tạm một gia đình bạn của người môi giới. Tại đây, một người đàn ông lạ mặt đưa cho chị tờ danh thiếp với ý nói nếu có gì khó khăn thì liên lạc. Vì chưa rành tiếng nên cả hai không nói được nhiều. Chị chỉ biết cầm tờ giấy, mà không ngờ đó là "quý nhân đời mình".
Sau lần thất bại đầu tiên, chị Thu quyết tâm không để lỡ cơ hội thêm nữa. Lần này, chị được chuyển tới một gia đình không cần chăm sóc người già hay nấu nướng. Nhà chủ có công xưởng nên họ dạy chị làm mọi việc. Duy nhất ở xưởng có chị là người Việt, nên bà chủ Đài Loan rất nhiệt tình nói chuyện với chị vào giờ tan làm. Chỉ tầm 6 tháng sau, chị Thu có thể giao tiếp tốt với mọi người xung quanh.
Thấm thoắt 3 năm trôi qua, ngày hết hợp đồng lao động đã tới. Người môi giới tới tìm gặp và bảo sẽ đặt vé để chị về nước. Trước khi về, chị chợt nhớ tới danh thiếp của người đàn ông năm nào. Chị gọi điện và gửi lời cảm ơn anh đã hỗ trợ những ngày đầu.
Sau cuộc nói chuyện, anh Sáng, người Đài Loan, ngỏ ý muốn cùng chị về Việt Nam để du lịch thăm thú. Không lâu sau, cả hai nảy sinh tình cảm và quyết định đi tới hôn nhân.
Tháng 8/2004, sau khi kết hôn, hai vợ chồng chị Thu ở cùng nhà bố mẹ chồng. Lúc này, anh Sáng muốn vợ tạm thời ở nhà nhiều hơn để có thời gian gần gũi bên bố mẹ, tập nấu nướng các món ăn theo khẩu vị người Đài. Buổi tối, anh còn đăng ký cho chị tham gia các lớp học vỡ lòng. Dù ban đầu còn lo lắng làm thế nào để hòa đồng tốt với môi trường nhà chồng, nhưng chị Thu thấy ấm lòng khi mọi hành trình của mình đều được chồng liên tục động viên, ủng hộ.
Từ cô gái mới ngày đầu còn chập chững một chữ cũng không biết viết, đến nay, chị Thu đã nhận được bằng EMBA về quản lý kinh doanh ở Đài Loan.
Năm 2017, khi hai con đã lớn, cảm thấy ở nhà lâu rất bí bách, chị Thu bàn với chồng về dự định mở một cửa hàng ăn chuyên các món đậm chất Việt Nam.
Ý tưởng này được chị suy nghĩ rất lâu. Nếu xin đi làm ngoài lại cần có chuyên môn hoặc kinh nghiệm. Cả hai yếu tố này chị đều thiếu. Trong khi từ nhỏ ở Việt Nam, chị được bà hướng dẫn nấu nướng thành thạo. Nhìn từ thế mạnh này, chị dành thêm thời gian luyện tập các món từng làm và những món có thể bán chạy.
Lúc đầu lên thực đơn, chị chỉ nghĩ được các món như bún đậu mắm tôm là "chủ đạo", rồi tiếp đó tới phở bò, nem rán. Ngoài ra quán có thể thêm vài món ăn vặt, ăn chơi để khách đổi khẩu vị.
Thấy vợ quyết tâm, anh Sáng đã dồn tiền đầu tư. Chị Thu tiết lộ, toàn bộ tài chính mở quán đều do chồng hỗ trợ.
Để mở quán, chủ nhà hàng cần có bằng cấp nấu ăn. Nhờ những kinh nghiệm từ trước, chị đã thi đỗ ngay trong lần đầu.
Với cái tên giản dị "Hello Vietnam", quán của chị Thu nằm ở khu phố mua sắm của người Việt ở thành phố Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc). Khu vực này cách nhà chồng chị không xa. Chị Thu nhẩm tính, người lao động Việt tập trung tại đây rất đông, ít nhiều cũng sẽ hút khách.
Thời gian đầu mở quán, tới 90% lượng khách là người Việt, trong đó đa số là người lao động. Ban đầu, ngày thường quán còn vắng khách, hầu như chỉ đông dịp cuối tuần. Nhưng dần dần, thực khách bắt đầu quen khẩu vị, thấy cách nêm nếm đồ ăn không khác gì quê nhà nên họ tới ủng hộ nhiều hơn.
Suốt 2 năm, quán có lượng khách quen nhất định, tạo nguồn doanh thu ổn định. Nhưng đó cũng là lúc chủ nhà cũ không muốn gia hạn hợp đồng cho thuê nữa.
"Khi đó, tôi vừa buồn vừa bất lực, nhưng phải tự nhủ sớm lấy tinh thần để hỏi thêm các cửa tiệm xung quanh. May mắn thế nào lại có một cửa hàng đối diện nơi cũ mà diện tích to gấp 3 lần. Tôi rất bất ngờ khi được chủ mới nhượng lại chỗ để tiếp tục kinh doanh", chị Thu nói.
Sau khi trang hoàng chỗ mới, năm 2019, việc kinh doanh vẫn chưa ổn định, nhiều vấn đề mới lại nảy sinh, từ việc khó tìm nhân viên phù hợp cho tới gặp các đối thủ cạnh tranh kém lành lạnh. Chị liên tục nhận đơn kiện tại văn phòng an toàn thực phẩm, môi trường vỉa hè, phòng thuế, phòng cháy chữa cháy...
2 tháng liên tiếp, chị liên tục chạy lên các phòng ban có liên quan để xử lý nhiều thủ tục, cải thiện nhà hàng, đăng ký kinh doanh hợp pháp, đảm bảo thực phẩm chuẩn nguồn gốc, chú ý vệ sinh môi trường xung quanh.
Chuyển sang nhà hàng mới chưa bao lâu, một ngày nọ, "Hello Vietnam" bất ngờ đón đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn phòng Du lịch của thành phố Đài Trung xuống làm việc.
Tại đây, ban đại diện cho biết, họ đã quan sát nhà hàng một thời gian và muốn hỗ trợ nơi này trở thành một trong những điểm đến hút khách về ẩm thực đặc trưng Việt Nam, không bị lai tạp hay trộn lẫn hương vị ở nơi khác.
Khi chị Thu vui vẻ đồng ý, phía chính quyền đưa ra phương án thiết kế lại nhà hàng mang phong cách Việt và hỗ trợ toàn bộ chi phí. Quá trình sửa chữa mất khoảng một tháng, bù lại, thực khách tới đây được trải nghiệm không gian với nhiều cảm xúc.
"Nhiều khách tới ăn và khen ngợi quán có phong cách ấm áp khiến họ thấy nhớ quê nhà", chị Thu cho biết.
Nhiều người nhận định, sao Michelin chính là phần thưởng xứng đáng cho những gì chị Thu không ngừng nỗ lực cố gắng và vươn lên.
Năm 2022, khi việc kinh doanh bắt đầu trở về quỹ đạo cũ sau Covid-19, chị Thu bất ngờ khi biết nhà hàng của mình nhận sao Michelin danh giá trong ngành ẩm thực. Đây cũng là nhà hàng Việt duy nhất ở Đài Loan nhận giải này.
"Đó là ngày tôi không thể quên được. Buổi sáng, tôi bắt đầu mở cửa tiệm như bình thường, nhưng rất đông nhà báo, phóng viên nhiều đài tới ghi hình. Tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra", chị nhớ lại.
Sau khi nhận được tin báo "Hello Vietnam" đạt sao Michelin, chị Thu còn chưa mường tượng ra "giải thưởng này là gì, danh giá ra sao". Liên tiếp suốt mấy tháng sau đó, lượng khách tới ăn tăng đột biến. Chị ước tính 80% là khách Đài Loan. Nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ rất lâu để vào quán. Vì không đủ nhân lực phục vụ, chị phải nhờ thêm bạn bè thân thích tới hỗ trợ.
Chỉ một năm sau, nhà hàng tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu này. Đại diện văn phòng an toàn thực phẩm của thành phố thường xuyên lui tới nhà hàng để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến đảm bảo hay không.
"Họ hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình, chỉ cách làm đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn đảm bảo nguyên liệu tươi ngon, nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung. Khi nhà hàng bắt đầu có tiếng tăm, khoảng 6 tháng họ sẽ tới kiểm tra một lần", chị cho biết.
Thực đơn chính hiện vẫn xoay quanh các món chủ đạo như ngày đầu như bún đậu mắm tôm, bún chả nướng kiểu Hà Nội, bún nem rán, phở bò tái, bún lòng, bún móng giò, cùng một số món ăn vặt như nộm đu đủ, gỏi cuốn tôm, gỏi cuốn thịt heo, gỏi cuốn chay, nem rán. Mức giá các món từ 100 đến 300 Đài tệ (75.000 đồng - 230.000 đồng).
Nếu như ngày đầu, "Hello Vietnam" chủ yếu phục vụ người Việt lao động ở khu vực xung quanh, thì nay thu hút lượng lớn khách Đài Loan cũng như một số du khách nước ngoài. Để khách biết cách ăn bún đậu mắm tôm đúng chuẩn người Việt, chị Thu còn làm sẵn "tờ hướng dẫn". Chị tiết lộ, nem rán là một trong những món ăn được thực khách Đài Loan đặc biệt ưa chuộng.
Vào những ngày trong tuần, khi lượng khách thưa hơn, chị còn được các trường học tại địa phương mời tới nói chuyện cùng học sinh, sinh viên.
Với chị, mỗi chuyến đi không chỉ là cơ hội để bản thân chia sẻ những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực Việt Nam, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của chính quyền địa phương với người nước ngoài tới định cư. Để buổi trải nghiệm thu hút người nghe, chị chuẩn bị những bộ áo dài truyền thống, đội nón lá, mang theo nguyên liệu làm một số món ăn như gỏi tôm, hướng dẫn mọi người cách làm và thưởng thức.
Hơn 6 năm gây dựng và phát triển, đến nay, "Hello Vietnam" có được chỗ đứng nhất định trong lòng thực khách địa phương. Vào dịp lễ tết, khách có thể đông gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Và cũng từ khi nhận danh hiệu sao Michelin, chị Thu hạnh phúc khi được nhiều người biết tới hơn, doanh thu và lượng khách tăng khoảng 3 lần so với trước kia.
"Bản thân là người con xa xứ, tôi luôn mang trong mình niềm tự hào của người Việt, khát khao được cống hiến, quảng bá ẩm thực và văn hóa Việt bay cao bay xa để nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Tôi cũng hy vọng hai người con sẽ tiếp tục thay mẹ phát triển nhà hàng quy mô hơn nữa trong tương lai", chị Thu bộc bạch.