Chàng trai biến bánh kem thành lâu đài, nhà hát, có giá trăm triệu đồng
(Dân trí) - Từng theo học ngoại ngữ, Nguyễn Vũ Hoàng Anh nay là nghệ sĩ làm bánh danh tiếng, hợp tác cùng Gucci, Louis Vuitton… với những tác phẩm tinh xảo, có giá lên tới trăm triệu đồng.

Nguyễn Vũ Hoàng Anh (SN 1990) hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM, là chủ một thương hiệu chuyên cung cấp các mẫu bánh thiết kế đặc biệt theo yêu cầu.
Những chiếc bánh không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn mang đến những câu chuyện, giá trị văn hóa qua từng lát bánh ngọt ngào. Lấy cảm hứng từ lâu đài, các bức họa kinh điển thế giới... Hoàng Anh đã sáng tạo nên những chiếc bánh kem đậm chất nghệ thuật, ấn tượng.
Hành trình trở thành nghệ sĩ điêu khắc bánh
Nguyễn Vũ Hoàng Anh từng làm giám khảo MasterChef Việt Nam khi chỉ mới 23 tuổi, đào tạo học viên trong và ngoài nước, và hợp tác với nhiều thương hiệu quốc tế. Ngoài ra, chàng trai 9X cũng từng dẫn đầu hạng mục Buttercream (kem bơ) tại cuộc thi Cake Masters Awards (Nghệ nhân bánh ngọt quốc tế) - giải thưởng quốc tế quy tụ những nghệ sĩ làm bánh đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Thành công là vậy, nhưng ít ai ngờ, hành trình ấy lại bắt đầu từ... sự tò mò. Sau kỳ thi đại học năm 18 tuổi, Hoàng Anh tình cờ tiếp xúc với người hàng xóm yêu thích làm bánh. Ban đầu chỉ là những lần đi mua nguyên liệu, đứng xem làm bánh, nhưng dần dần, anh bắt đầu thử nghiệm.
"Tôi vốn không thích đồ ngọt, nhưng khi tự tay làm bánh và thấy người khác hạnh phúc khi nhận được món quà ấy, tôi đã bị cuốn hút", anh kể.

"Tôi làm bánh tặng cho bạn bè và gia đình. Họ ăn thấy thích thì lại muốn đặt thêm. Dần dần tôi mở cửa hàng chuyên bán bánh cupcake", Hoàng Anh chia sẻ.
Dù đã từng học chuyên ngành ngoại ngữ tại Đại học Hà Nội, nhưng niềm đam mê làm bánh đã lớn dần qua thời gian anh mài dũa tay nghề. Song song với việc học trên giảng đường, anh vẫn miệt mài làm bánh vào ban đêm và cộng tác viết bài hướng dẫn làm bánh cho các tờ báo như: Thiên thần nhỏ, Hoa học trò...
Dù đam mê ngày càng lớn, nhưng việc cân bằng giữa học tập và làm bánh không hề dễ dàng. Sau khi ra trường, anh quyết định gác tấm bằng đại học để theo đuổi con đường ít người đi - trở thành một người làm bánh chuyên nghiệp.
"Tôi nhận ra rằng, nếu muốn làm tốt một việc, tôi cần tập trung toàn bộ thời gian và công sức cho nó. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định dành trọn tâm huyết để theo đuổi đam mê làm bánh nghệ thuật", anh nói.
Anh bắt đầu với chiếc lò nướng đầu tiên - món quà người bố mua với giá gần 2 triệu đồng.
Từ gian bếp nhỏ ở nhà, nơi những chiếc bánh đầu tiên ra đời, đến việc sở hữu các studio bánh chuyên nghiệp ở Hà Nội và TPHCM, Nguyễn Vũ Hoàng Anh đã biến đam mê thành sự nghiệp, tạo nên những thiết kế bánh độc bản cho các dịp đặc biệt.

Hoàng Anh cho biết, giá của mỗi chiếc bánh phụ thuộc vào mức độ chi tiết và công sức thực hiện, dao động từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng.
Anh nổi tiếng với khả năng làm hoa tả thực - những bông hồng, mẫu đơn, tulip... có cánh mỏng trong suốt, sắc độ như thật. Tất cả được tạo nên từ fondant, giấy gạo, chocolate, hay gần đây nhất là kem sữa tươi - loại nguyên liệu cực khó để tạo hình chính xác.
Với bánh cưới, khách hàng thường cần đặt Hoàng Anh ít nhất 2 tuần, với những mẫu phức tạp hơn, có thể cần đến 3-4 tuần. Thời gian này đủ để anh lên ý tưởng, thiết kế, nghiên cứu các kỹ thuật và hoàn thiện mẫu bánh.
Tuy nổi tiếng trong giới làm bánh với những chiếc bánh cưới tinh xảo, điểm xuyết hoa đường nặn tay từng cánh một, anh vẫn không ngừng khám phá những kỹ thuật mới. Anh bắt đầu thử sức với phương pháp điêu khắc trên bánh, tạo ra những tác phẩm mang dáng dấp hội họa.
Không giống những kỹ thuật phổ biến thường thấy, điêu khắc trên bánh kem là một hướng đi hoàn toàn mới. Trên mạng, phần lớn các video hướng dẫn đều chỉ áp dụng kỹ thuật này trên thạch cao. Anh học quy trình, nắm cách tạo hình cơ bản, rồi tự mày mò điều chỉnh để phù hợp với chất liệu bánh và kem - những thứ mềm, dễ chảy và khó kiểm soát hơn nhiều.

Trước khi bắt tay vào sáng tạo, Hoàng Anh luôn hình dung sẵn hình ảnh cần tái hiện, từ kích thước, độ cong của từng cánh, đến lớp lang màu sắc và bố cục tổng thể.
Nếu một chiếc bánh thông thường chỉ mất khoảng 30-60 phút để trang trí, thì dòng bánh điêu khắc đòi hỏi việc đầu tư lớn về thời gian và cảm xúc. Mỗi tác phẩm cần từ 3 đến 4 tiếng để hoàn thiện, tùy thuộc vào độ chi tiết, tinh xảo và cả cảm hứng sáng tạo của người thợ.
Làm một chiếc bánh cưới nghệ thuật không đơn thuần là nướng bột và trang trí. "Một mẫu bánh cầu kỳ có thể mất từ 5 ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng để hoàn thiện.
Kỹ thuật có thể học được, nhưng điều làm nên khác biệt là khả năng quan sát. Bạn phải thật sự hiểu hình khối, kết cấu của từng chi tiết trong đời thực - từ cánh hoa, con vật đến những nếp gấp của vải thì mới có thể tái hiện chúng sống động trên mặt bánh", Hoàng Anh chia sẻ.


Các chi tiết như: Hoa, bánh chưng, hình người... đều được làm tỉ mỉ, tinh xảo như thật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một chiếc bánh có thể nặng cả chục ki-lô-gam, cao 2m
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, Hoàng Anh còn mang văn hóa Việt vào từng thiết kế. Một trong những tác phẩm khiến anh tự hào nhất là chiếc bánh lấy cảm hứng từ người phụ nữ Việt Nam mặc áo tứ thân, đội nón quai thao giữa đồng lúa.
"Tôi từng mải mê tìm kiếm cảm hứng phương Tây, nhưng rồi nhận ra, quê hương mình có quá nhiều vẻ đẹp chưa được khai thác", Hoàng Anh bộc bạch.
Hơn 16 năm theo nghề, anh đã hợp tác với các thương hiệu lớn như: Gucci, Louis Vuitton, Uniqlo, Vietnam Airlines, L'Officiel, Heritage... Anh cũng là người đứng sau chiếc bánh nghệ thuật xuất hiện trong bộ phim điện ảnh Gái già lắm chiêu 3 và nhiều lễ cưới xa hoa tại khách sạn 5 sao trên cả nước.
"Mỗi dự án đều mang đến những trải nghiệm mới mẻ và thử thách khác nhau, giúp tôi không ngừng mở rộng phạm vi sáng tạo và hoàn thiện tay nghề", chàng trai 9x nói.
Hoàng Anh cũng cho biết, nhu cầu của thương hiệu đối với dòng bánh nghệ thuật này khá cao. Họ thường tìm đến anh để đặt bánh mô phỏng sản phẩm hoặc cho các sự kiện tri ân khách hàng.


Chiếc bánh mô phỏng Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh phải) là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của Hoàng Anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một trong những điểm đặc biệt làm nên tên tuổi Nguyễn Vũ Hoàng Anh là khả năng tạo hình công trình kiến trúc và hoa trên bánh cưới. Từ fondant, chocolate đến kem sữa tươi, anh có thể biến nguyên liệu thành những bông hoa sống động, những chi tiết phức tạp hay cả… nhà hát.
Chiếc bánh mô phỏng Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những tác phẩm đặc biệt nhất mà Hoàng Anh từng thực hiện. Đây là đơn đặt hàng cho một sự kiện riêng tư của thương hiệu Gucci, với yêu cầu khắt khe về thiết kế: Tái hiện công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố một cách chân thực nhất, từ hệ cột trụ, mái vòm cho đến những mảng phù điêu cổ điển.
Để có được dữ liệu chính xác, Hoàng Anh và đội ngũ của mình đã dành nhiều ngày khảo sát khu vực xung quanh nhà hát, ghi lại từng chi tiết nhỏ nhất có thể quan sát được.
Có hôm, dù trời đã khuya, nhưng vì không tìm được hình ảnh phù hợp để mô phỏng các ô cửa bên hông nhà hát, Hoàng Anh vẫn quyết định quay lại hiện trường, tự chụp ảnh, ghi chú để đảm bảo độ chính xác.
"Tôi và đội ngũ đã phải nghiên cứu rất kỹ tài liệu, đến tận nơi quan sát từng đường nét, sau đó mô phỏng lại bằng kỹ thuật điêu khắc bánh. Đó là một thử thách cực kỳ lớn, nhưng cũng là khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp", anh chia sẻ.

Một chiếc bánh đẹp như tác phẩm nghệ thuật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một điểm đặc biệt nữa trong phong cách của Hoàng Anh là không bao giờ lặp lại thiết kế đã từng thực hiện.
"Tôi xem mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Khi tác phẩm đã hoàn thành, tôi muốn hướng đến những thiết kế mới, trải nghiệm sáng tạo mới, thay vì đi lại lối mòn", anh khẳng định.
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận rằng, không phải lúc nào điều này cũng phù hợp với thị trường. Có những khách hàng muốn đặt đúng mẫu cũ, vì với họ, thiết kế đó đã hoàn hảo. Trong trường hợp này, anh vẫn chiều theo yêu cầu, nhưng luôn cố gắng thêm những điểm nhấn riêng để tạo sự khác biệt.
Chính bởi sự cầu kỳ và tính cá nhân hóa cao, giá thành của một chiếc bánh cưới nghệ thuật có thể lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí cao hơn.
Đặc biệt, với những mẫu bánh độc quyền được khách hàng yêu cầu ký cam kết không sao chép thiết kế, có thể giá lên tới cả trăm triệu đồng.

Những tác phẩm do học viên thực hiện, được làm từ đường và bảo quản trong điều kiện phòng mát, khô ráo, hiện được Hoàng Anh lưu giữ như những kỷ niệm đáng quý.
Đằng sau mỗi chiếc bánh nghệ thuật là hàng giờ lao động. Có những chiếc bánh cưới mất vài tuần, vài tháng mới hoàn thành. Chúng được thiết kế trên khung chịu lực đặc biệt, trụ sắt, đế gỗ để đảm bảo cấu trúc, và mọi chi tiết đều được tạo thủ công bằng tay.
Bên cạnh đó, anh cũng lưu ý đến yếu tố an toàn thực phẩm, đảm bảo các vật liệu gia cố không tiếp xúc trực tiếp với phần bánh ăn được.
Hoàng Anh cho biết, nếu bánh được làm từ bông lan với kem tươi hoặc nhân trái cây, thời gian sử dụng tốt nhất là trong vòng 2-3 ngày. Trong trường hợp cần trưng bày lâu dài, bánh có thể được bảo quản trong phòng lạnh với độ ẩm thấp để tránh làm chảy đường.
"Một số khách hàng muốn giữ bánh lâu hơn hoặc chỉ dùng để chụp hình, trong những trường hợp này, phần cốt bánh bên trong có thể được thay bằng khối xốp để giữ nguyên hình dáng mà không lo hư hỏng", Hoàng Anh nói.
Nguyễn Vũ Hoàng Anh chia sẻ câu chuyện về con đường trở thành nghệ nhân điêu khắc bánh (Video: Nguyễn Hà Nam).
Ngoài công việc sáng tạo, Nguyễn Vũ Hoàng Anh còn mở lớp đào tạo nghệ nhân trong và ngoài nước. Anh giảng dạy từ cơ bản đến nâng cao: Từ hoa kem bơ, fondant, đến hoa chocolate và đặc biệt là kỹ thuật với kem sữa tươi - xu hướng đang lên của ngành bánh nghệ thuật.
Anh cũng từng giảng dạy ở nhiều nước châu Á. Dù ở đâu, anh vẫn giữ nguyên tắc: dạy kỹ thuật ứng dụng cao, đảm bảo học viên có thể hành nghề sau khóa học.
"Mỗi người học làm bánh đều có một lý do: người vì đam mê, người vì muốn mưu sinh. Tôi muốn giúp họ đi xa hơn, biến đam mê thành công việc có giá trị, có tự do và cả niềm vui", anh chia sẻ.