DNews

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt

Hạnh Linh

(Dân trí) - Sự kiện 14 cô gái lần đầu tiên bắn rơi máy bay bằng súng bộ binh nhanh chóng thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Đoàn báo chí các nước đã phỏng vấn, trong đó có cả phóng viên của Mỹ.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt

Các "O du kích" bắn rơi 3 máy bay Mỹ

Chiến tranh đã lùi xa, 14 cô gái thuộc Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa năm xưa nay chỉ còn 11 người. 6 người sinh sống xa quê, 5 người đang ở tại thôn Hoa Trung, xã Hoa Lộc.

Những cô gái đôi mươi năm ấy, giờ đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", trở thành các bà, các cụ. Nhưng họ vẫn nhớ như in những ngày tháng đánh giặc gian khổ mà hào hùng ở trận địa Đông Ngàn, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 1

"Quyết tâm thư" của Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc (Ảnh: Hạnh Linh).

Giai đoạn 1965-1967, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở Việt Nam. Chúng leo thang đánh phá miền Bắc bằng hải quân và không quân. Địch bắn phá nhà cửa, làng mạc, kho thóc và một số tuyến đường vận chuyển huyết mạch của ta như kênh De (Hậu Lộc), phà Thắm (Nga Sơn), cầu Lèn (Hà Trung), đường 5 (nay là đường 10, thuộc huyện Hậu Lộc)…

Trước tình hình đó, nhận lệnh cấp trên, ngày 1/6/1967, tại cánh đồng Đông Ngàn, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, Trung đội nữ dân quân gái Hoa Lộc được thành lập gồm 14 cô gái ở độ tuổi 18, đôi mươi.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã viết "Quyết tâm thư", với lý tưởng "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" rồi rời ghế nhà trường, cầm súng bảo vệ quê hương. Trung đội được giao 3 khẩu súng bộ binh để bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường sông, đường biển quan trọng từ Bắc vào Nam.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 2

Bà Hoàng Thị Mợi, Trung đội trưởng Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhớ lại những tháng ngày vượt khó, bám chốt trực chiến, bà Hoàng Thị Mợi (76 tuổi), Trung đội trưởng Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, cho biết chưa đầy một tuần tập huấn, ngày 16/6/1967, không quân Mỹ điều 4 chiếc A4D thả 6 quả bom xuống khu vực phà Thắm.

Khi chúng tiến lên đánh kênh De (huyện Hậu Lộc), Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã kịp thời vào vị trí chiến đấu, đồng loạt khai hỏa, nã 21 viên đạn về phía máy bay địch. Thấy chiếc máy bay bốc cháy nghi ngút, tốp còn lại quay đầu ra biển.

"Chúng tôi không nghĩ đã bắn rơi máy bay. Tối đến, Đài tiếng nói Việt Nam phát tin: Từ đài quan sát của ta ở đảo Nẹ, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc đã hạ gục chiếc máy bay A4D. Nghe đến đây, chúng tôi mừng lắm, ôm chặt lấy nhau", bà Mợi hồi tưởng.

Sau lần bắn rơi máy bay này, 14 cô gái được Bác Hồ gửi thư khen, tặng mỗi thành viên một huy hiệu của Người. Trung đội cũng được trang bị thêm 3 khẩu súng phòng không 14,5 ly.

Ngày 2/11/1967, địch ném bom khu vực kênh De, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã bắn rơi chiếc F4. Đây là chiếc thứ 2 do Trung đội dân quân gái Hoa Lộc bắn hạ. Sau đó, Mỹ giảm tấn công ra miền Bắc. Thời gian này, chị em vừa trực chiến vừa tham gia sản xuất, nuôi lợn, trồng lúa.

Năm 1972, Mỹ thực hiện kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" điên cuồng cho máy bay ném bom đánh phá miền Bắc lần thứ 2.

"Ngày 30/7/1972, địch dùng máy bay tấn công ồ ạt. Nhận lệnh, chúng tôi vào vị trí chiến đấu. Đến 16h cùng ngày, 14 chị em đã bắn rơi chiếc máy bay của Mỹ", bà Mợi tự hào kể.

Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và lao động sản xuất, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì. Ngày 3/9/1973, Trung đội vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lời hẹn sau hòa bình của phóng viên Mỹ

Sự kiện hiếm có về 14 cô gái lần đầu tiên bắn rơi máy bay bằng súng bộ binh (loại vũ khí được thiết kế cho các chiến sĩ bộ binh, dân quân tự vệ chiến đấu trên mặt đất). Đây là loại vũ khí có sức sát thương cao. nhanh chóng thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Đoàn báo chí các nước đã phỏng vấn, trong đó có cả phóng viên của Mỹ.

"Một phóng viên hỏi "các chị nhỏ bé và không sợ chết hay sao lại cầm súng chiến đấu"? Tôi trả lời dứt khoát "chúng tôi không sợ chết". Thanh xuân chỉ có một lần, phải cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Khi đất nước bị xâm lăng, phải đánh, không đánh là mất nước", bà Mợi kể bằng giọng kiên định.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 3

Những "O du kích" nhỏ khiến máy bay địch khiếp sợ (Ảnh tư liệu).

Theo Trung đội trưởng Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, ngày ấy nghèo, đói, các chị em ăn khoai, sắn để chiến đấu. Nhiều đoàn báo chí về thăm, Trung đội mang khoai ra trận địa luộc đãi khách.

"Trong một lần dùng khoai luộc mời phóng viên ăn, một phóng viên Mỹ, nói: "Rất buồn khi đế quốc của chúng tôi ném bom xuống Việt Nam. Sau này hòa bình, tôi sẽ trở lại Việt Nam thăm các chị...". Dù chưa có dịp gặp lại, lời hứa ấy vẫn in đậm trong ký ức của tôi", bà Mợi kể.

Được báo chí đưa tin, 14 cô gái trong đội dân quân xã Hoa Lộc đã trở thành "biểu tượng sống" trong phong trào toàn dân đánh giặc. Hưởng ứng "Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua sản xuất, chiến đấu giỏi lan rộng khắp mọi miền.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 4

Những "O du kích" năm nào giờ đã thành các bà, các cụ (Ảnh: Hạnh Linh).

Biết tin những "bông hồng thép" anh dũng bắn rơi máy bay, các chiến sỹ ở tiền tuyến đã gửi thư về động viên, hỏi thăm. "Nhận được thư, lời nhắn của các anh, chị em, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Chúng tôi hứa với nhau, chỉ yêu, lấy bộ đội. Thế rồi cả 14 chị em đều nên duyên với bộ đội", bà Mợi vui vẻ chia sẻ.

Nữ du kích Việt khiến hội trường quốc tế vỗ tay không ngớt

Sau chiến công vang dội ở trận địa Đông Ngàn, "O du kích" Hoàng Thị Mợi được sang các quốc gia như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Chile,… tuyên truyền về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Bà cùng đoàn tuyên truyền mong muốn thế giới ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ.

Bà Trịnh Thị Cần (78 tuổi), Trung đội phó Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, kể: "Tại Liên Xô năm 1968, phóng viên đã hỏi tôi "Làm thế nào mà phụ nữ Việt Nam có thể bắn rơi được máy bay?".

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 5

Bà Trịnh Thị Cần, Trung đội phó Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Ảnh: Hạnh Linh).

Tôi tự hào trả lời: Tinh thần chống giặc ngoại xâm khiến những người phụ nữ chân yếu, tay mềm bắn rơi máy bay. Ở Việt Nam, việc hạ gục máy bay là bình thường, ai cũng có thể bắn rơi nó. Tôi vừa dứt lời, hội trường dậy lên tràng pháo tay, đầy cảm phục".

Năm 1971, Đoàn thanh niên Dân chủ thế giới cử một phái đoàn quốc tế sang thăm Việt Nam nhằm thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Nhân chuyến thăm, phái đoàn quốc tế đến giao lưu với Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc.

"Đến thăm trận địa Đông Ngàn, một lãnh đạo trong đoàn yêu cầu tôi thực hiện việc ngắm bắn ở cự ly gần, xa,… Thực hiện xong, họ khen phụ nữ Việt Nam giỏi, rồi đến bắt tay và mời tôi đi dự mít tinh ở Chile", xạ thủ Nguyễn Thị Thứ (78 tuổi) kể lại.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 6

3 chòi trực chiến được tái hiện lại ở di tích trận địa Đông Ngàn (Ảnh: Hạnh Linh).

Tại Chile, Đoàn thanh niên Dân chủ thế giới đã thông qua chiến dịch toàn cầu mang tên "Thanh niên tố cáo chủ nghĩa đế quốc" để phản đối hành động can thiệp, xâm lược của thế lực đế quốc, đặc biệt là Mỹ, đối với các quốc gia đang đấu tranh giành độc lập, chủ quyền.

"Trưa 30/4/1975, nhận tin đất nước hoàn toàn giải phóng, chị em chúng tôi phấn khởi lắm. Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc tự hào khi góp một phần sức lực của mình, đưa đất nước đến ngày thống nhất", bà Thứ chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết, ngày 30/4, Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Các nữ du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh khiến thế giới sửng sốt - 7

Khu di tích được xây trên phần đất của trận địa Đông Ngàn năm xưa, với diện tích 1,2ha. Khu di tích được phục dựng đầy đủ ụ pháo, giao thông hào, hầm chữ A, nhà truyền thống, tượng đài nữ dân quân,… nơi đây, lưu giữ hình ảnh, hiện vật gắn với những năm tháng chiến đấu oanh liệt, bảo vệ quê hương của Trung đội nữ dân quân gái xã Hoa Lộc.

Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là "địa chỉ đỏ", giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân.