DNews

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang

Thanh Tùng

(Dân trí) - "Chị em ăn chung một nồi, ngủ chung một chỗ, nhưng tất cả đã hy sinh, chỉ còn lại mình tôi. Mỗi lần thăm lại hang Co Phương, tôi nhớ mọi người và khóc rất nhiều", cụ Ngọt rưng rưng nước mắt, nhớ lại.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang

Ký ức trận đánh bom kinh hoàng

Những ngày tháng 4, ký ức về trận đánh bom cách đây 72 năm, khiến 11 đồng đội hy sinh trong hang Co Phương (hay còn gọi hang Co Phường, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa), lại ùa về trong tâm trí cụ Nguyễn Thị Ngọt (92 tuổi, quê xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa).

"Cả đời này tôi không thể nào quên được nỗi ám ảnh về trận bom năm ấy. Chỉ trong chốc lát, 11 đồng đội của tôi đã hy sinh trong hang đá. Cứ nghĩ đến, tôi lại đau xót vô cùng", cụ Ngọt nói.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang - 1

Cụ Nguyễn Thị Ngọt, cựu nữ dân công quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Cụ kể, đầu năm 1953, hưởng ứng lời kêu gọi "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng quân Pháp", hàng triệu lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên cả nước đã lên đường nhập ngũ. Trong đó có cụ và hàng chục thanh niên quê xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa đã lên đường làm nhiệm vụ.

Rằm tháng Giêng năm 1953, cụ cùng chú ruột và hai anh rể sang xã Thiệu Viên (huyện Thiệu Hóa) học nội quy. Sau đó cùng đoàn dân công từ huyện Thiệu Hóa mang theo quân tư trang và lương thực lên khu vực giáp ranh giữa Hòa Bình và Thanh Hóa để tiếp tế cho bộ đội.

Đơn vị công tác của cụ lúc ấy là Tiểu đội 1, Trung đội 1. Cả đoàn có hàng chục thanh niên khỏe mạnh. Họ chủ yếu di chuyển vào ban đêm, còn ban ngày dựng lán trại ẩn nấp ở bìa rừng để tránh quân địch.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang - 2

Hang Co Phương (Ảnh: Thanh Tùng).

Sau 12 ngày đêm băng rừng, lội suối, cụ Ngọt và đồng đội nhận nhiệm vụ đầu tiên đi xây cầu tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sau khi hoàn thành, cụ cùng 12 người khác trong đoàn được điều động về xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa để tiếp tục làm cầu.

Khi về bản Sại, cụ là người nhỏ tuổi nhất trong đoàn nên được gọi với cái tên thân mật là "Út Ngọt". Ban đêm, cụ cùng các anh chị trong đơn vị chặt cây, đan rọ, vác đá đắp cầu. Còn ban ngày trú ẩn trong hang Co Phương rộng khoảng 20m2.

Hang Co Phương khi ấy không chỉ là nơi trú ngụ của lực lượng dân công mà còn là kho đạn và lương thực trung chuyển lên Tây Bắc. Do đó, khu vực này thường xuyên bị quân Pháp theo dõi và oanh tạc nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang - 3

Nơi tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại hang Co Phương (Ảnh: Thanh Tùng).

15h ngày 2/4/1953, 11 dân công hỏa tuyến (8 nữ, 3 nam, đều cùng quê xã Thiệu Nguyên) đang trú trong hang (cụ Ngọt ra ngoài rửa bát và xem người anh cùng quê đan rọ, cách cửa hang vài trăm mét) thì 6 máy bay Pháp bất ngờ quần thảo, oanh tạc và thả bom xuống bản Sại.

"Tiếng bom như xé toang bầu trời, mặt đất rung chuyển. Tôi và người anh vội hô nhau chạy tìm chỗ ẩn nấp. Khi quân địch rút đi, cả bản chìm trong đống đổ nát. Không thấy tung tích đồng đội, tôi chạy về cửa hang thì thấy đã bị đánh sập, 11 đồng đội hy sinh trong hang. Một người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu, nhưng cũng không qua khỏi", cụ Ngọt nghẹn ngào nhớ lại.

Ngày giỗ chung của 11 liệt sỹ hy sinh trong hang đá

Dù đã 72 năm trôi qua, cựu dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Ngọt vẫn không nguôi nỗi đau. "Chị em ăn chung một nồi, ngủ chung một chỗ, nhưng cuối cùng tất cả đã hy sinh, còn lại mình tôi. Mỗi lần thăm lại hang Co Phương, tôi nhớ mọi người và khóc rất nhiều", cụ nghẹn ngào chia sẻ.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang - 4

Cụ Ngọt nhớ lại giây phút quân địch ném bom vào bản Sại (Ảnh: Thanh Tùng).

Cụ kể tiếp, sau trận đánh bom kinh hoàng, cụ đi bộ hơn 10 ngày từ bản Sại về quê ở huyện Thiệu Hóa. Về đến nơi, cụ bất ngờ thấy gia đình đang tổ chức... đám tang cho mình.

"Ban ngày tôi trốn, ban đêm lội rừng để về. Mọi người chờ mãi không thấy tôi, tưởng tôi đã hy sinh nên làm đám tang. Khi về đến nhà, phải mất 7 ngày sau tôi mới dần bình tĩnh trở lại. Cảnh tượng hôm đó ám ảnh tôi cả đời", cụ chia sẻ.

Trở về quê được một thời gian, cụ Ngọt tiếp tục có 2 năm tham gia đoàn dân công ở chiến dịch Điện Biên phủ và các chiến dịch khác. Đến năm 23 tuổi, cụ về quê lập gia đình với một người đàn ông cùng quê.

Nhiều năm qua, cứ đến ngày 2/4, cụ cùng chính quyền địa phương lại lên hang Co Phương thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Nữ dân công duy nhất sống sót kể lại trận bom vùi lấp 11 người trong hang - 5

Bia tưởng niệm 11 liệt sỹ hy sinh tại hang Co Phương (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Hà Quang Lực, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Lệ, cho biết, ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích lịch sử hang Co Phương là Di tích cấp Quốc gia.

Theo ông Lực, trước kia từng có kế hoạch phá cửa hang để quy tập hài cốt các liệt sỹ. Tuy nhiên, sau khi họp bàn với thân nhân, quyết định cuối cùng là giữ nguyên hiện trạng hang và lấy ngày 2/4 hằng năm làm ngày giỗ chung.

"Nhiều năm nay, hang Co Phương trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ. Mỗi dịp tháng 4 và các ngày lễ lớn, nơi đây đón nhiều người đến dâng hương, tưởng nhớ các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc", ông Lực nói.