DNews

3 thế hệ chen chúc trong phòng trọ ở Hà Nội, làm 10 năm không mua nổi nhà

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Vợ chồng chị Hoa đã sống ở Hà Nội hơn 10 năm, tháng nào cũng cố gắng tiết kiệm để mua nhà. Tuy nhiên, cả gia đình vẫn phải sống chen chúc cùng mẹ chồng và con trai trong căn phòng trọ chỉ 20m2.

3 thế hệ chen chúc trong phòng trọ ở Hà Nội, làm 10 năm không mua nổi nhà

Mẹ chồng nàng dâu chung giường, vì không có chỗ ngủ

Trong căn phòng trọ rộng 20m2, vợ chồng anh Phạm Văn Huy (30 tuổi), chị Lê Thị Hoa (27 tuổi), con trai nhỏ 5 tháng tuổi và mẹ chồng, cùng nhau chia sẻ không gian sống chật chội giữa lòng Hà Nội.

Căn phòng vừa là nơi nghỉ ngơi, vừa là nơi sinh hoạt chung của ba thế hệ, mọi hoạt động từ ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra tại đây.

Chị Hoa và anh Huy là dân tỉnh lẻ, lên Hà Nội học đại học rồi bám trụ lại lập nghiệp. Nhờ cùng nghề nên anh chị bén duyên và kết hôn. Một năm sau, họ chào đón đứa con trai đầu lòng. Công việc bận rộn, không có thời gian chăm sóc vợ mới sinh, anh Huy phải nhờ mẹ ở quê lên chăm.

Bốn người trong gia đình chen chúc nhau trong căn phòng trọ anh thuê từ ngày mới ra trường. Cuộc sống gặp nhiều bất tiện, cả căn phòng chỉ có một chiếc giường, kê thêm tủ quần áo cho vợ chồng, đồ dùng cho con mới sinh còn thừa lại khoảng trống tầm 1m2. 

Mẹ chồng lên trông cháu, tuổi già không thể để bà nằm đất nên anh Huy xếp mẹ ngủ trên giường cùng vợ và con trai. Về phần mình, anh Huy trải chiếc chiếu nằm ngay sát cạnh giường.

"Đêm nào cũng xoay xở để ngủ, nhưng không tránh được những phiền toái vì quá chật chội", chị Hoa thở dài.

3 thế hệ chen chúc trong phòng trọ ở Hà Nội, làm 10 năm không mua nổi nhà - 1

Khu bếp chật hẹp trong phòng trọ của gia đình chị Hoa, anh Huy (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Như bao cặp vợ chồng trẻ khác, anh Huy và chị Hoa luôn mơ ước có một mái ấm riêng để cải thiện cuộc sống. Ngay từ khi kết hôn, cả hai đã lên kế hoạch tiết kiệm từng chút một, hy vọng sớm có thể mua được căn nhà để thoát khỏi cảnh sống trọ. Nhưng cuộc sống ở thành phố lớn không dễ dàng như họ nghĩ.

Sau đám cưới, hai vợ chồng tích góp được khoảng 400 triệu đồng, là số tiền mừng cưới và đi làm tiết kiệm bao năm.

Muốn có thêm chút để bớt vay mượn khi mua nhà nên cả hai gửi tiết kiệm lấy lãi.

Đau đầu nghĩ cách tiết kiệm mua nhà Hà Nội

Để thực hiện giấc mơ mua nhà Thủ đô, anh Huy cùng vợ lập ra một kế hoạch chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể. Với mức lương 30 triệu đồng của hai vợ chồng, mỗi tháng cố định anh chị gửi tiết kiệm 10 triệu đồng.

Số tiền còn lại là 20 triệu đồng, anh chị tính toán chi tiêu các khoản: Trả tiền phòng 3,5 triệu đồng, 5 triệu đồng tiền ăn, 2 triệu đồng tiền bỉm sữa, thuốc thang cho con... Nếu dư sẽ để dành tiết kiệm thêm.

Thay vì ăn hàng, anh Huy mang cơm đến công ty để đỡ tốn ngày 40.000-50.000 đồng ăn trưa. Quần áo của con trai mới sinh, cặp đôi đa phần xin lại của anh chị em trong nhà và đồng nghiệp. Chị Hoa cả năm không dám mua bộ đồ mới, bữa cơm trong nhà chỉ dao động 60.000-80.000 đồng cho 3 người.

3 thế hệ chen chúc trong phòng trọ ở Hà Nội, làm 10 năm không mua nổi nhà - 2

Dù đã cố gắng nhưng từ ngày có con nhỏ, các khoản chi trong nhà chị Hoa, anh Huy, luôn vượt mức thu (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Hai vợ chồng trẻ chắt bóp từng đồng với hi vọng cuối năm nay có thể tiết kiệm được 1 tỷ đồng, kèm vay mượn để mua một căn hộ nhỏ.

Tuy nhiên, mọi thứ đảo lộn khi giá nhà tại Hà Nội tăng vọt một cách chóng mặt. Căn nhà vợ chồng anh Huy từng xem giá 1,7 tỷ đồng vào năm 2023 giờ đã lên 2,8 tỷ đồng. 

Chung cư ngoại thành cách trung tâm Hà Nội 15-20km tại khu vực: Hoài Đức, Long Biên, Nam Từ Liêm, dao động 40 triệu đồng - 60 triệu đồng/m2. Những khu chung cư nội đô, có vị trí đắc địa như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai... có giá không dưới 90 triệu đồng/m2.

Trước áp lực giá nhà tăng cao, vợ chồng anh Huy đã cân nhắc phương án mua nhà ở ngoại thành, nhà cũ diện tích nhỏ để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, ngay cả phương án này cũng nhanh chóng bị loại bỏ khi giá nhà tại các khu vực này hiện cũng đã vượt xa khả năng tài chính của hai vợ chồng.

"Có những căn hộ không giấy tờ, cũ kỹ mà vẫn được rao bán 3 tỷ đồng. Một số căn chung cư xuống cấp, bong tróc, có tuổi đời hơn 20 năm nằm ở quận Cầu Giấy được chủ nhà rao bán hơn 60 triệu đồng/m2, thậm chí người chủ chia sẻ không có nhà để bán, vì khách thì đông mà căn hộ thì khan hiếm.

Lương tôi mỗi tháng 20 triệu đồng, vợ 10 triệu đồng, dù làm đơn vay ngân hàng cũng chỉ được 1 tỷ đồng, cộng với số tiền tiết kiệm tôi có trong tay, tất cả được 1,7 tỷ đồng. Nội ngoại hai bên đều làm nông nghiệp không thể giúp đỡ được kinh tế. Việc tính toán tiền mua nhà thật sự khiến vợ chồng tôi đau đầu, khổ sở", anh Huy nói.

Chật vật ở Hà Nội

Dù đã cân nhắc nhiều phương án, nhưng tương lai có được một căn nhà riêng ở Hà Nội dường như ngày càng xa vời với vợ chồng anh Huy.

Anh Huy nhẩm tính, với mức lương hiện tại cộng thêm khoản tích lũy, hai vợ chồng anh cũng phải mất khoảng... 20 năm nữa mới đủ tiền mua một căn nhà 3 tỷ đồng.

Từ ngày có con, chị Hoa nghỉ thai sản, một mình anh Huy đi làm chỉ đủ tiêu, chẳng thể tiết kiệm được nghìn nào. 

Thi thoảng con ốm, hay nhà có đám đình phải đi mừng, trả nợ, có tháng còn phải đi vay mới đủ sinh hoạt, nhưng giá nhà cứ tăng mãi không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Anh Huy nhiều lần nghĩ đến việc cho vợ con về quê, nhưng điều này khó thực hiện, khi bố mẹ anh đang chung nhà cùng anh trai, chị dâu và hai đứa cháu.

Không chỉ gặp khó khăn tài chính, cuộc sống chật chội thuê trọ ở Hà Nội còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cả gia đình anh chị.

3 thế hệ chen chúc trong phòng trọ ở Hà Nội, làm 10 năm không mua nổi nhà - 3

Để tiết kiệm mỗi lần mua bán chị Hoa đều ghi lại, nếu khoản nào đội lên quá nhiều sẽ phải giảm bớt vào tháng sau (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Mẹ chồng chị Hoa vốn quen với cuộc sống thôn quê yên bình, giờ phải sống chen chúc trong không gian chật hẹp tại Hà Nội. Bà ít khi ra ngoài vì không biết đường phố và cũng không quen thuộc với nhịp sống thành thị.

"Mẹ chồng tôi buồn lắm, cả ngày chỉ loanh quanh trong nhà. Chợ thì xa, bà cũng không biết đường đi chỉ có thể ở nhà ôm cháu", chị Hoa kể lại.

Ngay cả việc bật điều hòa trong phòng cũng trở thành vấn đề của gia đình: "Bật điều hòa thì bà ốm, mà không bật thì con nhỏ khóc cả đêm", chị Hoa nói.

Không gian sống chung giữa ba thế hệ càng khiến những xung đột nhỏ nhặt hàng ngày trở nên phức tạp hơn. Việc chăm con, nấu nướng hay dọn dẹp nhà cửa dễ dàng trở thành nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Cặp vợ chồng trẻ nhiều lần lục đục, cãi cọ.

"Đôi khi chỉ vì một chút chuyện nhỏ cũng khiến không khí gia đình căng thẳng, u ám", chị Hoa thở dài thổ lộ.

Không mua được nhà, vợ chồng anh Huy, chị Hoa, cũng tính chuyện ra thuê nhà trọ rộng hơn, nhưng giá nhà trọ cũng tăng. Nếu thuê một căn hộ thoải mái để cả 3 thế hệ sinh hoạt cũng lên tới 7-8 triệu đồng ở vị trí xa cơ quan, khu vực trung tâm giá 9-12 triệu đồng, tương đương tiền một căn hộ trả góp ngân hàng.

Chưa tìm được cách giải quyết, vợ chồng anh Huy, chị Hoa, đành chấp nhận chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp.

Chị Hoa mong sớm quay trở lại làm việc, tiết kiệm thêm chút tiền để mua được nhà, thoát cảnh con dâu mẹ chồng chung giường, chồng ngủ nền đất.

Theo CBRE Việt Nam, quý III, giá chung cư tại Hà Nội tăng ở cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư đạt 64 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì) - lần lượt tăng 8,7% và tăng 26% theo năm.

Savills Việt Nam cũng công bố mức giá sơ cấp chung cư Hà Nội đạt khoảng 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm.

Giá chung cư thứ cấp quý III cũng lên mức trung bình 46 triệu đồng/m2, tăng 26% chỉ sau một năm.