Hướng dẫn cách góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng VNeID
(Dân trí) - Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn đọc cách thức tham gia góp ý sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID.

Chiều 5/5, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 452/452 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Từ nay đến hết ngày 29/5, người dân có thể tham gia góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách thức thực hiện điều này.
Điều kiện để tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng VNeID
Để tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, đầu tiên người dùng cần phải cập nhật ứng dụng VNeID trên smartphone lên phiên bản mới nhất. Thông thường, các ứng dụng trên điện thoại sẽ tự động được cập nhật khi có phiên bản mới, do vậy bạn có thể bỏ qua bước này.
Ngoài ra, người dùng cần phải đăng ký tài khoản định danh mức 2. Mặc định, khi người dân làm thẻ Căn cước công dân (CCCD) và đăng ký tài khoản VNeID sẽ tương ứng với tài khoản định danh mức 1.
Để kiểm tra tài khoản của mình đang định danh mức 1 hay mức 2, người dùng đăng nhập vào tài khoản VNeID trên smartphone, thông tin về tài khoản định danh sẽ được hiển thị ngay trên ứng dụng.

Thông tin về tài khoản định danh mức 1 hoặc 2 sẽ được hiển thị ngay trên ứng dụng VNeID (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, công dân không thể tự đăng ký tài khoản mức 2, mà phải đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để đăng ký.
Khi đi đăng ký tài khoản định danh điện tử cấp độ 2, người dân cần xuất trình thẻ CCCD, cung cấp thông tin về số điện thoại… Ngoài ra, công dân cũng có thể xuất trình giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm... để được tích hợp thông tin vào tài khoản định danh cấp độ 2 nếu muốn.
Cơ quan quản lý sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID, tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Đối với các trường hợp CCCD gắn chip được cấp sau 1/4/2022 thì đã được đăng ký sẵn tài khoản định danh điện tử mức 2 khi đi làm CCCD gắn chip. Tuy nhiên, người dân cần phải tải ứng dụng VNeID để kích hoạt tài khoản.
Các bước tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng VNeID
Sau khi cập nhật ứng dụng VNeID lên phiên bản mới nhất và tài khoản định danh điện tử mức 2 đã được kích hoạt, bạn đọc có thể thực hiện theo các bước sau để tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua ứng dụng VNeID.
- Kích hoạt ứng dụng VNeID trên smartphone và đăng nhập vào ứng dụng.
- Sau khi đăng nhập ứng dụng, nhấn vào mục "Tiện ích: Lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID" trên giao diện chính.
Nhấn tiếp vào biểu tượng "Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" tại giao diện hiện ra.

- Bước tiếp theo, bạn nhấn nút "Đọc" để xem rõ nội dung của những sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trong Hiến pháp.
Sau khi đọc kỹ nội dung, bạn kéo xuống phía dưới, nhấn nút "Tán thành" nếu đồng ý với những sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp không tán thành, bạn nhấn nút "Không tán thành" và nhập thêm ý kiến đóng góp để bổ sung và sửa đổi Hiến pháp.

Sau khi chọn "Tán thành" hoặc "Không tán thành" và điền nội dung kiến nghị, bạn nhấn nút "Lưu" và nhấn nút "Đóng" tại hộp thoại hiện ra.

Quay trở lại giao diện đọc nội dung Hiến pháp, bạn kéo lên trên, nhấn vào menu để chọn và tiếp tục đọc nội dung sửa đổi của những điều, khoản khác trong Hiến pháp 2013.
Sau khi đọc kỹ các nội dung sửa đổi này, bạn tiếp tục nhấn "Tán thành" hoặc "Không tán thành" và nhập nội dung kiến nghị, góp ý như đã hướng dẫn ở trên.

Người dùng tiếp tục thực hiện các bước như trên cho đến khi hoàn tất "Tán thành" hoặc "Không tán thành" (kèm theo ý kiến đóng góp) tất cả các nội dung sửa đổi những điều trong Hiến pháp 2013.
Cách gửi kiến nghị, góp ý sửa đổi các Điều khác trong Hiến pháp; góp ý Kỹ thuật lập Hiến
Trong trường hợp bạn muốn gửi kiến nghị, góp ý để sửa đổi thêm các Điều, Khoản khác trong Hiến pháp hoặc muốn góp ý về kỹ thuật lập Hiến (cách soạn thảo và tổ chức nội dung của Hiến pháp sao cho dễ hiểu, logic, rõ ràng, phù hợp với thực tế xã hội và pháp luật…), bạn kích hoạt và đăng nhập vào ứng dụng VNeID.
Từ giao diện chính của VNeID, bạn nhấn vào mục "Tiện ích: Lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID" như đã hướng dẫn ở trên.
Nhấn tiếp vào biểu tượng "Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" tại giao diện hiện ra, sau đó chọn "Gửi góp ý".

Tiếp theo, bạn chọn "Góp ý điều khác" hoặc "Góp ý kỹ thuật lập Hiến", điền nội dung góp ý để chỉnh sửa các Điều, Khoản trong Hiến pháp.
Sau khi đã điền đầy đủ các nội dung góp ý, kéo xuống dưới, điền vào khung "Chức vụ/học vị" sau đó nhấn nút "Gửi" để gửi đi những kiến nghị, đóng góp của mình nhằm sửa đổi Hiến pháp.

Một hộp thoại sẽ được hiện ra để người dùng xem lại các nội dung góp ý của mình đã thực hiện thông qua VNeID. Nếu những nội dung này là chính xác, bạn nhấn nút "Gửi" tại hộp thoại này để hoàn tất quá trình góp ý, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.
Cuối cùng, một hộp thoại hiện ra thông báo cho người dùng được biết quá trình gửi đóng góp ý kiến để sửa đổi Hiến pháp 2013 đã thành công.

Quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân về sửa đổi Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID sẽ kéo dài đến hết ngày 29/5. Các ý kiến đóng góp của người dân thông qua VNeID sẽ được Bộ Công an tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung cho Chính phủ.