Tâm điểm
Đặng Hoàng Giang

"Vaccine" ngừa trầm cảm

Bệnh trầm cảm đã được nói đến từ lâu và phổ biến trong bất cứ xã hội nào. Theo thống kê của WHO, trung bình trên thế giới khoảng 15-20 người sẽ có một người từng gặp stress vượt ngưỡng trong vòng một năm trở lại, và cứ 5-6 người sẽ có một người đã bị trầm cảm ít nhất một lần trong cuộc đời mình. Đây là tỷ lệ rất cao. Vậy nhưng, cách ứng xử đúng với trầm cảm thì đang ở tỷ lệ rất thấp.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, chắc hẳn ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác cũng tương tự, 90% người trầm cảm không được trị liệu. 

Khi bước vào hành trình kéo dài hai năm với người trầm cảm để viết cuốn sách "Đại dương đen" - những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm, tôi từng cho rằng đây là công việc không quá khó khăn. Nhưng tôi đã nhầm. Quá trình chuyện trò của tôi với nhân vật có thể đứt quãng nhiều tháng, khi họ bị nhấn chìm trong một giai đoạn trầm cảm mới. Nhiều cuộc gặp bị hoãn vào phút cuối vì đêm trước họ thức trắng. Email của tôi có thể không được phản hồi nhiều tuần, bởi với họ, mở email ra vất vả giống như leo qua một quả núi…

Các nhân vật tôi tiếp xúc rất đa dạng, người trẻ nhất 18 tuổi, người lớn nhất 83 tuổi. Nhiều người là kỹ sư hoặc có bằng cấp cao, một số người làm công việc buôn bán nhỏ lẻ. Nói như vậy để thấy vấn đề trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi gia đình và tác động tới bất cứ ai. 

Cũng như bất cứ một căn bệnh nguy hiểm về thể chất nào đó mà con người gặp phải, trầm cảm có sức phá hủy rất lớn, nó có thể khiến người ta mất khả năng làm việc, chán nản mọi thứ và chính bản thân mình, dẫn đến sự suy sụp và rất nhiều trường hợp đã tìm đến sự giải thoát cuối cùng.

Các nghiên cứu chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến con người trầm cảm. Đầu tiên là cơ chế sinh học, nếu một đứa trẻ có mẹ hoặc bà của mình từng bị trầm cảm thì xác suất em đó gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần sẽ cao hơn nhiều so với bình thường. Nghĩa là trầm cảm đã xuất hiện ở thế hệ này thì dễ tái xuất hiện ở thế hệ sau. Nguyên nhân tiếp theo là tuổi thơ bất hạnh, một người hồi nhỏ thường xuyên bị đánh đập, hắt hủi, bỏ rơi thì lớn lên có nguy cơ tiềm ẩn mắc trầm cảm cao hơn. Và thứ ba là những vấn đề gây áp lực, stress của cuộc sống hiện tại.

Chúng ta hình dung khả năng chịu đựng của con người là một cái thùng. Với nhiều người, thùng của họ đã có khá nhiều khúc gỗ bên trong, có thể là khúc gỗ mang tên gen bất lợi, hay khúc gỗ mang tên là tuổi thơ bất hạnh. Khi cái thùng đã khá đầy, cuộc đời chỉ quẳng thêm vào một khúc gỗ nữa thôi, có thể là khúc gỗ mang tên thất nghiệp, thất tình, hay mất người thân, thì nước sẽ tràn ra ngoài. Hay nói cách khác, lúc đó rối loạn trầm cảm sẽ bùng nổ, bởi khả năng chịu đựng của người đó đã bị vượt ngưỡng.

Sức chịu đựng về tinh thần của con người là khác nhau và không phải là vô hạn. Về thể chất, chúng ta không bắt một đứa trẻ 10 tuổi mang 60 kg đi ngoài nắng 6 tiếng đồng hồ. Nhưng về tâm lý, tinh thần, nhiều em đang phải mang gánh nặng tương tự, có thể bắt nguồn từ không có tình yêu thương, hay không được quan tâm đúng cách trong gia đình, hoặc là áp lực học hành, bị bắt nạt ở nhà trường… Nhiều bậc cha mẹ vẫn bắt con em mình học hành vô độ và cho rằng điều đó "không làm sao cả". Họ không biết rằng như vậy là gây hại cho chính những người mà họ yêu thương nhất. 

Các bậc phụ huynh thường rất quan tâm đến sức khỏe thể chất của các con. Trời lạnh con mình có bị cảm sốt không? Trời nắng con có mất nước hay sốc nhiệt không? Nhưng nhiều người lại thiếu kiến thức để quan tâm đến sức khỏe tinh thần các con. Nhiều bố mẹ không để ý con em mình từ một đứa trẻ vui vẻ đã trở nên ủ rũ, chán nản và hay buồn bực, cáu giận. Không biết rằng con mình từ chỗ thích nghe nhạc, thích gặp bạn bè đã trở nên co mình lại, chán nản mọi thứ.

Khi một đứa trẻ có nhiều biểu hiện như cho mình là một kẻ vô dụng, không xứng đáng được yêu thương, trầm uất, có hành vi tự hại, và chúng kéo dài, thì xác suất cao là nó có rối loạn tâm lý, cần có sự can thiệp và điều chỉnh cuộc sống. Trước hết, các bậc phụ huynh cần tránh những cách hành xử độc hại với đứa trẻ, chẳng hạn như nói với các con rằng "vấn đề sẽ qua nhanh thôi". Càng không nên nói rằng "con phải cố gắng lên chứ, tại sao anh của con, chị của con, hay bạn bè làm được mà con lại không làm được". 

Cách hành xử đúng đắn là giảm đi những stress mà đứa trẻ đang có. Có thể tìm đến chuyên gia để đánh giá xem đứa trẻ có rối loạn tâm lý hay không, nếu có thì mức độ và cách can thiệp hợp lý nên như thế nào. Đây sẽ là một hành trình lâu dài của cha mẹ, chứ không thể coi là chuyện riêng của con.

Tương tự như vậy, một mặt nhà trường thường rất quan tâm đến sức khỏe thể chất của các em. Khi một học sinh bị ngộ độc thức ăn hay bị bỏ quên trên xe buýt thì nhà trường sẽ lập tức tìm hiểu xem ai là người chịu trách nhiệm, cách thức tổ chức ra sao để không lặp lại vấn đề. Sẽ có nhiều kiểm điểm, phân tích, đánh giá được đưa ra. Nhưng nếu một em học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần và có những hành động bột phát thì sao? Không chắc rằng sẽ có ai đứng ra nói rằng chúng ta đã thiếu sót ở đâu, cần lưu ý điều gì, cần làm gì để những chuyện như vậy không xảy ra nữa. Thậm chí, nhiều người còn sợ rằng thảo luận về việc này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường, hoặc coi đó là việc riêng của gia đình, không phải vấn đề của nhà trường. 

Rõ ràng tất cả cách hành xử đó đều là sai. Những người làm cha mẹ cũng như nhà trường cần lưu tâm đến sức khỏe tinh thần như lâu nay họ lưu tâm đến sức khỏe thể chất, chuyện ăn uống, cân nặng của trẻ. Các giáo viên phải được đào tạo hàng năm một số giờ nhất định về sức khỏe tinh thần của trẻ em. Nhà trường phải tạo ra được môi trường khuyến khích các em lên tiếng về vấn đề của bản thân mình cũng như vấn đề chúng quan sát thấy ở chúng bạn.

"Vaccine" ngừa trầm cảm tốt nhất cho một cá nhân là sức khỏe tinh thần của cha mẹ họ, là một tuổi thơ được yêu thương và cuộc sống cân bằng trước các áp lực của hiện tại. Một tuổi thơ thuận lợi là một tuổi thơ mà đứa trẻ được hỗ trợ để xây dựng năng lực cảm xúc và có gắn kết vững vàng với người chăm sóc mình để có thể thích nghi với nghịch cảnh khi nó xảy ra. Đó chính là sự dẻo dai, bền bỉ tinh thần, khả năng phục hồi (resilience) mà các nhà tâm lý học hay nói tới.

Tác giả: Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Ông là tác giả của nhiều bài viết và cuốn sách có ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội.