DMagazine

Muôn kiểu "rạch tay" vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống

(Dân trí) - Nhiều đứa trẻ vì những lý do khác nhau mà xem gia đình như gánh nặng, và dần bị stress, trầm cảm, thậm chí không muốn sống… vì chính cha mẹ ruột của mình.

Muôn kiểu "rạch tay" vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống

(Dân trí) - Nhiều đứa trẻ vì những lý do khác nhau mà xem gia đình như gánh nặng và dần bị trầm cảm, không muốn sống… vì chính cha mẹ ruột của mình.

Các bệnh lý tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng ở lứa tuổi học đường, có thể khởi phát sớm hơn so với những gì các bậc phụ huynh nghĩ. Khi các triệu chứng chưa xuất hiện nhiều, việc nhận biết để can thiệp kịp thời gặp rất nhiều khó khăn.

Cứ nghe tiếng mẹ là… stress

Hai năm nay, Quyên (tên đã thay đổi), học lớp 10 tại một trường ở TPHCM dần trở nên suy sụp tinh thần, chán nản cả trong học tập lẫn sinh hoạt. Nhiều đêm em mất ngủ, nằm trằn trọc rất lâu, đến sáng chỉ thiếp đi được vài lúc.

Hậu quả của việc này là buổi học hôm sau, cô bé kém tập trung chú ý, không theo kịp bài vở trên lớp. Học lực từ loại giỏi mà vì thế cũng sa sút nặng nề. Mãi đến khi phát hiện con có biểu hiện muốn chết, người mẹ mới tá hỏa nghĩ đến chuyện nhờ sự can thiệp từ y khoa.

Bác sĩ Lê Duy, làm việc tại một phòng khám chuyên về rối loạn giấc ngủ và stress tại TPHCM cho biết, thời điểm được gia đình đưa đi điều trị, Quyên có vẻ ngoài u sầu, mặc áo rộng mũ trùm kín đầu, luôn tìm cách che mặt, khác xa tâm lý thích chưng diện, thể hiện mình của các bạn cùng lứa tuổi.

Trong lúc thăm khám, cô bé thường xuyên không kìm được xúc động, thậm chí khóc thành tiếng. Kiểm tra ở phần tay, bác sĩ phát hiện có nhiều vết sẹo do tự rạch. Kể với bác sĩ, Quyên cho biết nhiều lần tự làm hại bản thân để cảm thấy dễ chịu hơn, có lúc muốn chết đi cho rồi, muốn lái xe máy tông vào xe tải ngược chiều để tự kết liễu…

Muôn kiểu rạch tay vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống - 1

Bác sĩ Lê Duy thăm khám cho một bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

"Trong quá trình khám, điều làm tôi ngạc nhiên là bệnh nhân thường xuyên tỏ vẻ căng thẳng khi mẹ mình góp ý hay lên tiếng. Đôi khi sự can thiệp của mẹ làm quá trình khám bị gián đoạn.

Sau khi trò chuyện, tôi thấy người mẹ có biểu hiện của rối loạn lo âu và qua khai thác, cả người bố của bé cũng có biểu hiện tương tự. Điều này gợi ý tình trạng sức khỏe tâm thần có thể mang yếu tố di truyền…" - bác sĩ Lê Duy chia sẻ.

Dù được bác sĩ tư vấn nên khám và điều trị, mẹ nữ sinh đã không đồng thuận. Trước việc có mặt và tác động của người thân làm tình trạng bệnh nhân tệ hơn, những lần sau đó bác sĩ yêu cầu nữ sinh hãy đi khám một mình. Lúc này, Quyên mới tâm sự, thời gian đi học ở trường gặp bạn bè thầy cô lại cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn ở nhà.

Cứ đến cuối tuần khi phải nghỉ học, ở nhà cả ngày với cha mẹ, em luôn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Em cảm thấy bối rối vì bố mẹ lo âu quá mức, làm xáo trộn không khí gia đình và làm bệnh nhân cảm thấy chính mình là gánh nặng.

Thời gian cả TPHCM giãn cách vì dịch Covid-19, sự ngột ngạt bí bách khi suốt ngày ở trong phòng cùng với không khí "u ám" của gia đình khiến triệu chứng trầm cảm của Quyên bùng phát nặng nề nhất.

Sau khi xác định cụ thể tình trạng, nữ sinh đã được cho điều trị 2 tháng với thuốc chống trầm cảm cũng như có sự tác động tâm lý từ bác sĩ. Nhờ vậy, các biểu hiện tinh thần cải thiện dần, bệnh nhân cảm thấy khá hơn, có năng lượng, ngủ được, học tập tương đối, xung động tự làm hại bản thân giảm đi.

Thay vì dùng dao rạch tay như trước, bây giờ mỗi lần căng thẳng quá mức, Quyên sẽ dùng ngón tay bấm vào mặt ngoài của cẳng tay để thấy thoải mái hơn.

"Tôi tư vấn cho bệnh nhân hiểu vai trò của mô hình gia đình liên quan đến tình trạng bệnh lý của em, động viên em tiếp tục điều trị cũng tư vấn các vấn đề học đường để em có khả năng ứng phó tốt hơn. Quá trình điều trị vẫn tiếp tục cho đến khi bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh" - bác sĩ nói.

Muôn kiểu rạch tay vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống - 2

"Thay vì dùng dao rạch tay như trước, bây giờ mỗi lần căng thẳng quá mức, Quyên sẽ dùng ngón tay bấm vào mặt ngoài của cẳng tay để thấy thoải mái hơn" (Ảnh minh họa: Internet).

Bi kịch bị so sánh với "con người ta"

Nữ sinh trên không phải là "bi kịch" duy nhất về những cô, cậu bé bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề, với nguyên nhân gây ra từ chính cha mẹ của mình.

Từ 3-4 năm nay, Trâm (15 tuổi, sống tại quận Bình Tân, TPHCM) thường xuyên bị cha mẹ so sánh với một em gái họ hàng bằng tuổi. Cũng là học sinh giỏi, tuy nhiên nếu các bài thi, kiểm tra hay kết quả học tập thấp hơn so với người em luôn nằm trong top 3 của trường, Trâm đều bị lời ra tiếng vào từ bố, mẹ và cả ông bà. Dù đa phần là lời phê bình chứ không có hành động đánh hay phạt, cô bé vẫn cảm thấy mình là người rất vô dụng, là gánh nặng cho gia đình và còn là nỗi xấu hổ trong họ hàng.

Vốn là người trầm tính, nhạy cảm, Trâm thường xuyên mất ngủ, bỏ ăn, sau đó là bỏ bê diện mạo không chăm sóc. Thời gian gần đây, nữ sinh bị tăng cân trầm trọng, bị gia đình phát hiện vài lần rạch tay bằng lưỡi lam nên đưa đi viện điều trị.

Trước mặt bác sĩ, bệnh nhân kể đã từng một lần uống thuốc tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời. Gần đây, biểu hiện trầm cảm kéo dài liên tục và nặng hơn, Trâm cũng bày tỏ ý định muốn bỏ học.

Trong suốt buổi khám, Trâm khóc liên tục. Mẹ và người bà cho biết đã nhận ra sai lầm, nên những tháng gần đây đã rút kinh nghiệm không còn so sánh. Tuy nhiên cô bé đã bị ám ảnh. Chỉ cần bài kiểm tra mất đi 0,5 điểm so với kỳ vọng, Quyên lại cảm thấy bản thân tệ hại, cảm giác mọi người xung quanh quay lưng đi với mình.

"Vì lý do nào đó, bệnh nhân không trở lại tái khám, nên bác sĩ không theo dõi được quá trình tiếp theo của em. Trong trường hợp này, yếu tố stress kéo dài tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần trên nền tính cách nhạy cảm" - bác sĩ Duy phân tích.

Muôn kiểu rạch tay vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống - 3

Theo bác sĩ Duy, một số trường hợp trẻ trầm cảm nặng hơn vì chính người lớn trong nhà cũng bị rối loạn lo âu quá mức (Ảnh minh họa: Bác sĩ cung cấp).

Việc xác định được yếu tố gây trầm cảm dẫu sao vẫn còn "may mắn", bởi có những trường hợp, tìm mãi vẫn không biết vì sao trẻ lại bị bệnh.

Như câu chuyện của Toàn (13 tuổi, tên đã thay đổi), đang học tại một trường cấp 2 ở TPHCM. Đưa con đi khám, người mẹ cho biết Toàn là con một trong nhà, học lực khá, đang tuổi dậy thì đột ngột trầm tính hẳn. Qua khai thác bệnh sử, gia đình bé hoàn toàn hòa thuận, không có vấn đề hay xích mích gì với bạn bè ở trường. Từ nhỏ, bé cũng được cưng chiều và có tuổi thơ rất êm đềm.

Khoảng một năm nay bé tự nhiên buồn bã, chán nản không rõ nguyên nhân. Bất ngờ nghe con nghĩ đến cái chết, mẹ hoảng hồn tìm trên mạng thì thấy bé có triệu chứng trầm cảm.

Trong quá trình khám, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm, ước đoán có thể là nội sinh (tự cơ thể sinh ra). Sau một tháng điều trị, bệnh nhân cải thiện hơn 50% triệu chứng và việc học cũng tốt hơn.

Từ kinh nghiệm thực tế điều trị, chuyên gia nhận định, trầm cảm nói chung và ở độ tuổi mới lớn nói riêng có thể xảy ra sau các bệnh lý cơ thể khác. Giả thuyết về bệnh lý trầm cảm hiện nay là đa nguyên nhân.

Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ thanh thiếu niên (hoặc nhỏ hơn) có thể chỉ chung chung như: mất ngủ, khó vào giấc ngủ, học hành sa sút, ăn kém ngon, cân nặng thay đổi thất thường, trở nên thu rút hơn…

Do đó bố mẹ nên để ý và quan tâm đến các biểu hiện của con, đưa đi khám nếu có nghi ngờ về bất kỳ sự bất thường nào. Việc thăm khám và phát hiện sớm rất có lợi cho việc điều trị, giúp cải thiện nhanh, phục hồi cao và đảm bảo được khả năng học tập phát triển của trẻ. Đồng thời, giúp tránh những hồi ức không đẹp về thời học đường khi trẻ trưởng thành.

Muôn kiểu rạch tay vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống - 4

Bố mẹ nên để ý và quan tâm đến các biểu hiện của con, đưa đi khám nếu có nghi ngờ về bất kỳ sự bất thường nào (Ảnh minh họa: Internet).

Bác sĩ Lê Duy cảnh báo, đến nay vẫn còn nhiều quan niệm là trầm cảm liên quan đến sự yếu đuối, tính kém thích nghi, thiếu nghị lực hay khả năng ứng phó, đương đầu với sự bất lợi từ cuộc sống của trẻ. Suy nghĩ sai lầm dẫn việc phụ huynh hay so sánh tiêu cực, rằng "thời của cha mẹ khó khăn thế này vẫn sống ổn, các em giờ đầy đủ lại không làm được". Việc so sánh này tạo tâm lý lơ là, thiếu quan tâm chăm sóc trẻ.

Từ chỗ thiếu kiến thức dẫn đến chính bệnh nhân cũng không nhìn ra triệu chứng của mình, mà lầm tưởng đó là khuyết điểm của bản thân. Như thấy mình lười biếng nhưng thật ra là do triệu chứng mất năng lượng, động lực, kém tập trung chú ý gây ra. Hay tự cho rằng mình là một người yếu đuối kém cỏi theo ý kiến mọi người, thay vì nghĩ đến triệu chứng tự ti, tự đổi lỗi bản thân trong bệnh trầm cảm…

"Hơn hết, trầm cảm nên được xem xét như là một bệnh lý và người trong giai đoạn điều trị cần được xem là người bệnh. Hành vi tự sát và tự sát thành công ở trẻ em không hiếm, nên tuyệt đối không được lơ là trong quá trình chăm sóc và hỗ trợ các em" - bác sĩ nhấn mạnh.

Chuyên gia nhìn nhận, việc phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện là một thách thức, không riêng gì với các nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả đối với các quốc gia có nền y học, giáo dục phát triển hàng đầu.

Nội dung: Hoàng Lê

Ảnh: Hoàng Lê, BSCC

Bài tiếp: Bi kịch nhiều cha mẹ trầm cảm nặng vì phát hiện có thói quen bạo hành con