(Dân trí) - Thấy dấu hiệu bất thường, bác sĩ cố đề nghị cô gái vén phần tay áo lên để kiểm tra. Dù đã chuẩn bị tinh thần, ông vẫn giật mình khi phát hiện hàng chục vết rạch dao lam chi chít.
Cánh tay đầy vết cắt dao lam và chuyện những người trẻ bị "quái vật" trầm cảm hành hạ
(Dân trí) - Thấy dấu hiệu bất thường, bác sĩ cố đề nghị nữ bệnh nhân vén phần tay áo lên để kiểm tra. Dù đã chuẩn bị tinh thần, ông vẫn giật mình khi phát hiện hàng chục vết rạch chi chít trên cánh tay cô gái.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc học sinh, sinh viên tự tử liên tiếp xảy ra. Ám ảnh nhất có lẽ là trường hợp nam sinh trường chuyên ở Hà Nội nhảy lầu cao chung cư trong sự bất lực của người cha chứng kiến. Trước khi mất, em để lại bức "tâm thư" bày tỏ những khó khăn, áp lực mình đang gặp phải. Đến ngày 4/4, một học sinh THCS khác rơi từ tầng 18 một chung cư ở quận Hà Đông (Hà Nội) tử vong.
Những câu chuyện đau lòng trên khiến dư luận giật mình nhận ra: sức khỏe tinh thần của lứa tuổi mới lớn đang là vấn đề báo động sau mùa dịch.
Đến gặp bác sĩ với đầy vết cắt dao lam
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TPHCM) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay lượng bệnh nhân gặp vấn đề về trầm cảm, rối loạn lo âu đến gặp ông có xu hướng tăng mạnh.
Trước đây, trung bình một tháng phòng khám chỉ có khoảng 80 bệnh nhân trầm cảm. Nhưng nay, có ngày trong một buổi sáng, bác sĩ đã khám đến 20 trường hợp. Thống kê trong tháng 2, bệnh nhân tìm đến cầu cứu là hơn 200 ca. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên tăng gấp đôi.
Đóng chặt cửa ngay sau khi bước vào phòng khám, Quyên (19 tuổi, tên đã thay đổi), nói với bác sĩ đang bị mất ngủ triền miên. Nhìn gương mặt xám xịt, uể oải của cô gái, bác sĩ hỏi ngay: "Còn trẻ lắm, sao lại mất ngủ, có gặp khó khăn gì ở gia đình, ở trường hay không?".
Thấy Quyên không nói gì mà chỉ cúi mặt muốn khóc, hai tay khép chặt, linh cảm của nhiều năm làm việc khiến người điều trị đề nghị nữ bệnh nhân vén tay áo lên để bác sĩ kiểm tra. Sau hai, ba lần đề nghị, cuối cùng cô gái cũng thực hiện. Dù đã chuẩn bị tinh thần, bác sĩ vẫn không khỏi giật mình khi phát hiện hàng chục vết rạch dao lam chi chít trên cổ tay cô gái.
"Nhiều trường hợp gặp vấn đề về tâm lý, trầm cảm lo âu nặng, tự dùng lưỡi lam để cắt tay làm mình bị thương, thậm chí để tự tử. Số khác đến khám trong tình trạng mất cảm xúc, khó nói chuyện, bác sĩ phải đặt câu hỏi từ từ bệnh nhân mới bật khóc trả lời. Khi bệnh nhân khóc xong sẽ như được giải tỏa, sẽ kể hết mọi uẩn khuất để được nhẹ lòng…" - bác sĩ Khuyên phân tích.
Suốt một tiếng đồng hồ ngồi ngoài ghế chờ đến lượt mình khám, Nhi (18 tuổi) sinh viên năm nhất một trường đại học ở TPHCM hầu như chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại. Đây cũng là thói quen cô gái tập và bị "nghiện" trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19. Bản thân cô cũng dần không thích tiếp xúc với những người bên cạnh, thậm chí với chính cha mẹ mình. Do đó, "thế giới ảo" là thứ mà Nhi chọn làm bạn.
Kể với phóng viên, cô gái tâm sự sau đợt phong tỏa kéo dài, vì kinh tế gia đình ảnh hưởng mạnh nên khi kết thúc giãn cách, cha mẹ cô tập trung làm việc kiếm tiền. Liên tục nhiều ngày, gần như cô chỉ thấy người thân vào sáng sớm và tối mịt sau khi về nhà, thậm chí cũng không giao tiếp gì với con.
Không biết từ khi nào, Nhi nảy sinh suy nghĩ rằng cha mẹ đã không còn thương mình nữa. Gần đây, cô liên tục thấy cô đơn, bị những người xung quanh xa lánh, thậm chí suy nghĩ muốn dọn ra ngoài sinh sống cứ dồn dập trong đầu. Lo sợ mình bị bệnh, cô đến gặp bác sĩ để mong được hỗ trợ tinh thần.
Bác sĩ Khuyên lý giải, dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên... khi đang từ trạng thái động chuyển sang trạng thái tĩnh. Từ chỗ được đến trường, trẻ phải học ở nhà, không được ra đường hay tiếp xúc bạn bè, quanh quẩn mãi trên chiếc máy tính, điện thoại học online. Việc thay đổi lối sống một cách đột ngột, lâu dần dẫn đến cảm xúc trầm buồn, lo lắng, bức bối. Điều này cũng có thể xảy ra với người lớn.
"Trong mùa dịch, đôi khi chúng ta nghe thông tin đánh nhau, cự cãi khi qua các chốt kiểm soát. Đây là hậu quả của việc bị thay đổi thói quen, lối sống, dẫn đến stress và không kìm chế được cảm xúc" - chuyên gia dẫn chứng.
Khi cha mẹ không chấp nhận con bị bệnh
Theo chuyên gia, các trường hợp người trẻ rối loạn lo âu gần đây ông tiếp nhận chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất chưa bao giờ bị bệnh nhưng do gia đình có người nhiễm Covid-19, lo lắng vì thành F0… mà xuất hiện căng thẳng, stress. Thứ 2 là những người đã từng bị rối loạn lo âu rồi, điều trị đã ổn định thì bây giờ tái phát lại.
Người bị rối loạn lo âu có thể xuất hiện nhiều triệu chứng, như đau đầu, đau cổ, gáy, tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp, khó thở, rối loạn tiêu hóa, tay chân run, bồn chồn... Trong mùa dịch, có trường hợp F0 vì quá lo lắng mình bị "hậu Covid-19" nên đi khám từ tim, phổi, đường tiêu hóa đến nội thần kinh. Khi được bác sĩ thông báo các chỉ số bình thường, bệnh nhân lại tự hỏi tình trạng mình nặng thế nào mà không ai tìm ra. Lâu dần, những trường hợp này cũng rơi vào trầm cảm, sợ sệt, chán nản vì tin rằng những điều không tốt sắp đến với họ.
Với những ca bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc, đồng thời động viên, khuyên bệnh nhân cố gắng điều trị, nghĩ đến những điều tích cực. Nhưng với các trường hợp đã xuất hiện ý nghĩ và hành động muốn tự tử (như trẻ dùng dao lam cắt cổ tay), bác sĩ sẽ yêu cầu để lại số điện thoại người nhà bệnh nhân tin tưởng nhất.
Bác sĩ Khuyên chia sẻ thêm, một vấn đề rất đáng ngại ông đã gặp là việc trẻ bị trầm cảm nhưng gia đình lại không chấp nhận việc con bệnh, không thấu hiểu cho cảm xúc của con. Thay vì quan tâm, họ lại tiếp tục chửi mắng, tạo áp lực cho con, nhất là trong vấn đề học tập, điểm số. Khi trẻ không thể vượt qua áp lực được kỳ vọng, nhưng lại không có ai sẻ chia, suy nghĩ muốn "giải thoát" lâu dần sẽ hình thành.
"Một đứa trẻ cắt tay, là đã chuyển từ giai đoạn lo âu sang trầm cảm, muốn giải tỏa nỗi đau tinh thần bằng cách chuyển sang nỗi đau thể xác. Trẻ có thể chia sẻ cảm giác bế tắc vào các hội nhóm trên mạng và "khoe" hành động của mình. Nếu để lâu dần, từ giai đoạn trên sẽ chuyển tiếp sang tự sát thật… Hoặc trẻ có thể bỏ nhà đi, như một cách vùng lên, "nổi loạn" để người lớn quan tâm đến ý muốn chính đáng của mình" - chuyên gia cảnh báo.
Do đó, sau khi nắm được thông tin người nhà, bác sĩ sẽ liên lạc để hỏi thăm về thời gian thay đổi thói quen, và thông báo về tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Thông thường, thuốc điều trị bác sĩ kê toa chỉ có tác dụng tốt nhất sau 2 tuần. Trong thời gian này, bác sĩ đề nghị người nhà hết sức chú ý hành động của bệnh nhân, chú ý cẩn thận các vật dụng dễ gây sát thương như dao, kéo.
Đặc biệt, bác sĩ mong người thân, nhất là cha mẹ bé không nên có suy nghĩ con giả bệnh, hay "thương cho roi cho vọt" mà lại chửi mắng trẻ. Chưa bàn về vấn đề đúng hay sai trong cách dạy, chỉ biết hành động trên có thể làm trẻ stress thêm. Chuyên gia khẳng định, ngoài thể chất thì sức khỏe về tinh thần rất quan trọng.
"Cùng một sự vật hiện tượng, khi ta nhìn có góc nhìn khác nhau sẽ khác nhau. Hãy khuyến khích con nói ra suy nghĩ để mình đoán được tâm lý trẻ diễn biến thế nào. Phụ huynh không nên đứng ở góc nhìn người lớn chỉ đạo trẻ. Thay vào đó, cần quan tâm, giao tiếp với trẻ như những người bạn để thông cảm, sẻ chia" - chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Nội dung: Hoàng Lê
Ảnh: Hoàng Lê, BSCC
Bài tiếp: Muôn kiểu "rạch tay" vì stress: Khi cha mẹ làm con… không muốn sống