Nam sinh 2 lần uống thuốc sâu, xin đi khám trầm cảm nhưng bố mẹ "gạt phăng"

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - T. đã tự mua rất nhiều sách liên quan đến tâm lý học về đọc và tìm hiểu nhưng bố mẹ không hề hay biết. T. chán nản đến mức không thiết sống. Hai lần trong một tuần, T. uống thuốc sâu tự tử.

Chia sẻ với PV Dân trí, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm ở trẻ em hiện nay khá phổ biến. Thời gian qua, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp như vậy.

Một nữ sinh học lớp 12 được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng có nhiều vết thương ở tay. Người thân của nữ sinh cho biết, thời điểm đầu năm học mới, nữ sinh này đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay.

Thời điểm đó, gia đình đã gọi điện xin ý kiến tư vấn của bác sĩ. Sau khi được tư vấn, tình trạng của nữ sinh đã được cải thiện.

Tuy nhiên, sau một thời gian học online kéo dài, nữ sinh này tiếp tục xuất hiện tình trạng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, hay cáu gắt và bắt đầu lặp đi lặp lại hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể.

Thấy tình hình bất ổn, gia đình đã đưa con tới bệnh viện thăm khám. Chia chia sẻ với bác sĩ, nữ sinh thừa nhận, mỗi khi làm đau bản thân như vậy, em cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn.

Nam sinh 2 lần uống thuốc sâu, xin đi khám trầm cảm nhưng bố mẹ gạt phăng - 1

Nhiều trẻ em bị trầm cảm nhưng không được trợ giúp, điều trị (Ảnh minh họa: Sohu)

Không thẳng thắn thừa nhận con gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như trên, một cặp vợ chồng khác ở Hà Nội thì lại luôn tin rằng, con mình hoàn toàn bình thường dù cậu bé đã bày tỏ mong muốn được đi gặp bác sĩ.

BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương kể, cuối tháng 3, chị trực tiếp thăm khám cho nam sinh lớp 11 tên T.

T. được bố mẹ đưa đến viện và cùng ngồi trò chuyện với bác sĩ. Bố mẹ của T. chia sẻ rằng, con trai họ gần đây có dấu hiệu xa lánh bố mẹ, tự thu hẹp mọi hoạt động giao tiếp, thích ở trong phòng một mình, không muốn giao tiếp với ai.

Đến bữa cơm, T. cũng không ăn cùng gia đình mà ăn trong phòng riêng. Trong giao tiếp, đôi khi, cậu bé có những câu nói không đúng mực mà trước đây bố mẹ chưa từng nghe đến.

"Bố mẹ kể ra một loạt các dấu hiệu lạ của con nhưng đi kèm luôn là những câu nói hàm ý rằng đứa trẻ rất bình thường. Theo họ, đó chỉ là những nét tính cách đặc biệt, là "cá tính" của con, con có thể tự điều chỉnh, bố mẹ sẽ uốn nắn, dạy dỗ chứ con không làm sao.

Qua cách nói chuyện, tôi hiểu ngay, phụ huynh này đang không muốn tin con mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây cũng tâm lý thường gặp, bởi hiện nay nhiều người vẫn kỳ thị những người mắc bệnh này. Thực chất, có rất nhiều dạng bệnh tâm thần chứ không phải cứ mắc bệnh này là ngẩn ngơ, mất trí...", bác sĩ Thu cho hay.

Sau một hồi chia sẻ, T. bày tỏ nguyện vọng muốn được trò chuyện riêng với bác sĩ. Khi không có bố mẹ ở đó nữa, cậu bé mới mở lòng, kể rằng, cậu tự nhận thấy mình có những bất thường tâm lý từ cách đây gần 2 năm.

Trước đây, T. rất ham học và từng đặt mục tiêu sẽ lọt vào đội tuyển học sinh giỏi. Tuy nhiên, dần dần cậu rơi vào trạng thái tuyệt vọng, mệt mỏi, sợ đi học. Mỗi lần đi học với cậu ấy là một cực hình.

T. đã tự mua rất nhiều sách liên quan đến tâm lý học về đọc và tìm hiểu nhưng bố mẹ không hề hay biết. T. chán nản đến mức không thiết sống. Hai lần trong một tuần, T. uống thuốc sâu tự tử nhưng may mắn không sao. Bố mẹ biết sự có mặt của loại thuốc bảo vệ thực vật này trong nhà, nhưng khi thấy chai thuốc không còn nữa, họ cũng tin vào lời nói dối qua quéo của con mà không hề biết rằng, cậu bé đã uống chúng.

Theo bác sĩ Thu, T. thừa nhận bản thân rất cần được giúp đỡ. Cậu bé cũng từng nói với bố mẹ về tình trạng của bản thân nhưng bố mẹ T. đã gạt phăng đi. Họ chỉ cho rằng đó là những lo lắng thường ngày, con chỉ cần cố gắng vượt qua.

Sau này, một người thân của gia đình đã nhận ra những điểm bất thường của T. Sau nhiều lần người này thuyết phục, bố mẹ T. mới chịu đưa con đi khám.

Nam sinh 2 lần uống thuốc sâu, xin đi khám trầm cảm nhưng bố mẹ gạt phăng - 2

TS. BS Trần Thị Hồng Thu (Ảnh: Minh Hoàng)

Quá trình thăm khám, bác sĩ Thu chẩn đoán cậu bé bị trầm cảm và đã hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, đồng hành cùng T., đồng thời kê thuốc cho cậu bé uống.

 Theo bác sĩ Thu, trong cuộc sống hiện đại, bệnh trầm cảm rất thường gặp. Bệnh trầm cảm không phải do con yếu đuối, không phải là một thay đổi tâm lý bình thường người bệnh có thể tự mình vượt qua được.

Nguyên nhân của trầm cảm là do thiếu hụt sự dẫn truyền thần kinh trong não. Não có sự biến đổi về chất và bệnh nhân cần được bác sĩ tâm thần điều trị. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám để phân biệt giữa lo âu bình thường và bệnh lý để can thiệp kịp thời.

Nhiều phụ huynh vì mặc cảm nên không thừa nhận con mình đang gặp các vấn đề về tâm lý để đưa đi chữa.

"Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cần bỏ qua thái độ kỳ thị để thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế. Nếu được đi khám, con sẽ được trị liệu tâm lý, điều chỉnh, chăm sóc tinh thần, nặng thì dùng thêm thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc con sẽ vượt qua giai đoạn trầm cảm khó khăn, được tận hưởng cuộc sống và không bỏ lỡ các cơ hội của bản thân", bác sĩ Thu nhấn mạnh.