DNews

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Vừa qua, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tổ chức diễn đàn "ESG - Cơ hội và thách thức việc làm cho NKT" ở TPHCM.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật

50.000 người khuyết tật được hỗ trợ

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 1

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn (Ảnh: BTC).

Tại diễn đàn, cả hội trường ồ lên thán phục khi nghe giới thiệu về các diễn giả của chương trình.

Đó là tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, NKT đầu tiên lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, về nước thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD) để hỗ trợ cộng đồng khuyết tật trong nước. 18 năm hoạt động, DRD đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 50.000 NKT.

Chị Đào Thu Hương là người khiếm thị nhưng nỗ lực học tập, làm việc và nay đã trở thành cán bộ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), chuyên phụ trách chương trình Hòa nhập NKT.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 2

Chị Phạm Thị Hương, Deloitte Việt Nam (Ảnh: BTC).

Chị Phạm Thị Hương bị khuyết tật chi dưới rất nặng, lúc nhỏ phải chống tay bò trên đất, lớn lên mới có xe lăn để đi. Nhưng quãng đường dài đến trường, những bậc thang cao ngất chưa từng ngăn cản được mơ ước đi học, tìm việc và thoát nghèo của chị.

20 năm nỗ lực học hành của Phạm Thị Hương được đền đáp bằng công việc kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam, một tập đoàn kiểm toán quốc tế. Phạm Thị Hương không chỉ có chứng chỉ kế toán quốc gia mà còn có chứng chỉ kế toán công chứng Anh quốc (ACCA).

Mơ ước có việc làm

Nhà báo Tạ Thị Bích Loan, Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí - VTV3, đã có khảo sát nhỏ với 3 NKT ngay tại hội trường diễn đàn. Nhà báo Bích Loan hỏi trong 4 nhóm hỗ trợ là việc làm, đào tạo nghề, dạy kỹ năng, vốn làm ăn thì NKT chọn cái nào. Có người chọn 2 hỗ trợ, có người chọn 3 nhưng cả 3 đều chọn được hỗ trợ việc làm.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 3

Có việc làm là mơ ước của NKT (Ảnh: M. Huyền).

Thái Toàn là người khiếm thị. Mong muốn đầu tiên của Toàn là có doanh nghiệp nhận em vào làm.

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu, cô gái khuyết tật thành công bằng nghề làm tranh bằng vỏ ốc, khẳng định NKT cần việc làm và cần tiền vốn để làm ăn.

Theo tiến sĩ Hoàng Yến, hầu hết NKT đến DRD là mong muốn được có việc làm, đó là mơ ước của bất kỳ NKT nào. Với họ, việc làm là khởi đầu quan trọng nhất để bước vào đời, hòa nhập xã hội.

"Khi có việc làm, tạo thu nhập, tự nuôi sống mình, NKT sẽ dần tự tin hơn vào bản thân và dễ hòa nhập xã hội hơn. Yến bây giờ rất khác với Yến 30 năm trước, khi bị từ chối tuyển dụng chỉ vì là NKT", tiến sĩ Hoàng Yến chia sẻ.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 4

Ông Nguyễn Tam Giang, chuyên gia WB (Ảnh: BTC)

Theo ông Nguyễn Tam Giang, chuyên gia WB, NKT tham gia khảo sát cho biết có rất nhiều rào cản trong quá trình họ tìm kiếm việc làm và làm việc như: Gia đình không ủng hộ; thái độ không tích cực mà họ phải đối mặt tại nơi làm việc; chủ sử dụng lao động ít khi chỉnh sửa cơ sở vật chất nơi làm việc phù hợp với họ…

Do đó, giải quyết vấn đề tạo việc làm cho NKT là một chuỗi liên hoàn các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, từ thay đổi nhận thức của cộng đồng, thay đổi môi trường xã hội cho đến đào tạo nghề, kiếm việc làm…

Ông Giang lấy ví dụ, chúng ta phát triển hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho NKT sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có đầu ra, không có doanh nghiệp nhận vào làm, môi trường làm việc không được cải thiện phù hợp cho NKT làm việc… Do đó, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giải pháp này là rất lớn.

Hệ sinh thái tạo việc làm cho NKT

Theo bà Đào Thu Hương, cán bộ UNDP Việt Nam, doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích khi tuyển dụng NKT. Một lợi ích cực lớn là giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu rộng lớn. Trong xuất nhập khẩu, các nước tiến bộ có hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe về sử dụng lao động khuyết tật.

Thông qua việc mang đến cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho NKT, các doanh nghiệp còn có thể tạo nên giá trị về danh tiếng thương hiệu của mình, gây dựng uy tín trong cộng đồng.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 5

Có việc làm tự nuôi sống mình, NKT sẽ tự tin hòa nhập xã hội (Ảnh: DRD).

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE, những khoản đầu tư góp phần tạo công ăn việc làm cho nhóm người lao động yếu thế như lao động nữ, NKT, người dân tộc thiểu số… được gọi là chi phí tạo tác động xã hội, từ đó góp phần xây dựng kinh tế và phát triển cộng đồng địa phương. 

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trách nhiệm này của các doanh nghiệp đã được định danh rất rõ. 

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam, cho biết: "Từ khi doanh nghiệp của tôi tham gia lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hợp tác với Tập đoàn Marriott mới biết phải tuân thủ hàng loạt quy định như: 2% số phòng trong khách sạn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn dành cho NKT sử dụng, 2% nhân sự làm trong nhà hàng là NKT…".

Theo ông Hải, cách đây 30 năm, doanh nghiệp của ông cũng nhận NKT vào làm việc nhưng chỉ là xuất phát từ cảm tính muốn làm việc tốt. Khi ông làm việc với Tập đoàn Marriott mới biết quốc tế có quy định rất chặt chẽ.

Chính bước ngoặt đó đã làm thay đổi nhận thức của ông Hải trong việc tuyển dụng NKT. Từ ban đầu là làm vì cảm tính chuyển sang phải làm vì quy định, sau đó là việc nên làm để phát triển doanh nghiệp. Đến nay, với ông Hải, đó là việc được làm vì doanh nghiệp và cá nhân được hưởng lợi nhiều từ việc làm hết sức ý nghĩa, có ích cho xã hội này.

Từ việc thay đổi nhận thức đã dẫn đến hành động. Ông Hải thiết kế văn phòng công ty phù hợp cho NKT làm việc, cùng hơn 20 doanh nhân trong Câu lạc bộ Doanh nhân sao đỏ đầu tư thành lập công ty Nghị lực sống do NKT làm chủ với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo NKT…

Bà Hà Thu Thanh mong muốn những hành động trên ngày càng lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng. Từ đó, VBCWE phối hợp cùng các tổ chức xã hội như DRD, Hội Nữ doanh nhân TPHCM, CLB Doanh nhân Sao đỏ… để thành lập nhóm tiên phong vận động cộng đồng kiến tạo hệ sinh thái việc làm cho NKT.

Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật - 6

Nhóm tiên phong sẽ hỗ trợ đào tạo và tạo việc làm cho NKT (Ảnh: BTC).

Nhóm tiên phong đã ra mắt ngay tại diễn đàn vào ngày 1/12, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế NKT (3/12).

Bà Thu Thanh cho rằng: "Mỗi doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đóng vai trò như một mắt xích trong tiến trình đào tạo chuyên môn, đào tạo kỹ năng sống, tuyển dụng lao động và tài trợ chi phí để mang đến cơ hội việc làm cho NKT".