DMagazine
 

(Dân trí) - Bị mất một chân và một mắt trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng bằng nghị lực và lòng kiên trì, người cựu chiến binh Ngô Văn Năm đang là tấm gương làm giàu nơi dòng sông Vàm Cỏ.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ

(Dân trí) - Bị mất một chân và một mắt trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng bằng nghị lực và lòng kiên trì, người cựu chiến binh Ngô Văn Năm đang là tấm gương làm giàu nơi dòng sông Vàm Cỏ.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ

Nhớ mãi lời dặn của cha

Cựu chiến binh Ngô Văn Năm (ngụ TP Tân An, Long An) sinh ra trong gia đình 5 anh em. Từ nhỏ, ông đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng và quyết tâm theo cha anh tham gia chiến trường Tây Nam để bảo vệ hòa bình khu vực.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 1

Cựu chiến binh Ngô Văn Năm luôn nhớ lời cha dặn rằng khi lớn lên phải đi theo con đường cách mạng. 

Ngồi trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, bên sông Vàm Cỏ Đông, ông Ngô Văn Năm kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng từng "vào sinh ra tử", cũng như những giai đoạn gian khó khi mới lập nghiệp mà suốt cuộc đời ông chẳng bao giờ quên.

Ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông luôn là làm tấm gương để các con học hỏi và noi theo.

Để bảo vệ sự an toàn của gia đình, mẹ của ông đã chọn cách giấu tất cả thông tin về cha ông Năm với các con. Mãi sau khi đất nước được thống nhất, ông cùng các anh chị em trong nhà mới biết thông tin về người cha của mình.

"Khi đó, lúc nào mẹ cũng nói với tôi và anh chị em là cha mất rồi. Mãi sau, khi đất nước hòa bình, cha tôi mới trở về nhà. Lúc đó tôi mới được mẹ, cùng với họ hàng kể lại toàn bộ sự việc", ông Ngô Văn Năm chia sẻ.

Sau khi đất nước giành được độc lập, cha của ông Ngô Văn Năm theo đơn vị về Tiền Giang đóng quân. Trong một lần được mẹ dẫn đi thăm cha, ông được kể về những câu chuyện kháng chiến và nghe cha dặn dò.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 2

Từ nhỏ, những câu chuyện về người lính luôn thu hút ông nên khi đủ tuổi, ông Nam đã xung phong đi chiến trường biên giới Tây Nam khốc liệt. 

Cha ông Ngô Văn Năm căn dặn sau này khi lớn phải đi theo con đường cách mạng. Cha đã cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho Nhà nước và dặn khi trưởng thành hãy theo truyền thống của gia đình.

Năm 1985, luôn khắc ghi lời của cha dặn, ông Năm tình nguyện nhập ngũ, lên đường tiến về biên giới Tây Nam để bảo vệ đất nước.  "Biết rằng lúc đó chiến tranh rất ác liệt, nhưng tôi vẫn không sợ" - ông kể.

"Thời gian các con nhập ngũ chỉ có 3 năm, không bằng một giấc ngủ trưa của cha. Hãy cố gắng tiếp bước truyền thống gia đình để bảo vệ, giữ gìn đất nước. Đất nước hòa bình thì gia đình mới ấm no, hạnh phúc" - ông Ngô Văn Năm nhớ lại lời cha.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 3

Một phần thân thể ông đã để lại chiến trường, nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. 

"Thương binh tàn nhưng không phế"

Năm 1988, trong quá trình tham gia chiến dịch Tây Nam, khi đang hành quân, ông Ngô Văn Năm không may trúng mìn. Quả mìn phát nổ lập tức...

"Năm đó, chúng tôi bị mai phục, nhiều đồng đội đã hy sinh. Tôi bị thương nặng phải cưa bàn chân và mù một mắt. Dù bị thương nặng nhưng tôi thấy còn may mắn hơn đồng đội khác vì còn được trở về quê hương, còn có người thân ở bên cạnh. Biến đau thương, mất mát thành sức mạnh, tôi quyết định đi học nghề để tự nuôi sống bản thân, sống có ích cho xã hội giống như Bác Hồ dạy - "Thương binh tàn nhưng không phế".

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 4

Trở về đời thường với những đau thương mất mát nhưng nghị lực sống luôn thôi thúc ông Năm. 

Sau khi trúng mìn, ông Ngô Văn Năm được đồng đội sơ cứu nhưng do mất máu nhiều nên ngất đi. Khi tỉnh lại, ông không còn đi lại được nữa. Tuy giữ được tính mạng, nhưng cơ thể ông vẫn còn có những mảnh đạn sót lại. Theo thời gian, những mảnh đạn bị rỉ sét, vết thương của ông dần bị hoại tử.

Bị thương đến 81%, những khi trái gió trở trời, vết thương không ngừng tái phát. Ông phải trải qua 4 lần phẫu thuật cưa chân. Đến nay, ông đã cắt bỏ hoàn toàn đôi chân nhưng vẫn không thể loại bỏ hết các mảnh đạn. Những lúc trời trở gió, khiến ông đau nhức vết thương.

"Ngày xưa, Bác Hồ đã dạy rồi. Thương binh tàn nhưng không phế. Dù cụt chân tôi vẫn phải tiếp tục lao động, cống hiến cho đất nước. Đây chính là động lực cho tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống", ông Ngô Văn Năm tâm sự.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 5

Sự cố gắng đã giúp ông bén duyên với nghề in thiệp và nên duyên với người vợ của mình. 

Năm 1989, sau khi bị thương, ông Ngô Văn Năm xuất ngũ và được Sở LĐ-TB&XH Long An đào tạo nghề điêu khắc. Sau hơn một năm, ông nhận chứng chỉ và lên TPHCM để tìm công việc, tiền lương ăn theo sản phẩm.

Công việc điêu khắc nặng nhọc, cực khổ nhưng tiền lương không đáng là bao. Cùng với đó, các sản phẩm bằng gỗ không xuất được hàng ra nước ngoài khiến ông Ngô Văn Năm chán nản, rời TPHCM về Long An lập nghiệp.

Tại đây, ông đã gặp và cưới vợ. Biết ông Ngô Văn Năm là thương binh nhưng gia đình vợ rất ủng hộ làm đám cưới, vì nhà gái cũng giàu truyền thống cách mạng. Họ đồng cảm và chia sẻ.

Sau khi lấy vợ, ông Ngô Văn Năm được một người quen chỉ cho nghề in ấn thiệp. Nghề này không đòi hỏi phải di chuyển nhiều, công việc đơn giản, phù hợp với tình trạng sức khỏe ông.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 6

Đồng vợ đồng chồng, mọi khó khăn rồi cũng dần qua. Nghề in thiệp đã nuôi sống ông cùng gia đình. 

Bà Sáu (vợ ông), trải lòng: "Ban đầu đến với nghề in lụa thủ công, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hạn chế và chưa có nhiều đơn đặt hàng. Song chúng tôi được sự ủng hộ, tạo điều kiện từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương để có nhiều đơn đặt hàng và nơi làm việc. Bằng sự kiên trì, ham học hỏi, vợ chồng ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín trong nghề in lụa, với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng".

Quyết tâm gìn giữ tình yêu quê hương đất nước

Thấm thoát đã hơn 30 năm, vợ chồng ông Ngô Văn Năm gắn bó với nghề in ấn thiệp, tài liệu. Biết tin ông Ngô Văn Năm làm nghề, các cơ quan Nhà nước có nhu cầu in ấn tài liệu hay thư mời, đều tìm đến cơ sở của ông. Từ đó giúp ông có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học.

"Hiện nay một tấm thiệp tôi in giá 3.000 đồng, giá in bao bì là 30.000 đồng/kg. Cộng với tiền lương hưu nữa nên kinh tế của gia đình cũng ổn định, không còn khó khăn nhiều như trước" - ông chia sẻ.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 7

Với ông, phải có nhiệt huyết, nghị lực ông mới bám trụ được với nghề lâu như thế. 

Ông Ngô Văn Năm cho biết khi có đam mê, nhiệt huyết mới làm được nghề này: "Đó là những lúc tay chân đau nhức, hai bàn tay có những cục chai sần rất lớn. Có sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần, mất nhiều thời gian công sức, tâm huyết mới ra được sản phẩm đẹp. Hơn hết, khi làm việc quá sức hay những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, tôi phải đi nhập viện cả tháng".

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 8

Mỗi tấm thiệp ông đều kiểm tra thật kỹ để không in nhầm cho khách. 

Những lúc xuống tinh thần, ông lại nhớ đến lời dạy của cha mình rằng, để có được ngày hôm nay, nhiều người đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình, độc lập dân tộc. Phải sống cho xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã ngã xuống, đó cũng là động lực để ông vượt khó.

Ông tạo điều kiện cho con trai tham gia bộ đội, giáo dục con mình tình yêu quê hương, đất nước bằng những việc làm và hành động thiết thực nhất.

Với mức thu nhập hiện tại, ông được xem là tấm gương giàu nghị lực cho con cháu và nhiều người dân khu vực sông Vàm Cỏ Đông.

Người cựu binh làm giàu bên dòng sông Vàm Cỏ - 9

Với ông, dù ở hoàn cảnh nào ông vẫn luôn cố gắng vượt qua và học theo lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế" và đó cũng là bí quyết để ông thành công như hôm nay.