DNews

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Kiểm định, giám định đồng hồ khó khả thi

An Huy

(Dân trí) - "Chỉ có 1-2 tháng đồng hồ nước nhảy số bất thường, các tháng sau bình thường, không thể đổ lỗi do đồng hồ được. Đồng hồ có vấn đề sẽ xảy ra sai số liên tục", chuyên gia nói.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Kiểm định, giám định đồng hồ khó khả thi

Liên quan vụ hộ dân ở hẻm 490 Lê Văn Sỹ, quận 3 (TPHCM) có hóa đơn tiền nước tăng bất thường hơn 57 triệu đồng (tương đương sử dụng 3.355m3 nước), đến nay giữa khách hàng và Công ty CP Cấp nước Gia Định vẫn chưa tìm được cách giải quyết.

Công ty CP Cấp nước Gia Định đề nghị ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, chủ nhà) thống nhất việc kiểm định đồng hồ nước để làm cơ sở giải quyết. Tuy nhiên, ông Huy không đồng ý kiểm định mà chỉ chấp nhận giám định. Hiện gia đình ông Huy vẫn chưa tìm được một đơn vị độc lập để thực hiện giám định đồng hồ nước.

Khó xác định nguyên nhân

Mới đây, ông Đặng Ngọc Hà, Phó giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Định, đã có văn bản, yêu cầu ông Nguyễn Quốc Huy thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước hơn 57 triệu đồng. Hạn chót việc thanh toán đến ngày 10/8. Nếu quá thời hạn nêu trên, chủ hộ chưa liên hệ giải quyết, đơn vị cấp nước sẽ ngừng dịch vụ cấp nước.

Trước tình hình trên, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy đã nộp đơn kiện Công ty CP Cấp nước Gia Định lên TAND quận 3. Đến nay (13/8), gia đình ông Huy vẫn sử dụng nước bình thường và chưa bị cắt.

Để tìm hiểu việc kiểm định và giám định đồng hồ nước về mặt kỹ thuật khác nhau thế nào, phóng viên Dân trí đã liên hệ một cán bộ trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở TPHCM để làm rõ.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Kiểm định, giám định đồng hồ khó khả thi - 1

Ông Huy cho rằng gia đình ông không thể nào 1-2 tháng xài 3.355m3 nước (Ảnh: An Huy).

Chuyên gia cho biết, kiểm định liên quan đến đo lường, còn giám định liên quan đến kỹ thuật, an toàn, chất lượng. Ngoài ra, việc giám định còn tùy thuộc vào yêu cầu của cơ quan Nhà nước về vật thể cần giám định.

Đồng hồ nước liên quan đến sai số sẽ được kiểm định về đo lường. Đồng hồ có an toàn hay không thì giám định về chất lượng.

Kiểm định đồng hồ nước chỉ biết được loại máy này có đạt sai số cho phép hay không, nếu sai số bất thường sẽ phụ thuộc thêm nhiều yếu tố khác. Kiểm định chỉ liên quan đến riêng bản thân đồng hồ.

Ví dụ, đồng hồ nước lắp trong nhà sai số bất thường, ngoài yếu tố liên quan đến đồng hồ, sai số có thể liên quan đến toàn hệ thống nước. Nếu trong đường ống có khí thổi qua khiến kim đồng hồ quay bất thường, kiểm định riêng bản thân đồng hồ không thể nào biết được. Phải kiểm tra, đánh giá đúng thực tế cả hệ thống nước mới biết được. Đồng hồ chỉ là một yếu tố trong đó.

"Giám định là một từ chung chung. Khi cần xác định vấn đề nào đó liên quan đến yêu cầu của cơ quan Nhà nước, mình kêu một đơn vị độc lập đến lấy mẫu phân tích gọi là giám định", vị này nói.

Cần ngồi lại thương lượng

Theo vị cán bộ tại trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, muốn biết không khí có thổi qua đồng hồ nước hay không, không thể nào giám định được. Nếu lấy đồng hồ hoặc mẫu nước giám định cũng không khả thi, vì không phải lúc nào cũng có khí trong đồng hồ.

Việc trong đường ống dẫn nước chứa khí, chỉ có phía cấp nước kiểm soát. Họ phải có cách để làm sao đảm bảo đường ống nước không có khí. "Khí thường xuất hiện trong lúc sửa chữa đường ống, khi cúp nước rồi mở trở lại. Nếu khí thổi qua đồng hồ nước, không có cách gì kiểm tra được. Đã qua giai đoạn khí thổi qua đồng hồ nước, giờ không có cách nào để điều tra" vị này nói.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Kiểm định, giám định đồng hồ khó khả thi - 2

Ông Huy tại khu vực sân thượng có máy nước nóng năng lượng mặt trời của gia đình (Ảnh: An Huy).

Vị cán bộ cho biết, trường hợp này, khách hàng và phía cấp nước nên ngồi lại thương lượng, tìm cách giải quyết trên tinh thần hợp tác lẫn nhau.

Phía cấp nước cần có cách giải quyết nhân văn để người dân không phải trả khoản tiền vô lý như vậy. Chủ căn nhà cũng cần đưa ra những lý do thuyết phục để phía cấp nước thấy rõ rằng, gia đình không sử dụng một lượng nước bất thường trong một thời gian ngắn như vậy.

"Chỉ có 1-2 tháng đồng hồ nước nhảy số bất thường, các tháng sau không có gì bất thường, không thể đổ lỗi do đồng hồ được. Đồng hồ có vấn đề, sẽ xảy ra sai số liên tục chứ không phải một thời gian ngắn như vậy", vị này nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho rằng, phía cấp nước nhận định 3.355m3 nước trên thất thoát trong 2 tháng, tức một ngày gia đình ông Huy phải sử dụng 50m3 hay trung bình 2m3/giờ. Tuy nhiên, khi ông dùng thiết bị đo lượng nước đầu vào ở tầng trệt chưa bao giờ quá 1,2m3/giờ và ở nóc tầng thượng tối đa là 0,8m3/giờ. Ông giả định lượng nước tràn ra ngoài 2m3/giờ, chảy liên tục suốt 60 ngày mà gia đình ông và hàng xóm không ai phát hiện là điều kỳ lạ.

Sau khi cung cấp các số liệu trên, ông yêu cầu phía công ty mời các vị chuyên gia đến kiểm tra, đo chỉ số nước đầu vào chứng minh lại cách ông Huy đã làm, nhưng không hề được quan tâm.

Vụ hóa đơn 57 triệu đồng ở TPHCM: Kiểm định, giám định đồng hồ khó khả thi - 3

Ông Nguyễn Quốc Huy bên cạnh bồn nước 1m3 của gia đình (Ảnh: An Huy).

Ông Huy không chấp nhận yêu cầu kiểm định của công ty cấp nước, vì kiểm định sẽ không làm rõ được việc không khí thổi qua đồng hồ nước liệu có làm cho kim quay không. Bởi, quá trình kiểm định sẽ xả hết hơi trong đồng hồ rồi cho vài trăm lít nước chảy qua để kiểm tra.

Gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM. Phía hội lần lượt gửi 3 lá thư đến công ty cấp nước, mời lên làm việc, nhưng không được phản hồi. Đến nay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ chối hợp tác với lý do "hội chỉ giải quyết khi doanh nghiệp hợp tác".

Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, cho biết, thời gian qua, hội đã nhận được 2 tờ đơn khiếu nại về công ty cấp nước của hộ dân nói trên. Hội đã gửi lần lượt 3 lá thư đến Công ty CP Cấp nước Gia Định mời lên phối hợp giải quyết nhưng công ty này không trả lời.

"Hội đang bế tắc trong chuyện làm việc với công ty cấp nước để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Chúng tôi gửi thư mời đại diện công ty lên giải quyết nhưng họ không trả lời, gọi điện thoại đến thì nhân viên nói vòng vo", bà Thu nói.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng Công ty CP Cấp nước Gia Định không trả lời, có thể họ không muốn hợp tác, hòa giải. Phía cấp nước không đến làm việc, hội cũng không có cách nào để giải quyết.

Vào tháng 2, ông Nguyễn Quốc Huy tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng.

Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó (20m3) để ra hóa đơn và tính toán lại sau.

 Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên (hơn 3.000m3), ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.