DMagazine

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành "công cuộc Đổi Mới lần 2"

(Dân trí) - TS.Lê Đăng Doanh nói, nếu như Đổi Mới lần 1 là công cuộc giải phóng sức lao động và năng lực sản xuất, thì cuộc Đổi Mới mà đất nước cần thực hiện bây giờ là phải cải cách toàn diện về thể chế.

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 1

Tôi vẫn nhớ, năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định tổ chức Hội nghị Trung ương ở TPHCM. Khi ấy đất nước khó khăn đến mức, để tiết kiệm chi phí, Tổng Bí thư quy định chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được đi máy bay, còn lại tất cả Ủy viên Trung ương đều phải đi tàu hỏa.

Trên đường đi tàu hỏa từ Bắc vào Nam, tôi được xếp cùng toa tầu với anh Đoàn Duy Thành (Phó Thủ tướng Chính phủ). Chuyến đi kéo dài gần 40 tiếng, một đám trẻ nhỏ dọc đường tàu ném đá vào khoang tàu, trúng vào cửa sổ, vỡ kính, bắn mảnh kính vào má anh Thành. Anh Thành bị thương, được băng bó ở mặt, cứ thế vào TPHCM họp Hội nghị Trung Ương. Đó là một kỷ niệm mà tôi không quên, nhắc nhở tôi về những năm tháng khó khăn của đất nước trước và sau Đổi mới. Giai đoạn ấy, tất cả Bộ Chính trị và các Ủy viên Trung ương đều phải thực hành tiết kiệm, anh Nguyễn Văn Linh không đi xe Volga mà chỉ đi xe nhỏ Lada, cán bộ cấp thứ trưởng cùng đi chung một xe, không có bất cứ ngoại lệ nào cho bất cứ ai. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng viết báo đăng trên báo Nhân Dân dưới tiêu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L. đề cập đến những chủ đề thời sự trong cuộc sống, phê phán các biểu hiện phô trương, lãng phí, được công luận chú ý, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách.

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 3

Khi đó, tôi công tác tại Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung Ương Đảng, được phân công sang làm việc trong Văn phòng của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thường trực Ban Bí thư là đồng chí Đỗ Mười, trực tiếp chỉ đạo Văn phòng Trung Ương. Sau khi Thủ tướng Phạm Hùng mất, đồng chí Đỗ Mười đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng (Thủ Tướng). Năm 1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập Tổ Tư vấn của Thủ Tướng gồm TS Nguyễn Xuân Oánh và nhiều trí thức Miền Nam hoạt động từ trước năm 1975, tôi và một số chuyên gia kinh tế được tham gia. Sau đó, Thủ tướng Phan Văn Khải lên thay, lại tiếp tục lập Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nên tôi được chứng kiến một chặng đường thay đổi quan trọng của đất nước.

Có thể nói, sự đi lên của đất nước, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt những năm đó bắt nguồn từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe, tổng kết những sáng tạo của quần chúng như khoán trong nông nghiệp và phong trào "xé rào" trong doanh nghiệp nhà nước; và thành công nhờ những nhà lãnh đạo đất nước ngày ấy đã thực hiện phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật", tổng kết các sáng kiến và kinh nghiệm hay của quần chúng để cải cách, phát huy tiềm năng của đất nước.

Nếu nhìn lại chặng đường 35 năm Đổi mới vừa qua và nói về những thành công của công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam, thì phải nói đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực Kinh tế tư nhân trong quy mô tổng thể nền kinh tế. Từ quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa năm 1978, tiến hành cải tạo kinh tế tư nhân đến kinh tế tư nhân được thừa nhận trong một nền kinh tế nhiều thành phần từ sau ĐH VI cho đến nay, kinh tế tư nhân từ con số 0 giờ đã từng bước phát triển. Hiện nay kinh tế tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp chiếm khoảng 12% GDP, Kinh tế hộ gia đình đóng góp 32% GDP, trở thành khu vực tạo nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo từ nông thôn đến thành thị. Kinh tế tư nhân sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới, vận dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tính năng động và sáng tạo của nền kinh tế trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, mà chúng ta có thể điểm đến những cái tên lớn như Vingroup, Vietjet Air hay ô tô Trường Hải, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ thì có FPT… Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng đóng góp vào xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân còn rất khiêm tốn, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đóng góp có năm lên đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế, bình thường cũng khoảng 65%, trong đó phần giá trị gia tăng được làm ra tại Việt Nam còn rất thấp.

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 5
TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 7
TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 9

Để khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong giai đoạn này, thì phải đẩy mạnh công cuộc cải cách của Chính phủ.

Những chính sách đúng đắn sẽ tạo nên những xung lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế - đó là điều mà đất nước ta đã chứng kiến trong mấy chục năm vừa qua. Những năm 1990, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, đó là bước tiến quan trọng, hợp pháp hóa sự ra đời của kinh tế tư nhân, trước đây bị coi là "phe phẩy", bất hợp pháp. Theo Luật Công ty, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thì phải được Chủ tịch tỉnh ký cho phép, và để "an toàn", Chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ tịch quận, chủ tịch phường, rồi cả tổ dân phố, đoàn thanh niên phải ký vào hồ sơ xin lập doanh nghiệp...

Một điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy hồ sơ cần tất cả 35 chữ ký và 32 con dấu. Vì thế muốn thành lập một công ty, một doanh nghiệp phải mất từ khoảng 6 tháng đến 1 năm với không ít chi phí "bôi trơn" bộ máy.

Nên đến khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi đề nghị phải thi hành quyền của công dân được "tự do kinh doanh theo pháp luật", quy định rõ tư nhân muốn kinh doanh thì cần có những loại hồ sơ, giấy tờ gì, và bất cứ ai đáp ứng đầy đủ các loại hồ sơ giấy tờ đó đều được đăng ký, chứ không cần ông Chủ tịch tỉnh ký "cho phép" nữa.

Hồi đó, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thảo luận dự thảo Luật này rất kỹ, mà trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách có phần lớn các vị Chủ tịch tỉnh, thành phố nên các vị này vẫn muốn giữ quyền "cho phép" của mình, không sẵn sàng từ bỏ quyền này. Một vị Chủ tịch tỉnh từng đứng lên bảo: "Tôi là Chủ tịch tỉnh, tôi biết trong tỉnh mình ai tốt, ai xấu, tôi phải có quyền cho phép họ kinh doanh chứ?".

Tôi mới đặt vấn đề lại: "Tiêu chí của luật nào cho phép chị xếp hạng công dân là người "tốt" và người "xấu"? Ai cho chị cái quyền phân loại công dân thành người tốt - người xấu như thế?".

Lại có chủ tịch tỉnh khác nói: "Từ hai năm nay tôi đã hạn chế việc cho phép mở thêm khách sạn, vì quá nhiều rồi". Tôi bèn trả lời: " Luật nào cho phép anh từ chối quyền tự do kinh doanh như vậy. Các khách sạn đang hoạt động biết tỉnh hạn chế khách sạn mới, họ sẽ liên kết với nhau, nâng giá và du lịch của tỉnh sẽ trả giá. Thế thì được hay mất?".

Hôm sau ông này kéo tôi ra nói chuyện riêng và bảo: Tối qua suy nghĩ lại, ông ấy đã hủy quyết định hạn chế khách sạn rồi. Từ những tranh cãi quyết liệt như vậy mà Luật Doanh nghiệp 1999 được Quốc Hội thông qua năm 1999, và chính thức có hiệu lực vào năm 2000. Nhưng có một chuyện lạ là đến năm 2000, tất cả các bộ đều im ắng hết, chả ai hướng dẫn, thực hiện gì cả. Chúng tôi bảo nhau: "Vậy thì Luật Doanh nghiệp khó đi vào cuộc sống rồi" và lên báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng bèn cho lập một Tổ công tác của Thủ tướng thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, tôi làm tổ phó thường trực. 

Sau đó, chúng tôi đi nghiên cứu thực tế thì mới phát hiện ra đang tồn tại tới hơn 500 giấy phép con. Để đánh máy thuê cũng phải xin giấy phép 3 tháng một lần, vẽ truyền thần cũng phải xin giấy phép 3 tháng một lần. Chúng tôi hỏi tại sao lại có kiểu giấy phép như vậy thì họ bảo: nhỡ đâu người ta không vẽ những cái tử tế, mà lại vẽ linh tinh, bậy bạ thì sao? Nói chung đó là một hành trình rất dài, cho đến tận bây giờ, để xóa bỏ các giấy phép con, cởi trói cho doanh nghiệp.

Thủ Tướng Phan Văn Khải đã quyết định xóa bỏ hàng loạt các giấy phép con vô lý đó. Cuộc chiến đấu đó còn tiếp diễn, số giấy phép, thủ tục tiếp tục tăng lên, theo Nghị Quyết 68 của Chính phủ, đến năm 2025 phải cắt giảm, đơn giản hóa 25% số quy định, giảm 20% chi phí tuân thủ luật pháp liên quan.

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 11
TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 13

5 năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nêu lên yêu cầu đã đến lúc chúng ta phải tiến hành Công cuộc Đổi mới lần thứ 2 của Việt Nam. Cho đến hôm nay, khi đại dịch Covid19 đang khiến đất nước đối diện với những khó khăn chưa từng có kể từ sau Đổi Mới, Cách Mạng Công nghiệp 4.0 với kinh tế số, thương mại điện tử… phát triển như vũ bão thì chúng ta càng phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới sáng tạo để tránh bị tụt hậu. Bộ Chính trị năm 2021 đã có Kết luận số 14/KL-TWvề Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện kết luận quan trọng này.

Nếu như cuộc Đổi Mới lần 1 là cuộc Đổi Mới để giải phóng năng lực sản xuất, thì cuộc Đổi Mới lần 2 phải là cuộc Đổi mới toàn diện, cải cách toàn diện cả về thể chế, bộ máy.

Cho đến nay, mặc dầu đã có cải cách và đạt một số tiến bộ đáng ghi nhận, thể chế vẫn là nhân tố được đánh giá thấp hơn trong các tiêu chí về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới ở Thụy Sỹ công bố Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 xếp thứ 67 trong 141 nền kinh tế, tăng 3,5 điểm, đạt 61,5/100 điểm nhưng chỉ số về thể chế chỉ xếp 89/141 nền kinh tế, thấp hơn hẳn so với toàn thể nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 47/127 nền kinh tế, nhưng thể chế chỉ xếp thứ 71.  Những nút thắt thể chế của Việt Nam có thể liệt kê ra hàng loạt: Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, dẫm chân lên nhau và chi phí quá lớn về thời gian và tiền bạc, trong đó tỷ lệ chi phí "không chính thức" chiếm phần không nhỏ. Chưa kể đến các chính sách luật pháp chồng chéo, thủ tục rườm rà, chi phí chính thức mà các doanh nghiệp phải trả để có thể sản xuất kinh doanh quá lớn… đó là những rào cản ngăn cản sự phát triển của Đổi Mới. Mặc dù chúng ta đã và đang cải cách thể chế, nhưng việc này cần được thực hiện mạnh hơn nữa, bởi đây sẽ là chìa khóa để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 15
TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 17

Trong một lần sang Đức công tác, tôi gặp mấy chị người Việt mở cửa hàng ăn bên đó, nghe họ kể lúc đăng ký mở cửa hàng thì chính quyền rất ủng hộ. Họ đến ngay, tập huấn miễn phí cho mình cách vận hành. Họ hướng dẫn những việc rất chi li như phải làm sạch thực phẩm như thế nào, phải rửa bát như thế nào, và cuối cùng là họ tặng một cái máy kế toán. Tức là ông/bà bán được cái gì thì ông/bà phải bấm vào cái máy này và cái máy đó kết nối với cơ quan thuế. 

Vì vậy cụ thể quy mô kinh doanh như thế nào, hoạt động hằng ngày ra sao, họ biết hết. Có muốn nhập nhèm cũng không nhập nhèm được. Trong khi đó ở ta, không ít những doanh nghiệp tư nhân sử dụng cả trăm lao động vẫn tìm đủ mọi cách núp dưới cái vỏ kinh doanh hộ gia đình để tránh phải thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp về hóa đơn, chứng từ để nộp thuế. Đó là điều cần phải thay đổi. Kinh tế tư nhân đăng ký hợp pháp không thể chỉ chiếm 12% GDP được, mà phải nhanh chóng vươn lên khoảng 20-30%, còn kinh tế hộ gia đình nên giảm xuống còn khoảng 15 - 18%. Đấy mới là một tỉ trọng hợp lý.

Cho nên với kinh tế tư nhân, dù đang có cơ hội, nhưng cũng cần phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rất nhiều thách thức về khoa học - công nghệ, liên kết lại để có quy mô đủ lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Và muốn tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức thì cách quản lý của chúng ta phải thay đổi theo hướng công khai, minh bạch, nỗ lực cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn thế nào là minh bạch, thì đó là một câu chuyện dài.

Nếu bây giờ vào trang web của Bộ Tài chính Việt Nam, chúng ta sẽ thấy ngoài mấy trang đầu công bố số liệu tổng thu ngân sách, tổng chi ngân sách, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư, còn có các thông tin về thu - chi ngân sách của các tỉnh ở Việt Nam hiện nay. 

TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc tiến hành công cuộc Đổi Mới lần 2 - 19

Nhưng nếu chúng ta vào trang điện tử của Bộ Tài chính Thụy Điển, thì sẽ thấy nó dài không phải 5-6 trang đâu, mà là 2.100 trang, với Pháp là 2.000 trang, còn với Hàn Quốc - một nước châu Á gần chúng ta thì con số này cũng tương tự. Những trang web này cập nhật chuyện thu - chi của các cơ quan nhà nước trong một quốc gia, kể cả thu chi của Chính phủ, quan chức nữa. Ví dụ Thủ tướng Thụy Điển đi họp ở Liên Hiệp Quốc, mua vé máy bay hết bao nhiêu tiền, ở khách sạn hết bao nhiêu tiền, chiêu đãi khách uống loại rượu hết bao nhiêu tiền - tất cả đều được công khai trên mạng. Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết tất cả chi phí của Sứ quán, kể cả các bữa chiêu đãi đều phải được báo cáo, thống kê đầy đủ. Nếu chi phí bữa cơm vượt quy định cho phép thì ông ấy vừa phải bỏ tiền túi của mình bù vào, lại vừa bị phạt. Công khai minh bạch là như thế! Đó là điều chúng ta phải học nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn này.

Đổi Mới sáng tạo là mệnh lệnh của thời đại, rất cần trở thành hiện thực để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ.

Nội dung: TS Lê Đăng Doanh

Ảnh: Ngọc Thắng

Thiết kế: Nguyễn Vượng

Quý độc giả có thể đọc thêm các bài đã khởi đăng trong tuyến "Kỷ niệm 35 năm Đất nước Đổi Mới"