(Dân trí) - Chủ tịch FPT nói: "Đất nước đã chăm lo cho tôi giữa năm tháng chiến tranh, cho tôi cơ hội làm người tiên phong, dạy tôi không bao giờ cúi đầu. Tôi biết ơn Đất nước vì đã cho mình quá nhiều!".
(Dân Trí) - Ngày 13/09/1988, khi sáng lập FPT, Trương Gia Bình đã viết một câu vào bản quy tắc nội bộ của FPT, coi nó như tôn chỉ hoạt động: "Xây dựng FPT trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh, bằng nỗ lực sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia…".
Tô Lan Hương: Cho đến giờ, câu chuyện sáng lập FPT của một nhóm các nhà khoa học Việt Nam vào năm 1988 - mà ông là một trong số đó - vẫn là một giai thoại của kinh tế Việt Nam thời mở cửa. Lý do gì đã khiến những nhà khoa học tiềm năng như các ông khi ấy từ bỏ giấc mơ khoa học đi làm kinh tế?
Trương Gia Bình: Tôi vẫn nhớ đó là những năm tháng khó khăn vô cùng của mỗi người Việt Nam, khó khăn đến mức mà bạn bè tôi, hầu hết đều tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp danh giá của Liên Xô, toàn Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ, nhưng không thể nuôi nổi vợ con mình. Khi ấy, họ nói với tôi: "Bình ơi, chúng ta phải làm gì để cứu chính mình bây giờ?".
Từ lớp 6, nhóm chúng tôi đã được Nhà nước cấp học bổng; cũng là nhóm đầu tiên được lên học ở trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Chúng tôi được ưu tiên đến mức, lẽ ra bình thường chỉ được ăn cơm đại táo (tiêu chuẩn cơm dành cho chiến sĩ), còn chúng tôi được ăn cơm trung táo và mặc áo đại cán (tương đương cấp hàm sĩ quan). Chúng tôi được chăm sóc kỹ lưỡng, được gặp những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam ngày đó. Sau này khi sang Liên Xô, chúng tôi lại được học ở trường đại học tên tuổi nhất - nơi mà đi trong trường cũng có thể dễ dàng gặp các nhà khoa học đạt giải Nobel.
Hồi đó, tôi từng nuôi hy vọng rồi một ngày mình cũng đạt được những vinh quang đó, rồi một ngày đất nước mình cũng gặt hái được những thành tựu đó. Nhưng khi về nước, đập vào mắt tôi là hiện thực khắc nghiệt. Chúng tôi không được giao nhiệm vụ lớn nào để làm. Mỗi ngày đến cơ quan, cả một căn phòng toàn Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ chỉ biết ngồi nhìn nhau, uống nước chè rồi tán chuyện cả ngày, lương thì được đâu đó khoảng 5 USD/ tháng. Nên lúc đầu lập ra FPT, tôi và bạn bè mình có hai mục đích: một là nuôi vợ con và nuôi chính bản thân mình. Hai là kiếm tiền để tiếp tục làm khoa học.
Tô Lan Hương: Nếu những năm tháng ấy không khó khăn đến vậy, Trương Gia Bình sẽ là ai: sẽ trở thành doanh nhân hay tiếp tục là một nhà khoa học?
Trương Gia Bình: Với tôi, ước mơ làm khoa học là ước mơ lớn, vì từ nhỏ đã được đào tạo để trở thành nhà khoa học rồi mà. Lúc mới về nước, tôi từng mơ ước có thể chế tạo máy bay, hay cùng cộng sự lập ra một trường phái khoa học nào đó. Khi ấy giấc mơ vẫn còn sục sôi lắm. Nhưng cuộc sống thì trôi dạt, đôi khi chúng ta không thể quyết định được mình sẽ đi đâu về đâu. Tôi đi làm kinh doanh ban đầu với mục đích để nuôi khoa học, nhưng dần dần thấy kinh doanh cũng hay...
Có thể giấc mơ ban đầu không thành hiện thực, nhưng cuộc đời vẫn mỉm cười may mắn với tôi. Kinh doanh cho tôi cơ hội đi vào những khu vực sáng tạo nhất. Khi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) mà FPT theo đuổi, tôi có cơ hội giao tiếp với các "bố già" của ngành CNTT toàn cầu - những người đã thay đổi thế giới thành hình hài như ngày hôm nay. Được nói chuyện với họ cũng là một hạnh phúc, vì nó giúp mình có cảm giác trưởng thành và có ích hơn nhiều. Nên tôi vẫn cảm ơn những năm tháng ấy, cảm ơn công cuộc Đổi Mới của đất nước đã cho tôi động lực đi trên con đường đầy hứng khởi này.
Tô Lan Hương: Khi mới bắt đầu xây dựng FPT, giấc mơ của ông là…
Trương Gia Bình: FPT được thành lập ngày 13/09/1988.
Chúng tôi ghi trong tôn chỉ mục đích ngày đầu thành lập 2 điều quan trọng nhất:
- Thứ nhất là "FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh, bằng nỗ lực lao động, sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia".
- Thứ hai là "Đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần". Vì với FPT con người là tài sản quý giá nhất và là sức mạnh cốt lõi.
Đến tận bây giờ, FPT vẫn luôn tuân thủ hai điều đó.
Tô Lan Hương: Sau 33 năm, giấc mơ ấy đã thành hiện thực?
Trương Gia Bình: Lúc mới bắt đầu và đặt bút viết về một công ty hùng mạnh, tôi chỉ mơ ước một ngày sẽ xây dựng được công ty với doanh thu 1 triệu USD/ năm. Khi ấy mọi người xung quanh đều không tin điều đó. Có anh em trong nhóm sáng lập FPT còn nói với tôi, FPT sẽ tan rã trước khi đạt được doanh thu 1 triệu USD. Nhưng hôm nay, công ty đã có doanh thu hơn 1 tỷ USD rồi, vốn hóa thị trường đã gần 4 tỷ USD. Và tôi nhận thấy giấc mơ của mình lại lớn dần lên theo tầm vóc phát triển của công ty và đất nước. Nên giờ tôi không hạn chế giấc mơ bằng một con số cụ thể nữa. Tôi đặt mục tiêu FPT phải nằm trong top 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Đó là một cuộc đua toàn cầu, nên nếu bảo có dám khẳng định chắc chắn hay không thì không, nhưng tôi vẫn sống hết mình cho giấc mơ đó.
Tô Lan Hương: Còn lời hứa "đem lại cho mỗi thành viên FPT một cuộc sống đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần thì sao?
Trương Gia Bình: Với người FPT, đó là lời thề đồng đội, là giấc mơ cùng nhau hạnh phúc. Năm 2006, khi FPT chính thức IPO trên thị trường chứng khoán, chúng tôi tiến hành chia cổ phần cho toàn bộ CBNV FPT: Từ chị lao công đến anh lái xe, từ cậu trưởng phòng đến ông chủ tịch. Tôi rất thích câu "người cày có ruộng". Tôi hay ví những người FPT chúng tôi đều là những thợ cày; chúng tôi đều cần có ruộng và đều coi mảnh ruộng ấy thiêng liêng. Năm đó sau khi niêm yết, chỉ sau một thời gian ngắn, FPT chúng tôi có 200 triệu phú. Nhiều anh chị em khác trong công ty mua được nhà, mua được xe chỉ sau vài tuần. Bây giờ công ty đã có 40.000 nhân sự, chúng tôi cũng vẫn luôn nghĩ về việc làm thế nào để họ được đầy đủ và hạnh phúc.
Tôi rất thích câu chuyện về Thành Cát Tư Hãn - vị vua nổi tiếng từng đem quân đi chinh phạt khắp Âu - Á. Nguyên lý thành công của Thành Cát Tư Hãn rất đơn giản: Mọi chiến lợi phẩm ông ta thu được trong các cuộc chiến, ông ta chỉ lấy 1/3, còn phần còn lại, ông ta chia cho các tướng sĩ của mình. Công thức đơn giản nhưng đã hình thành ra một sức mạnh vĩ đại, mở ra một đế chế lớn, dựng nên một thiên niên sử về sự bành trướng lãnh thổ của Đế quốc Mông Cổ một thời. FPT cũng áp dụng công thức Thành Cát Tư Hãn để duy trì sự ổn định, thịnh vượng của mình, cũng như sự gắn bó của các thành viên.
Thế giới dùng từ team work (làm việc nhóm) để chỉ sự đoàn kết, nhưng FPT dùng từ "đồng đội" - và tôi nghĩ hai từ này lớn hơn, mạnh hơn rất nhiều so với từ "team work". "Đồng đội" ở đây được hiểu giống như là anh em một nhà vậy: có thể kề vai chiến đấu, có thể vào sinh ra tử, có thể chìa tay ra giúp nhau lúc hoạn nạn khó khăn. Ví dụ như, con em của những người FPT đã mất do bệnh tật được FPT đưa sang Singapore chăm sóc và đào tạo. Với chúng tôi, đó là những việc đã in sâu vào tiềm thức, trở thành nguyên tắc sống không thể phủ nhận.
Tô Lan Hương: Những người đồng sáng lập FPT cùng với ông thời đó từng kể với tôi rằng, các ông khởi nghiệp với chỉ 6 cây vàng trong túi và từng trải qua những ngày đầu vô cùng gian nan, vất vả…
Trương Gia Bình: Đúng là như vậy! Giai đoạn khó khăn nhất khi mới thành lập, vì không có hợp đồng, 6 cây vàng vốn liếng ấy đều bán dần bán mòn. Thậm chí có lúc còn phải đi vay tiền để công ty có thể tiếp tục hoạt động.
Một trong những hợp đồng lớn đầu tiên mà FPT ký thuở đầu thành lập là hợp đồng xây dựng hệ thống điều hòa không khí của Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Hợp đồng trị giá 10,5 triệu VNĐ, trong khi lương của chúng ta hồi đó chỉ khoảng 100 nghìn/tháng. Khi ấy, để hoàn thành hợp đồng, có những ngày tôi cùng với cộng sự của mình chạy xe máy liên tục đi đi về về trong ngày giữa Hà Nội và Thanh Hóa, mệt nhưng cũng không có thời gian để nghỉ hay ngủ. Chị không tưởng tượng được đâu, để chống lại cơn buồn ngủ, chúng tôi vừa chạy xe vừa hát, mà trên tay vẫn lăm lăm cầm 2 cục gạch để đề phòng gặp cướp giữa đường.
Hợp đồng thứ 2 cho FPT cơ hội để nâng tầm doanh nghiệp mình là hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (KHLX). Thời điểm đó, sau khi bảo vệ xong luận án Tiến sĩ ở Nga, tôi làm việc ở Viện Hàn lâm KHLX - nơi tập trung những nhà khoa học giỏi nhất nước Nga. Lúc đó, họ rất cần xây dựng hệ thống máy tính cho viện, nên tôi đã nói chuyện với ông Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHLX, đề nghị được nhận hợp đồng đó. Cuối cùng hai bên đạt được thỏa thuận và FPT ký được hợp đồng trị giá 10,5 triệu rúp chuyển nhượng (tương đương với 16 triệu USD thời điểm đó). Vì không thể mang tiền rúp về Việt Nam, nên với số tiền khổng lồ kiếm được, chúng tôi mua một lượng hàng hóa lớn ở Liên Xô rồi mang về Việt Nam để bán kiếm lời… Có thể nói, hợp đồng đó đã tạo cho FPT cơ hội và cả tiềm lực để phát triển thành một doanh nghiệp lớn sau này.
Tô Lan Hương: Từ 6 cây vàng cho đến vốn hóa thị trường 4 tỷ USD, những bước ngoặt nào đã tạo nên hình hài FPT như ngày hôm nay?
Trương Gia Bình: FPT có 4 bước ngoặt quan trọng.
Bước ngoặt đầu tiên là xuất khẩu phầm mềm. Xuất phát điểm của FPT là làm phần cứng, nhưng chúng tôi cũng luôn nuôi giấc mơ phần mềm. Khi bắt đầu xuất khẩu phần mềm vào năm 1998, chúng tôi kiên trì tổ chức nhiều chuyến đi, có những chuyến đi là đi theo các đoàn Chính phủ, có những chuyến đi do công ty tự tổ chức, để tìm cơ hội xuất khẩu phần mềm. Không nhiều người tin chúng tôi. Cho đến khi lợi nhuận của FPT vượt cả doanh thu của các công ty phần mềm trong nước gộp lại, thì họ mới tin quyết tâm của chúng tôi. Ngày hôm nay, Việt Nam đã có vị thế trên bản đồ số thế giới.
Bước ngoặt thứ hai là góp phần xóa bỏ độc quyền viễn thông. Các nhà quản lý thời đó, như nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực có một niềm tin rằng khi có thêm các công ty viễn thông mới sẽ tạo ra sinh khí mới, tạo ra sự cạnh tranh để thúc đẩy phát triển internet. Thực tế nó đã xảy ra đúng như vậy.
Bước ngoặt thứ ba là lập trường đại học đào tạo CNTT và tiếng Nhật phục vụ thị trường Nhật, mở ra hướng đào tạo với gần trăm ngàn HSSV hôm nay. Ban đầu là thành lập các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế. Sau đó là thành lập Đại học FPT, đại học đầu tiên trong doanh nghiệp với mục đích đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao cho FPT và thị trường.
Bước ngoặt thứ tư chính là chuyển đổi số. Năm 2016, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới gửi cho chúng tôi một tài liệu dự báo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một khách hàng Mỹ cũng nhận định với chúng tôi rằng, điện toán đám mây, Big Data và trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành xu hướng của tương lai. Và ngay lúc đó, tôi cho đây sẽ là cơ hội của đất nước. Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng trước. Vì vậy, không thể bỏ lỡ cơ hội này! Việt Nam bắt tay vào chuyển đổi số.
Phong cách của FPT là liên tục nhìn ra phía trước 3 năm. Khi gặp gỡ khách hàng, bao giờ chúng tôi cũng hỏi: 3 năm tới các ông làm gì? Các ông mường tượng tương lai 3 năm tới ra sao và sẽ thích ứng như thế nào với tương lai ấy? Chúng ta không thể đủ sức để mãi theo chiến lược của người đi sau nên chi bằng chúng ta làm cái mà mọi người đang làm.
Mỗi năm, FPT liên tục vẽ tương lai ba năm cho mình và kế hoạch chi tiết thực hiện trong năm tới. Mỗi quý chúng tôi sẽ xem lại bức tranh đó đúng hay sai, nếu sai thì thay đổi ngay. Nhờ thế mà FPT luôn tăng trưởng tốt và đồng thời giữ vị trí tiên phong.
Tô Lan Hương: Trên chặng đường hơn 30 năm của FPT, đâu là quyết định đúng đắn nhất của ông trên cương vị Chủ tịch HĐQT?
Trương Gia Bình: Với tôi, quyết định đúng đắn nhất là quyết định tạo ra sự tăng trưởng nhiều nhất. Nếu dựa theo tiêu chí đó thì có lẽ là quyết định để FPT tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và kiên trì theo đuổi nó dù liên tục 10 năm không có lãi. Cho đến giờ, xuất khẩu phần mềm nhiều năm đạt mức độ tăng trưởng cao, chiếm gần một nửa doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn.
Tô Lan Hương: Còn quyết định sai lầm thì sao?
Trương Gia Bình: Cuộc đời mà, kiểu gì chả có lúc sai, đó là chắc chắn rồi! Nhưng cơ bản, FPT sai không nhiều, vì chúng tôi dựa vào hai chữ "đồng đội" và trí tuệ tập thể. Điều này đã giúp FPT tránh được nhiều sai lầm lớn. Nguyên tắc của FPT là ai cũng được phát biểu ý kiến, dù thuận cũng được, nghịch cũng chẳng sao, kiểu gì sau đó cũng vẫn là anh em cả.
Tô Lan Hương: Có bao giờ ông ngồi ngẫm lại xem Đất nước mang lại những gì cho ông và cho Tập đoàn FPT mà ông cùng những người bạn đã dày công gầy dựng?
Trương Gia Bình: Đất nước cho chúng tôi quá nhiều, đó là điều không bao giờ có thể nghi ngờ!
Chúng tôi sinh ra trong chiến tranh, giữa ranh giới sống chết, nhưng vẫn được Đất nước chăm lo đầy đủ, được học ngoại ngữ, được tham gia các kỳ thi Toán, được đi học nước ngoài. Tôi luôn cảm thấy rằng đó là sự chăm sóc, sự gửi gắm của Đất nước dành cho chúng tôi, để chúng tôi đóng góp và hồi đáp lại Quốc gia sau này.
Đất nước Đổi mới cho chúng tôi quyền được làm cái mình nghĩ là cần làm, cái mình nghĩ mình thích làm. Đất nước cũng cho chúng tôi cơ hội được làm người tiên phong và được phép thất bại. Chắc sau này, những người trẻ sẽ không còn nhiều cơ hội như thế hệ chúng tôi nữa. Và hơn cả, Đất nước cho chúng tôi truyền thống không bao giờ cúi đầu.
Cả FPT và tôi đều được hưởng lợi từ đó.
Tô Lan Hương: ...Và sự hồi đáp mà ông và FPT dành cho Đất nước là gì, để góp phần vào mục tiêu "hưng thịnh quốc gia" như tâm niệm ban đầu?
Trương Gia Bình: Tôi có thể kể vài việc mà tôi cảm thấy tự hào: đó là khi FPT phá vòng cấm vận để đưa CNTT vào Việt Nam khi đưa những chiếc máy tính đầu tiên về Việt Nam năm 1990. Đó là khi chúng tôi khởi sự giấc mơ "mở mang bờ cõi trí tuệ Việt Nam trên toàn cầu", chứng minh với thế giới rằng những gì người Trung Quốc và người Ấn Độ làm được, thì người Việt Nam cũng làm được và còn làm tốt. Bây giờ chúng tôi đang nuôi giấc mơ mới: biến Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo thế giới. Chúng tôi tin vị thế của các dân tộc trong tương lai được xác định bởi năng lực trí tuệ nhân tạo, và hy vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chơi này. Trước kia tôi nghĩ đời mình chỉ cần xuất khẩu phần mềm thành công là hạnh phúc, là yên tâm "ra đi". Nhưng ngày lại càng có những giấc mơ mới như thế, và tôi không thể dừng lại được.
Tô Lan Hương: Khi bắt đầu xây dựng FPT, ông chỉ là một nhà khoa học vừa trẻ, vừa nghèo, còn bây giờ, ông đã là tỷ phú. Ông nghĩ thế nào về cuộc đời mà ông đang có?
Trương Gia Bình: Tôi nghĩ tôi là người hạnh phúc. Tôi yêu mọi người, yêu cuộc đời và cũng được mọi người và cuộc đời hồi đáp với tình yêu tương tự. Tôi cũng hạnh phúc với công việc. Hồi làm xuất khẩu phần mềm, tôi gặp khó khăn và thất bại liên tục, nhưng tôi không từ bỏ, cứ lầm lũi tiến lên cho đến khi cơ hội thành công đến. Không biết chị có hiểu được cảm giác của tôi không, nhưng sau một chuỗi hết thất bại này đến thất bại khác, từ năm này qua năm khác, cuối cùng cũng nhìn thấy thành công le lói ở phía trước… đó là một cảm giác sướng run rẩy cả người. Nó sung sướng hơn cả việc tôi kiếm được bao nhiều tiền trong đời mình.
Với tôi, kinh doanh không chỉ là việc kiếm tiền. Tôi nghĩ nó như một tác phẩm nghệ thuật mà tôi là một người nghệ sĩ sáng tạo ra nó.
Tô Lan Hương: Nếu ví sự nghiệp kinh doanh của ông là một tác phẩm nghệ thuật, thì vào thời điểm cuối đời, khi nhìn lại, ông nghĩ di sản lớn nhất ông để lại cho cuộc đời sẽ là…
Trương Gia Bình: Tôi có một nguyên tắc quan trọng, bắt đầu từ hồi còn nghiên cứu khoa học. Khi tôi làm việc thì tôi phải ám ảnh về việc đó, nghĩ về nó từ tinh mơ đến tối mịt. Nhưng sau khi giải quyết xong vấn đề đó, tôi sẽ quên ngay và lập tức đặt ra cho mình một thách thức mới. Tôi chưa bao giờ nghĩ để lại cái gì hay không để lại cái gì, mà là tiếp tục chúng ta có gì, chúng ta phải sáng tạo liên tục.
Cảm ơn ông với cuộc trò chuyện đầy chia sẻ này!
Nội dung: Tô Lan Hương
Ảnh: Tuấn Mark
Thiết kế: Khương Hiền
Quý độc giả có thể đọc thêm các bài đã khởi đăng trong tuyến "Kỷ niệm 35 năm Đất nước Đổi Mới"