DMagazine

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi "địa ngục trần gian"

(Dân trí) - Thông tin Hiệp định Paris được ký kết "lọt" vào trại giam Phú Quốc là sự kiện chấn động cách đây 50 năm. Những người tù nhảy lên, ôm nhau khóc cười trong niềm hạnh phúc lớn lao.

Thông tin Hiệp định Paris được ký kết "lọt" vào trại giam Phú Quốc là sự kiện chấn động cách đây 50 năm. Những người tù nhảy lên, ôm nhau khóc cười trong niềm hạnh phúc lớn lao, khi tự do đã hiện hữu nơi "địa ngục trần gian" này.

Ký ức ngày trở về sau Hiệp định Paris của cựu tù binh Phú Quốc

Tròn 50 năm kể từ khi trở về từ "địa ngục trần gian" sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, mọi thứ trong tâm trí cựu chiến binh - cựu tù Phú Quốc Hoàng Minh Lý (82 tuổi, xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn như mới ngày hôm qua. Trong tiết Xuân ấm áp, ký ức về một quãng đời gian khó mà hào hùng, oanh liệt ùa về trong ông...

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 1

Chuẩn bị cho đợt 3, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, người lính bộ binh Hoàng Minh Lý được điều động, phối thuộc cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Trong lần hành quân xuống đồng bằng, đơn vị ông Lý bị địch phục kích, bao vây ở xã Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Ông Lý bị thương nặng, được đưa đến Trạm phẫu 34 để điều trị. Trạm phẫu bị càn quét, ông Lý cùng nhiều thương binh bị địch bắt, đưa về "Phòng Nhì" Quân đoàn 1 để khai thác thông tin. Với người lính Hoàng Minh Lý, một tháng ở đây thực sự là một cuộc chiến cân não mà ông gọi đó là "cuộc chiến không tiếng súng", bởi hiểm nguy và cái chết chỉ cách một tích tắc.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 3

"Đưa đến đây, tù chính trị hay tù binh đều bị tra tấn bằng những cách thức dã man nhất. Tôi bị đổ nước xà phòng đặc vào miệng, bị chúng dùng cả giày đinh nhảy lên bụng dẫm, bị bắt nằm dưới đèn điện 1.000W, nhiều khi nghĩ mình chết luôn rồi. Khai cũng chết, không khai cũng chết, vậy thì phải chết sao cho vẻ vang, không thể chết một cách vô ích được. Có chết cũng phải bảo vệ Đảng, bảo vệ quân đội, bảo vệ cuộc kháng chiến của toàn dân", ông Lý nhớ lại.

Bị tra tấn cỡ nào, ông Lý cũng một mực khai vừa vào lính, đánh trận đầu tiên thì bị bắt, không biết gì hơn. Một tháng nếm đủ mọi đòn tra tấn dã man nhất, không được ăn uống đầy đủ, ông tiều tụy, gầy gò, bước đi không nổi. Không khai thác được gì, chúng đưa ông xuống tàu, đày ra Phú Quốc. Ông bước vào một trận chiến mới mà không biết rằng, ở quê nhà, người vợ trẻ nhận được giấy báo tử của chồng...

Ở nơi được gọi là "địa ngục trần gian", dưới sự lãnh đạo của Chi bộ bí mật, ông Lý cùng các bạn tù của mình tiếp tục các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, chống đàn áp, áp bức và các hình thức tra tấn hà khắc của bọn cai ngục.

"Sôi nổi nhất là phong trào đấu tranh đòi dân sinh. Lương thực, thực phẩm của tù nhân bị bớt xén phần lớn, các điều kiện sinh hoạt, chữa bệnh rất kém. Ngày Tết, tù nhân chỉ được phát mỗi người một con cá nục thối, lúc nhúc dòi để ăn với cơm. Có lần chúng tôi bắt 3 tên quản ngục, gây sức ép cho bọn cai ngục. Sau khi đạt được thỏa thuận, chúng tôi thả 3 tên quản ngục ra thì bị chúng lật lọng, xả súng xối xả vào buồng giam. Đợt đấy anh em có phần chủ quan và chưa có kinh nghiệm nên gõ vào tường bằng tôn để phản đối, bị quy là hoạt động bạo loạn. Đây là cớ để địch sử dụng vũ lực, trong khi anh em tù không có tấc sắt trong tay. Đợt ấy hơn 10 anh em hi sinh...", ông Lý nhớ lại.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 5

Từ thực tiễn, Chi bộ nhà tù đã có thay đổi hình thức đấu tranh, tránh bạo động, gây tổn thất về lực lượng. Các cuộc đấu tranh chính trị và tuyệt thực... diễn ra thường xuyên. Có những đợt tuyệt thực kéo dài đến 9 ngày. Lo sợ dư luận, bọn cai ngục phải cho người nấu cháo loãng, cạy miệng đổ cho tù nhân cũng như đáp ứng một số yêu cầu về cải thiện điều kiện ăn, ở, sinh hoạt...

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 7

Giữa chốn ngục tù, nguy hiểm, những người lính chưa bao giờ ngừng nghỉ đấu tranh, cũng chưa bao giờ ngừng tin vào ngày thắng lợi của cách mạng. Thế nhưng, thông tin về Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được đưa vào trại giam thực sự là một sự kiện chấn động.

"Các thông tin bên ngoài, bằng cách này hay cách khác đều được truyền vào trại giam, từng khu giam giữ, dù chậm hơn. Sự kiện Hiệp định Paris được ký kết "lọt" vào trại giam sau khoảng một tháng so với thời điểm ký kết. Chúng tôi reo hò, ôm nhau vừa cười, vừa khóc "Sống rồi, sống thật rồi...". Đêm đó, không ai ngủ được, tất cả háo hức nghĩ đến giây phút trở về. Sau Hiệp định, bọn cai ngục nới lỏng các biện pháp quản lý, canh giữ, đối xử với tù nhân dễ chịu hơn. Trong lúc chờ trao trả, chúng tôi cùng nhau luyện tập, biểu diễn văn nghệ, hát hò...", ông Lý nhớ lại.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 10

Ông Hoàng Minh Lý được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý.

Sáng 19/3/1973, ông Lý cùng đồng đội được thông báo tập trung, phát quần áo mới, kiểm tra thông tin cá nhân và lên xe ra sân bay rồi được chở thẳng ra Phú Bài (Huế). Chuyến đi chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ nhưng là chuyến đi họ đã chờ đời suốt nhiều năm. Trên máy bay, những người lính hát các ca khúc cách mạng, kể cho nhau nghe những tháng ngày chiến đấu. Lúc này, họ mới là chính mình - những người lính đã cầm súng bảo vệ quê hương - điều mà họ đã phải "ẩn đi" suốt thời gian dài nằm trong "nanh vuốt" kẻ thù.

Từ Phú Bài, tù binh được chở bằng ô tô ra phía Nam bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ở khu vực tập trung, ông Lý nhìn thấy lá cờ Tổ Quốc kiêu hãnh tung bay ở phía bờ Bắc. Trên bờ, dưới bến, bộ đội, chính quyền địa phương, bà con nhân chuẩn bị thuyền để sẵn sàng đón những người con xa trở về. Khoảng thời gian chờ đến thời điểm trao trả đã thống nhất giữa hai bên khiến ông Lý cảm thấy dài dằng dặc. Họ đứng lặng bên này, nhìn về vùng đất giải phóng, nước mắt cứ chực trào ra vì nỗi sung sướng, hạnh phúc lớn lao đang tới rất gần.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 11

"Được dẫn ra bờ sông để xuống thuyền, chúng tôi quên hết những đau đớn, dìu nhau đi như chạy. Không ai bảo ai, tất cả cởi bỏ bộ quần áo mà địch phát trước đó đang mặc trên người, chỉ còn độc chiếc quần đùi, lao xuống sông, bơi về phía bên kia. Dưới sông, bộ đội giải phóng cũng chèo thuyền ào ra. Tôi bơi ra đến giữa sông, được hai đồng đội đón, dìu lên thuyền đưa vào bờ.

Trên bờ, mọi người chuẩn bị sẵn quần áo mới cho chúng tôi. Sau 4 năm, 8 tháng sống trong cảnh ngục tù, tôi đã trở về, trong vòng tay của đồng đội, đồng chí, trong vòng tay của đồng bào cùng với niềm tin tưởng mãnh liệt về ngày thắng lợi, non sông thu về một mối đã rất gần", người lính già rưng rưng kể.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 13

Trở về khi cuộc trường chinh của cả dân tộc chưa thể đi đến hồi kết, những tù binh như ông Lý mong mỏi được tiếp tục cầm súng quay lại chiến trường. Thế nhưng sức khỏe suy kiệt do bị thương và bị giam cầm lâu ngày, ông không có tên trong danh sách tái ngũ mà phải ra Quảng Ninh an dưỡng.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 15

Suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi, bà Ngô Thị Lương (81 tuổi) chỉ ngồi lắng nghe. Bà nhìn vào khuôn mặt đã hằn nhiều nếp nhăn và mái tóc trắng xóa của chồng đầy trìu mến. Người phụ nữ này đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nỗi đau của người vợ mất chồng, niềm hạnh phúc lớn lao khi người lính trở về, bằng xương, bằng thịt sau nhiều năm được báo tử.

Năm 1964, khi cưới nhau được một năm, có với nhau một mặt con thì ông Lý nhập ngũ. Năm 1966, trước khi vào chiến trường, ông Lý được về thăm nhà, bà Lương mang bầu đứa con thứ 2. Hai năm sau thì bà Lương bặt tin chồng. "Năm 1969, giấy báo tử ông ấy được gửi về. Là cái giấy báo tử thứ 2 của gia đình tôi trong năm ấy. Nhìn hai đứa con thơ dại, cái Mai (người con gái thứ 2 - PV) còn chưa từng được gặp bố, tôi như chết từng khúc ruột", bà hồi tưởng.

Mất chồng, mất đi chỗ dựa tinh thần nhưng bà không cho phép mình được yếu mềm mà lao vào sản xuất, tham gia hoạt động đoàn thể để quên đi nỗi đau. Suốt cuộc trò chuyện, bà luôn dành cho bố mẹ chồng những lời tốt đẹp, bởi họ đã quên nỗi đau mất con, để dành mọi yêu thương, san sẻ gánh nặng cho con dâu, bù đắp thiệt thòi cho các cháu.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 17

Trong tâm trí người vợ, bà đã mãi mãi mất chồng, cho đến một ngày giữa năm 1973, nhận được bức thư từ Quảng Ninh gửi về. "Trong phong bì là một lá thư và một bức ảnh. Ông ấy kể sơ qua về việc bị bắt giữ, tù đày, cho biết hiện đang đi an dưỡng. Trong bức ảnh là người đàn ông gầy gò, hốc hác, tóc bờm xờm dựng đứng, một chân cụt đến đầu gối. Tôi nhìn ảnh, không nhận ra chồng, bảo "đây không phải là anh Lý", bà Lương kể.

Ngồi bên cạnh, ông Lý tủm tỉm cười. Một phần ông không biết mình đã được báo tử, một phần vì thân thể tàn tạ sau thời gian dài tù đày nên ông không báo tin về cho gia đình. Ở trại an dưỡng một thời gian, ông viết thư "dò" hỏi anh trai. Khi biết mình đã có giấy báo tử nhưng vợ vẫn một lòng thờ chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi dạy các con ông như mở cờ trong bụng. Nhưng ông cũng muốn làm một "phép thử" bằng cách chụp một bức ảnh co chân lên, giả như người lính đã bị thương, mất một chân, gửi về cho vợ.

Sự kiện chấn động 50 năm trước nơi địa ngục trần gian - 19

Nhận được thư chồng, bà Lương bán tín, bán nghi nhưng hồi đó tàu xe cách trở, lại khó khăn trăm bề bủa vây, bà cũng chẳng thể ra Quảng Ninh để xem sự thể thế nào.

Một ngày tháng 1/1974, đang ngồi sàng gạo, bà thấy chồng khoác ba lô bước vào sân. Nhìn thấy chồng bằng da, bằng thịt nhưng bà không dám tin. Đôi chân người vợ như chôn dưới đất, đứng bất động kệ nước mắt lăn dài. Còn ông, chỉ đứng đó, nheo nheo đôi mắt trũng sâu và cười...

Trở về, người lính tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo, cùng vợ nuôi dạy 4 người con khôn lớn, trưởng thành, tham gia hoạt động đoàn thể, nhiều năm liền là Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên. Cuối năm ngoái, dù được vận động tiếp tục "giúp anh em" nhưng tuổi cao, sức yếu, ông Lý xin phép từ chối, trở về làm một "ông tri điền" vui thú ruộng vườn và vui vầy bên con cháu.

Người lính già tóc bạc trắng nhiều khi ngồi im lặng, trầm tư nhìn lên tán cau trước nhà, nhớ những người đồng đội, đồng chí, nhớ về những người đã cùng sát cánh ở "địa ngục trần gian", người còn, người mất, người ngót nửa thế kỷ chưa gặp lại. Ông háo hức chờ đến tháng 3. Những người lính bị địch bắt, tù đày sẽ có một cuộc hẹn ở dòng sông Thạch Hãn...

                                        Nội dung: Hoàng Lam

                                        Thiết kế: Đỗ Diệp

            (Trong bài có sử dụng ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành)