(Dân trí) - Vì nhiệm vụ, có sĩ quan bị bố đẻ giận vì thường xuyên vắng nhà dịp quan trọng, có người lại bị nghi ngờ "cặp bồ" với chính vợ của mình bởi suốt ngày đi sớm về khuya.
"Ngày 30 Tết, sau khi đi thăm hỏi, động viên chúc tết nhân dân và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ, đối tượng cảnh vệ trở về nhà lúc 2-3h ngày mùng 1 Tết. Khi đó tôi mới được về với gia đình.
Được ở nhà cùng bố mẹ, vợ con trọn vẹn sáng mùng 1 Tết và bắt đầu công việc lúc 12h cùng ngày. Kể từ lúc đó, lịch công tác của tôi trở lại bình thường", Thượng tá Đặng Thế Việt (Phó Trưởng phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) tâm sự.
Với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt, việc đón Tết xa nhà là điều không còn xa lạ đối với những sĩ quan bảo vệ tiếp cận thuộc Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Với yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ 24/24h, nên việc đón Tết xa nhà không còn là điều xa lạ đối với sĩ quan bảo vệ tiếp cận.
Không có khái niệm nghỉ Tết, sĩ quan bảo vệ tiếp cận chỉ cảm nhận được không khí Tết thông qua lịch hoạt động nhiều hơn, dày hơn của đối tượng cảnh vệ.
Thực tế, trong những ngày cuối năm, đối tượng cảnh vệ sẽ làm việc tại nhiều địa phương trong cả nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành công việc; chăm lo, thăm hỏi, chúc tết nhân dân. Theo đó, cường độ làm việc của sĩ quan bảo vệ tiếp cận sẽ cao hơn.
Cũng trong dịp này, một số đối tượng cảnh vệ về quê ăn Tết cùng gia đình. Theo đó, sĩ quan bảo vệ tiếp cận cũng sẽ ăn Tết tại quê hương của đối tượng cảnh vệ.
Không chỉ khác nhau về văn hóa vùng miền, sự khác biệt về khẩu vị ẩm thực cũng là một trong những thử thách thú vị của sĩ quan bảo vệ tiếp cận.
Do tính chất nhiệm vụ, ngày tết cũng như ngày thường, công việc luôn đòi hỏi sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải tập trung cao độ. Vì vậy nói sĩ quan bảo vệ tiếp cận không có nhiều thời gian để buồn, để nhớ nhà cũng không sai. Họ vui vẻ ăn Tết "cùng gia đình" qua những tấm hình, những cuộc điện thoại ngắn ngủi của người thân.
Mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người Việt đều hướng về gia đình với mong muốn được đoàn viên, sum họp. Song, với những sĩ quan bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, điều mong muốn tưởng chừng như rất đơn giản đó lại khó có thể thực hiện.
Ý thức sâu sắc nhiệm vụ vinh quang, trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao cho, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân vì nhiệm vụ.
Đến nay, Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn (Phó Trưởng phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước) đã có 26 năm làm sĩ quan bảo vệ tiếp cận.
"Tôi rất vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ của một lực lượng đặc biệt, ở một đơn vị đặc biệt và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
Vinh dự luôn đi liền với trách nhiệm nặng nề của người lính cận vệ tuyệt đối trung thành. Đó là trách nhiệm đối với Đảng, với ngành và nhân dân, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ trong mọi hoàn cảnh, ở cả trong nước cũng như khi đi công tác nước ngoài", Đại tá Hoàn chia sẻ.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải được đào tạo cơ bản, có trình độ nghiệp vụ.
Bên cạnh các tiêu chuẩn khắt khe về phẩm chất chính trị, đạo đức, thể lực, ngoại hình còn phải hội tụ đầy đủ trí thông minh, bản lĩnh, tinh thông võ thuật, bắn súng, bơi lội; có trình độ ngoại ngữ và am hiểu về chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới.
Trên cơ sở đó, các sĩ quan sẽ vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện các nguy cơ đe dọa và đề xuất biện pháp giải quyết nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng trong mọi tình huống và thực hiện đúng nghi lễ ngoại giao.
Bên cạnh đó, sĩ quan bảo vệ tiếp cận còn phải có tính tỉ mỉ, cẩn trọng, chu đáo; sự tinh tế, sâu sắc giao tiếp, ứng xử. Đây chính là kỹ năng mềm, là một trong những yếu tố quan trọng giúp sĩ quan bảo vệ tiếp cận luôn được "Thủ trưởng" (cách gọi thân mật của sĩ quan tiếp cận đối với đối tượng cảnh vệ) tin tưởng.
Chỉ với một ánh mắt, một cử chỉ nhỏ của đối tượng cảnh vệ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận đã có thể hiểu được thông điệp mà "Thủ trưởng" muốn nói với mình.
Mỗi đối tượng cảnh vệ phụ trách những lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, sĩ quan tiếp cận cũng phải tìm tòi, học hỏi, nâng cao hiểu biết, thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là những lĩnh vực Thủ trưởng phụ trách để có thể trò chuyện, chia sẻ với "Thủ trưởng", phục vụ tốt hơn cho công tác cảnh vệ.
Theo quy định, sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ 24/24h, kể cả trong nước cũng như khi đi công tác nước ngoài.
Vì vậy, để chủ động trong công tác bảo vệ, sĩ quan tiếp cận phải nắm chắc lịch công tác của đối tượng cảnh vệ.
Trước mỗi chuyến công tác, sĩ quan tiếp cận sẽ trực tiếp tham gia đoàn tiền trạm; nhận diện, dự báo các nguy cơ, tình huống xấu có thể xảy ra làm mất an toàn cho đối tượng cảnh vệ; chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh, chỉ huy đơn vị, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ đảm bảo sát với thực tế, có phương án xử lý tình huống tối ưu nhất.
Đồng thời, họ cũng trực tiếp tham gia tháp tùng đối tượng cảnh vệ trong chuyến công tác đó.
Quá trình thực hiện nhiệm, bên cạnh việc đảm bảo các yêu cầu về công tác nghiệp vụ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận tuyệt đối không cản trở, làm ảnh hưởng đến sự giao lưu, thân thiện giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Nhân dân trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài và người dân nước sở tại.
"Khi Thủ trưởng đi công tác ở địa phương hay nước ngoài, đặc biệt là tới các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, đòi hỏi sĩ quan bảo vệ tiếp cận phải phát huy tối đa năng lực chuyên môn, chủ động, nhanh nhẹn, linh hoạt, sáng tạo song vẫn phải đảm bảo đúng quy trình công tác nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm túc kế hoạch, phương án bảo vệ đã được phê duyệt và sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Tư lệnh, chỉ huy đơn vị tháp tùng chuyến công tác", Đại tá Nguyễn Quốc Hoàn cho biết.
Luôn trang nhã, lịch sự, bảnh bao tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác địa phương hoặc nước ngoài nhưng ít ai biết rằng phía sau vinh quang đó là sự hy sinh thầm lặng của gia đình và chính bản thân họ.
Với lịch hoạt động dày đặc, liên tục di chuyển ở nhiều địa phương trong nước và những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài của các đối tượng cảnh vệ, sĩ quan tiếp cận rất hiếm khi có được kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình.
Đặc biệt, một số sĩ quan tiếp cận còn phải thực hiện các nhiệm vụ đơn lẻ. Trong trường hợp này, họ sẽ phải làm việc liên tục trong suốt 365 ngày. Không có nghỉ lễ, tết; không có nghỉ bù, nghỉ phép.
"Do tính chất nhiệm vụ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận là người cận kề, hiểu rõ tính cách, tác phong làm việc, lịch công tác của đối tượng cảnh vệ nên một số tình huống dù gia đình có việc, đơn vị cũng không thể bố trí sĩ quan tiếp cận khác thay thế tạm thời khi chưa có sự đồng ý của đối tượng cảnh vệ", Đại tá Nguyễn Văn Đông (Trưởng Phòng bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước) chia sẻ.
Trong một số trường hợp, được sự đồng ý của đối tượng cảnh vệ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận được trở về với gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Tuy nhiên, với cường độ và lịch hoạt động, làm việc dày đặc của đối tượng cảnh vệ, sĩ quan bảo vệ tiếp cận kết thúc một ngày làm việc và trở về nhà rất muộn, sáng sớm hôm sau, họ lại dắt xe ra khỏi nhà khi những người thân yêu vẫn còn đang say giấc.
"Một ngày làm việc của đối tượng cảnh vệ thường kết thúc rất muộn, có hôm đến 1-2h sáng. Khi đó tôi mới trở về nhà cách đó 30 phút chạy xe. Ngủ ở nhà khoảng 3-4 tiếng. Đúng 6h sáng tôi lại có mặt tại nhà Thủ trưởng để bắt đầu 1 ngày làm việc mới" Thượng tá Đặng Thế Việt tâm sự.
Đã có rất nhiều câu chuyện tưởng như chỉ có trên phim nhưng lại xảy ra với chính sĩ quan tiếp cận và những người thân yêu của họ.
Sĩ quan bảo vệ tiếp cận Hoàng Đại Nghĩa đã từng bị chính bố đẻ của mình nhiều lần giận dỗi vì anh luôn vắng mặt trong những dịp gia đình có công việc, lễ tết.
Cũng có lần anh cũng bị nghi ngờ "cặp bồ" với chính vợ của mình vì hàng xóm rất ít khi thấy anh ở nhà bởi nếu có về thì cũng tối muộn và đi làm từ sáng sớm hôm sau.
Thượng tá Đặng Thế Việt thì hài hước kể anh đã bị bác bảo vệ không cho vào trường đón con vì chưa bao giờ thấy mặt anh.
"Con gái anh từng tâm sự, ở trường, các bạn nghĩ bố mẹ ly hôn nên không bao giờ thấy bố đi đón con. Rồi cũng không muốn đi chơi cùng mẹ vì vào công viên nhìn thấy các bạn khác có đủ bố mẹ đưa con đi chơi, còn nhà mình chỉ có mỗi mẹ", anh Việt bùi ngùi chia sẻ.
Phía sau nhiệm vụ vinh quang, trọng trách nặng nề là sự nỗ lực, hy sinh thầm lặng của mỗi sĩ quan bảo vệ tiếp cận. Tuy nhiên họ đã luôn nhận được sự động viên, tin tưởng của đối tượng cảnh vệ; sự cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu sâu sắc từ chính những người thân yêu. Đó chính là động lực, là hậu phương vững chắc để các sĩ quan tiếp cận bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực, cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ảnh: Hoàng Hiệp