DMagazine

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận "không đối hạm" lịch sử

(Dân trí) - Sân bay Khe Gát được bí mật xây dựng trong chiến tranh. Đây là sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn - nơi 2 chiếc MiG-17 của Không quân Việt Nam từng xuất kích, đánh thẳng vào tàu chiến Mỹ.

Sân bay Khe Gát được bí mật xây dựng trong chiến tranh. Đây là sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn - nơi 2 chiếc MiG-17 của Không quân Việt Nam từng xuất kích, đánh thẳng vào tàu chiến Mỹ trên biển Đông.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 1

Tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có một đoạn đường hết sức đặc biệt. Đoạn đường này sẽ khiến nhiều người tò mò bởi nó hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của đường mòn Hồ Chí Minh, từ chiều rộng đến nền đường và kéo dài thẳng tắp khoảng 2km.

Ít ai biết rằng, đoạn đường rộng thênh thang ngay trên đỉnh Trường Sơn ấy lại chính là một sân bay dã chiến được bí mật xây dựng trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh. Sân bay này là cả một huyền thoại đầy tự hào, một chứng tích cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 4

Sân bay bí mật ấy được biết đến với tên gọi "Sân bay Khe Gát" - sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn. Ngược dòng thời gian về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình chính là tuyến đầu của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây thường xuyên bị không quân và hải quân Mỹ đánh phá ác liệt.

Cuối năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến mang mật danh B7 tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch nhằm tạo thế bất ngờ "không đối không" để bảo vệ đường Trường Sơn, đồng thời "chia lửa" cho sân bay Đồng Hới.

Thời điểm này, nhiệm vụ xây dựng sân bay được giao cho Lữ đoàn 28 Công binh, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện, cùng với sự giúp đỡ của quân dân địa phương và lực lượng thanh niên xung phong xã Xuân Trạch.

Là một trong những người dân xã Xuân Trạch từng hỗ trợ bộ đội xây dựng sân bay, ông Lê Quang Phú (85 tuổi), cựu dân công hỏa tuyến, trú tại thôn 1 Khe Gát cho biết, để đảm bảo bí mật cho công trình, cứ xẩm tối quân dân ta mới thi công, đến gần sáng lại ngụy trang bằng lá cây, làm đến đâu, thu dọn hiện trường và ngụy trang đến đó. Sân bay được xây dựng trong điều kiện máy bay do thám Mỹ ngày đêm quần thảo trên bầu trời Trường Sơn.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 6

"Cùng với bộ đội còn có sự góp sức của hàng trăm thanh niên xung phong xã Xuân Trạch. Người dân xã tôi cũng ra dựng lá ngụy trang, đêm đêm gánh đất đắp đường rồi mang đồ ăn ra công trường động viên bộ đội. Thời điểm đó chỉ biết là làm một đoạn đường đất bằng phẳng chứ không biết mục đích là gì, đến khi có máy bay chiến đấu vào đây, chúng tôi mới biết là làm sân bay dã chiến", ông Phú kể lại.

Sau khoảng một năm lao động khẩn trương, dưới những trận bom, đạn ác liệt của địch, sân bay dã chiến Khe Gát được hoàn thành với chiều dài gần 2km, rộng 50m.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 7

Giai đoạn từ năm 1969-1972, lực lượng không quân của ta đã sử dụng nhiều máy bay chiến đấu phản lực nhằm yểm trợ và bảo vệ cung đường Hồ Chí Minh, tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, hải quân của Mỹ liên tục tập kích vào các mục tiêu quân sự của ta tại vùng ven biển từ Quảng Bình đến Hải Phòng.

Để bảo vệ tuyến đường vận chuyển trên biển, đồng thời hạn chế nguy hiểm từ các đợt pháo kích của Mỹ, Bộ Tổng tư lệnh đã tăng cường chuẩn bị, nghiên cứu và sử dụng các phương án khác nhau, tấn công vào tàu chiến địch. Sân bay dã chiến Khe Gát được xây dựng cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ này.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 9

Nhắc đến sân bay dã chiến Khe Gát là nói đến trận đánh chớp nhoáng chỉ vỏn vẹn 17 phút của Không quân Nhân dân Việt Nam. Theo đó, vào chiều 19/4/1972, Trạm ra đa 403 ở Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) phát tín hiệu cảnh báo về một nhóm tàu chiến Mỹ xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nhật Lệ đến Bố Trạch.

Nhóm tàu chiến này gồm các tàu tuần dương hạm USS Oklahoma City, hai khu trục hạm là USS Higbee và USS Lloyd Thomat, cùng với tàu hộ tống tên lửa USS Sterett. Ngay lập tức, hai máy bay chiến đấu MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xuất kích từ sân bay Khe Gát, tiến hành đánh bom vào tàu chiến Mỹ.

Đúng 16h5 phút, hai máy bay MiG-17 do các phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy "B" từ sân bay Khe Gát "xé gió" xuất kích. Khi bay qua cửa Lý Hòa, phát hiện mục tiêu, được lệnh của chỉ huy, phi công Lê Xuân Dị nhanh chóng cắt bom vào chiếc tàu khu trục hộ tống USS Higbee, khiến chiếc tàu này bị hỏng nặng, dàn pháo trên boong tàu bị phá hủy.

Chiếc MiG-17 thứ 2 tiếp tục bay vòng ra biển, khi phát hiện đội hình địch, phi công Nguyễn Văn Bảy "B" cho máy bay lướt qua phía trên tàu địch và cắt bom vào chiếc tàu tuần dương hạm USS Oklahoma City, khiến chiếc tàu bị hỏng hệ thống ra đa cảnh giới và một ụ pháo trên boong. Hai phi công sau khi thực hiện nhiệm vụ đã quay trở về sân bay Khe Gát an toàn.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 12

Chỉ ít ngày sau khi bị không quân ta tập kích trên biển, không quân Mỹ cũng đã phát hiện, triển khai đánh phá dữ dội sân bay Khe Gát, cùng tuyến đường 15A và các cụm dân cư ở xã Xuân Trạch.

Cùng với sân bay Khe Gát, hàng loại địa danh như: đèo Đá đẽo, Chà Nòi, ngầm Bến Lô Vĩnh Sơn trở thành trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên bám sát, tập trung dội nhiều loại bom, đạn ác liệt nhất.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng những ngày khói lửa chiến tranh, về sân bay Khe Gát và 2 chiếc MiG-17 từng xuất kích trên bầu trời Xuân Trạch trong ký ức của ông Trần Đức Thọ, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Trạch chưa phai nhạt.

"Đó là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy máy bay chiến đấu xuất kích gần đến vậy. Đó cũng là đợt duy nhất máy bay chiến đấu của ta xuất kích từ sân bay Khe Gát. Với người dân Xuân Trạch chúng tôi, ai cũng tự hào khi có sân bay Khe Gát - nơi khởi nguồn cho trận đánh vào tàu chiến Mỹ trên biển", ông Thọ tự hào.

Cũng theo ông Thọ, trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã huy động nhiều máy bay các loại, trong đó có B52 đánh phá Xuân Trạch, cùng các xã phụ cận.

Máy bay Mỹ đã thả xuống mảnh đất Xuân Trạch một khối lượng lớn bom các loại nhằm hủy diệt các trọng điểm, cắt đứt tuyến đường vận tải hàng hóa vào chiến trường, chưa tính đến hàng ngàn quả bom bi, đạn rốc két, đạn 20 ly, bom Napan thả xuống vùng dân cư Khe Gát, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy…

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 14

Sân bay dã chiến Khe Gát có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Không quân Nhân dân Việt Nam, là hiện thân cho ý chí kiên cường vượt qua gian khó của quân và dân ta.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 16

Đây là sân bay chỉ có một biên đội, một lần xuất kích đánh một trận duy nhất và thành công. Đây là một chiến công xuất sắc của Không quân Việt Nam, trở thành huyền thoại trong lịch sử chống Mỹ cứu nước. Trận "không đối hạm" nhằm vào tàu chiến Mỹ trên biển Quảng Bình cũng khiến cho Hải quân Mỹ không dám đánh phá bờ biển Quảng Bình trong nhiều tháng. Đồng thời, mở ra khả năng chiến đấu mới của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Sân bay Khe Gát nay không còn nguyên trạng, nhưng với sự kiện độc đáo, sân bay được xem là một di tích lịch sử đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh, là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Sân bay bí mật trên đỉnh Trường Sơn và trận không đối hạm lịch sử - 18

Đường Hồ Chí Minh ngày nay có một đoạn đi dọc qua sân bay Khe Gát, trở thành một điểm du lịch khá hấp dẫn trong tuyến du lịch Quảng Bình, khám phá di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trao đổi với Dân trí, ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết, hiện nay, Quảng Bình đang quan tâm đưa loại hình du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch, thăm lại chiến trường xưa, du lịch tâm linh, trở thành những sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách.

Theo ông Vĩnh, sân bay Khe Gát, đèo Đá Đẽo là một trong những địa danh luôn thu hút du khách ghé thăm mỗi khi về với vùng Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Bên cạnh các di tích lịch sử, nhiều điểm du lịch trải nghiệm mới cũng đang được mở ra tại xã Xuân Trạch, tạo chuỗi liên kết du lịch cho du khách khi về với Quảng Bình, mở ra triển vọng rất lớn để phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Nội dung, ảnh: Tiến Thành

Thiết kế: Đỗ Diệp