DMagazine

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài

(Dân trí) - Khi bệnh viện lâm tình cảnh thiếu thuốc thì bệnh nhân phải loay hoay tìm mua bên ngoài với giá đắt đỏ, chất lượng chưa kiểm định. Cuộc sống của những người bệnh vốn đã khổ... nay trở nên kiệt quệ.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài

(Dân trí) - Khi bệnh viện lâm vào tình cảnh thiếu thuốc thì bệnh nhân phải loay hoay tìm mua bên ngoài với giá đắt đỏ, chất lượng chưa được kiểm định. Cuộc sống của những người bệnh vốn đã khổ... nay trở nên kiệt quệ.

Những ngày gần đây, hàng loạt bệnh viện và cả các trạm y tế trên cả nước, trong đó có TPHCM được ghi nhận lâm vào tình cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, hậu quả của tình trạng trên là việc túi tiền, sức khỏe của bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 1

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Tiền thuốc tăng gấp 2-3 lần, bệnh nhân kiệt quệ

Chờ chuyến xe về Gia Lai vào xế chiều, Ngọc (28 tuổi, tên đã thay đổi), cho biết vừa tiến hành tái khám theo định kỳ hàng tháng tại một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM. Nhưng 3 tháng gần đây, con đường từ Tây Nguyên xuống TPHCM điều trị với cô dài hơn gấp bội.

Ngọc kể, trước đây cô bị suy thận giai đoạn nặng, phải ghép thận từ người thân. Ca mổ phức tạp dù giúp cô giữ được mạng sống nhưng sau đó, Ngọc phải tiến hành điều trị bằng các thuốc chống thải ghép đặc trị, trong đó có thuốc Cellcebt 250mg. Đây là loại biệt dược nằm trong danh mục được hưởng bảo hiểm y tế, nên dù có dùng liên tục, số tiền chi trả của bệnh nhân cũng trong khả năng cho phép.

Nhưng từ tháng 4, Ngọc nhận thông báo từ bệnh viện rằng thuốc này đã không còn, đề nghị bệnh nhân tự mua theo toa. Để duy trì sức khỏe, cô gái phải loay hoay chạy đủ các nhà thuốc tư nhân. Không còn sự tiếp sức từ bảo hiểm, giá cho mỗi viên thuốc Cellcebt mà Ngọc phải mua để uống hàng ngày lên đến 27.500 đồng.

"Trước đây, tổng chi phí tất cả các loại thuốc điều trị mỗi tháng của tôi chỉ khoảng 700.000 đồng, giờ vì phải mua thuốc Cellcebt khiến giá đội lên hơn 1,5 triệu đồng" - Ngọc nói và tiết lộ, có những người khác điều trị sau ghép thận phải dùng nhiều thuốc bên ngoài hơn cô, mỗi lần mua tốn 8-10 triệu đồng tiền thuốc. Bản thân nữ bệnh nhân cũng rất lo lắng, vì không biết chất lượng thuốc ở bên ngoài có tốt hay không.

Gia đình Ngọc làm nghề nông, đắp đổi chi phí ăn uống, sinh hoạt qua ngày đã là một gánh nặng. Nếu còn phải mua thuốc giá quá "chát" trong thời gian kéo dài, họ không biết cầm cự được đến chừng nào.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 2

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) từng bị phản ánh hết thuốc điều trị sau ghép thận, khiến bệnh nhân lao đao (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng trong tình cảnh trớ trêu trên là trường hợp của Minh An (tên đã thay đổi), con chị N. 9 năm trước, An giữ được mạng sống nhờ quả thận hiến của mẹ. Hành trình điều trị chống thải ghép của chàng trai trải qua thời gian dài, khiến kinh tế gia đình chịu nhiều ảnh hưởng. Giờ đây, họ lại còng lưng gánh tiền thuốc mà lẽ ra được chi trả theo quyền lợi từ bảo hiểm y tế.

"Mỗi tháng, con tôi phải uống 168 viên thuốc Cellcebt loại 250mg và 500mg. Lúc bệnh viện mới thông báo hết thuốc, tôi ra nhà thuốc tư gần đó mua giá đến 27.000 đồng. Giờ tôi tìm được chỗ bán 26.500 đồng/viên, nhưng phải đặt trước nhiều ngày, nhiều khi cũng không có thuốc.

Như tháng này, tôi mới mua được 61 viên, phải tìm thêm chỗ khác để con không bị trễ ngày uống. Chỉ riêng tiền thuốc Cellcebt đã hơn 4 triệu đồng/tháng, cao gần gấp 3 lần trước đó. Tôi chỉ nội trợ ở nhà, còn cha bé làm tài xế thu nhập không cao. Cứ vầy hoài chắc sẽ sớm kiệt quệ" - người mẹ nói và bày tỏ mong muốn sớm được mua lại thuốc trong bệnh viện.

Trong tâm trạng rối bời, anh M.C. (50 tuổi, quê Bến Tre) tâm sự với chúng tôi rằng hơn 2 tuần nay đang loay hoay tìm cách mua thuốc cho con trai bị suy thận giai đoạn nặng. Trước đó, bé Vũ (16 tuổi, tên đã thay đổi) có nhiều năm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 3

Bệnh nhân chạy thận cần dùng nhiều loại thuốc hỗ trợ sức khỏe (Ảnh: Hoàng Lê).

Vì không còn nằm trong độ tuổi bệnh nhi, anh C. vừa làm thủ tục chuyển bé về bệnh viện gần nhà. Lúc này, phía bệnh viện địa phương cho biết chỉ có thuốc hỗ trợ huyết áp cho bệnh nhân chạy thận, các loại thuốc hỗ trợ khác bệnh nhân phải tự đi mua bên ngoài.

Theo anh C., con anh phải dùng rất nhiều loại thuốc như: Masak 0,25mcg (thuốc trị loãng xương ở bệnh nhân lọc thận mãn tính), thuốc hạ kali máu, thuốc tạo máu, canxi… Trước đây, tất cả thuốc này đều được Bệnh viện Nhi đồng 2 trực tiếp cung ứng và có sự chi trả từ bảo hiểm y tế, nên khi phải đột ngột tự mua mọi thứ khiến cha con anh C. trở tay không kịp.

"Nhiều loại thuốc ở tỉnh tôi không có, hoặc giá rất mắc vì ít người xài. Như thuốc hạ kali máu, trước đây ở Sài Gòn tôi chỉ trả 17.000 đồng/gói, nhưng mấy nhà thuốc dưới quê bán đến 30.000 đồng.

Một ngày con tôi uống 6 gói thì tiền nào chịu nổi. Tôi phải tạm giảm liều cho con, nhờ người mua thuốc dùm ở thành phố gửi xe về quê. Tốn mấy chục ngàn tiền xe đò, phải chờ mấy ngày mới có, nhưng đành chịu để đỡ tốn nhất.

Có tài sản gì ở quê tôi đã đem bán hết từ ngày cháu bệnh rồi, giờ tiền thuốc lại tăng, tôi thực sự chưa biết tính sao…" - anh C. thở dài, hoang mang với con đường tìm sự sống cho con sắp tới.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 4

Không thể mua thuốc nằm trong danh mục hưởng bảo hiểm tại bệnh viện, chi phí điều trị của bệnh nhân bị đội lên cao (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện điều trị cầm chừng, mượn thuốc của nhau

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện nhiều cơ sở y tế thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc, nhưng do bệnh viện không thể chủ động nguồn cung nên quyền lợi và sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng 

TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cho hay, bệnh viện cũng nằm trong tình hình khó khăn chung về mua sắm thuốc như các nơi khác. Những ngày qua, Sở Y tế TPHCM đã có mời các bên lên làm việc để nắm thực trạng và tìm cách tháo gỡ. 

Lãnh đạo một bệnh viện lớn khác tại TPHCM nhận định, một điều bất cập hiện nay là có những loại thuốc hiếm, ít bệnh nhân xài nhưng muốn mua sắm vẫn phải tuân thủ theo quy trình thầu chung. Vì mất nhiều tiền và thời gian để làm thủ tục đấu thầu nhưng không dùng nhiều, có nguy cơ lỗ khi nhập về, nên nhiều nơi sẽ không mua.

Một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến thiếu thuốc là do các vấn đề về nguồn cung, như khủng hoảng toàn cầu, quốc gia cung cấp nguyên liệu sản xuất bị chiến tranh. Điều này khiến thời gian nhập hàng của công ty trúng thầu bị chậm, thậm chí không sản xuất được thuốc trúng thầu thì bệnh viện cũng đành chịu.

Bên cạnh đó, còn có lý do đến từ vấn đề quản lý, khi Bộ Y tế chậm gia hạn số đăng ký theo quy trình, khiến một số loại thuốc được cấp phép trước đó hết hạn, không được lưu hành.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 5
Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 6

"Tại bệnh viện chúng tôi, một số thuốc điều trị bệnh tim mạch, thuốc tâm thần, hướng thần có hơi lúng túng trong việc mua sắm. Thuốc điều trị viêm đa khớp dạng thấp hiện cũng không có, bệnh nhân phải đi mua bên ngoài. Hay thuốc có nguyên liệu từ huyết tương, vì mấy tháng trước đã dùng điều trị Covid-19 hết số lượng đấu thầu, giờ phải chờ đợt thầu mới" - vị trên dẫn chứng.

Để xử lý tình trạng thiếu thuốc trên, các bệnh viện đang áp dụng việc phối hợp, hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Cụ thể, nếu bệnh viện này còn thuốc thì điều chuyển, cho bệnh viện đang cần nhưng hết thuốc mượn xài, và ngược lại. Nếu thuốc nào được sử dụng 2-3 chủng, loại thì hết loại này sẽ dùng loại kia. Với những thuốc hiếm, cần gấp cho bệnh nhân thì phải xin cơ chế mua ưu tiên.

Giám đốc một bệnh viện bày tỏ, sau nhiều vụ "bắt bớ" vì sai phạm trong đấu thầu, mua sắm, khiến ông mang tâm lý sợ. Nhưng nếu có trường hợp cấp cứu mà thiếu thuốc và vật tư, bệnh viện chấp nhận mua đột xuất.

"Chúng tôi sẽ cố gắng làm kỹ hơn, không thể nói sợ mà để thiếu thuốc, thiết bị điều trị cho bệnh nhân được, vấn đề cấp cứu phải được đảm bảo.

Riêng với các bệnh mãn tính không phải cấp cứu, bệnh viện sẽ điều trị nội khoa cầm chừng, ổn định sức khỏe cho bệnh nhân trước. Khi các công ty cung ứng đủ vật tư y tế, đủ điều kiện mới có thể điều trị tốt nhất" - vị trên chia sẻ.

Bệnh viện TPHCM than thiếu thuốc, Sở Y tế nói "không thiếu"

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 16/6, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố chia sẻ, gần đây, các sự cố trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị ngành y diễn ra khá nhiều tại các tỉnh, thành. Do đó, nhân viên y tế có tâm lý lo ngại khi mua sắm, sợ sai phạm.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã làm việc với 77 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế trên địa bàn để làm rõ vấn đề có thiếu thuốc hay không.

"Chúng tôi ghi nhận, hiện tại, các cơ sở y tế, trung tâm y tế không thiếu thuốc. Hầu hết bệnh viện trên địa bàn đã có kết quả đấu thầu thuốc, chỉ còn một vài bệnh viện đang chờ nhưng đã được phê duyệt kế hoạch mua thuốc bổ sung với sự cung ứng đủ", đại diện Sở Y tế TPHCM khẳng định.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 7

Đại diện Sở Y tế TPHCM khẳng định các cơ sở, trung tâm y tế không thiếu thuốc (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin thêm, trên địa bàn không có tình trạng buộc bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân có nhu cầu dùng các loại biệt dược, không muốn sử dụng thuốc thay thế nên có thể tự mua bên ngoài để đáp ứng.

Không cho phép để thiếu thốn thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân

Tại buổi khánh thành Trung tâm Tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng 1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế làm cho không chỉ người trong ngành mà bên ngoài cũng e dè, dẫn đến việc ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế.

Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn ngành y tế TPHCM với tư cách là một trung tâm lớn phải phát hiện và tự giải quyết các vấn đề của mình, bằng cách đề xuất giải pháp. Không vì khó khăn mà khiến việc mua sắm bị ách tắc, làm thiếu thuốc, vật tư, phương tiện, làm công tác chăm sóc sức khỏe không đạt chất lượng. Nếu để việc thiếu thốn này làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân TPHCM là điều không cho phép.

Người bệnh ở TPHCM kiệt quệ vì thiếu thuốc, cơ sở y tế mượn nhau tạm để xài - 8

Nội dung: Hoàng Lê