DMagazine

"Làng một đêm" bên đường Trường Sơn huyền thoại

(Dân trí) - Trong kháng chiến chống Mỹ, Cự Nẫm là điểm dừng chân một đêm nghỉ ngơi của bộ đội trên đường ra Bắc vào Nam. Người Cự Nẫm ngày lao động, đêm giúp bộ đội… Cũng từ đó tên gọi "Làng một đêm" ra đời.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cự Nẫm là điểm dừng chân một đêm nghỉ ngơi của bộ đội, thương binh trên đường ra Bắc vào Nam. Người Cự Nẫm ngày lao động, đêm giúp bộ đội… Cũng từ đó tên gọi "Làng một đêm" ra đời.

Làng Cự Nẫm là một vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, liên tục phát triển qua các thời kỳ kể từ khi hình thành cách đây gần 5 thế kỷ. Ngôi làng ngày ấy giờ là xã Cự Nẫm, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Những ngày cuối tháng 4, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), tôi đã có dịp về thăm Cự Nẫm, một vùng quê giàu truyền thống đánh giặc, giữ làng. Mảnh đất ấy, mang trong mình bao dấu tích của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 1

Qua lời giới thiệu của vị Chủ tịch UBND xã đương nhiệm, tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với thầy giáo lịch sử Nguyễn Hữu Phi (SN 1941). Thầy Phi nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bố Trạch (nay là Trường THPT Hùng Vương), cũng chính là người chắp bút cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm", giai đoạn 1945-2005.

Với chất giọng đầy tự hào, thầy Phi chậm rãi giới thiệu về lịch sử của vùng đất nơi mình sinh ra. Theo thầy Phi, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cự Nẫm đã là địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Bình.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 3

Do Cự Nẫm là vùng xung yếu, kết nối 2 vùng kháng chiến Quảng Bình, là tiền đồn, "chiếc áo giáp" của vùng tự do Bố Trạch, đồng thời là vựa lúa, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, nên ngôi làng luôn là "cái gai" trong mắt quân viễn chinh Pháp.

Từ tháng 5/1947 đến tháng 3/1948, thực dân Pháp đã tổ chức 26 cuộc càn quét với nhiều quy mô khác nhau vào làng Cự Nẫm. Thế nhưng người dân nơi đây đã kiên cường chiến đấu, rào làng đánh giặc và lập nhiều chiến công vang dội, trở thành "Làng chiến đấu kiểu mẫu".

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 5

"Những năm kháng chiến chống Pháp, Cự Nẫm có nhiều địa danh làm nên lịch sử như: Rú Nguốn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Động Dôn, đồi Tăng Xê, đồi Vải Chết... Những địa danh này là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, hàng trăm tên giặc Pháp đã bị tiêu diệt", thầy Phi cho biết.

Ngày nay, trong phòng truyền thống của xã Cự Nẫm vẫn còn đó những công cụ chiến đấu thô sơ do người dân tự làm ra. Những địa danh gắn với các trận đánh ác liệt, minh chứng cho sự gan dạ, thông minh, tinh thần quả cảm một thời chiến đấu của quân và dân Cự Nẫm.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 7

Phát huy truyền thống oai hùng trong thời kỳ chống Pháp, bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và Nhân dân Cự Nẫm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Với vị trí nằm trên tuyến hành lang vận tải từ hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cự Nẫm là một trong những điểm dừng chân của bộ đội trước khi vào chiến trường, đồng thời là điểm tập kết hàng hóa quân sự, là trạm trung chuyển, tiếp nhận, chăm sóc thương binh chuyển ra từ chiến trường.

Từ năm 1969 đến 1973, các đơn vị bộ đội trên đường hành quân đều dừng chân tại Cự Nẫm một đêm trước khi vào trận; các thương, bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để lấy nhu yếu phẩm. Và cũng từ đó, cái tên "Làng binh trạm", "Làng một đêm" ra đời.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 9

"Với Cự Nẫm, ngày đó nhà dân là nơi nghỉ ngơi của bộ đội, kho tập kết hàng hóa, vũ khí trước khi vận chuyển vào Nam. Người dân Cự Nẫm đã bảo vệ, nhường cơm và nhà ở để bộ đội nghỉ ngơi, có sức khỏe để sẵn sàng ra tiền tuyến. Cự Nẫm thực sự là binh trạm của lòng dân", thầy Phi kể lại.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ cũng đã trút xuống Cự Nẫm hàng ngàn tấn bom, phá hủy hàng trăm căn nhà, trường học, hàng trăm người đã ngã xuống. Không khuất phục trước kẻ thù, quân dân Cự Nẫm đã vượt qua gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến tích, góp công vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 11

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chống Mỹ, Cự Nẫm đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động năm 1967 và Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1996.

Còn với những người lính ngày ấy, mảnh đất Cự Nẫm luôn để lại trong họ rất nhiều kỷ niệm, những ân tình khó có thể nào quên. Những ngày đánh Mỹ, hàng vạn người đã qua Cự Nẫm, ở lại một đêm, ăn một bữa cơm. Nơi đây cũng đã có những mối tình chớm nở rồi đơm hoa kết trái. Dù chỉ gặp nhau vài giờ, những anh bộ đội Trường Sơn đã phải lòng cô dân quân Cự Nẫm, họ yêu nhau rồi hẹn ngày chiến thắng, sẽ về chung một nhà.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 13

Cựu chiến binh Cao Văn Tơn (SN 1946) - người lính Cụ Hồ ngày ấy đã phải lòng cô dân quân Cự Nẫm - Nguyễn Thị Luyến. Và rồi, khi non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui, anh lính gốc Thái Bình đã về Cự Nẫm, tìm lại người con gái mình yêu, lập gia đình và sống trên mảnh đất này từ đó đến nay.

"Tôi năm đó chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, khi bị thương thì được đưa về hậu phương. Qua Cự Nẫm, tôi đã có dịp được gặp và quen vợ tôi bây giờ. Gặp cô dân quân vừa xinh đẹp, lại vừa tếu chuyện, tôi phải lòng ngay. Sau đó chúng tôi cũng đôi lần viết thư, vài lần gặp gỡ rồi yêu nhau, đến với nhau và sống tại Cự Nẫm đến bây giờ", ông Tơn tươi cười kể về chuyện tình trong kháng chiến của mình.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 15

Người Cự Nẫm dựng xây làng thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất trung kiên, thủy chung, son sắt qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc… Thời kỳ đổi mới, Cự Nẫm vươn lên không ngừng, bắt nhịp với sự phát triển của thời đại, ngày càng "thay da đổi thịt".

Đến Cự Nẫm hôm nay, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình giải trí, tìm hiểu những nét văn hóa địa phương của "làng chiến đấu" xưa. Nép mình bên sông Son đẹp như tranh vẽ, người dân Cự Nẫm có những cách làm du lịch riêng, nhằm thu hút du khách. Từng ngôi nhà bình dị quanh làng được trang trí bởi những chiếc đèn lồng, tạo thành điểm nhấn khác lạ, khách đến lưu trọ, thăm làng vấn vương chẳng muốn rời xa.

"Cách làm du lịch của người dân ở đây rất riêng, với chất quê mộc mạc, chân tình, mến khách, sản vật ngon, ẩm thực độc đáo. Với du khách chúng tôi, khi về với Phong Nha - Kẻ Bàng, ngoài khám phá hang động thì đến với những homestay đậm chất quê hương như ở Cự Nẫm luôn là lựa chọn hàng đầu", anh Bùi Hải Đăng, du khách Hà Nội chia sẻ.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 17

Sau hơn 10 năm phát triển, các loại hình du lịch cộng đồng tại Cự Nẫm bắt đầu được nhận diện trên bản đồ du lịch Quảng Bình với hàng chục cơ sở lưu trú, nhiều nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái, cũng như homestay, farmstay. Hàng chục địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cửa hàng có vị trí đẹp, phục vụ những món ăn dân dã, đặc trưng vùng miền.

Để phát triển địa phương này trở thành địa điểm du lịch độc đáo, tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai đề án "Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm", được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu chính của đề án là xây dựng "Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm" thành khu du lịch hấp dẫn với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng của địa phương; hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển, xây dựng Cự Nẫm là điển hình cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 19

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, từ làng quê có truyền thống anh hùng, ngày nay, Cự Nẫm vươn mình với những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

"Rất nhiều người dân ở làng quê thuần nông này giờ phát triển kinh tế du lịch, họ đã biết "biến tấu" hài hòa giữa cũ và mới, tự nhiên và nhân tạo trong làm du lịch để hấp dẫn du khách. Đó cũng là yếu tố quan trọng để "Làng một đêm" năm xưa trở thành nơi níu chân du khách, không chỉ một đêm nữa", ông Lương nói.

Theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, UBND tỉnh này cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung bộ.

Làng một đêm bên đường Trường Sơn huyền thoại - 21

Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm được xây dựng có tổng diện tích 3.279 ha. Trong đó, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm.

Đây là điểm nhấn thu hút du khách đến với Quảng Bình và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ của miền di sản. Để rồi trong tương lai không xa, Cự Nẫm - "Làng một đêm" ngày ấy, sẽ trở thành điểm đến lý tưởng bốn mùa, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước...

Nội dung, ảnh: Tiến Thành

Thiết kế: Thủy Tiên