(Dân trí) - Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) đang nổi lên như một phương thức thanh toán của tương lai và đang dần dần thay đổi hình thức mua sắm trực tuyến.
Mua trước trả sau - dịch vụ thanh toán giúp bạn "mua cả thế giới"
Mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) đang nổi lên như một phương thức thanh toán của tương lai và đang dần dần thay đổi hình thức mua sắm trực tuyến.
Muốn mua sắm mà không có tiền thì làm thế nào?
Khi đang học đại học, Briana Gordley làm việc bán thời gian tại một công ty và cô kiếm được khoảng 15.000 USD một năm. Cô đã đi đến trung tâm mua sắm và lang thang ở Forever 21. Tại đây, một nhân viên bán hàng nói với cô rằng công ty vừa mới bắt đầu hợp tác với một dịch vụ có tên là Afterpay, dịch vụ này cho phép Gordley mua quần áo mà không cần trả trước toàn bộ chi phí, thay vào đó trả dần thành 4 đợt. Đây là lần đầu tiên cô nghe nói đến dịch vụ mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL).
"Tôi nghĩ, thật là tuyệt vời!", cô nói. Thu nhập của cô không cho phép cô mua nhiều quần áo hay những đồ có giá trị lớn. "Dịch vụ mua trước trả sau quá hấp dẫn đối với sinh viên đại học như tôi. Nó khiến tôi cảm thấy mình có thể mua được những thứ mà trước đây tôi không dám nghĩ đến", cô nói.
Gordley đã đăng ký ứng dụng Afterpay ngay tại chỗ. Với thu nhập thấp, cô không chắc sẽ được chấp thuận. Nhưng không ngờ cô đã nhanh chóng được chấp nhận sử dụng dịch vụ. Trong thủ tục giấy tờ nói rằng cô sẽ phải trả phí nếu không thanh toán đúng hạn, nhưng Gordley nghĩ rằng cô có thể trả được. "Tôi đã đăng ký mà không quan tâm đến việc có phải trả phí hay không", cô nhớ lại và cho biết: "Tôi chắc chắn rằng nó sẽ không phải là vấn đề lớn".
"Rất nhiều người đã phấn khích khi có cơ hội này để mua những sản phẩm mà trước đây họ không thể có được. Và tôi cũng vậy! Tôi không quan tâm đến việc có khả năng chi trả hay không", Gordley cho biết.
Dịch vụ BNPL ngày càng phổ biến trong những năm gần đây và bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Nó được một số người gọi là "tương lai của nền tài chính thiên niên kỷ" và hấp dẫn những người dưới 30 tuổi có tài chính eo hẹp, mong muốn hoãn thanh toán hàng hóa mà không tính lãi.
Với BNPL, khi thanh toán, người tiêu dùng được lựa chọn chỉ trả trước một phần chi phí và trả phần còn lại theo hình thức trả góp. Không giống như thẻ tín dụng, đăng ký BNPL không yêu cầu kiểm tra tín dụng và các khoản thanh toán không tích lũy lãi suất. Tính đến tháng 1, khoảng 1/5 người Mỹ được cho là đang sử dụng dịch vụ BNPL.
Còn theo The Guardian, dịch vụ BNPL tại Anh tăng gần gấp 4 lần vào năm 2020, lên 2,7 tỷ bảng trong các giao dịch. Một cuộc khảo sát của Cơ quan quản lý tài chính của Anh (FCA) cho thấy, từ khi bắt đầu đại dịch đến cuối năm 2021, 5 triệu người Anh đã sử dụng sản phẩm BNPL, trong khi công ty tư vấn Capital Economics tuyên bố có "hơn 10 triệu người dùng" vào năm 2020.
BNPL xuất hiện vào đầu những năm 2010 để giải quyết những điểm khó khăn xung quanh vấn đề tài chính, cụ thể là sự phức tạp của thẻ tín dụng có phí và lãi suất hàng năm cao. Theo một nghiên cứu của Insider Intelligence, những khoản phí "cắt cổ" này đã khiến người tiêu dùng tìm kiếm các phương thức thanh toán khác. Điều này đã dẫn đến sự thành công của BNPL.
Các dịch vụ BNPL xuất hiện trên hàng nghìn trang web bán lẻ điện tử, bao gồm cửa hàng quần áo, nhà cung cấp đồ trang điểm và làm đẹp, sản phẩm gia dụng, cửa hàng công nghệ, DIY, nhà sản xuất đồ chơi và thậm chí cả cửa hàng tạp hóa, với các thương hiệu đối tác bao gồm các nhà cung cấp phổ biến như Samsung, PrettyLittleThing và ASOS.
Giờ đây, BNPL được sử dụng khi mua hàng hóa xa xỉ cũng như các mặt hàng cần thiết, thể hiện sự thay đổi tiềm năng trên thị trường và sự áp dụng nhanh chóng của phương thức thanh toán này.
Theo ZDNet, một cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 3 cho thấy cứ 12 người thì có một người đã sử dụng BNPL để mua các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm và đồ vệ sinh cá nhân.
Thị trường mục tiêu của BNPL là thế hệ trẻ Millennials và Gen Z. Theo một nghiên cứu của Forbes, tốc độ phát triển của BNPL trong Gen Z đã tăng 600% kể từ năm 2019, trong khi tỷ lệ này ở Millenials đã tăng hơn gấp 3 lần.
Sự phát triển mạnh của BNPL trong các thế hệ trẻ cho thấy BNPL sẽ sớm không còn là một phương thức thanh toán thay thế mà sẽ trở thành một phương thức thanh toán chính.
BNPL được dự đoán là phương thức thanh toán phát triển nhanh nhất thế giới cả trực tuyến và tại cửa hàng từ năm 2021 đến năm 2025, theo báo cáo Thanh toán toàn cầu năm 2022 của Worldpay.
Đến năm 2025, BNPL dự kiến sẽ chiếm 5,3% giá trị giao dịch toàn cầu, tương đương khoảng 438 tỷ USD. Xem xét tình hình kinh tế không chắc chắn hiện tại và chi phí sinh hoạt, đây có thể là một ước tính thận trọng.
BNPL hoạt động như thế nào?
BNPL hoạt động khác nhau giữa các nhà cung cấp. Tuy nhiên, nhà cung cấp BNPL thường hoạt động như những người cho vay trung gian và các dịch vụ tài chính, cung cấp hạn mức tín dụng cho các giao dịch mua được thực hiện tại các cửa hàng của bên thứ ba.
Họ cung cấp các lựa chọn tài trợ ngắn hạn, thường là các khoản vay trả góp cố định trong các thời hạn đã thỏa thuận. Nhà cung cấp BNPL và người tiêu dùng có thể đồng ý thanh toán hàng tuần, thanh toán hai tuần một lần hoặc thanh toán hàng tháng.
Bạn thường sẽ tìm thấy các tùy chọn BNPL tại các thanh toán của nhà bán lẻ điện tử. Bạn sẽ được hỏi liệu bạn có muốn chia chi phí ban đầu của một sản phẩm thành các khoản thanh toán nhỏ hơn theo thời gian hay không. Sau quá trình đăng ký nhanh chóng với yêu cầu thông tin cơ bản, người dùng có thể được chấp thuận hoặc từ chối trong vài giây.
Các nhà cung cấp dịch vụ BNPL phổ biến bao gồm Klarna, AfterPay (còn được gọi là Clearpay ở Liên minh châu Âu), Affirm, Pay in 4 của PayPal và Sezzle. Mới đây nhất, Apply cũng tham gia vào "đường đua" cung cấp dịch vụ BNPL, khiến nhiều ông lớn trong ngành phải dè chừng.
BNPL nổi bật với các khoản thanh toán linh hoạt và không tính lãi suất hoặc phí dịch vụ. Chẳng hạn, bạn có thể mua một máy tính xách tay trị giá 800 USD và sử dụng dịch vụ BNPL để thanh toán khoản tiền đặt cọc 200 USD và sau đó trả phần còn lại trong ba lần trả góp bằng nhau hai tuần một lần.
Ngoài ra, BNPL còn có thể cung cấp các thỏa thuận cho vay và tín dụng truyền thống, bao gồm cả lãi suất cho các giao dịch mua đắt hơn.
Ascent đã thực hiện một nghiên cứu từ năm 2020 đến năm 2021 khảo sát người tiêu dùng Mỹ về việc sử dụng BNPL. Theo đó, 55,8% người tiêu dùng cho biết họ đã sử dụng BNPL, với mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận trong độ tuổi 18-24 và trên 55 tuổi. Những người tham gia khảo sát cho biết việc sử dụng dịch vụ BNPL tăng lên do áp lực của đại dịch, và 1/4 cho biết đó là do thu nhập giảm.
Dịch vụ BNPL gia tăng trong những năm gần đây, nhất là trong thời kỳ đại dịch, do sự linh hoạt của nó mang lại lợi ích cho nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là trong nền kinh tế lạm phát cao. Các thỏa thuận BNPL được thực hiện nhanh chóng so với đăng ký tín dụng truyền thống.
Đặc biệt, nhiều dịch vụ BNPL cung cấp tài chính không lãi suất và tích điểm khách hàng thân thiết của khách hàng thường xuyên đối với các giao dịch mua hàng trong tương lai hoặc các chương trình phần thưởng khác.
Tuy nhiên, BNPL là một sản phẩm tài chính có các điều khoản và điều kiện, và do đó, bạn cần hiểu rõ các điều khoản hợp đồng trước khi đưa ra quyết định mà có thể gây ra những hậu quả khôn lường sau này.
Cái bẫy?
Chính sự dễ dàng trong đăng ký và sử dụng khiến dịch vụ BNPL thu hút người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Nếu tiền trong tài khoản ngân hàng không đủ để thanh toán cho các khoản mua, bạn có thể sẽ phải chịu phí trả chậm, hình phạt, bị hạn chế tài khoản hoặc bị cuốn vòng xoáy tín dụng tiêu cực.
Sau khi Gordley đăng ký dịch vụ Afterpay, cô đã được cấp một khoản tín dụng và sau đó ứng dụng bắt đầu hiển thị các sản phẩm quần áo từ các cửa hàng mà trước đây cô chưa từng mua. Cô bắt đầu mua sắm sử dụng ứng dụng BNPL, lúc nhiều nhất là 5-6 sản phẩm cùng một lúc, mỗi lần trên mức tối thiểu 30 USD và đôi khi lên tới 100 USD. Khi đạt mức chi tiêu tối đa tại Afterpay, Gordley đã nộp đơn tại Klarna và được cấp giới hạn là 1.500 USD.
Lúc đầu, cô không lo lắng về việc khi nào các khoản thanh toán tự động cho các khoản trả góp sẽ đến từ tài khoản ngân hàng của mình, bởi cô nghĩ rằng chúng sẽ xếp hàng với phiếu lương mà cô nhận được hai tuần một lần. Nhưng mỗi kỳ thanh toán có lịch trình riêng dựa trên các ngày mua hàng khác nhau. Sau khi Gordley không có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng để thanh toán các khoản mua, cô bắt đầu bị tính phí thấu chi, mỗi khoản là 29 USD một lần. Cô ước tính đã trả 250 - 300 USD cho các khoản phí trễ hạn.
Chia sẻ trên Fast Company, Rachel Gittleman, Giám đốc tiếp cận dịch vụ tài chính tại Liên đoàn Người tiêu dùng Mỹ, cho biết: "BNPL có thể là một công cụ hữu ích cho một số người tiêu dùng, tuy nhiên về tổng thể, nó khuyến khích người tiêu dùng gánh những khoản nợ không thể quản lý được".
Còn Lauren Saunders, Phó Giám đốc tại Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia của tổ chức phi lợi nhuận, lưu ý: "Chi phí trả trước nhỏ hơn khuyến khích mọi người mua hàng, nhưng đó chỉ là do giá sản phẩm được chia nhỏ thành bốn đợt thanh toán".
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 45% người dùng BNPL cho biết họ đã sử dụng dịch vụ này để mua những thứ mà họ không thể mua được. "Nếu bạn không đủ khả năng mua ngay hôm nay, liệu bạn có thực sự đủ khả năng trong 6 tuần nữa không?" Saunders đặt ra câu hỏi.
Một cạm bẫy khác mà người tiêu dùng phải đối mặt là lịch trình hoàn trả cho mỗi lần mua sử dụng dịch vụ BNPL bắt đầu vào ngày thực hiện giao dịch. Điều này có nghĩa là các khoản thanh toán cho nhiều lần mua sẽ đến hạn vào các thời điểm khác nhau, khiến người tiêu dùng khó theo dõi các khoản thanh toán. Hơn một nửa số người dùng cho biết họ đã thanh toán nhiều lần cùng một lúc. Nếu người tiêu dùng đính kèm tài khoản ngân hàng của họ để thanh toán tự động, họ có nguy cơ phải trả phí thấu chi nếu không thể đảm bảo luôn có đủ tiền vào đúng thời điểm.
Không giống như nhiều hình thức tài trợ khác, dịch vụ BNPL nhìn chung sẽ không giúp cải thiện điểm tín dụng. Thậm chí cách các dịch vụ BNPL hoạt động được cho là thiếu minh bạch do BNPL không chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý như các sản phẩm tài chính truyền thống.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là nhiều người tiêu dùng không nhận ra rằng BNPL thực chất vẫn là nợ. Các dịch vụ BNPL là các thỏa thuận tín dụng và được định nghĩa là các khoản cho vay không có bảo đảm.
Fast Company đã bày tỏ quan ngại về sự hiểu biết của người tiêu dùng về các thỏa thuận BNPL. Một cuộc khảo sát tại Anh do Creditspring thực hiện cho biết 81% người đi vay không hay biết rằng BNPL không được kiểm soát và khoảng 1/3 số người được khảo sát không coi BNPL là một hình thức vay.
Hơn một nửa (53%) không nhận ra rằng nợ có thể chồng chất nếu việc thanh toán bị bỏ sót, 43% cho biết họ không biết rằng có thể bị áp dụng phí trả chậm. Trong khi đó, 1/7 số người được khảo sát tin rằng không thể mắc nợ khi sử dụng BNPL. Đây là một con số đáng kinh ngạc khi xem xét mức độ phổ biến của các sản phẩm tài chính này.
Tuy nhiên, nhiều dịch vụ BNPL, bao gồm Klarna và Afterpay, nói rằng rất hiếm có trường hợp người tiêu dùng thanh toán quá hạn. Đại diện của Afterpay nói với Fast Company: "Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí đối với những khách hàng thanh toán đúng hạn, giúp người tiêu dùng chi tiêu tiền có trách nhiệm mà không có rủi ro phát sinh các khoản nợ gia hạn hoặc quay vòng. 98% người tiêu dùng thanh toán đúng hạn và không phát sinh phí trễ hạn".
Gordley thật may mắn vì mẹ cô, một nhân viên kế toán, đã kịp thời can thiệp khi phát hiện ra chuyện gì đang xảy ra và bà đã cho Gordley vay tiền để thanh toán tất cả các khoản mua sắm của mình.
"Lúc đó tôi chỉ biết tự trách mình. Tôi nghĩ lẽ ra mình phải thông minh hơn và biết được những gì mình có thể sẽ đối mặt", Gordley nói.
Hiện Gordley là nhà phân tích chính sách cho tổ chức phi lợi nhuận Texas Appleseed, và ở đây, cô nhận ra rằng vấn đề còn lớn hơn những gì cô trải qua nhiều. Cô nói: "BNPL có thể bị lạm dụng nếu không được kiểm soát tốt. Chúng tôi không muốn loại bỏ dịch vụ này mà điều chúng tôi muốn là đảm bảo mọi người được an toàn".
Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)