DNews

Những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh có đảo ngọc Phú Quốc

Phùng Minh

(Dân trí) - Phần lớn diện tích tỉnh Kiên Giang ngày nay bao gồm thành phố Rạch Giá và toàn bộ tỉnh Hà Tiên cũ.

Những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh có đảo ngọc Phú Quốc

Vùng đất lịch sử

Kiên Giang có lịch sử lâu dài, gắn liền với các sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Trước thế kỷ XVII, vùng đất Kiên Giang thuộc lãnh thổ Chân Lạp, hay còn gọi là Mang Khảm.

Là một vùng đất ven biển nằm tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, trấn Hà Tiên xưa được khai phá bởi cha con nhà Mạc Cửu. Đất Hà Tiên bao gồm vùng đất rộng lớn tương ứng với lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang ngày nay.

Dưới triều Nguyễn, địa phận tỉnh Kiên Giang ngày nay thuộc trấn Hà Tiên. Khi vua Gia Long lên ngôi, Hà Tiên được đặt thành một trấn ở Nam Kỳ. Năm 1825, đặt thêm huyện Hà Tiên thuộc trấn Hà Tiên. Để không trùng tên với trấn, vua Minh Mạng đổi huyện Hà Tiên thành huyện Hà Châu. Đến năm 1832, vua Minh Mạng lại đổi trấn Hà Tiên thành tỉnh Hà Tiên.

Khi đó, tỉnh Hà Tiên gồm phủ Quan Biên (đổi tên từ phủ An Biên) thống lĩnh 8 huyện (Hà Châu, Long Xuyên, Kiên Giang, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Châu Sum, Cần Vọt, Vũng Thơm).

Từ thời vua Tự Đức đến trước khi thực dân Pháp xâm lược năm 1867, Hà Tiên gồm phủ An Biên và 3 huyện là Hà Châu, Kiên Giang, Long Xuyên.

Năm 1867, Hà Tiên rơi vào tay giặc Pháp và nhanh chóng được tổ chức lại cùng với một số địa phương khác ở Nam Kỳ.

Tỉnh Hà Tiên cũ được tách thành hai đơn vị hành chính cấp tỉnh là Hà Tiên và Rạch Giá, tồn tại độc lập trong suốt gần 1 thế kỷ.

Từ năm 1945-1975, do hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động, việc phân định các đơn vị hành chính cũng nhiều thay đổi từ tỉnh Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá đến tỉnh Long Châu Hà.

Năm 1956, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5/1965, tỉnh Hà Tiên được tái lập.

Vào năm 1957, các đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên, Phú Quốc); có 7 tổng; 58 xã.

Những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh có đảo ngọc Phú Quốc - 1

Bản đồ hành chính tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Chinhphu).

Năm 1973, tỉnh Kiên Giang có 8 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Hiếu Lễ).

Năm 2005, Chính phủ có quyết định thành lập thành phố Rạch Giá trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Rạch Giá.

Vào năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố Hà Tiên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Hà Tiên.

Từ ngày 1/1/2021, thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Phú Quốc, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, gồm: thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc; các huyện gồm: Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng, Giang Thành; 145 xã, phường, thị trấn.

Kiên Giang có gì đặc biệt?

Tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.353km2, địa hình đa dạng, bờ biển dài, nhiều sông núi và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tỉnh có bờ biển hơn 200 km với hơn 137 hòn, đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là Phú Quốc diện tích 567km2 - đảo lớn nhất Việt Nam.

Dân số tỉnh Kiên Giang trên 1,76 triệu người, đứng thứ 15 cả nước; dân tộc chủ yếu là người Kinh, Khmer, Hoa.

Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí thuận lợi kết nối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Phía Bắc của tỉnh Kiên Giang giáp Campuchia với đường biên giới dài 56,8km; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

Những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh có đảo ngọc Phú Quốc - 2

Đảo ngọc Phú Quốc mang tiềm năng trở thành Hawaii của châu Á (Ảnh: Seashells).

Năm 2006, Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Đây là khu dự trữ sinh quyển được công nhận thứ 5 ở Việt Nam, có diện tích lớn nhất nước và lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu ha.

Khu vực này bao trùm trên địa bàn các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải; có 3 vùng lõi thuộc các Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải.

Đảo Phú Quốc được xây dựng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao. Phú Quốc và hai quần đảo An Thới, Thổ Châu là vùng lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển đảo như: tham quan, cắm trại, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các loại hình thể thao nước.

Phú Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời và nhiều đặc sản nổi tiếng, như: nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, cá trích, nấm tràm... Sự phong phú, đa dạng đó giúp khách du lịch tới Phú Quốc tăng nhanh.

Thành phố Rạch Giá vừa lên đô thị loại I

Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài 7km, giao thông thủy, bộ và hàng không rất thuận tiện.

Rạch Giá hiện nay có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh Kiên Giang. Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất Tây Nam bộ.

Ngày 15/3 vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Rạch Giá có phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố hiện hữu. Khu vực nội thành gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 phường (An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thông), khu vực ngoại thành gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Phi Thông.

Những lần thay đổi địa giới hành chính của tỉnh có đảo ngọc Phú Quốc - 3

Thành phố biển Rạch Giá (Ảnh: Phương Vũ).

Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá Bùi Phước Châu cho biết, việc công nhận thành phố Rạch Giá là đô thị loại I là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của thành phố Rạch Giá trên con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng đô thị hiện đại.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, Rạch Giá không chỉ là một trong bốn đô thị động lực của vùng mà còn được quy hoạch là trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng, trung tâm kinh tế biển và nghề cá hiện đại của cả nước.

Rạch Giá sở hữu 20km đường bờ biển, có hệ thống giao thông phát triển mạnh mẽ. Cảng hàng không Rạch Giá là cầu nối giữa TPHCM, Hà Nội và thành phố Phú Quốc. Ngoài ra, Rạch Giá còn có Cảng hành khách Rạch Giá phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa và du lịch ra các đảo.