(Dân trí) - Từ thành phố, Đại úy Lê Hồng Việt khoác ba lô đi nhận nhiệm vụ. Nơi anh đến là một xã biên giới của Nghệ An, cách nhà gần 300 cây số, giáp với nước bạn Lào...
Từ thành phố, Đại úy Lê Hồng Việt khoác ba lô đi nhận nhiệm vụ. Nơi anh đến là một xã biên giới của tỉnh Nghệ An, cách nhà gần 300 cây số, giáp với nước bạn Lào...
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 11 xã biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào, trải dài hơn 203km đường biên giới. Là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Khơ Mú, Thái, cùng điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An và nghèo nhất nước.
Theo ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, trước khi bố trí công an chính quy về xã, địa bàn huyện có những phức tạp, đặc biệt là ở cơ sở. Những vụ việc nhỏ ở các bản xa, sát biên giới không được giải quyết kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với tình hình an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn.
"Sự có mặt của lực lượng công an chính quy ở các xã đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là lực lượng công an chính quy được đào tạo bài bản, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, bám dân, bám cơ sở, bám địa bàn, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, nổi cộm ở cơ sở; đấu tranh, kìm giữ các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy.
Các chiến sĩ công an tăng cường từ Bộ về, từ tỉnh lên hay từ huyện vào đã bắt nhịp nhanh, thích ứng với điều kiện ăn ở, sinh hoạt, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp có hiệu quả với Đảng ủy, chính quyền địa phương.
Các chiến sĩ giúp từng bản, từng xã và toàn huyện giữ vững sự ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương", ông Vi Văn Hòe đánh giá khái quát hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn.
Từ trung tâm huyện, vượt quãng đường 50km, chúng tôi có mặt tại xã Mỹ Lý. Với 43,5km đường biên giới, Mỹ Lý được xem là địa phương có đường biên giới trên bộ dài nhất trong 27 xã của Nghệ An có chung đường biên giới với nước bạn Lào. Toàn xã có gần 1.240 hộ dân sinh sống ở 12 thôn bản, chủ yếu là đồng bào người Thái, Mông và Khơ Mú thì có tới 715 hộ nghèo, 215 hộ cận nghèo.
Đến nay, mới chỉ có 3 bản trung tâm xã Mỹ Lý có điện lưới, 6/12 bản có sóng điện thoại. Vài nét phác họa như vậy cũng đủ để hình dung về những khó khăn, vất vả của lực lượng công an chính quy, khi quá nửa quân số là cán bộ dưới xuôi lên nhận công tác.
"Ở đây có cái đặc thù là công an không làm việc theo giờ hành chính. Khi nào bà con cần thì đến, mà bà con đến là mình phải giải quyết cho họ, bất kỳ thời gian nào", Trung tá Hồ Ngọc Nghị, Trưởng Công an xã Mỹ Lý, cho hay.
Ngược hơn nửa cung đường, chúng tôi vòng sang xã Na Ngoi - nơi có đỉnh Phuxailaileng cao nhất dãy Trường Sơn. Thiếu tá Lỳ Bá Lử - Trưởng Công an xã Na Ngoi - bảo, ở đây một ngày có 3 hình thái thời tiết đặc trưng của 3 mùa.
Sáng, bản làng phủ trong màn sương mờ ảo, se se lạnh. Tầm 10h, sương tan hết cũng là khi cái nắng chói chang đổ ập xuống. Nắng nóng kéo dài đến tầm 17h, bỗng sương từ đâu kéo xuống, phủ lên những mái nhà pơ mu sẫm màu.
Trụ sở công an xã nằm lưng chừng quả đồi, mờ ảo trong làn sương mù dày đặc. Đêm se lạnh, phòng làm việc của Trưởng Công an xã Na Ngoi - Lỳ Bá Lử và Phó trưởng công an xã - Cự Bá Chò vẫn sáng đèn.
"Anh em tranh thủ nhập dữ liệu, ban ngày còn phải giải quyết giấy tờ, công việc của người dân. Ở đây, người dân đến trụ sở lúc nào thì lúc đó vẫn là giờ làm việc, có hôm 22h, bà con đến làm giấy xác nhận nơi cư trú vẫn phải bật máy để giải quyết", Thiếu tá Lỳ Bá Lử nói.
Cũng chẳng phải đợi lâu mới có thể kiểm chứng lời của vị trưởng công an xã. Sáng hôm sau, tôi còn mắt nhắm, mắt mở thì đã nghe tiếng lao xao bên ngoài. Trời chưa sáng hẳn, màn sương mù vẫn bao phủ rừng cây phía trước cổng trụ sở, một phụ nữ người Mông đã chờ sẵn ở sân để xin xác nhận cư trú cho con gái đang đi học hưởng chế độ hỗ trợ gạo.
"Phải đi sớm còn về lên rẫy chứ", người phụ nữ nói rồi đón lấy tờ giấy đã đóng dấu đỏ từ tay Đại úy Cự Bá Chò.
Xã Na Ngoi có 19 bản thì có tới 17 bản người Mông. Bởi vậy, so với những nơi khác, Thiếu tá Lử hay Đại úy Chò có nhiều thuận lợi hơn khi cùng là đồng bào Mông, thông thạo tiếng nói, hiểu phong tục, tập quán của bà con. Còn đối với nhiều cán bộ công an chính quy khác, khác biệt về phong tục, ngôn ngữ khiến họ mất nhiều thời gian hơn để thích ứng với công việc.
Quê ở thành phố Vinh, năm 2020, Đại úy Lê Hồng Việt vác ba lô lên nhận nhiệm vụ Trưởng công an xã Mường Típ - nơi chỉ cách nước bạn Lào một con sông. Thời điểm đó, tuyến đường độc đạo từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) vào xã Mường Típ đang bị gián đoạn do hậu quả của trận lũ quét một năm trước.
Giao thông cách trở, nơi ăn chốn ở chưa có, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, và đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ với bà con dân bản khiến người lần đầu tiên đặt chân lên biên giới như Đại úy Việt không tránh khỏi tâm tư. Được lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã động viên, Công an huyện hỗ trợ, gia đình động viên, anh thích nghi dần với cuộc sống mới, nhiệm vụ mới.
"Thời gian đầu, một số bà con còn ngại tiếp xúc với công an chính quy, thậm chí, mình đi bản, bà con gặp là tránh, không tiếp xúc. Bà con ngại thì mình phải chủ động gần bà con", Đại úy Việt chia sẻ.
Theo Trưởng công an xã Mường Típ, vì không biết tiếng của đồng bào nên nhiều tình huống dở khóc, dở cười đã xảy ra, hoặc nhiều trường hợp thu nhận dữ liệu dân cư, thông tin cấp Căn cước công dân bị sai lệch, phải làm lại, vừa mất thời gian, mất công sức. Bởi vậy, về với bản làng, với đồng bào, anh em công an xã chủ yếu là người dưới xuôi lên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn có thêm nhiệm vụ "học ngoại ngữ".
Thời gian đầu, Đại úy Việt phải ra thị trấn, theo học một lớp tiếng Mông do Công an huyện phối hợp UBND huyện tổ chức. Nhưng một tháng tập huấn cũng chỉ đủ giúp anh giao tiếp cơ bản, còn giải quyết các vụ việc phát sinh, đặc biệt là ở các bản người Mông thì vẫn phải nhờ cán bộ xã phiên dịch.
3 năm ở xã, vốn liếng tiếng Mông của anh em công an chính quy được bổ túc dần trong những chuyến xuống bản đều đặn mỗi tuần. Hiện, hầu hết cán bộ công an xã có thể tự tin giao tiếp cơ bản với người dân bằng tiếng bản địa, chưa kể vừa được bổ sung một công an viên chính quy là người Mông để thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Tương tự, cán bộ công an xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an ninh trật tự, vừa phải học tiếng Mông, tiếng Thái để gần gũi với bà con hơn.
Đại úy Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Công an xã Tri Lễ - chia sẻ: "Phải biết được tiếng của đồng bào thì mới làm việc được, mới nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con. Trò chuyện được với con mới hiểu được phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của đồng bào.
Giờ anh em xuống bản, thấy trước nhà đồng bào Mông treo cành cây là biết họ đang làm vía, không được vào. Nhờ biết được tiếng Mông, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng hiệu quả hơn, đặc biệt là quá trình thu thập dữ liệu dân cư ít sai sót hơn, đảm bảo các tiêu chí đúng - đủ - sạch - sống".