DMagazine

Hồi ức của "người lính canh trời" về "chiếc phao" cho cả gia đình

(Dân trí) - 8 năm với rất nhiều thay đổi, Khoa nay mang trên mình bộ quân phục sĩ quan phòng không không quân. Chàng "chiến sĩ canh trời" vẫn nhớ như in ký ức "chiếc phao cho cả gia đình" năm xưa.

"Khoa là đứa cháu đầu tiên trong họ học đại học rồi ra làm cán bộ đấy. Đó không chỉ là niềm vui, tự hào của họ hàng, làng xóm, cháu nó còn là tấm gương cho các em học theo, tấm gương vượt qua nghịch cảnh vươn lên", bà Khu Trần Diễm Thúy (40 tuổi), dì ruột Trung úy Nguyễn Đăng Khoa, sĩ quan Trung đoàn 93, Sư đoàn phòng không 367, nói với phóng viên Dân trí.

Khoa sinh năm 2000, nhà ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cậu học sinh lớp 10 năm đó là nhân vật trong bài viết : "Cha con tai biến, mẹ con ung thư, giờ con sống khổ lắm... !" đăng trên báo Dân trí ngày 8/7/2016. Hoàn cảnh sau đó nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc khắp mọi miền Tổ quốc.

8 năm với rất nhiều thay đổi, Khoa nay mang trên mình bộ quân phục sĩ quan phòng không không quân. Công tác xa nhà, xa người thân, nhưng chàng "chiến sĩ canh trời" vẫn nhớ như in ký ức "chiếc phao cho cả gia đình" năm xưa. 

Cậu bảo: "Dân trí bắc cầu cho em sang sông để có cuộc đời mới bây giờ".

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 1

"Em mới được đơn vị cử đi học thêm ngoại ngữ. Thêm mấy nay đón tân binh cũng bận, nhưng vui", Trung úy Nguyễn Đăng Khoa mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong buổi chiều đầu tháng 4 oi nóng.

Biết tin sự kiện 20 năm chương trình Nhân ái của báo Dân trí, sắp được tổ chức tại Hà Nội, Khoa vui mừng chia sẻ dù bận công tác nhưng em sẽ cố sắp xếp công việc và xin cấp trên ra tham dự sự kiện ý nghĩa này. Khoa luôn muốn gửi lời cảm ơn trực tiếp đến báo Dân trí, các mạnh thường quân, bạn đọc đã giúp đỡ gia đình mình năm xưa. 

"Sân bay và vùng trời này là mục tiêu bảo vệ của đơn vị. Em tự hào về công việc mình lắm. Em luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, vì ở đó có những người yêu thương, giúp đỡ gia đình em", Khoa chia sẻ.

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 3

Năm 2016, gia đình Khoa ở Sóc Trăng không có ruộng đất. Khi phóng viên Dân trí về ghi nhận, thời điểm đó gia đình cậu ở trong một căn nhà tồi tàn. Khoa là con duy nhất trong gia đình nghèo và hiếm muộn.

Năm lên 10 tuổi, cha của Khoa là ông Nguyễn Minh Hải (SN 1956) bị tai biến. Kể từ đó, ông Hải điếc tai, khuyết tật vận động. Tiền thuốc cho ông, tiền học cho Khoa, ăn uống của 3 người đều trông vào những tờ vé số mà bà Trần Thị Nga (SN 1958, mẹ của Khoa) bán được.

Kinh tế gia đình ngày đó chật vật lắm, nhưng lần nữa rơi vào khốn cùng khi bà Nga đổ bệnh. Năm 2016, sau nhiều ngày dài bị cơn đau hành hạ, bà Nga nhập viện rồi được thông báo mắc ung thư tai, họng, hốc mũi.

"Ba tai biến ngồi một chỗ, mẹ ung thư. Ngoài giờ học em cố gắng làm thêm nhiều việc. Có khi đi bốc vác hàng thuê, có hôm thu hoạch lúa, đào đất mướn. Không ai thuê làm gì em đi bán vé số, cứ có thời gian là đi. Ngoài để có tiền ăn cho mình, cứ 10 ngày em gom tiền gửi lên bệnh viện cho mẹ…", Khoa nhớ lại thời khốn khó.

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 5

Trong những ngày tháng khó khăn vô cùng đó, Khoa càng thêm nỗ lực học tập và có thành tích tốt nhất Khối 10, điểm trung bình 9,1. 

"May mắn hè năm lớp 10 em được báo Dân trí giúp đăng bài kêu gọi hỗ trợ. Thời gian ngắn sau đó, rất nhiều bạn đọc báo đã gửi tiền, hoặc đến tận nơi ủng hộ với số tiền cả trăm triệu đồng.

So với tiền lãi bán vé số mỗi tờ được 1.000 đồng, số tiền đó lớn lắm, như một chiếc phao cho cả gia đình em bám víu", Khoa nhớ lại.

"Không ngờ luôn đó chú. Ai đâu xa lạ mà mang đến số tiền lớn vậy. Nhờ số tiền của bạn đọc báo Dân trí mà thằng bé đổi đời. Cả ấp ai cũng bất ngờ", bà Khu Trần Diễm Thúy (40 tuổi), dì ruột Trung úy Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ với chúng tôi.

Dù đã gắng gượng, nhưng sau thời gian chống chọi với bệnh tật, đầu năm 2017, bà Nga qua đời. Mong ước cuối cùng của bà là con trai không bỏ học.

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 7
Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 9

Ghi vào lòng lời trăn trối của mẹ và viết tiếp giấc mơ của mình, Khoa không ngừng cố gắng, vừa học, vừa làm.

Khoa kể, sau khi mẹ mất, số tiền được bạn đọc Dân trí hỗ trợ vẫn còn một khoản, gia đình quyết định sửa lại ngôi nhà đang ở. Nhờ đó, lần đầu tiên trong đời cha con Khoa được ở trong mái nhà kín, chắc chắn. Bàn thờ bà Nga cũng được đặt ở nơi sạch đẹp, tinh tươm.

Vào năm học mới, Khoa được các thầy cô cho học thêm miễn phí. Ngoài giờ học, em đi làm thêm. Dù vất vả hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng Khoa luôn có kết quả học tập tốt.

"Ngày đó, em cố gắng học không phải vì riêng mình nữa. Em được nhiều người giúp đỡ nên luôn phấn đấu thành người có ích. Em chọn học ở trường quân sự, vì biết sẽ không tốn học phí, phù hợp hoàn cảnh gia đình. Trở thành quân nhân, em sẽ có điều kiện phục vụ đất nước, phục vụ xã hội tốt hơn", chàng sĩ quan nói.

Khoa nói sự giúp đỡ của báo Dân trí và bạn đọc không chỉ ở giá trị khoản tiền, mà giúp "cậu bé Khoa" dần hình thành nhân cách, suy nghĩ nhân văn, biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh. 

"Dân trí bắc cầu cho em sang sông để có cuộc đời mới bây giờ", Khoa khẳng định. Dòng hồi ức của chàng Trung úy với giọng nghẹn ngào, có chút bi ai, nhưng chất chứa tự hào vì bản thân đã vượt qua nghịch cảnh.

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 11

Nhiều năm trôi qua, giờ đây Khoa đã là một sĩ quan quân đội. Đơn vị ở Đồng Nai, cách nhà hơn 200km, Khoa nói rất lo cho sức khỏe cha ngày một yếu. Ông Hải năm nay 68 tuổi, sống ở Sóc Trăng một mình, có người em gái thường ghé chăm sóc. 

Cuộc trò chuyện bất ngờ phải tạm dừng khi Trung úy Khoa có việc của đơn vị. Trước khi rời đi, Khoa chia sẻ không biết nói gì hơn, gia đình em cảm ơn báo Dân trí, bạn đọc - những ân nhân của cuộc đời mình.

Hồi ức của người lính canh trời về chiếc phao cho cả gia đình - 13

Nội dung: Nguyễn Cường