DMagazine

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ

(Dân trí) - Nhờ những căn nhà phao bạn đọc Dân trí tài trợ, người dân vùng "rốn lũ" huyện Minh Hóa, Quảng Bình không còn nỗi lo chạy lũ, là điểm tựa để yên tâm chống chọi với thiên tai.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 1

"Gần cả đời tôi sống ở mảnh đất Minh Hóa, trải qua biết bao trận lũ lớn nhỏ, gánh chịu không ít thiệt hại, gần như năm nào cũng lo chạy lũ. Từ khi bạn đọc báo Dân trí tặng nhà phao, tôi không còn thấp thỏm lo sợ mỗi mùa mưa lũ nữa", cụ Trương Thị Báu (84 tuổi), trú xóm Lèn 1, thôn 3 Kim Bảng, xã Minh Hóa chia sẻ.

Cụ Báu là một trong 50 hộ dân vùng "rốn lũ" thuộc 2 xã Tân Hóa và xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) may mắn được bạn đọc báo Dân trí tài trợ xây dựng nhà phao chống lũ.

Nhờ công trình này, 3 năm qua, gia đình cụ Báu và hàng chục hộ dân khác không còn thấp thỏm lo chạy lũ, có điểm tựa để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 3

Cụ Báu cho hay, căn nhà phao bạn đọc Dân trí dành tặng không chỉ hữu ích lúc lũ lụt mà còn được gia đình sử dụng để làm một căn phòng ở, bảo quản đồ đạc trong cuộc sống thường nhật.

Nhà phao Dân trí được làm bằng tôn lạnh, phía dưới có hệ thống thùng phuy rỗng. Khi lũ lên, nhà phao sẽ nổi lên trên mặt nước, được giữ cố định bằng cột ở 4 góc nhà, là nơi tránh trú an toàn cho 8-10 người cùng nhiều đồ đạc.

Còn với chị Cao thị Hồng Lan (51 tuổi), trú xóm Cây Thị, thôn 3 Kim Bảng, từ nhỏ đến lớn, chị đã quen cảnh nước dâng ngập nhà cửa, ao vườn và cả những cuộc hối hả di chuyển đồ đạc, thóc lúa khi nước đuổi phía sau. Vùng quê Minh Hóa của chị những ngày mưa lũ thường như "chảo nước" khổng lồ.

Theo chị Lan, khi chưa có nhà phao Dân trí, cứ đầu mùa mưa lũ, vợ chồng chị phải chở lúa gạo, đồ đạc có giá trị đi gửi, hết mưa lũ lại đưa về. Khi nước dâng lên, cả gia đình 5 người lại dìu dắt nhau về nhà ông bà ngoại ở vùng cao hơn để tránh trú.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 5

Cứ đến mùa lũ về, không riêng gia đình chị Lan, mà cả một vùng quê đều phấp phỏng, âu lo. Đêm đến, cả xóm thức trắng canh nước lên. Cuộc sống khó khăn, để sở hữu một căn nhà phao chống lũ là niềm mơ ước không chỉ của gia đình chị Lan mà còn của nhiều gia đình ở xã Minh Hóa.

"Ở đây năm nào cũng lũ, vài ba năm lại có một trận lũ lớn, ngập cả nóc nhà, không chạy lũ kịp thời thì bao tài sản bị cuốn theo dòng nước cả, còn nguy hiểm đến tính mạng. Cũng bởi vậy mà đời sống bà con còn nhiều vất vả. Với gia đình tôi và nhiều hộ dân được tặng nhà phao, đó là niềm may mắn, là phao cứu sinh mỗi khi lũ về", chị Lan tâm sự.

Nói đến 2 xã Minh Hóa và Tân Hóa, đây là những địa phương nằm trong vùng lòng chảo, trũng thấp, bao quanh là núi đá, nơi được xem là "túi đựng nước", nên năm nào cũng vậy, hễ mưa to là ngập, có những năm lũ về ngập nóc nhà. Đặc biệt là trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 đã nhấn chìm nhiều khu vực ở xã Minh Hóa và xã Tân Hóa.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 7

Ở xã Tân Hóa, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như sự đồng hành của các tổ chức, xã này cơ bản đã phủ kín nhà phao cho người dân. Còn tại xã Minh Hóa, số nhà phao vẫn còn hạn chế và là niềm khao khát của hàng trăm hộ dân ở vùng quê này.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 9

Tháng 10/2020, người dân ở Tân Hóa và Minh Hóa đã phải trải qua một trận lũ khủng khiếp. Thời điểm đó, người dân xã Tân Hóa nhờ có những căn nhà phao đã bình an vượt qua thiên tai. Riêng xã Minh Hóa, vì chưa có nhà phao nên các hộ dân vùng ngập sâu phải chạy đến khu vực cao hơn tránh trú.

Trước những khó khăn của người dân vùng "rốn lũ", nhận thấy tầm quan trọng, tính hiệu quả của những căn nhà phao từ thực tiễn của trận lũ lịch sử 2020, báo Dân trí đã triển khai chương trình hỗ trợ 50 căn nhà phao cho người dân thuộc 2 xã Tân Hóa (15 căn) và Minh Hóa (35 căn) với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng.

Công trình Xóm Nhà phao báo Dân trí do bạn đọc, các nhà hảo tâm chung tay đóng góp thông qua chương trình "Bạn đọc Dân trí chung tay ủng hộ miền Trung ruột thịt" gấp rút được triển khai và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2021.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 11

Những căn nhà phao mà bạn đọc báo Dân trí tài trợ xây dựng cũng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, nhiều tổ chức đã chung tay để hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà phao chống lũ cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Cao Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hóa, cho hay, Xóm Nhà phao báo Dân trí là công trình hết sức ý nghĩa, món quà lớn với người dân xã Minh Hóa cũng như xã Tân Hóa. Khi có nhà phao, người dân đã tự tin hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt, đảm bảo được tính mạng, tài sản một cách tốt hơn.

Theo bà Hoài, xã Minh Hóa hiện có khoảng 1.000 hộ dân, trong đó gần 200 hộ có nhà phao chống lũ, thích ứng với thời tiết. Nhà phao không chỉ là nơi nương náu của các hộ được tài trợ mà còn là nơi tránh trú của nhiều gia đình chưa có nhà phao khác trong vùng mỗi khi có lũ.

"Hằng ngày họ làm nơi ở như một căn phòng riêng, với nhiều gia đình, nhà phao còn đẹp hơn căn nhà cũ họ đang sống. Cứ đến mùa mưa lũ, bà con lại chuyển đồ đạc có giá trị vào nhà phao, để không bị động" bà Hoài thông tin.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 13

Để ứng phó với lũ lụt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, xã Minh Hóa đã xây dựng các khu dân cư mới ở vùng đồi cao, trong giai đoạn 1 đã đưa 45 hộ dân về nơi ở mới. Địa phương này đang hoàn thiện mặt bằng, để đưa khoảng 50 hộ dân vùng trũng thấp khác về nơi cao ráo, không ngập lụt.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa khẳng định, công trình Xóm Nhà phao báo Dân trí mang đậm tính đoàn kết, thể hiện sự quan tâm của đồng bào cả nước dành cho nhân dân vùng khó khăn. Từ thực tiễn mấy mùa lũ vừa qua cho thấy, nhà phao đã phát huy được tính hiệu quả cao, giúp bà con vùng "rốn lũ" vượt qua thiên tai một cách an toàn, đảm bảo mọi tài sản.

Xóm Nhà phao Dân trí, cứu sinh của người dân làng lũ - 15

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Tuấn Huy