DNews

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy

Tâm Linh

(Dân trí) - Ngoài lo mất thu nhập, nhiều hộ dân ở trong dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng (TPHCM) nói mức bồi thường không đủ để mua nhà có vị trí, diện tích tương tự khu vực bị giải tỏa.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng (đoạn qua quận 6) sau hơn 8 năm thi công chưa thể về đích. Ở một bên bờ kênh đã được xây dựng khang trang, trong khi bên còn lại chuột chạy theo chân người đi chợ giữa ban ngày.

Đường Cách Mạng Tháng 8, nơi tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua, đang lồi lõm những căn nhà trồi ra khỏi dãy dân cư đã bàn giao mặt bằng gần hết, cũng chính là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, có thể phát sinh thêm chi phí khoảng 68 tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố bị chậm. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ, tái định cư là vướng mắc lớn nhất.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 1
Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 2

Những căn nhà chưa chịu di dời trên kênh Hàng Bàng và trên mặt bằng tuyến metro số 2 TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Người dân bám trụ cạnh dòng kênh đen

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (67 tuổi) có 4 người sinh sống trong căn nhà sát con kênh Hàng Bàng từ năm 1995. Trước đây, khu này toàn nhà sàn gỗ, căn nhà cấp 4 tường gạch mái tôn hiện tại vừa được xây cách đây 7-8 năm, gia đình bà đã nhận được tin sắp phải bỏ nhà để làm dự án.

Trước năm 2000, kênh Hàng Bàng dài gần 2km chạy từ đường Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm nặng. 15 năm sau, TPHCM quyết định khôi phục lại kênh, với dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng qua địa bàn quận 5 và 6.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn, kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Công trình có mục tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm, tái định cư cho các hộ dân sống hai bên. Sau gần 10 năm thực hiện, chỉ giai đoạn 1 của dự án hoàn thành. Giai đoạn 2 vẫn đang dang dở, giai đoạn 3 chưa được thực hiện. Dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2020, nhưng nay bị chậm trễ.

80 hộ dân trên đường Phan Văn Khỏe (phường 2, quận 6) tại đoạn kênh thuộc giai đoạn 2 (từ đường Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh dài khoảng 500m) chưa bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công dang dở. 

Đời sống sinh hoạt của những hộ dân bám trụ ở đây gắn liền với cảnh ô nhiễm gần chục năm nay: dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt trôi lềnh bềnh, chuột chạy nhung nhúc giữa ban ngày bên cạnh giữa đường xe chạy.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 3
Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 4

Người dân bám trụ bên kênh Hàng Bàng (Ảnh: Nam Anh).

Theo UBND quận 6, số trường hợp đã bàn giao mặt bằng 264/344 (chiếm tỷ lệ 76,7%); chưa bàn giao mặt bằng là 80/344 trường hợp (chiếm 23,25%).

Tổng chi phí bồi thường và hỗ trợ các hộ dân là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ về đất là hơn 908 tỷ đồng.

Theo UBND quận 6, các trường hợp chưa đồng ý di dời vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bằng giá các đường khác trong khu vực hoặc giá bồi thường, hỗ trợ không đủ tiền mua nhà có vị trí tương ứng. Đơn giá bồi thường (vị trí mặt tiền đường Phan Văn Khỏe hơn 71 triệu đồng/m2) theo một số hộ dân là quá thấp so với khu vực.

Người dân cho rằng, các hộ dân trong khu vực cần giải tỏa nằm phía sau chợ Bình Tây phần lớn làm kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh, nên không đồng ý di dời đi nơi khác vì lo mất thu nhập. Bên cạnh đó, họ trình bày, giá trị nhận bồi thường, hỗ trợ không đủ tiền để mua nhà có vị trí, diện tích tương đương khu vực bị giải tỏa.

Đa số các hộ khiếu nại, kiến nghị nhận được hoán đổi vị trí nền đất tại khu vực lân cận để gần nơi làm ăn. Tuy nhiên, theo phân bổ quỹ nhà đất tái định cư, hiện nay địa phương không có nền đất tái định cư, chỉ có căn hộ tái định cư tại chung cư trong địa bàn quận.

Bà Phạm Thị Nga (đường Phan Văn Khỏe) cho biết, gia đình bà đã sống và làm ăn ở đây gần nửa thế kỷ. Ngôi nhà có diện tích khoảng 40m2, tổng chi phí bồi thường và hỗ trợ được khoảng 1,6 tỷ đồng. Theo bà Nga, số tiền này rất khó để cả nhà tìm nơi ở mới và đảm bảo mức sống không mấy dư dả hiện tại.

"Gia đình tôi bán trái cây gần 80 năm ở căn nhà bên hông chợ Bình Tây. Bây giờ đưa chúng tôi lên chung cư thì bán cho ai", ông Trần Minh Phụng (54 tuổi, chủ nhà trên đường Phan Văn Khỏe) vẫn còn lăn tăn về kế sinh nhai, mất thu nhập, nên chưa bàn giao nhà cho dự án.

Gia đình bà Sương, ông Phụng và gần 80 hộ dân còn bám trụ dòng kênh, bày tỏ mong muốn nhận được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng; hoặc được sắp xếp tái định cư tại nơi ở mới tương đương diện tích hiện tại (do gia đình đông người); hoặc được bố trí ổn định cuộc sống đảm bảo thu nhập như hiện tại khi dời nơi sinh kế.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 5

Ở phần đã làm kè, nhiều cây xanh được trồng, tạo nên khung cảnh hoàn toàn trái ngược so với phần chưa thể giải tỏa phía bên kia đường Phan Văn Khỏe (Ảnh: Hải Long).

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM, được UBND TP phê duyệt với mục tiêu nhằm giải quyết chống ngập và cải thiện vệ sinh, ô nhiễm môi trường cho địa phương, kết hợp giải tỏa tái định cư cho các hộ dân sống dọc kênh Hàng Bàng, cải tạo môi trường sống cho cộng đồng dân cư trong khu vực.

Ngày 2/10, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 8 đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 6. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết, thành phố sẽ tiếp tục làm việc với người dân để tìm được phương án giải quyết trong dự án cải tạo kênh Hàng Bàng. Trong đó, ĐBQH sẽ thảo luận, góp ý để thông qua Luật Đất đai sẽ giải quyết được dự án treo và câu chuyện quyền lợi của người dân.

Trong thời gian tới, UBND quận 6 tiếp tục rà soát các nội dung đề xuất, phản ánh, khiếu nại của 80 hộ dân, để giải quyết theo thẩm quyền quận và đề xuất, kiến nghị lên thành phố rà soát, giải quyết, điều chỉnh các nội dung, còn bất cập trong chính sách, chưa phù hợp khi triển khai công tác bồi thường GPMB.

Bên cạnh vận động các hộ dân di dời, chính quyền vẫn duy trì thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thiết thực để giúp bà con tại nơi tái định cư, nơi ở mới ổn định cuộc sống và các hộ chưa bàn giao mặt bằng có gia cảnh khó khăn… để sớm hoàn thành dự án.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 6

Dự án cải tạo kênh Hàng Bàng có tổng chiều dài 1.452m dọc 2 đường Phan Văn Khỏe - Bãi Sậy (Đồ họa: Tâm Linh).

Phát sinh hàng chục tỷ đồng nếu mặt bằng bị bàn giao chậm

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dài hơn 11km được đầu tư xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại.

Tuyến đường sắt này (giai đoạn 1) sẽ đi qua địa bàn 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi mặt bằng là 251.136m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng (hiện còn 586 do 17 hộ không đủ điều kiện lập phương án bồi thường). Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đã đạt 100% GPMB.

 Sau 13 năm, dự án vẫn đang loay hoay ở mặt bằng. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), công tác GPMB được xác định hoàn tất cuối năm 2020, nhưng tính đến tháng 8/2023 chỉ đạt 86,69% (508/586 trường hợp bàn giao).

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 7

Một căn nhà trong dãy dân cư chưa đồng ý giao mặt bằng cho dự án tuyến metro số 2 - công trình ngầm đi qua khu đông dân cư dài nhất từ trước đến nay ở TPHCM (Ảnh: Hải Long).

68 tỷ đồng sẽ phát sinh mỗi năm (gồm lãi vay, phí cam kết, trượt giá...) nếu chậm tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Báo cáo của MAUR gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM

"Từ đầu năm 2021 đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng đã chậm lại. Trong hơn 2 năm chỉ có thêm 50 trường hợp bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ chưa đồng ý, chấp nhận giá bồi thường, tập trung chủ yếu ở khu vực quận 3", báo cáo của MAUR nêu nguyên nhân chậm tiến độ.

66/113 trường hợp ở quận 3 chưa bàn giao mặt bằng là vướng mắc lớn nhất hiện tại của dự án. Hiện quận 3 đang chờ phương án bồi thường mới để tiến hành đền bù thu hồi mặt bằng và giao cho chủ đầu tư.

Cũng theo MAUR, quyết định điều chỉnh duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận 3 hiện chỉ còn khoảng 268 tỷ đồng dành cho phần phát sinh. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng chậm bàn giao mặt bằng, dự án có khả năng sẽ tăng vốn.

"Giá đền bù mặt bằng bị thấp hơn giá thị trường, nhưng đây là dự án lớn có ích cho giao thông, nên đa phần người dân chấp thuận và ủng hộ.

Chỉ hy vọng dự án sớm được khởi công để người dân thuận tiện đi lại, mặt bằng không bị bỏ trống, chúng tôi nhìn vào cũng đỡ tiếc giá nhà đất tăng từng năm", một số người dân trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đã bàn giao mặt bằng cho dự án chia sẻ với phóng viên.

Lý do người dân vẫn sống bên kênh nước đen, nơi chuột đua nhau chạy - 8

Đường đi của tuyến metro số 2 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Trong các báo cáo gửi UBND TPHCM, MAUR kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo Thanh tra TP và Sở TNMT khẩn trương tham mưu giải quyết việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của quận 3, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Trước đó, UBND TPHCM có công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lùi thời gian khởi công tuyến metro số 2 đến năm 2025, hoàn thành năm 2030, chậm thêm 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Trong năm 2023, TPHCM được giao và phân bổ hơn 68.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết ngày 22/9, địa phương mới giải ngân hơn 20.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% tổng vốn được giao. Tốc độ giải ngân của TPHCM còn thấp, chưa đạt kỳ vọng.

Trong những tháng cuối năm, TPHCM đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt liên quan lĩnh vực đầu tư công. Trong đó, địa phương sẽ đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đầu tư các dự án. Đây là động thái nhằm ngăn đà suy giảm, phục hồi kinh tế thành phố.

Đọc thêm:

Đường thủng, cầu đứt ở TP Thủ Đức do chậm giải ngân

Bí thư TPHCM: Cần làm rõ giải ngân đầu tư công thấp do ai, vì cái gì?