Lý do giữ tên TP Cần Thơ sau sáp nhập
(Dân trí) - "Kế thừa lịch sử, có tính thương hiệu cao, dễ nhận diện; đáp ứng tốt các điều kiện cơ sở, vật chất; phù hợp định hướng phát triển lâu dài", dự thảo đề án sáp nhập Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang nêu.

Lịch sử nhiều lần "tách ra, nhập vào"
Theo dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh của UBND TP Cần Thơ gửi tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Chính phủ quyết định sáp nhập một số tỉnh để hình thành các đơn vị hành chính lớn hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành.
Năm 1976, Chính phủ quyết định hợp nhất tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và TP Cần Thơ để thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hậu Giang, với 14 ĐVHC cấp huyện.
Tháng 12/1991, Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ (7 ĐVHC cấp huyện) và tỉnh Sóc Trăng (7 ĐVHC cấp huyện).
Đến ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương (8 ĐVHC cấp huyện) và tỉnh Hậu Giang (6 ĐVHC cấp huyện).
Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vị trí địa lý quan trọng và tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Các địa phương này trải qua quá trình sáp nhập và chia tách để phù hợp với điều kiện quản lý cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.

Một góc Cần Thơ hiện nay (Ảnh: Phúc Bảo - Thành ủy Cần Thơ).
Hiện trạng 3 địa phương: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang
Thành phố Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của sông Mekong và ở vị trí trung tâm ĐBSCL, có diện tích tự nhiên hơn 1.440km2, dân số trên 1,3 triệu người. Phía Bắc thành phố giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.
Địa phương này đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong việc vận tải nội vùng và kết nối quốc tế. Cần Thơ hiện là trung tâm thương mại, tài chính, với các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, thúc đẩy nền kinh tế khu vực.
Theo Nghị quyết ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã xác định xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.
TP Cần Thơ hiện có 5 quận và 4 huyện; 80 đơn vị cấp xã.

Một góc khu vực TP Sóc Trăng (Ảnh: CTV).
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, có diện tích tự nhiên hơn 3.298km2, dân số trên 1,6 triệu người. Phía Bắc tỉnh này giáp tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, phía Đông giáp Biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Tây giáp tỉnh Hậu Giang.
Đây là địa phương có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía đông vùng ĐBSCL. Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ,…
Sóc Trăng hiện có 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện; 108 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Hậu Giang thuộc khu vực nội địa ĐBSCL, có diện tích tự nhiên hơn 1.662km2, dân số hơn 997.000 người; phía Bắc giáp TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh này nằm trong 2 tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TPHCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.
Hậu Giang hiện có 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện; 75 đơn vị cấp xã.

Hậu Giang về đêm (Ảnh: B.K).
Vì sao chọn Cần Thơ làm trung tâm hành chính mới?
Theo dự thảo đề án, TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ hiện nay.
Thành phố Cần Thơ (sau sáp nhập) có diện tích tự nhiên hơn 6.400km2, dân số khoảng trên 4 triệu người. Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề dự kiến là tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Cà Mau, tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp (sau sắp xếp).
Dự kiến nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của TP Cần Thơ sau sáp nhập là TP Cần Thơ hiện nay.
Dự thảo đề án nêu, lý do đặt tên gọi ĐVHC mới là TP Cần Thơ nhằm kế thừa lịch sử, truyền thống văn hóa khi Cần Thơ là trung tâm lịch sử - văn hóa quan trọng của vùng ĐBSCL, có bề dày phát triển lâu đời. TP Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai phá, mở rộng Nam Bộ và là một trong những đô thị phát triển sớm nhất của vùng.
Việc đặt tên gọi này có tính thương hiệu cao vì là một trong 6 thành phố trực thuộc trung ương và được xác định là trung tâm kinh tế, tài chính, logistics của vùng ĐBSCL; bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ;...
"Việc lựa chọn tên gọi Cần Thơ không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn kế thừa truyền thống vùng đất "gạo trắng nước trong", nơi có sự giao thoa độc đáo của các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer", theo dự thảo đề án.

Trụ sở UBND TP Cần Thơ hiện nay (Ảnh: N.C).
Dự thảo đề án cũng nêu rõ lý do đặt trung tâm hành chính - chính trị của ĐVHC cấp tỉnh mới ở TP Cần Thơ (dự kiến tại quận Ninh Kiều hiện nay), đó là đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và hạ tầng đô thị (như nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương,...).
Nơi này cũng là vị trí trung tâm, thuận lợi trong việc kết nối giao thông, liên kết vùng (như có sân bay quốc tế); phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững (như định hướng là đô thị hạt nhân của vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ của các địa phương khác; có nhiều cơ sở y tế chuyên sâu cấp vùng;…).
"Việc lựa chọn trung tâm hành chính của tỉnh mới tại Cần Thơ là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển vùng ĐBSCL, tập trung nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ để thành phố mới phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế", theo nội dung dự thảo trong đề án.
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, lấy tên là TP Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Cần Thơ hiện nay.