DMagazine

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách

(Dân trí) - Nếu Methadol là "vàng" đối với người nghiện thì điều trị ARV là cách duy nhất để người nhiễm HIV duy trì cuộc sống.

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 1

Nhóm Sao Va được lấy theo tên con thác đẹp nhất huyện Quế Phong (Nghệ An). Tháng 9/2021, nhóm chính thức ra đời dưới sự hỗ trợ của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

Nhóm có 9 thành viên, ngoài trưởng nhóm Lang Chung Hiền ra, thì 8 người từng nghiện ma túy, trong số đó 7 người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Họ đã từng nghĩ cuộc đời mình bỏ đi, nhưng nay đã tìm được lẽ sống mới - thức tỉnh những người cùng cảnh ngộ bằng câu chuyện của mình, để những bệnh nhân HIV ở huyện nghèo này được điều trị và kéo dài cuộc sống một cách khỏe mạnh.

Nhiệm vụ của các thành viên nhóm Sao Va là tìm cách tiếp cận những người nguy cơ cao, vận động thực hiện xét nghiệm, uống Methadol cắt cơn nghiện ma túy hay điều trị bằng ARV khi được khẳng định nhiễm HIV.

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 3

Anh Lang Chung Hiền (cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong) - trưởng nhóm Sao Va - chia sẻ: "Các thành viên của nhóm là người dân tộc Thái. Với lợi thế là những người cùng cảnh ngộ và thông thạo ngôn ngữ nên các anh, chị, em thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và truyền thông tới nhóm có nguy cơ tại địa bàn hơn các cán bộ y tế.

Đặc thù huyện Quế Phong là địa hình rộng, phân tán, "điểm nóng" tập trung ở các bản xa, đi lại khó khăn. Tuy nhiên bằng tâm huyết, trách nhiệm, các thành viên đều khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công việc của mình.

Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn huyện phát hiện 32 trường hợp nhiễm mới thì có tới 18 trường hợp do các thành viên của nhóm phát hiện, vận động xét nghiệm và hỗ trợ chăm sóc, điều trị ".

Điều đặc biệt, mặc dù các dịch vụ cung cấp hoàn toàn miễn phí nhưng những người có nguy cơ cao hay người nhiễm HIV được xác định là "khách hàng" của nhóm.

Với mục tiêu phục vụ và cung cấp dịch vụ tốt nhất cả về sức khỏe và tâm lý, việc xem người nhiễm HIV là khách hàng đã giúp giảm tự ti của bản thân người "nhiễm H" và giảm sự kỳ thị trong cộng đồng.

Thời điểm này, nhóm đang chăm sóc 275 khách hàng tích cực, 375 khách hàng truyền thống. Với khách hàng tích cực, thành viên của nhóm gặp gỡ một tháng một lần để truyền thông, vận động uống Methadol cai nghiện ma túy và đưa vào chương trình điều trị ARV hoặc tiếp tục điều trị ARV nếu nghỉ điều trị vì lý do nào đấy.

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 5

Đối với khách hàng truyền thống, 3 tháng, các thành viên phụ trách địa bàn sẽ tiếp cận một lần để test và cung cấp vật phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm và truyền thông nâng cao kiến thức tự bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh.

Nếu như với những người làm dịch vụ khác, càng có nhiều khách càng tốt, thì đối với những thành viên nhóm Sao Va, càng ít khách càng vui. Việc phát hiện các ca nhiễm HIV trong cộng đồng là hết sức quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này.

Nhưng nếu không phát hiện ca nhiễm mới, chứng tỏ công tác truyền thông, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả.

"Chúng tôi thực hiện truyền thông, test sàng lọc tại bản Na Sành, xã Tiền Phong - bản nhiều người nhiễm HIV của huyện - suốt 3 ngày nhưng không phát hiện ca nhiễm nào. Người được phát hiện gần đây nhất là tháng 2/2022, nghi ngờ lây nhiễm khi tham gia cứu chữa một người có "H" bị tai nạn thương tích mà không biết người này nhiễm", anh Lô Văn Nhất - thành viên nhóm Sao Va, chia sẻ.

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 7
Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 9

Anh Ngân Văn Un (44 tuổi, trú xã Châu Kim) là một trong những người đầu tiên ở huyện Quế Phong tham gia "nhóm đồng đẳng" hỗ trợ người nhiễm HIV trước khi đến với nhóm Sao Va. Anh Un từng là cán bộ y tế thôn bản nhưng nghiện ma túy từ năm 2012.

"Thời đấy heroin ở đây sẵn lắm, người ta mời nhau hít heroin như hút điếu thuốc lá. Lúc đầu thì hít, sau thì phải "đâm" mới đủ "phê" rồi nhiễm HIV từ những lần chích chung ấy, cũng không rõ ai lây cho ai nữa", anh Un kể.

Là người có kinh nghiệm nên anh Un cùng một thành viên khác được phân công phụ trách địa bàn xã Tiền Phong - nơi có số người nhiễm HIV bằng 1/4 ca nhiễm "H" của huyện. Dù vậy, anh sẵn sàng hỗ trợ những khách hàng không thuộc địa bàn mình phụ trách. Có những trường hợp được anh giành giật trở về từ tay "tử thần".

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 11

Khỏa Văn P. (trú xã Châu Kim) mới 22 tuổi nhưng đã nghiện ma túy nhiều năm. Cuối năm 2021, P. bị ốm nhưng không được gia đình đưa đi bệnh viện vì nhà nghèo quá. Đến khi P. nằm liệt giường, thở thoi thóp, gia đình cử người đi mua gỗ đóng hòm để chuẩn bị hậu sự. Biết tin, anh Un đến vận động đưa P. đi xét nghiệm.

"Lúc đó P. yếu lắm, gia đình không muốn đưa đi đâu, sợ không trụ được lại chết dọc đường. Tôi cố gắng thuyết phục, nhận chở P. đi xuống Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm. Người thân ngồi phía sau giữ, P. lả đi như tàu lá chuối héo", anh Un kể.

Kết quả xét nghiệm cho thấy P. nhiễm HIV. "Nếu Methadol là "vàng" đối với người nghiện thì ARV là cách duy nhất để người nhiễm HIV duy trì cuộc sống. Em còn trẻ, nhiễm HIV không phải là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Nếu em có quyết tâm, kiên trì uống thuốc thì vẫn có thể sống khỏe mạnh", anh Un nói với P. và vận động thanh niên này điều trị.

Thời gian đầu điều trị, P. như sắp chết vì thể trạng quá yếu. Anh Un mua cam, sữa đến "ép" ăn để bồi bổ sức khỏe. Nhờ kiên trì uống Methadol và ARV, sức khỏe của P. cải thiện hơn trước rất nhiều...

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 13

Niềm vui có thể giúp đỡ một người cùng cảnh ngộ vừa nhen lên thì nỗi buồn lại ập đến với anh Un khi cháu ruột của anh, cũng là bạn của P. được xác định nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm với nhau...

Cũng có những lần các thành viên của nhóm rơi vào tình huống dở khóc, dở cười khi đưa người đi xét nghiệm HIV. Hôm đó, nhóm anh Lô Văn Nhất, Ngân Văn Un hỗ trợ một trường hợp bị "ngáo đá" đi xét nghiệm.

Trong cơn ngáo, người đàn ông lảm nhảm nói chuyện với người cha đã mất hàng chục năm của mình. Anh Nhất phải đóng kịch cùng để người này "nghe lời cha" đi xét nghiệm.

Xét nghiệm xong xuôi, thanh niên này có vẻ tỉnh táo hơn nên anh Un nhận sẽ chở về. Thế nhưng vừa ra đến cổng Trung tâm Y tế thì anh này tiếp tục bị lên cơn ngáo, chồm lên, kẹp cứng cổ của anh Un. Vừa chống đỡ với sức mạnh của một người ngáo ma túy, vừa giữ thăng bằng để xe không bị đổ, anh Un gần như không thở được, mặt mũi đỏ phừng phừng.

May anh em phát hiện, đến hỗ trợ, "giải cứu" anh Un. Chưa hết cơn ngáo đá, thanh niên này lao ra đường "bơi" khiến anh em một phen đứng tim, sợ liên lụy trách nhiệm nếu không may người này gây nguy hiểm cho người dân.

Kỳ lạ những người làm dịch vụ nhưng mong không có khách - 15

Một góc bản Na Sành - nơi từng là điểm nóng HIV ở xã Tiền Phong.

Một thực trạng đáng buồn là đa số người nhiễm HIV hoặc nhóm có nguy cơ cao đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bởi vậy, các thành viên nhóm Sao Va ngoài việc mua quà bánh để tiếp cận, truyền thông, nâng cao kiến thức về căn bệnh thế kỷ này cho khách hàng, có khi còn phải làm "xe ôm" đưa đón họ miễn phí đi xét nghiệm, lấy thuốc.

Nếu như trước đây, có 3 con đường lây nhiễm chính là tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con thì hiện, nghiện ma túy được xác định là nguy cơ cao nhất dẫn tới lây nhiễm căn bệnh thể kỷ ở huyện Quế Phong.

Khi cơn nghiện "vật", người ta sẵn sàng trộm cắp tài sản để bán hay đơn giản nhất là cầm cố giấy tờ tùy thân để lấy tiền mua ma túy. Trong khi đó, với những trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV, nếu không có giấy tờ tùy thân thì nhóm không thể hoàn thành thủ tục chuyển gửi xét nghiệm và điều trị.

"Một cái căn cước công dân cầm cố chỉ được 200.000 đồng, đủ để mua một liều ma túy, nhưng lãi suất có thể lên tới 10.000 đồng/ngày. Nếu không chuộc giấy tờ ra thì khách sẽ bị chậm can thiệp, hơn nữa, càng để lâu, lãi càng nhiều, tiền chuộc càng cao.

Có khi anh chị em bỏ tiền túi ra chuộc nhưng có khi chính mình cũng không có tiền, phải "cầu cứu" trung tâm SCDI hỗ trợ", anh Lô Văn Nhất chia sẻ.

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Thủy Tiên