DMagazine

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân!

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những phiên họp bất thường, những quyết sách tức thời, thần tốc… đã thành chuyện thường tại nghị trường. Động lực của những việc này, đều hướng tới người dân.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 1

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những phiên họp bất thường, những quyết sách tức thời, thần tốc… nay đã thành chuyện thường tại nghị trường. Động lực của những việc này, đều hướng tới người dân.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 3

Sơ kết 3 năm thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhận định: "Khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (do đại dịch Covid-19 gây ra những khủng hoảng kinh tế, xã hội - PV) nhưng 3 năm qua, kết quả giảm nghèo đạt được rất lớn. Bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, đáng được ghi nhận. Và thực tế, về công tác giảm nghèo, Liên Hợp Quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng".

Đó là kết quả của việc thực hiện các nghị quyết rất đặc biệt được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp đầu tiên (tháng 7/2021) của nhiệm kỳ khóa XV này về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, với tổng kinh phí "khủng", trên 400.000 tỷ đồng.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 5

Vị Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực xã hội cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội, với những tác động sâu rộng. Nguồn lực của chương trình đã được sử dụng để thực hiện các mục tiêu cải thiện thu nhập và những thiếu hụt quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân ở những huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhất là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - xã hội, tạo sinh kế bền vững.

Quyết sách an sinh từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã về đến những nơi xa xôi, khó khăn nhất, những vùng lõi nghèo của cả nước. Đây là chương trình đầu tiên thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội nhiệm kỳ này về cơ chế quản lý, tiếp cận, xây dựng chính sách. Và thực tế, việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội chính là dấu ấn của cơ quan lập pháp 3 năm qua.

Trăn trở lớn nhất của người đại diện cơ quan chủ quản chương trình là việc giải ngân thực hiện chính sách vẫn chậm, gặp vướng mắc nên chưa tối ưu hóa được hiệu quả. "Có tiền mà không tiêu được là lãng phí, làm vuột mất cơ hội thoát nghèo của nhiều người. Như vậy là có lỗi với người dân", Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội khẳng định, việc giải ngân chậm là do cán bộ, chứ không phải do người dân.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, nguyên nhân việc này là do cán bộ thực hiện chần chừ, né tránh, thiếu trách nhiệm. Ông kể chuyện, quá trình giải ngân 120.000 tỷ đồng tiền mặt trong nhiều gói an sinh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, bản thân ông "lo bạc mặt". Các chính sách an sinh liên tiếp đã được Quốc hội ủng hộ, thông qua nhưng chỉ trong thời gian ngắn phải chi trả số tiền lớn tới số lượng lớn người thụ hưởng (68 triệu lượt người), công việc đầy áp lực với cơ quan thực thi.

Người chịu trách nhiệm trực tiếp với việc này nhắc lại, triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà với người lao động mất việc, người quay trở lại thị trường lao động sau dịch, ông chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc mà thấy cán bộ lãnh đạo các địa phương đều chững lại, không dám chi tiền cho dân vì sợ sai sót, không đúng đối tượng.

Lúc đó, ông phải khẳng định: "Cứ làm, cứ chi hỗ trợ cho dân đi, miễn là đừng đưa tiền về nhà cán bộ, nếu có sai, trùng… đôi chút, tôi chịu trách nhiệm, đảm bảo không ai phải đánh cược khi làm thật tâm, vì người dân đang khó khăn, trông chờ hỗ trợ". Có sự "bảo lãnh" của Bộ trưởng, việc thực hiện chính sách đã được thực thi nhanh chóng.

Hành trình của chính sách, từ nghị trường tới từng ngõ ngách, nhà dân là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, qua bao nhiêu công đoạn như vậy.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 9

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong nhiều cuộc làm việc từng nhấn mạnh, việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân luôn hướng tới mục tiêu đã được Tổng Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ khẳng định, đó là  "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế một cách đơn thuần", "trong bối cảnh đại dịch Covid-19, gặp khó khăn, càng phải chú ý an sinh xã hội".

Những cuộc họp bất thường, xuyên trưa, xuyên đêm suốt 2 năm Covid-19 hoành hành đã thành… chuyện thường với mỗi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội.

Ngay kỳ họp đầu tiên, một quyết sách tức thời cần quyết là Nghị quyết 30 về những biện pháp đặc biệt để chống dịch. Trong ít ngày, lãnh đạo Quốc hội liên tiếp chủ trì những cuộc họp bất thường, ngoài giờ với các thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội từng báo cáo với cử tri: "Các cơ quan của Quốc hội đã làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2h sáng để kịp hoàn thiện trình Quốc hội".

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 11

Việc ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với các lãnh đạo Quốc hội, đó là một quyết định không dễ dàng.

Chính sách này trực tiếp hỗ trợ bằng tiền mặt lớn nhất từng được tung ra, số tiền chi trả tới 30.000 tỷ đồng cho hơn 13 triệu lao động. Lãnh đạo Quốc hội từng nhấn mạnh về tính chất đặc biệt của quyết định.

Đây không phải khoản chi từ ngân sách, chưa có luật định về việc sử dụng khoản tiền từ một quỹ bảo hiểm vận hành theo nguyên tắc đóng - hưởng nên đề xuất này nhận không ít băn khoăn, tranh luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc thông qua gói 30.000 tỷ đồng là quyết định nhân văn, thể hiện sự đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc, huy động tối đa các nguồn lực có thể để đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, từ đó hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 14

Tính ra, chỉ trong 2 năm, 2021-2022, Quốc hội đã chốt những khoản chi ngân sách lớn cho các chính sách hỗ trợ trực tiếp. Thêm vào đó, việc quyết định sử dụng một phần kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi ngay một lúc 30.000 tỷ đồng tiền mặt, sau đó tiếp tục kéo dài chính sách, chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết 43/2022/QH15)… đã nâng tổng giá trị các gói hỗ trợ tiền mặt trực tiếp lên tới khoảng 2 tỷ USD.

Phát biểu tại một phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội thời điểm đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các gói hỗ trợ về an sinh xã hội được làm rất tốt và có hiệu quả. Các cơ quan thực thi như Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai, thực hiện chính sách rất nhanh. Một số chính sách như gói 30.000 tỷ đồng hoàn thành chỉ trong thời gian hơn một tháng, người lao động chỉ cần có tài khoản là được chuyển tiền hỗ trợ.

Theo đúc rút của Chủ tịch Quốc hội, đại dịch là một phép thử để càng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động, chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 15

Vừa là người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh, vừa giữ vai trò đại biểu Quốc hội đại diện tiếng nói của cử tri, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhận xét, nếu như trước đây, đa phần các dự án luật do Chính phủ chủ động sơ kết tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, thì nay, đã có những nội dung được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, chủ động nêu vấn đề, đề xuất để cùng các cơ quan Chính phủ đưa ra chính sách phù hợp.

"Điều này thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội", Bí thư Yên Bái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy, để đảm bảo kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn, tạo thêm động lực phát triển và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, Quốc hội sẵn sàng tổ chức các kỳ họp bất thường thay vì chờ họp thường lệ 2 lần/năm.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã có nhiều quyết sách an sinh lớn, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ. Dù không có chính sách nào quy định riêng cho Yên Bái, song theo Bí thư Đỗ Đức Duy, địa phương này cũng được thụ hưởng và phát huy tốt nhờ những quyết sách chung do Quốc hội ban hành.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 17

Nhờ tận dụng tối đa chính sách của Trung ương, kết hợp với lồng ghép thực hiện các chính sách của địa phương, kết quả tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội của Yên Bái đạt mức khá trong 14 tỉnh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, dự báo có 18/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Đáng nói, các bộ chỉ tiêu liên quan đến xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết.

Đặc biệt, ông Duy đánh giá cao quyết sách của Quốc hội, Chính phủ trong các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản thủ tục tiếp cận chính sách, và mức hỗ trợ tăng lên so với nhiệm kỳ trước.

"Đối với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuy rằng nguồn hỗ trợ hàng năm không phải quá lớn, nhưng theo tính toán, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 50 tỷ đồng có thể tạo ra giá trị gia tăng khoảng 250-300 tỷ đồng", ông Duy nói và nhấn mạnh ý nghĩa, hiệu quả từ các quyết sách hỗ trợ an sinh của Quốc hội.

Từ góc độ địa phương, ông đánh giá cao việc Chính phủ, Quốc hội luôn lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 19

Bí thư Yên Bái dẫn chứng việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo được quy định là nguồn vốn đầu tư phát triển, theo thông lệ, phải thực hiện theo quy trình đầu tư công.

Nhưng từ vướng mắc trong triển khai, các địa phương đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm rằng, dù lấy từ nguồn vốn đầu tư công nhưng được áp dụng cơ chế thực hiện như nguồn vốn sự nghiệp, được phép hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà không phải lập dự án đầu tư và không đưa các chi phí quản lý dự án đầu tư vào nội dung thực hiện chính sách.

Với quyết định mở đường này, Yên Bái triển khai rất chủ động, ban hành một đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai giai đoạn 2023-2025, trong đó lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để thực hiện, dự kiến hoàn thành trong 2 năm 2023-2024.

Đưa ra một góc nhìn khái quát về hoạt động của Quốc hội trong quá nửa nhiệm kỳ vừa đi qua, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định một trong những đổi mới lớn nhất, rõ nét nhất là công tác lập pháp.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 21

Và minh chứng rõ nhất là Quốc hội luôn chủ động đồng hành cùng Chính phủ trong rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào  tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện ở các địa phương, bộ, ngành.

Với một số quy định chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, áp dụng trên phạm vi cả nước, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm tại một số địa phương, trên một số lĩnh vực hoặc một số loại dự án trọng điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, nếu thấy đã đủ đúng, đủ rõ, đủ đảm bảo cơ sở pháp lý và thực tiễn, đặc biệt là khẳng định được tính hiệu quả và khả thi, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bằng cách thức hoạt động của một Quốc hội chủ động, vì dân, ông Đỗ Đức Duy cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, đều tin tưởng các quyết sách từ nghị trường Diên Hồng sẽ luôn thấm đẫm hơi thở cuộc sống và đến được với từng người dân.

Kỳ họp bất thường thành… chuyện thường: Động lực vì dân! - 23

Nội dung: Hoài Thu, Phương Thảo

Thiết kế: Thủy Tiên