DMagazine

Khi Quốc hội "thấm" khó khăn từ cuộc sống

(Dân trí) - Quốc hội đã nhiều lần khẳng định "không chờ khi kinh tế phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", và đặc biệt, không hy sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 1

Quốc hội đã nhiều lần khẳng định chủ trương "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", và đặc biệt, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 3

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hồi giữa tháng 5, về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn…

Bộ Chính trị trong cuộc họp hồi cuối tháng 3 cũng nhấn mạnh đổi mới và phát triển chính sách xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với tinh thần "tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội".

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 5

Cũng vì lẽ này, Quốc hội đã nhiều lần khẳng định chủ trương "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", và đặc biệt, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Minh chứng rõ nét cho việc này, có lẽ là việc trong khi chờ tiếp tục lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế và các chỉ số đảm bảo an sinh xã hội luôn có mối quan hệ rất mật thiết, bởi lẽ, chúng ta không thể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm phúc lợi xã hội dựa trên một nền kinh tế yếu kém.

Nhưng mặt khác, một nền kinh tế cũng khó có thể tăng trưởng ổn định khi đất nước chưa xây dựng được hệ thống chính sách xã hội mang tính bền vững và phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 7

Theo đúng tinh thần Trung ương, Bộ Chính trị đã quán triệt, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và chăm lo các đối tượng chính sách. 

Định hướng này, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, thể hiện đúng mục tiêu của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt vai trò của kinh tế và xã hội song hành, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế.

"Hai mục tiêu, nhiệm vụ này cần tiến hành đồng thời, có sự kết hợp, không thể thiên về kinh tế mà bỏ qua hoặc coi nhẹ các vấn đề xã hội. Quan trọng là xây dựng và hình thành thể chế phù hợp để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, tạo thành động lực phát triển cho đất nước", theo quan điểm của ông Thành.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 9

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành khẳng định an sinh xã hội luôn luôn là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội.

"An sinh xã hội là trụ cột quan trọng, và cũng thể hiện bản chất ưu việt của chế độ", theo ông Thành đây là đường lối rất đúng đắn.

Ông nhắc lại để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để giúp Chính phủ xử lý các vấn đề, trong đó có vấn đề an sinh xã hội, như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho các chương trình và nhiều hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, giúp họ giảm bớt khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ cũng giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động, tạo việc làm để người lao động tiếp tục có thu nhập.

Từ quyết sách của Quốc hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Thành đánh giá, đã giúp giải quyết hàng loạt vấn đề thiết thực với cuộc sống người dân, như vấn đề nhà ở, nước sạch, vấn đề liên quan chính sách BHYT, hỗ trợ giáo dục, trợ cấp cho người có công…

"Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể, giúp công tác bảo đảm an sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn, tạo nguồn lực to lớn cho xã hội", ông Thành nói sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo kết quả to lớn trong chính sách an sinh xã hội.

Nhìn lại kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành hệ thống chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận Quốc hội không chỉ chỉ đạo xây dựng chính sách cụ thể, mà cũng rất linh hoạt trong xem xét, quyết định những vấn đề lớn.

Ngoài 2 kỳ họp thường lệ, Quốc hội cũng sẵn sàng tổ chức các kỳ họp đột xuất khi thực tế cuộc sống xuất hiện những vấn đề cấp thiết phát sinh. Dù việc tổ chức một kỳ họp cho gần 500 đại biểu không hề đơn giản, nhưng Quốc hội không nề hà khó khăn.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 11

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang) đánh giá qua nửa nhiệm kỳ, bên cạnh những quyết sách về kinh tế, Quốc hội đã đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ và có hiệu quả trong lĩnh vực an sinh xã hội. Điều này có nhiều tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người dân.

"Ngay trong bối cảnh cấp bách của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã có những nghị quyết mở đường, tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho Chính phủ chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu tác động của dịch Covid-19", theo ông Thịnh.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 13

Bên cạnh chính sách hỗ trợ nguồn lực cho Ngân hàng chính sách xã hội để đảm bảo tạo công ăn việc làm, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, Quốc hội cũng thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, có tác động trực tiếp đến người yếu thế và người dân ở những khu vực khó khăn; thông qua Nghị quyết 43 về phục hồi và phát triển kinh tế…

Trong báo cáo đánh giá Đại hội giữa nhiệm kỳ XIII, Trung ương ghi nhận an sinh xã hội là một trong những điểm sáng. Theo đại biểu Thịnh, kết quả này có đóng góp rất lớn từ những quyết sách về an sinh ở Quốc hội.

Để minh chứng cho sự chủ động và tính phản ứng linh hoạt của Quốc hội, ông Thịnh dẫn chứng việc tháo gỡ vướng mắc liên quan giờ làm thêm.

Trong bối cảnh nguồn lao động bị đứt gãy tạm thời sau đại dịch Covid-19 và chưa thể phục hồi ngay, tháng 3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chấp thuận tăng giờ làm thêm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ/năm; từ 40 giờ lên không quá 60 giờ/tháng.

"Quyết sách này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp người sử dụng lao động không bị vi phạm pháp luật, còn người lao động có thể tăng thêm thu nhập khi sản xuất tại chỗ, đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao ngay sau Covid-19", theo đại biểu Thịnh.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 15

Đánh giá cao vai trò chủ động của Quốc hội trong xây dựng chính sách pháp luật, vị đại biểu nhấn mạnh chỉ có sự chủ động ấy mới giúp Quốc hội hoàn thành tốt trách nhiệm của cơ quan lập pháp, không thể thụ động chờ Chính phủ đề xuất xây dựng luật mà chính đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng cần có trách nhiệm trong việc này.

Khẳng định các chính sách lớn về an sinh được Quốc hội ban hành đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, ông Thịnh dẫn chứng ngay những tác động tích cực từ việc triển khai chính sách ở Bắc Giang.

Ví dụ, chính sách về chậm nộp một phần tiền BHXH đã giúp giảm bớt áp lực thanh khoản với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, tạo điều kiện cho họ duy trì sản xuất, có nguồn tiền thanh toán chi phí tối thiểu cho người lao động, vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt nhịp vào thời điểm nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 17

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ghi nhận Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự chủ động, linh hoạt trong việc đưa ra các quyết sách mang tính cấp thiết, đặc biệt trong giai đoạn cả nước phải căng mình phòng chống dịch Covid-19.

"Nhờ những quyết sách này, công tác phòng chống dịch và nhiệm vụ lo an sinh xã hội cho người dân được triển khai nhanh chóng, kịp thời, giúp người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua cú sốc sau đại dịch, tạo niềm tin cho nhân dân vào Quốc hội", theo lời ông Mãi.

Không chỉ vậy, trong quá trình phục hồi sau đại dịch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có những chính sách rất ý nghĩa, kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2022", Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh.

Dù vậy, theo ông Mãi, vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục được nhận diện và điều chỉnh, ví dụ như việc triển khai các dự án đầu tư công trong chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch vẫn chưa giải ngân được như mong muốn.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 19

Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh bài học rất quan trọng ở đây là sự chuyển trạng thái trong ban hành và thực thi chính sách phù hợp với tình huống khẩn cấp trong giai đoạn phòng chống dịch, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội, Chính phủ và sự mạnh dạn trong phân cấp, phân quyền.

Năm 2021, TPHCM là địa phương chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài để kiểm soát dịch bệnh. Số người bị tác động từ những việc này rất lớn.

Từ các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ, TPHCM khi đó cũng ban hành các chính sách riêng qua 3 đợt để kịp thời hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch bệnh, như cho áp dụng biện pháp linh hoạt "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến"... nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tại khu dân cư, thành phố quan tâm chăm lo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

"Các quyết sách từ trung ương và thành phố thể hiện chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa, đến đúng vào lúc nhiều người gặp khó khăn, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân", theo lời Chủ tịch TPHCM.

Chủ tịch thành phố cho biết, chốt lại những năm dịch bệnh, TPHCM đã hỗ trợ cho gần 16 triệu đối tượng với số tiền hơn 17.000 tỷ đồng, con số thể hiện những nỗ lực, ý nghĩa lan tỏa của chính sách an sinh đối với người dân.

Cũng từ thực tế triển khai ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh chia sẻ dù còn nhiều khó khăn, song để cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 21

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.

Hàng năm, Tỉnh ủy đều ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó xác định rõ chỉ tiêu giảm nghèo và phân công trách nhiệm cho từng Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành phụ trách, giúp đỡ các xã nghèo và các hộ nghèo thoát nghèo theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm".

Nữ Phó Chủ tịch thống kê trong năm 2023, tỉnh đã tích cực huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh, xã hội hóa để triển khai Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với mục tiêu làm mới trên 3.000 căn nhà, riêng năm 2023 khởi công làm mới gần 1.600 căn nhà cho người nghèo.

"Ba chương trình mục tiêu là nguồn lực quan trọng, góp phần tiếp sức cho những địa phương nghèo như Yên Bái", bà Hạnh nói.

Nhìn lại việc ban hành chính sách trong hơn nửa nhiệm kỳ qua từ hội trường Diên Hồng để thấy, các quyết sách nhằm chăm lo an sinh xã hội dù được ban hành trong bối cảnh bình thường hay đặc biệt, đều mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao với từng địa bàn, từng người dân.

Khi Quốc hội thấm khó khăn từ cuộc sống - 23

Nội dung: Hoài Thu, Phương Thảo

Thiết kế: Thủy Tiên