(Dân trí) - Đến với người dân nghèo ở một nơi cách Hà Nội hơn 250km, có thể cảm nhận rõ hạnh phúc của họ khi "chạm tay vào ước mơ". Ước mơ đó là căn nhà mới, cũng có khi chỉ đơn giản là nước sạch về làng.
Xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái một ngày mưa rét, khung cảnh hiện ra yên bình, đúng chất nông thôn mới, thấp thoáng những nóc nhà ngói đỏ, tường sơn khang trang hơn.
Đường vào thôn xóm cũng được đổ bê tông, thảm nhựa kiên cố, sạch đẹp hơn. Dù ẩn sâu bên trong, cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn còn không ít khó khăn, niềm vui tươi mới đã nhen lên.
Sau khoảng 2km đường bê tông là con đường nhỏ vòng vèo, chỉ vừa đúng hai xe tránh nhau, quanh co qua cánh đồng rồi ruộng sắn. Nhà ông Lầu Văn Xứng (SN 1969, ở thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên) ở cuối xóm, giữa những ruộng ngô, đồi sắn.
Người đàn ông gầy ốm không giấu nổi vẻ xúc động khi đứng trước căn nhà mới được xây dựng khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với lồng ghép các nguồn vốn khác theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025.
Căn nhà mới rộng khoảng 80m2 với 4 phòng ngủ, hiện là nơi ở của hộ gia đình 8 người với 3 thế hệ.
Sát ngôi nhà mới xây là gian nhà và chái bếp vách đất mái lá nhỏ vừa đủ chỗ "chui ra chui vào" của gia đình ông Xứng trước khi có nhà mới. Chuyển vào ở nhà mới từ tháng 8, khi việc xây dựng hoàn thành, ông Xứng giờ vẫn rưng rưng khi nhắc lại cảm giác lúc nhận bàn giao căn nhà.
"Tôi không thể quên giây phút xúc động ấy, bởi không bao giờ tôi dám ước mơ có một căn nhà khang trang, đẹp đẽ thế này. Suốt từ năm 1995, cả gia đình tôi phải sống trong căn nhà nhỏ đã mục và dột nát tứ phía", người đàn ông 54 tuổi ngậm ngùi.
Ông kể, gia đình thuộc hộ nghèo, là lao động chính nhưng bản thân ông đau ốm quanh năm với đủ thứ bệnh như tim, phổi, khớp…
Cứ nghĩ sẽ không bao giờ thoát cảnh sống trong căn nhà lụp xụp, nhưng năm 2022, nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia, và sau đó là Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Yên Bái, gia đình ông được hỗ trợ tổng cộng 50 triệu đồng để xây nhà. Số còn lại con cái ông gồng gánh vay mượn thêm để hoàn thiện.
Căn nhà mới đúng nghĩa "chỉ có cái vỏ". Trong nhà, ngoài chiếc ban thờ gá tạm và 4 chiếc giường cũ ọp ẹp trong mấy buồng ngủ thì hoàn toàn trống rỗng, không có bất cứ tài sản gì có giá trị. Thậm chí cửa phòng cũng chưa làm được vì cạn tiền. Nhưng dù vậy, niềm hoan hỉ với ông Xứng vẫn trọn vẹn, "không ước mơ gì hơn". Ông cảm động khi chính sách từ Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ của địa phương đã đến với gia đình nhỏ của mình.
Cũng từ tỉnh lộ ở trung tâm xã Châu Quế Thượng rẽ vào con đường đất ngập cỏ dại, quanh co qua nhiều khúc ruộng là lối dẫn đến nhà bà Nguyễn Thị Hoàn (sinh năm 1959). Cũng thuộc diện hộ nghèo, bà Hoàn còn sống trong cảnh neo đơn vì người con trai cùng vợ con đã đi làm ăn xa. Hở van tim, từng vỡ ruột thừa, bà Hoàn thường xuyên đau ốm, cảnh nhà kiệt quệ sau những trận ốm.
Căn nhà bà ở cũng được Sở Tài chính tỉnh Yên Bái hỗ trợ 70 triệu đồng để xây. Yên tâm vì có được nếp nhà kiên cố rồi, mới đây bà còn được hưởng lợi khi nước sạch về tới địa bàn.
Trước đây, người dân trong khu vực đều phải sinh hoạt bằng nước giếng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, nhà bà Hoàn nay được cấp nước sạch và hỗ trợ téc an toàn để trữ nước ăn uống. Người phụ nữ luống tuổi, ốm yếu vui mừng khi không còn phải múc từng gàu nước từ giếng nước cạnh nhà để sinh hoạt hàng ngày.
Cách nhà bà Hoàn không xa là hộ gia đình của ông Phùng Minh Chiến, người dân tộc Phù Lá. Ông Chiến nguyên là Bí thư chi bộ thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng.
Gia đình ông có 7 nhân khẩu, bao năm qua sống khổ vì thiếu nước, phải đi hứng từ khe, hoặc múc dưới suối.
Là cán bộ thôn, ông kể, sau nhiều cuộc họp, nghe cán bộ xã vận động đào giếng để có nước ăn, nhưng khắp vùng toàn là núi, đào giếng khó, chắt từ lòng đất đá được chút nước cũng không đủ dùng, gia đình ông vẫn phải sinh hoạt, ăn uống bằng nước khe, nước suối.
"Gần đây, nguồn nước suối rất mất vệ sinh do người dân chăn thả gia súc, không thể dùng được nữa. Đang lúc không biết xoay xở sao thì chúng tôi nhận tin vui, xóm làng được cấp nước sạch, vừa đủ dùng, vừa đảm bảo chất lượng. Bà con vui, phấn khởi lắm", ông Chiến hồ hởi.
Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng Đinh Thị Hồng Loan cho biết xã được công nhận nông thôn mới năm 2022 và từ đó, cuộc sống của người dân cũng tốt hơn trước nhờ các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội.
"Các công trình phúc lợi được xây dựng nhiều hơn, cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước sạch… được quan tâm đầu tư tốt hơn, và nhiều người dân nghèo đã trực tiếp được thụ hưởng lợi ích từ những chính sách chăm lo cuộc sống của nhà nước", bà Loan nói.
Không chỉ những người dân nghèo cảm thấy hạnh phúc khi những quyết sách lớn từ Quốc hội, Chính phủ đến được với địa bàn, mà con trẻ, học sinh người dân tộc thiểu số cũng đã, đang và sẽ được thụ hưởng những chính sách được hoạch định từ Ba Đình xa xôi.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Yên (Yên Bái) nằm sát trung tâm huyện hiện lên với vẻ khang trang, trong khuôn viên khoảng 5.000m2, nổi bật lên một tòa nhà mới được xây, còn thơm mùi tường mới.
Cô giáo Triệu Thị Thu Hương (Hiệu trưởng) vui mừng khoe, tòa nhà trị giá hơn 8,3 tỷ đồng, được xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và mới bàn giao cho nhà trường tháng 10 vừa qua.
Công tác tại trường từ năm 2007, với gần 20 năm gắn bó nơi đây, cô giáo Triệu Thị Thu Hương chia sẻ, sự thay đổi hoàn toàn của cơ sở là nhờ những quyết sách quan trọng được Quốc hội, Chính phủ ban hành.
"Chỉ vài năm trước đến đây có thể không nhận ra vì ngôi trường thấp tối, cũ kỹ do đã xây dựng từ lâu. Nay nhờ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, trường đã được thay áo mới, diện mạo khang trang, thoáng đẹp hơn. Các thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đều vui lắm, phấn khởi lắm khi được thụ hưởng những chính sách của Nhà nước", cô Hương chia sẻ.
Theo lời hiệu trưởng nhà trường, đây là công trình mà cả huyện mong chờ lâu nay, khi cả một thời gian dài thầy trò phải đi học tạm, dạy tạm phòng học của cơ sở khác, chạy đôn đáo qua lại giữa các nơi.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Yên hiện có 277 học sinh, hầu hết là người dân tộc thiểu số.
Việc đầu tư công trình được thực hiện theo dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), tiểu dự án 1 (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số) của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh việc đầu tư khu lớp học, nhà bán trú, chương trình mục tiêu quốc gia cũng hỗ trợ vốn giúp nhà trường trang bị công cụ học tập như lắp đặt một số tivi tại phòng học cho học sinh, đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
"So với thành phố thì không bằng, nhưng ở vùng cao, nơi học thế này là ước mơ của biết bao giáo viên và học sinh rồi", cô giáo Triệu Thị Thu Hương nói.
Tại lớp 7B, 34 học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Bọn trẻ hào hứng đồng thanh trả lời được ăn bánh mì kẹp giò trong bữa sáng khi được hỏi. "Thích ở trường hơn ở nhà", đó là câu trả lời chân thật của học sinh vùng cao, vì ở trường sạch đẹp, cơm ngon hơn.
Cười xòa với câu chuyện của học sinh, cô giáo Triệu Thị Thu Hương khẳng định, nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia dành cho giáo dục, cho trường lớp học là quyết sách đúng đắn, có ý nghĩa nhân văn và mang lại động lực cho rất nhiều người.
Đối diện dãy phòng học vừa mới xây là khu ở của các học sinh nội trú. Ngồi trong căn phòng khang trang và rất ngăn nắp, Nguyễn Thị Linh Chi (dân tộc Tày, ở xã Tân Hợp) vừa cười đùa vui vẻ cùng bạn bè khi chơi cờ vua, vừa lễ phép chào hỏi khi thấy có người đến phòng.
Chi kể năm nay học lớp 9, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn khi mẹ đi làm xa, em phải ở nhờ nhà bác từ nhỏ. Ước mơ đến trường từng là một điều xa xỉ với cô bé người dân tộc Tày, nhưng nay, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Không chỉ có vậy, Chi cũng như hàng trăm học sinh khác trong trường, đang được học tập và sinh hoạt trong một môi trường khang trang, đầy đủ hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh phòng học, phòng ở được xây mới, học sinh nơi đây còn được tiếp cận với công nghệ thông tin qua việc học tin học trong phòng máy tính, học bằng máy chiếu trong các tiết học trên lớp.
"Không mơ gì hơn vì ngôi trường mới đã quá tuyệt vời, chúng em chỉ biết bảo nhau cùng nỗ lực học tập để thoát khỏi cái đói, cái nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn", Chi chia sẻ.
Năm nay, nguồn vốn ý nghĩa ấy cũng được dành cho Trường Tiểu học và THCS Châu Quế Thượng, với một số lớp học và nơi ở bán trú của học sinh.
Thầy giáo Đinh Đức Đông, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, 2-3 năm trước, trường rất khó khăn về cơ sở vật chất khi nơi ở bán trú cũng như lớp học đều thiếu. Nhờ nguồn vốn đầu tư được rót, trường được xây dựng khang trang hơn, rộng đẹp hơn, điều kiện ăn ở và học tập của học sinh cũng tốt hơn nhiều.
Cũng từ nguồn vốn này, nhà trường được hỗ trợ trang bị tivi cho các phòng học, bàn ghế và thiết bị dạy học ngoại ngữ cho học sinh.
"Đó là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa, khi hầu hết học sinh trong trường đều là hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều học sinh người Mông ở những thôn xa xôi, hẻo lánh, đi lại rất khó khăn, thầy cô còn phải vận động gia đình để cho con em được đi học", thầy Đông giải thích.
Nhờ có khu nhà bán trú, những học sinh ở 2 thôn xa xôi nhất được lo ăn ở, sáng đầu tuần đến trường, chiều cuối tuần về nhà. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh đến trường đảm bảo hơn so với trước kia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lã Thị Liền chia sẻ, địa phương đang thực hiện đồng thời cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Một số chính sách triển khai mang lại hiệu quả, người dân đã được thụ hưởng thành quả của chính sách.
Đánh giá cao quyết sách mở đường của Quốc hội khi ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa mới đã ban hành nghị quyết quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, đó là về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo huyện Văn Yên nhấn mạnh, đây là chính sách rất có ý nghĩa với địa phương.
Cũng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nữ Phó Chủ tịch huyện cho biết đã hỗ trợ người dân mua công cụ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng công trình nước sạch tập trung, để người dân có nước sạch sử dụng, hỗ trợ người dân mua téc dự trữ nước, cải thiện đời sống.
"Không chỉ có vậy, nguồn vốn quý báu từ quyết sách ban hành từ hội trường Diên Hồng còn hỗ trợ rất lớn trong việc xây dựng trường học, nhà văn hóa, đường điện sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực sự người dân được thụ hưởng và đời sống của họ được cải thiện rõ rệt", theo lãnh đạo huyện Văn Yên.
Trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa đi qua, từ nghị trường Diên Hồng đến những vùng đất xa xôi của Yên Bái đều cho thấy một điểm chung, đó là chăm lo an sinh đã trở thành tiêu chí quan trọng trong những quyết sách của Quốc hội.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25, ngày 28/7/2021, với tổng kinh phí tối thiểu 196.332 tỷ đồng. Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới; 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội khóa XV phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24, ngày 28/7/2021. Chương trình có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% - đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120, ngày 19/6/2020. Chương trình có kinh phí tối thiểu 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.
Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% kế hoạch giao).