(Dân trí) - Lo an sinh xã hội là để dưỡng sức, an lòng dân, để giữ vững lòng tin trong thời khắc ngặt nghèo nhất. "An sinh", "an toàn", "an dân" trở thành tiêu chí cho những quyết sách quan trọng được ban hành…
Nhìn lại, Quốc hội khóa XV bước vào nhiệm kỳ mới đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất. Quá nửa nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã dành sự quan tâm và ưu tiên lớn cho các gói an sinh, nhằm hỗ trợ người dân vực dậy sau đại dịch.
Ngay tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới (cuối tháng 7/2021), Quốc hội thông qua Nghị quyết quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, đó là về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75.000 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thông qua với tổng kinh phí tối thiểu hơn 196.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại kỳ họp hồi tháng 6/2020, Quốc hội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV - Nghị quyết 30 - được thông qua, cũng được coi là một việc chưa từng có tiền lệ khi trao thêm nhiều quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm chủ động thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Đây là dấu ấn mở màn của một giai đoạn Quốc hội không "bắc nước sôi chờ gạo", đánh dấu một cách thức làm việc mới của Quốc hội với phương châm "chủ động, từ sớm, từ xa".
Chỉ ít lâu sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số người chết không ngừng tăng lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập tức họp phiên bất thường để cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, vào ngày 6/8/2021.
Ngay trong đêm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Đây cũng là một quyết định chưa từng có tiền lệ. Để tránh tình trạng "chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất", nghị quyết lần này quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình, và tạo điều kiện cho người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Từ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng cũng ký ban hành Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Song song với đó, Chính phủ tung ra gói an sinh 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23) hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Thời điểm đó, đợt bùng phát dịch thứ 4 gây tác động tiêu cực tới 12,8 triệu người, gồm mất việc, giãn việc, giảm thu nhập, giảm giờ làm.
Chính sách triển khai, theo đó, giúp hàng chục triệu người được thụ hưởng lợi ích từ việc này. Tiến độ giải ngân gói 26.000 tỷ đồng được cho là thần tốc, nhanh gấp 3 lần gói 62.000 tỷ trước đó. Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ chính sách được ban hành, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 3 lần đốc thúc các tỉnh thành nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ người lao động tự do.
Nhận định "vẫn còn tiếng kêu ca của người dân", Bộ trưởng yêu cầu linh hoạt tối đa về thủ tục, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội, người lao động không thể di chuyển, về quê làm xác nhận. Các giấy tờ được thực hiện từ xa, bằng email hoặc thư công vụ của chính quyền nơi người lao động cư trú. Thời gian xét duyệt được rút ngắn để tiền hỗ trợ sớm đến tay người cần.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội khi đó nhấn mạnh tinh thần "3 chữ an" là "an sinh", "an toàn", "an dân" để hành động, quyết định trong bối cảnh lịch sử đầy thách thức của đất nước, dân tộc.
Cũng nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ sau đó tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị quyết này cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại hai phiên họp khẩn và ngay lập tức đi vào cuộc sống. Căn cứ trên Nghị quyết này, Chính phủ đã đề nghị sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền. Cộng cả phần giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động trong 12 tháng, giá trị gói an sinh này lên tới con số 38.000 tỷ đồng.
Với Nghị quyết này, cơ quan thường trực của Quốc hội một lần nữa thông qua một chính sách chưa có tiền lệ.
Thực tế, có không ít ý kiến, băn khoăn vào thời điểm đó khi chính sách vượt quá khung khổ luật định, sử dụng nguồn từ một quỹ bảo hiểm, không phải tiền ngân sách (Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thời điểm đó có kết dư lớn, 92.000 tỷ đồng) để chi dùng chung cho những người lao động gặp khó khăn.
Trong phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là chính sách rất nhân văn và cấp thiết để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Theo ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc này theo đúng thẩm quyền được Quốc hội ủy quyền.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách quan trọng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc chia sẻ rủi ro, đóng - hưởng, công bằng đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đáng chú ý, khi thời hạn chi trả theo chính sách này đã hết nhưng có đến hơn 400.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã nộp hồ sơ chưa được thụ hưởng, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí ban hành Nghị quyết cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chưa giải ngân hết trong gói 30.000 tỷ đến hết năm 2021, để tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng này.
Theo các đại biểu Quốc hội, quyết định này cho thấy Chính phủ đã điều hành linh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cũng theo dõi rất sát sao tình hình, luôn sát cánh, đồng hành trong việc triển khai để chính sách đến được với người dân, bao phủ hết mọi góc cạnh của cuộc sống.
Đến đầu năm 2022, tinh thần chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội tiếp tục được minh chứng qua kỳ họp bất thường lần thứ nhất, với việc thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng (gói phục hồi kinh tế), trong đó dành gần 60.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và tái cấu trúc lại thị trường lao động.
Quyết sách này đã mở đường cho Chính phủ triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong giai đoạn hậu đại dịch, như cho người sử dụng lao động vay không lãi suất để trả lương cho công nhân, cho người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Nhờ sự chủ động của Quốc hội và sự quyết liệt trong triển khai của Chính phủ, trong 3 năm, từ 2020 đến 2022, hơn 68 triệu lượt người dân, người lao động và hơn 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động đã được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, với tổng kinh phí tới 120.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ "vô cùng sốt ruột" trước thực trạng lượng lớn cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Đây cũng là vấn đề làm nóng nghị trường trong kỳ họp thứ 4.
Sau rất nhiều ý kiến bàn thảo, qua nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Trong đó, "điểm nhấn" là tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, và sớm hơn 6 tháng, điều chỉnh ngay phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Từ góc độ của một người vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy khẳng định, một trong những quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là cùng với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng và phát triển đất nước, phải bảo đảm tốt an sinh xã hội, và coi việc lo an sinh xã hội cho người dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhà nước phải cố gắng đáp ứng ở mức cao nhất, tốt nhất có thể chứ không phải "có khả năng đến đâu thì hỗ trợ đến đó".
Nhắc đến việc Quốc hội khóa XV bước vào nhiệm kỳ trong bối cảnh có những khó khăn không thể dự báo và lường trước, thậm chí chưa có tiền lệ, ông Duy nhận định, Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến chính sách an sinh xã hội.
Ngay từ giai đoạn đại dịch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ, đưa ra những chính sách rất kịp thời như sử dụng một phần kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để dành nguồn hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; ban hành một loạt chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc làm, kể cả người lao động ở khu vực phi chính thức và lao động tự do…
Những quyết sách quan trọng được đưa ra từ hội trường Diên Hồng, theo Bí thư Đỗ Đức Duy, đã giúp giải quyết căn bản những khó khăn đột xuất, phát sinh do đại dịch cũng như tác động sau đại dịch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, thoát khỏi khó khăn.
"Việc ban hành kịp thời và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã góp phần tái tạo sức lao động, nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm điều kiện cho tăng trưởng và phát triển kinh tế", theo ông Duy.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, những quyết sách về an sinh đã giúp lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền thêm một lần nữa được củng cố và tăng cường, thể hiện rõ tính nhân văn của chế độ XHCN của Việt Nam.
Những quyết sách này cũng là minh chứng rõ nét cho định hướng mà Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh, đó là không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Tin vui đến với người dân nghèo sau bài viết của Báo Dân trí
Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết Quyết sách Diên Hồng giúp dân nghèo "chạm tay vào ước mơ", trong đó đề cập đến trường hợp một người dân ở xã Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù nhận nguồn hỗ trợ quý báu từ Nhà nước vẫn chưa thể hoàn thiện căn nhà ước mơ, một độc giả của báo Dân trí đã mong muốn viết tiếp ước mơ này cho người nông dân nghèo.
Một trong những nhân vật được Báo đề cập trong bài viết là ông Lầu Văn Xứng (SN 1969, ở thôn Ngòi Lẫu, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên).
Gia đình ông vừa được nhận căn nhà xây khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với lồng ghép các nguồn vốn khác theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025.
Căn nhà mới rộng khoảng 80m2 với 4 phòng ngủ, hiện là nơi ở của hộ gia đình 8 người với 3 thế hệ. Không bao giờ dám ước mơ sẽ có nổi một ngôi nhà, ông Xứng không khỏi xúc động khi được Nhà nước và địa phương quan tâm, hỗ trợ hoàn thành ước mơ ấy.
Nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, ngôi nhà của ông khi xây xong cũng chỉ có cái khung đúng nghĩa, trong nhà không có bất cứ tài sản gì do gia đình đã hết khả năng hoàn thiện tiếp.
Chia sẻ xúc động khi đọc bài viết trên báo Dân trí, một độc giả của Báo đã liên hệ tác giả bài viết, chia sẻ mong muốn giúp người nông dân nghèo hoàn thiện ước mơ bằng cách trao tặng gia đình một bộ bàn ghế và một chiếc tivi.
Tiếp nhận thông tin này, tác giả bài viết đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng Đinh Thị Hồng Loan để đề nghị địa phương chuyển món quà tới gia đình ông Xứng. Nữ Chủ tịch xã cũng chia sẻ vô cùng xúc động khi nhận thông tin này. Bà cam kết xã sẽ khẩn trương mua sắm bàn ghế, tivi để đem trao tặng tận nơi cho gia đình ông Xứng.