Chuyện thi bằng lái xe ở các nước: Khó không kém
(Dân trí) - Độ khó của bài mô phỏng trong sát hạch cấp giấy phép lái ô tô tại nhiều quốc gia cũng tương đồng như ở Việt Nam, tuy nhiên, mỗi nước có yêu cầu đây là phần thi bắt buộc hoặc bổ sung khác nhau.
Chị Thùy Linh (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đang đợi lấy tấm bằng B1 sau đợt thi hơn một tháng trước, chia sẻ kinh nghiệm, hiện nay nhiều cơ sở dạy lái xe đăng tải các bài thi mô phỏng thông qua các video lên internet, ai cũng có thể xem và ôn theo.
"Tôi xem các video đó rất nhiều lần. Bộ đề ôn thi mô phỏng gồm nhiều tình huống, tôi dành thời gian xem và học hết, đến khi thi thực tế thì xác suất làm được vẫn sẽ cao hơn so với việc không ôn tập kỹ", chị Linh nói.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 1.500 cuộc thi sát hạch giấy phép lái xe. Mỗi kỳ thi có khoảng 300 thí sinh, tỷ lệ đậu từ 60 đến 62%.
Theo thống kê, có gần 120.000 người bị rớt khi thi sát hạch giấy phép lái xe. Con số này so với các năm không nhiều. Tỷ lệ đậu sát hạch mô tô đạt 78,72%, giảm 36% so với năm 2022; tỷ lệ đậu sát hạch ô tô đạt 54,19%, giảm 55,4% so với năm 2022.
Cục Đường bộ Việt Nam áp dụng đưa 120 câu mô phỏng tình huống giao thông dành cho lái xe ô tô vào đào tạo và thi. Sau hơn một năm thực hiện, phần thi này xuất hiện nhiều bất cập khi gây khó khăn cho nhiều thí sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, phần mô phỏng có tới 120 tình huống theo ý của người viết phần mềm, không phản ánh được thực tiễn diễn ra trên đường, cho nên thí sinh rớt phần thi này tương đối cao.
"Quan điểm của tôi là không nên bỏ phần mô phỏng, nhưng có thể đưa vào phần thực hành bắt buộc đủ bao nhiêu giờ mới được phép tham gia thi sát hạch lấy bằng như các nước trên thế giới đang làm", chị Thùy Linh, người mẹ có con nhỏ cho rằng, phần thi này giúp cải thiện kỹ năng lái xe của tài xế, sẽ an toàn hơn khi lưu thông trên đường.
Vì sao phần thi mô phỏng vẫn là yêu cầu bắt buộc ở nhiều quốc gia?
Theo thông tin của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, Viện Y tế quốc gia này đã tài trợ một nghiên cứu hồi tháng 10/2023, chỉ ra thực trạng những người mới lái xe thi điểm thấp trên thiết bị mô phỏng có nhiều khả năng trượt bài kiểm tra trên đường hơn.
Các phát hiện cho thấy, đánh giá lái xe ảo/mô phỏng (VDA: Virtual Driving Assessment ) có thể xác định ra những người lái xe thiếu kỹ năng tránh va chạm.
Theo nghiên cứu tại Mỹ, phần lớn vụ tai nạn sau khi được cấp giấy phép lái xe đều liên quan đến lỗi kỹ năng của tài xế, chẳng hạn như khả năng quan sát kém, phản xạ tình huống chậm hoặc mất kiểm soát tay lái. VDA chính là công cụ bổ sung để đánh giá năng lực của người lái xe mới, giúp trau dồi kỹ năng lái xe tốt hơn trước khi lên đường.
Các tác giả nghiên cứu đã so sánh hiệu suất giữa bài thi mô phỏng VDA của gần 33.000 người xin cấp giấy phép ở bang Ohio (Mỹ) với kết quả kiểm tra trên đường của họ.
Trong đó, 25% xếp loại Không có vấn đề (lái xe cẩn thận và lành nghề); 41% thuộc loại Vấn đề nhỏ (có khiếm khuyết nhỏ trong việc kiểm soát phương tiện); 16% thuộc loại Vấn đề chính (có vấn đề về điều khiển phương tiện và có xu hướng chấp nhận rủi ro) và 18,1% thuộc loại Các vấn đề chính với hành vi xâm phạm (có nhiều vấn đề về kiểm soát với các hành vi liều lĩnh và chấp nhận rủi ro).
Sau kỳ thi lái xe, những người thuộc nhóm Không có vấn đề và Vấn đề nhỏ có tỷ lệ trượt lần lượt thấp hơn 29% và 11%. Mặt khác, 2 nhóm còn lại có tỷ lệ trượt 34% và 19% trong bài kiểm tra trên đường.
Nghiên cứu chỉ ra, mặc dù bài kiểm tra viết và kiểm tra trên đường là phần thi được đánh giá cơ bản an toàn để được cấp giấy phép, thực tế bài học mô phỏng đã giúp người thi tăng thêm kinh nghiệm và thời gian ngồi sau tay lái để giảm đáng kể những lỗi trong bài thi.
Theo trang thông tin chính phủ Anh, có hơn 1 trong 3 vụ va chạm được báo cáo ở nước này vào năm 2021 là do người lái xe không nhìn kỹ. Hơn 1 trong 10 vụ va chạm là do lái xe rẽ hoặc điều khiển không đúng cách. Có 1.683 người thương vong ở Anh vào năm 2021 khi người dân không tuân theo đèn giao thông là một yếu tố dẫn đến vụ va chạm.
Thời báo Hindustan thông tin, theo Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ, hơn 1,2 triệu người đã tham gia kỳ thi cấp giấy phép lái xe ở bang Maharashtra từ năm 2017 đến 2022, trong đó có 2,89 nghìn người trượt.
Xem xét sự gia tăng các vụ tai nạn đường bộ, các quan chức nước này cho biết, họ đã yêu cầu quy trình cấp giấy phép lái xe trở nên khó khăn hơn từ lý thuyết đến thực hành, trong đó có phần thi mô phỏng trên máy tính và cabin.
"Đường sá, phương tiện đã được nâng cấp, thì cần phải làm bài thi chặt chẽ hơn trước khi cấp giấy phép lái xe cho người thi. Việc nhiều người thi trượt hơn hồi trước là để họ có thể cải thiện kỹ năng lái xe và trở nên nhạy cảm hơn khi tham gia giao thông.
Các chuyên gia giao thông nước này đánh giá, việc lái xe trong sa hình chỉ 500 mét không còn là tiêu chí để kiểm tra khả năng lái xe an toàn của một tài xế", thời báo Hindustan viết.
Song, một chuyên gia giao thông ở Mỹ nhấn mạnh, các thiết bị mô phỏng chưa thể thay thế hoàn toàn việc đào tạo lái xe. Nó nhằm mục đích bổ sung cải thiện khả năng phản xạ và xử lý tình huống.
"Cứ để thí sinh mắc lỗi trên trình mô phỏng thật nhiều mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng, họ sẽ dần cải thiện được kỹ năng, thay vì xảy ra tai nạn thật", vị chuyên gia nói.
Trưởng bộ phận đào tạo mô phỏng tại Trung tâm lái xe ComfortDelGro (Singapore), cho biết, mô phỏng cho phép người học lái xe phạm lỗi trong một môi trường rất an toàn.
"Trên máy tính hay cabin, việc người lái xe mắc lỗi không thành vấn đề. Vấn đề là họ biết lỗi của mình, biết điểm yếu của mình từ đó và sẽ tiến bộ hơn khi đến học các bài thực hành tiếp theo. Họ sẽ cẩn thận hơn, ý thức hơn về tình trạng giao thông xung quanh mình", ông nói.
"Khác lạ" việc học thi bằng lái ô tô ở một số quốc gia
Ở Mỹ, trước khi bước vào thi lấy bằng lái xe, thí sinh phải học qua khóa Thực hành và Dự bị cấp giấy phép, để có được giấy phép học lái xe. Sau đó, thí sinh thường kết hợp một số khóa thực hành lái xe có người giám sát với khóa học cấp giấy phép trước để chuẩn bị cho kỳ thi lái xe trên đường.
Ở Nhật, sau khi vượt qua bài kiểm tra lý thuyết thì đến thực hành. Tuy nhiên, bài kiểm tra của khóa học không bắt đầu khi thí sinh bước lên xe. "Đầu tiên bạn phải kiểm tra gầm xe, phía trước và phía sau, để chắc chắn không có chướng ngại vật như người, con mèo chui xuống gầm xe để giữ ấm", theo trải nghiệm của một người ngoại quốc ở Nhật.
Trong khu vực Đông Nam Á, khi đăng ký giấy phép lái xe mới ở Thái Lan, Sở Giao thông Vận tải đường bộ Thái Lan yêu cầu thí sinh vượt qua tất cả bài kiểm tra bắt buộc gồm: mù màu, ngoại vi, phản xạ, nhận thức, lý thuyết và lái xe thực tế.
Cụ thể, trong bài kiểm tra mù màu, cán bộ sẽ chỉ vào một chấm có màu khác hoặc yêu cầu thí sinh xác nhận màu của bóng đèn hoặc đèn chiếu sáng. Về ngoại vi, thí sinh được yêu cầu đặt đầu mình lên một thiết bị kiểm tra với đôi mắt nhìn thẳng vào cán bộ. Đèn sẽ xuất hiện ở 2 bên cạnh và thí sinh phải nói chính xác màu mà không được liếc mắt hoặc di chuyển đầu.
Với bài thi phản xạ cũng là bài thi mô phỏng với hình thức thô sơ hơn cabin hay máy tính: thí sinh sẽ được ngồi ở bàn đạp phanh và ga trên ghế hoặc ghế đẩu. Khi tín hiệu đèn trên bảng điều khiển sáng màu xanh, tín hiệu âm thanh phát ra thì người thi phải nhấn bàn đạp phanh trong vòng chưa đầy một giây. Thí sinh được thử nhiều lần cho đến khi làm đúng.
Về bài nhận thức, thí sinh sẽ ngồi trước một thiết bị có 2 dây tóc ánh sáng bên trong, một dây có thể di chuyển được và dây kia cố định. Tiếp theo, người thi phải vận hành thiết bị để di chuyển dây tóc di động về phía dây tóc cố định. Sau 3 bài thi trên sẽ đến bài thi lý thuyết và thực hành, nhiều nội dung tương tự ở Việt Nam.
Tại hai quốc gia láng giềng của Việt Nam, việc học và thi giấy phép lái xe ô tô có nhiều nét tương đồng với nước ta.
"Ở Lào mật độ giao thông ít, người dân lái xe lịch sự, ít xảy ra va chạm. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do để việc sát hạch lái xe có phần thoáng hơn Việt Nam. Tiền học lái xe ở Lào cho người mới mất khoảng 1 tháng với chi phí tương đương 5 triệu đồng", anh Xuân Thắng, hướng dẫn viên du lịch người Việt có giấy phép lái xe ở Lào, chia sẻ.
Còn anh Sarom (34 tuổi), hướng dẫn viên du lịch người Campuchia thường xuyên sang Việt Nam, cũng cho rằng, giao thông ở 3 nước Đông Dương có nhiều điểm giống nhau, nên nội dung ôn thi có nhiều nét tương đồng.
"Có điều, sang Việt Nam (cụ thể là TPHCM) thấy người ta chạy xe sợ lắm. Cách lái xe ở Campuchia là người ta biết nhường nhịn không bóp kèn", anh Sarom nói với phóng viên.
Chị Minh Ánh (30 tuổi, người TPHCM sống tại Australia 5 năm), kể rằng, đa phần là ai thi bằng lái xe ở nước này cũng sẽ trượt một lần. "Khó hơn ở Việt Nam nhiều", chị Ánh nói.
Theo chị, trong các bài sát hạch lái xe có nội dung: khi xi nhan chuyển làn phải quay đầu nhìn trái/phải hẳn về phía sau, nếu không đánh đầu dứt khoát thì có thể bị đánh trượt. Lùi xe phải xoay hẳn người ra sau chứ không chỉ nhìn mỗi gương xe, bài này nhiều người hay quên rồi bị rớt. Thi thực hành trên đường bên này đoạn đường dài hơn, xe nhiều kẹt y như Việt Nam chạy hàng ngày chứ không được chạy chỗ vắng.
"Nói đến thi mô phỏng ư, cũng khó lắm. Ví dụ tình huống xuất hiện trên màn hình, bạn cũng phải bấm stop (dừng) đúng lúc khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm, nhưng mà bấm stop nó không có dừng liền đâu, nó dừng từ từ nên nhiều người không căn thời gian nhanh là failed (hỏng)", Minh Ánh kể trải nghiệm thi mô phỏng ở Australia.
***
Bằng lái xe chỉ là "một miếng nhựa trong ví", nhưng nó mang vai trò là một loại giấy tờ tùy thân, một lợi thế khi đi xin việc, thể hiện trách nhiệm khi lái xe chở ai đó hoặc người thân. Do đó, việc học và thi một cách chỉn chu, nghiêm túc để cầm trong tay tấm bằng là rất quan trọng.
Ngày 22/4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có một số điểm mới.
Theo đó, học viên học bằng lái ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3-4 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ. Đồng thời, học viên sẽ phải học 120 tình huống mô phỏng giao thông và thi mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Đối với hạng B1, học viên phải lái xe đạt tối thiểu 710km (đáp ứng đủ lái xe tối thiểu 12 giờ, trong đó có 4 giờ lái xe vào ban đêm); với hạng B2, học viên phải hoàn thành tối thiểu quãng đường 810km (lái xe tối thiểu 20 giờ, trong đó có 4 giờ vào ban đêm và 3,2 giờ trên xe số tự động).
Với hạng C, học viên phải hoàn thành tối thiếu 825km, (đáp ứng 24 giờ lái xe tối thiểu, 4 giờ lái xe ban đêm và 3,2 giờ học trên xe số tự động).
Bài trong tuyến:
1. Người thi sát hạch giấy phép lái xe ở TPHCM than khó hơn thi đại học
2.Vụ 120.000 người thi trượt lái xe ở TPHCM: Giáo viên cũng rớt phần mô phỏng
3. Đi tìm lời giải vì sao nhiều học viên thi sát hạch lái xe ở TPHCM bị trượt