DNews

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử

Thanh Tùng Hạnh Linh

(Dân trí) - Suốt 32 ngày đêm bị quân địch vây hãm, nghĩa quân ở căn cứ Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với vũ khí và lực lượng mỏng đã chiến đấu bền bỉ, quật cường, nhiều lần khiến quân địch khiếp sợ.

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử

Lời tòa soạn: Khởi nghĩa Ba Đình là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra vào năm 1886-1887 tại xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trận đánh này đã để lại một mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh chống giặc giữ nước của dân tộc ta.

Trải qua 138 năm, mỗi lần nhắc lại ký ức hào hùng của cha ông, người dân xã Ba Đình luôn tự hào khi tên của vùng đất này được chọn để đặt cho Quảng trường Ba Đình - trái tim của thủ đô Hà Nội.

Mỗi đêm đắp hơn 1km tường thành

Di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (xã Ba Đình, huyện Nga Sơn) cách trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa gần 50km. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây là căn cứ quân sự lớn, được xây dựng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887).

Trải qua 138 năm, khu căn cứ Ba Đình giờ chỉ còn lại bãi đất trống, nhưng những giá trị lịch sử về cuộc khởi nghĩa hào hùng của cha ông vẫn còn đọng mãi trong mỗi người dân nơi đây.

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 1

Dấu tích cuộc khởi nghĩa Ba Đình hiện chỉ còn tấm bia đá (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Trịnh Xuân Đắc, làng Thượng Thọ, xã Ba Đình chia sẻ: "Đã là người con của Ba Đình, ai cũng phải nắm rõ lịch sử của vùng đất này". Mặc dù đã 84 tuổi, nhưng ông Đắc vẫn nhớ rất kĩ và tự hào mỗi khi kể về quá khứ hào hùng của người dân Ba Đình trong cuộc khởi nghĩa 32 ngày đêm.

Ông Đắc cho biết, ông vốn là cựu cán bộ của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, từng có nhiều năm nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình, nên ông tường tận đến từng chi tiết.

Theo ông Đắc, căn cứ Ba Đình được xây dựng trên địa bàn 3 làng: Mỹ Khê, Mậu Thịnh và Thượng Thọ. Trước đây, mỗi làng đều có một cái đình rất lớn nên gọi vùng đất này là Ba Đình.

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 2

Ông Trịnh Xuân Đắc, làng Thượng Thọ, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngày 13/7/1885, sau khi Pháp chiếm Kinh thành Huế, Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên giúp vua đánh giặc, cứu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi, tại Thanh Hóa, phong trào Cần vương thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, hình thành nên hệ thống các làng xã chiến đấu. Đỉnh cao của phong trào là cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra tại Ba Đình (huyện Nga Sơn).

Ba Đình lúc bấy giờ là vùng đất được bao quanh bởi những cánh đồng chiêm trũng, vào mùa nước nổi, cả ba làng bị tách biệt hoàn toàn so với bên ngoài. Với địa thế trên, năm 1886, các tướng lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt chọn Ba Đình để xây dựng căn cứ cho cuộc khởi nghĩa.

Để ủng hộ nghĩa quân xây dựng căn cứ Ba Đình, người dân sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, ruộng, vườn, còn thanh niên trai tráng ở lại góp sức, chung tay xây thành, đào lũy.  

Theo ông Đắc, căn cứ Ba Đình được xây dựng dựa theo địa thế tự nhiên, được bao bọc bởi một vòng thành xây bằng đất, có công sự chiến đấu xen kẽ. Trên mặt thành được xếp hàng nghìn sọt rơm trộn bùn với nhiều lỗ châu mai. Dưới chân thành, nghĩa quân dùng cọc tre làm bãi chông.

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 3

Vùng đất Ba Đình là khu vực đồng chiêm trũng quanh năm (Ảnh: Thanh Tùng).

Phía trong thành còn có một hệ thống đường giao thông để vận chuyển lương thực từ các vùng lân cận trong tỉnh Thanh Hóa về đây phục vụ chiến đấu. Ngoài ra, nghĩa quân còn bố trí xây dựng 3 đồn chiến đấu ở ngay trên vị trí của ba ngôi đình để tiện quan sát và hỗ trợ nhau khi tác chiến.

"Chỉ trong vòng một tháng, căn cứ đã được xây dựng. Có thời điểm, một đêm người dân Ba Đình đã đắp hơn 1km tường đất để phân chia địa giới căn cứ. Thời điểm xây dựng, ngoài người dân Ba Đình, nhân dân huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cũng đóng góp vật liệu, mỗi làng góp 30 cái rọ, 100 cây tre, 10 gánh rơm", ông Đắc hào hứng kể.

Cuộc vây hãm 32 ngày đêm và ý chí quật cường của quân ta

Sau khi xây dựng căn cứ tại Ba Đình, nghĩa quân có khoảng 300 người, mở các cuộc tấn công vào đồn bốt Pháp trong khu vực hoặc tổ chức đánh chặn các đoàn xe chở binh lính và lương thực của Pháp trên đường hành quân Bắc - Nam.

Ngày 18/12/1886, 500 quân Pháp tấn công vào căn cứ Ba Đình nhưng thất bại. Đầu năm 1887, Pháp huy động hàng nghìn quân, có pháo binh yểm trợ, bao vây căn cứ. Nghĩa quân Ba Đình chống trả bằng những vật dụng thô sơ như súng hỏa mai, gươm, giáo, cung, nỏ, súng thần công…

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 4

Súng thần công trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình được phục dựng lại (Ảnh: Thanh Tùng).

"Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, trước sự vây hãm của quân địch suốt 32 ngày đêm (từ 18/12/1886 đến 20/1/1887), nhiều binh sỹ của ta đã anh dũng hy sinh ở cánh đồng chiêm trũng", ông Đắc kể.

Sau khi chiếm căn cứ Ba Đình, thực dân Pháp điên cuồng đốt phá, đồng thời ra lệnh xóa tên ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê trên bản đồ hành chính. Trước tình thế cấp bách, đêm 20/1/1887 các tướng lĩnh Phạm Bành, Đinh Công Tráng "mở đường máu" về căn cứ Mã Cao (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Sau đó, căn cứ Mã Cao cũng bị quân Pháp đánh phá, tiêu diệt.

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 5

Súng hỏa mai và giáo mác, vũ khí thô sơ còn sót lại sau cuộc khởi nghĩa lịch sử (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhiều năm nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa trên mảnh đất quê hương, ông Đắc cho biết khởi nghĩa Ba Đình là điển hình của lối đánh chiến tuyến cố định. Với căn cứ Ba Đình, nghĩa quân có khả năng tập trung lực lượng để đánh những trận lớn, diệt nhiều quân địch, nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm do ở vào thế bị động đối phó, dễ bị cô lập khi đối phương bao vây hoặc tiến công. 

"Cuộc chiến đấu của nhân dân Ba Đình chỉ diễn ra trong thời gian 32 ngày đêm nhưng là một mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh chống giặc, giữ nước của dân tộc ta. Ngoài ra, trận đánh còn để lại bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng, cổ vũ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng tháng 8/1945 giành thắng lợi", ông Đắc nói.  

Chuyện đắp thành đánh giặc ở xã mang tên Quảng trường Ba Đình lịch sử - 6

Bản đồ mô phỏng lại căn cứ Ba Đình (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Công chức Văn hóa - Xã hội xã Ba Đình, cho biết cuộc khởi nghĩa Ba Đình thể hiện tinh thần, ý chí bất khuất, kiên cường, quyết tâm đánh giặc cứu nước, sự đoàn kết thống nhất giữa các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa.

"Điều tự hào hơn là sau 59 năm kể từ ngày cuộc khởi nghĩa Ba Đình diễn ra, tên và địa danh của cuộc khởi nghĩa đã vang khắp năm châu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội", bà Nhàn xúc động nói.