Thanh Hóa:

Di tích căn cứ khởi nghĩa Ba Đình đang trở thành… phế tích

(Dân trí) - Từng là căn cứ trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Tên của chiến khu này còn vinh dự được đặt cho Quảng trường Ba Đình - Hà Nội. Tuy nhiên, di tích lịch sử cấp Quốc gia này đang dần biến thành… phế tích.

Chiến khu xưa…

Di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (Chiến khu Ba Đình), xã Ba Đình, huyện Nga Sơn cách thành phố Thanh Hóa gần 50km về hướng Đông Bắc. Nơi đây, từng được biết đến là một căn cứ quân sự lớn, được xây dựng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887) phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Chiến khu Ba Đình được xây dựng trên địa bàn ba làng là: Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Tên gọi Ba Đình xuất phát từ việc ba làng trên, mỗi làng đều có một đình làng rất lớn. Đây là khu vực đồng chiêm trũng nên vào mùa nước nổi, cả ba làng trên đều bị tách biệt hoàn toàn so với bên ngoài. Từ đình làng này có thể nhìn thấy được đình làng kia.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các sĩ phu yêu nước như: Đinh Công Tráng, Phạm Bành và nhiều sỹ phu yêu nước khác đã đứng lên theo phong trào Cần Vương, sau đó trở về quê gây dựng cuộc khởi nghĩa ngay tại quê nhà rồi chọn Ba Đình là khu căn cứ địa để kháng chiến.

Tại đây, các lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa đã cùng nhân dân ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê tập trung xây dựng Ba Đình thành một khu căn cứ “bất khả xâm phạm”. Các tướng sỹ và nhân dân đã trồng nhiều lũy tre dày đặc xung quanh căn cứ để chống lại đạn pháo của giặc.

 Khu di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình.
 Khu di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình.

Bên cạnh đó, một hệ thống hầm hào, thành đắp đất cũng được xây dựng lên để ngăn sự tấn công của quân giặc từ bên ngoài. Bên trong chiến khu, nghĩa quân cho xây dựng một hệ thống đường giao thông để vận chuyển lương thực từ các vùng lân cập trong tỉnh Thanh Hóa về đây phục vụ chiến đấu. Ngoài ra, trong khu căn cứ này, quân và dân vừa chiến đấu vừa có thể sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn.

Chiến khu Ba Đình là căn cứ địa rất quan trọng trong việc kiểm soát tuyến giao thông từ Bắc vào Nam. Khu căn cứ là địa điểm xây dựng nhằm ngăn chặn sự tấn công của giặc khi qua địa phận Thanh Hóa và Ninh Bình. Ngoài ra, căn cứ này còn hỗ trợ rất lớn cho những căn cứ khác cùng thời để cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Nhà bia nhưng không có bia nằm trong khuôn viên khu di tích.
Nhà bia nhưng không có bia nằm trong khuôn viên khu di tích.

Chính vì tầm quan trọng cũng như tinh thần yêu nước của các vị lãnh tụ, quân và dân trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình, góp công lớn trong phong trào bảo vệ Tổ Quốc, Bác Hồ đã chọn tên của chiến khu Ba Đình để đặt cho quảng trường lớn tại Hà Nội. Từ xưa đến nay, người dân xã Ba Đình nói riêng và huyện Nga Sơn nói chung luôn tự hào về chiến khu này.

Nguy cơ thành phế tích

Từ trung tâm thị trấn Nga Sơn đi gần 5km theo hướng Tây sẽ đến được Chiến khu Ba Đình. Trải qua thời gian dài, đến nay chiến khu Ba Đình đã biến đổi rất nhiều, một phần vì địa giới hành chính của xã Ba Đình đã được mở rộng, phần vì các đơn vị hành chính trong xã đã nhiều lên, không còn là 3 làng như trước kia nên rất khó để xác định địa giới của căn cứ Ba Đình xưa.

Tấm biển chỉ dẫn vào di tích cấp Quốc gia căn cứ khởi nghĩa Ba Đình.
Tấm biển chỉ dẫn vào di tích cấp Quốc gia căn cứ khởi nghĩa Ba Đình.

Hiện nay, Chiến khu Ba Đình còn lại một điểm lưu nhiều dấu tích và được cho là căn cứ xưa kia, điểm chính của căn cứ này nằm ngay bên khuôn viên của trường THCS Ba Đình. Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1992. Tuy nhiên căn cứ này hiện nay vẫn chưa được quy hoạch cụ thể. Nơi đây vẫn giống như một khu đất bị bỏ hoang, nếu như không tấm bia ghi dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình” thì rất khó phát hiện được.

Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh khu vực Chiến khu này, thầy giáo Đỗ Xuân Hiền - Hiệu phó trường THCS Ba Đình chia sẻ: “Chiến khu giờ chỉ còn sót lại mỗi khu vực này nhưng cũng không còn gì ghi dấu nhiều. Đây được xác định là khu đất cao nhất trên địa bàn xưa kia và là căn cứ của cuộc khởi nghĩa còn sót lại”.

Lối vào Di tích cấp quốc gia căn cứ khởi nghĩa phải đi chung với cổng trường THCS Ba Đình.
Lối vào Di tích cấp quốc gia căn cứ khởi nghĩa phải đi chung với cổng trường THCS Ba Đình.

Điểm chính này là một núi đá nhỏ, bao quanh là đồng ruộng và nhà dân. Xung quanh điểm căn cứ này cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Cũng trong khuôn viên của di tích này còn có một nhà bia nhưng lại không có tấm bia nào đặt bên trong.

Được biết, nhà bia này được đầu tư xây dựng với số tiền gần 100 triệu đồng vào năm 2008, nhưng do không có bia dựng vào nên đến nay bỏ hoang. Nhà bia này hiện nay cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, lớp gạch lát nền đã bị bong tróc nhiều chỗ, rêu mốc bao phủ nhiều nơi...

Qua tìm hiểu được biết, tại chiến khu này, để lưu dấu về chiến tích nơi đây, xưa kia đã có một tấm bia đá khắc chữ Hán ghi súc tích và đầy đủ về chiến công của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Trong đó có các nhà yêu nước lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cùng cùng nhân dân Ba Đình. Tuy nhiên, trải qua thời gian lịch sử và điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên chữ trên tấm bia này bị phai mờ và được đưa về dựng ngay trong sân của UBND xã Ba Đình.

Lối vào Di tích cấp quốc gia căn cứ khởi nghĩa phải đi chung với cổng trường THCS Ba Đình.
Hình ảnh và tư liệu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình được lưu giữ trong phòng truyền thống của xã Ba Đình.
Tấm bia đá là dấu chỉ duy nhất về căn cứ Ba Đình được dựng ngay trong góc sân của UBND xã Ba Đình.
Tấm bia đá là dấu chỉ duy nhất về căn cứ Ba Đình được dựng ngay trong góc sân của UBND xã Ba Đình.

Ngoài khu căn cứ bị bỏ hoang, trong phòng truyền thống của xã Ba Đình còn lưu giữ lại một số hiện vật như: súng, bát, đĩa, cốc chén… Đây là những vũ khí và vật dụng mà nghĩa quân dùng để chiến đấu và sinh hoạt. Do không được quan tâm, cất giữ đúng mức nên số hiện vật này hiện nay cũng đang bị hao mòn đi nhiều…

Bà Hoàng Thị Huệ - Chủ tịch xã Ba Đình chia sẻ: “Do chưa có quy hoạch chi tiết nên khu di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình hiện nay vẫn đang còn ngổn ngang. Toàn bộ khu đất được cho là khu chính của căn cứ và phải chung lối vào với trường THCS Ba Đình. Nguyện vọng của chính quyền và nhân dân xã Ba Đình rất mong được nhà nước đầu tư quy hoạch và xây dựng lại khu căn cứ này để mỗi khi du khách đến Nga Sơn tham quan hiểu sâu hơn về truyền thống cách mạng của quân và dân ta trong cuộc khởi nghĩa. Đây cũng là chứng tích để giáo dục truyền thống yêu nước cho con em của địa phương”.

Thái Bá


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm