DMagazine

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh

(Dân trí) - Trong gần 90 ngày đầy cam go "chiến đấu" với dịch Covid-19, tỉnh Bến Tre đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, "vùng xanh" được bao phủ toàn bộ bản đồ của địa phương có 4 con sông lớn chảy qua.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 1

Trong gần 90 ngày đầy cam go "chiến đấu" với dịch Covid-19, tỉnh Bến Tre đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, "vùng xanh" được bao phủ toàn bộ bản đồ của địa phương có 4 con sông lớn chảy qua. Đối với khu vực ĐBSCCL, hiện tại, tỉnh Bến Tre cũng là nơi có những kết quả tốt nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới".

Trong cuộc trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, khẳng định, ý thức trách nhiệm, sự tự giác của nhân dân đóng vai trò quyết định cho những kết quả khả quan ấy. Bên cạnh việc từng bước khôi phục các hoạt động, tỉnh Bến Tre luôn cần sự cảnh giác cao độ trước dịch bệnh, bởi, dịch Covid-19 có thể tái bùng phát, xâm nhập bất cứ lúc nào, ở bất cứ địa phương nào.

- Đợt dịch thứ 4 gây ra những thiệt hại nặng nề, từ khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên đến nay. Theo ông, trong quãng thời qua, đâu là những dấu mốc quan trọng nhất của địa phương trên chặng đường đi tới bình thường mới?

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 2

Ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

- Thời gian qua, việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng quyết tâm chính trị cao nhất với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Về cơ bản, Bến Tre là địa phương giữ được "an toàn" trong 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 tính từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch trên phạm vi toàn quốc.

Đợt bùng phát lần thứ 4, Bến Tre xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 3/7, đến ngày 22/9 toàn tỉnh ghi nhận 1.869 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đặc biệt, trong giai đoạn những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 số ca mắc Covid-19 tại địa bàn tăng cao đột biến, đỉnh điểm là 107 ca vào ngày 10/8.

Đến ngày 9/9, sau 4 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã kiểm soát, đẩy lùi. Từ ngày 10/9, tỉnh chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 có bổ sung, tăng cường. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của người dân và hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre.

- Bến Tre có tới 4 lần phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, điều đó cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 luôn thường trực nhiều thách thức, cam go. Đâu là điểm mấu chốt để tình hình dịch bệnh có nhiều dấu hiệu khả quan như hiện tại?

- Tôi xin nhấn mạnh, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, việc phòng, chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh chỉ thành công khi nhân dân vào cuộc, hưởng ứng và tham gia thật sự.

Sớm nhận biết được điểm cốt lõi ấy, tỉnh đã tập trung tuyên truyền quán triệt để các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhân dân nắm chắc chủ trương: Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài"; người dân là "chiến sĩ" trên mặt trận phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh. Sự tham gia chủ động, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân, ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân đóng vai trò là một yếu tố quyết định thành công trong phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre đã bám sát thực tiễn, theo dõi, phân tích, nắm chắc tình hình dịch bệnh, đặc điểm kinh tế - xã hội của, dự báo sát tình hình dịch bệnh Covid-19 để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bến Tre thực hiện nghiêm các giải pháp về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 phù hợp trong từng giai đoạn; thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức xét nghiệm sàng lọc để phát hiện F0, truy vết và sàng lọc F1, F2...

Tỉnh đã sớm tổ chức đánh giá vùng nguy cơ dịch bệnh theo ấp/khu phố để xây dựng phương án xét nghiệm sàng lọc phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Khi phát hiện F0 thì tổ chức khoanh vùng cô lập nguồn lây nhỏ nhất; truy vết nhanh nhất để xác định F1, F2.

Khi được phân bổ vắc xin thì khẩn trương tiếp cận, làm các thủ tục để tiếp nhận nguồn vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin ngay cho nhân dân. Ngành y tế tổ chức tư vấn kỹ để người dân yên tâm. Thực hiện đúng phương châm vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 4

Bến Tre đã bố trí các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương bảo đảm chặt chẽ, hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; thực hiện kiểm soát, quản lý chặt chẽ, siết chặt 4 vành đai kiểm soát tại 4 cấp...

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới.

- Thời gian giãn cách liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế - xã hội, đã có những tác động cụ thể nào làm "xoay trục" hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thưa ông?

- Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp là rất nghiêm trọng, làm trì trệ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 5

Nhiều chốt kiểm soát Covid-19 được lập nên ở các xã, thị trấn cho tới TP. 

Đối với các lĩnh vực cụ thể, các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã chịu tác động rõ nét nhất. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến dừa, ngành nghề đặc trưng của địa bàn không thể phát huy thế mạnh vốn có như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Đối với các mặt hàng khác, việc cung cấp nguyên liệu sản xuất và thu mua, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, chuỗi cung ứng nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gãy.

Các hoạt động liên quan đến văn hóa, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề; tiến độ thi công và giải ngân vốn các công trình, dự án trọng điểm và đầu tư công bị ảnh hưởng đáng kể…

Từ đầu năm đến nay, có 85 đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể, 159 doanh nghiệp và 62 đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Lũy kế đến cuối tháng 9, toàn tỉnh có 851 doanh nghiệp duy trì hoạt động trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng; một số doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu lao động...

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 6

Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị chậm lại, trong đó hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ ngưng hoạt động do không bảo đảm được vừa sản xuất vừa chống dịch. Ước tính sơ bộ, 9 tháng đầu giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh chỉ đạt 22.200 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ.

- Việc khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh và "phủ xanh" toàn tỉnh Bến Tre được xem là điểm sáng của ĐBSCL. Địa phương đã có phương án nào để giữ vững thành quả chống dịch và phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong lâu dài, thưa ông?

- Không chỉ tỉnh Bến Tre, dịch Covid-19 có thể tái bùng phát, xâm nhập bất cứ lúc nào, bất cứ địa phương nào. Việc áp dụng giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải đúng quy định, đúng chỉ đạo, sát thực tế, ngành, địa phương, đơn vị; khi tổ chức thực hiện phải rất chặt chẽ, thận trọng.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 7

Nhận thức được vấn để trên, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cao độ, kiên trì, kiên định các giải pháp, biện pháp thực hiện phòng, chống, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tỉnh luôn quán triệt các bộ quản lý không được chủ quan, lơ là, tự mãn với những kết quả ban đầu đã đạt được.

Đồng thời, thực hiện nhất quán mục tiêu kép vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh xác định ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân, người lao động tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh,… Phương châm là tổ chức, sản xuất an toàn, lưu thông an toàn, ăn, ở an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Các ngành và địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao; phát triển chuỗi giá trị con tôm gắn với Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao.

Đối với nông nghiệp, ngành nghề thế mạnh của địa phương, Bến Tre sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích, vận động, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp...

Bên cạnh đó, kiên định và tạo điều kiện tối đa cho các chuỗi sản xuất, càng khó khăn thì càng phải tìm cách giữ vững chuỗi, kể cả chuỗi cung ứng (đầu vào) và chuỗi phân phối (đầu ra).

Nhằm giải quyết bài toán về thị trường cho doanh nghiệp sau khi từng bước khôi phục, tỉnh Bến Tre sẽ vận dụng các nguồn lực để củng cố và phát huy hiệu quả liên kết ngang giữa người dân với người dân và các liên kết dọc giữa người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

90 ngày lội ngược dòng ngoạn mục giúp Bến Tre lấy lại bản đồ Covid-19 xanh - 8

Ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh, địa phương phải thực hiện nhất quán mục tiêu "kép" vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ có sự liên kết bên trong địa phương, Bến Tre sẽ tìm phương án chủ động tham gia các chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản với TPHCM, khu vực và cả nước; chủ động kết nối các thị trường nước ngoài. Tái khởi động lại các hoạt động kinh tế du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp, khuyến khích "người Bến Tre du lịch Bến Tre".

Ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt, thực hiện ngay các chính sách, quy định của Trung ương về cấp tín dụng, gia hạn nợ giữ nguyên nhóm nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay, phí dịch vụ, cho vay lại, cho vay mới để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Định hướng doanh nghiệp cần có giải pháp thích nghi, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và trong điều kiện bình thường mới; doanh nghiệp cần phải chủ động tái cơ cấu về quản trị, điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần thực sự quan tâm xây dựng, thực hiện chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4