9 "cột mốc tâm linh" vững chãi giữa Trường Sa
(Dân trí) - Sừng sững hiên ngang nơi biển trời Trường Sa là 9 ngôi chùa với mái chùa cong vút, được dày công tu bổ, khôi phục; đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quân và dân trên Quần đảo Trường Sa.
Mới đây, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã phối hợp với Quân chủng Hải quân và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường long trọng tổ chức Lễ khánh thành sau bảo tồn, khôi phục với 3 ngôi chùa: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A tại Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Tại đảo Đá Tây A, chùa được tu bổ, khôi phục ở vị trí sát Âu tàu của đảo. Chùa Đá Tây A có kiến trúc mái cong, lợp ngói mái giống như các ngôi chùa miền Bắc; gồm các hạng mục: Tam bảo, Nhà Giải vũ, Nhà Tăng, Cổng Tam Quan, Gác Chuông… Trong Tam bảo được bài trí hoành phi câu đối, Ban đệ thờ, Tượng Phật bằng đá...
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, trong nhiều thế kỷ qua, ngư dân các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…) thường xuyên vào tránh, trú bão trên các đảo ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở đó, họ đã dựng lên các ngôi miếu thờ Thần, ngôi chùa thờ Phật để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.
Trải qua năm tháng, mưa giông bão tố đã tàn phá khiến các ngôi miếu, ngôi chùa trên các đảo bị hư hỏng nặng nề.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quân và dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa cùng với sự đồng ý của các cấp, Bộ ngành, sự đồng thuận của Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, gần 20 năm qua, doanh nghiệp này đã tham gia đầu tư tu bổ, khôi phục 6 ngôi chùa: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh.
Năm 2020, cơ quan chức năng tiếp tục khôi phục 3 ngôi chùa: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A. "Đây là những cột mốc tâm linh vững chãi, sừng sững hiên ngang nơi biển khơi, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định.
Chùa Sinh Tồn Đông nằm gần bờ biển bãi cát trắng. Ngôi chùa này có kết cấu, kiến trúc tương tự với các ngôi chùa Việt với mái ngói cong, bên trong là các cột gỗ to vững chãi.
Theo Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, đã từ lâu quân và dân Huyện đảo Trường Sa mà đặc biệt là cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông và ngư dân khai thác hải sản trong khu vực luôn mong muốn khôi phục lại ngôi chùa đã xuống cấp nơi đây để sinh hoạt tín ngưỡng.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã giao cho lữ đoàn công binh phối hợp với đơn vị liên quan triển khai tu bổ, phục dựng ngôi chùa này. Sau 5 tháng thi công, chùa đã hoàn thành khánh thành, bàn giao và đưa vào hoạt động.
Chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn có kiến trúc cổng chùa xây bằng bê tông cốt thép, rợp bóng cây xanh. Chùa có tam điện, điện thờ, gác chuông, vườn chùa và ban thờ cùng tấm bia ghi danh 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng tại đảo Gạc Ma.
Chị Ngô Thị Kim Vũ (SN 1988, sống tại đảo Sinh Tồn) chia sẻ, sống ở nơi đảo xa, mỗi lúc nghe tiếng chuông chùa vang lên khiến chị cảm thấy ấm lòng. Và sự hiện diện của ngôi chùa mang lại cho gia đình chị cảm giác thiêng liêng, gần gũi giống như đang sống trong đất liền. "Cứ vào ngày mùng một và ngày rằm, gia đình lại lên chùa thắp hương, khấn cầu" - chị Vũ nói.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đối với người Việt Nam, trong tâm thức của mình luôn gắn đời sống tâm linh với lòng yêu Tổ quốc. Đối với người ra biển cả, việc tìm được nơi trú ngụ, tìm được nơi có thể giúp họ mưu sinh, có thể giúp họ thể hiện trách nhiệm với quốc gia về lãnh thổ là sự gắn bó dưới mái chùa trên biển đảo xa.
"Vì thế mà trong xa xưa, trong hoàn cảnh cụ thể chỉ là ngôi miếu rất nhỏ. Khi điều kiện cuộc sống cho phép thì người ta hướng đến với ngôi chùa to hơn, vững chãi hơn. Và, trên Quần đảo Trường Sa, tất cả những tâm thức ấy đã được thể hiện" - ông Dương Trung Quốc nhận định.