(Dân trí) - Ngày nắng đẹp, anh Đặng Dư rong ruổi bên bờ biển Lý Sơn. Trên chiếc xe ba bánh, anh dõi theo những con tàu ra khơi. Người đàn ông 43 tuổi khắc khoải nhớ những ngày "đi dạo với tử thần" nơi đáy biển.
Sau 4 năm lênh đênh trên những con tàu hành nghề lưới rút, anh Đặng Dư quyết định chuyển sang nghề lặn. Năm đó, Đặng Dư vừa tròn 24 tuổi. Thời bấy giờ, lặn biển là nghề "hot" bởi thu nhập cao ngất. Nhưng đổi lại, có người bị tàn tật, có người mất mạng giữa biển khơi.
"Muốn làm nghề lặn à, không khó lắm, quan trọng nhất là phải liều mạng", anh Dư nói về cái nghề từng gắn bó với mình 11 năm. Mỗi chuyến lặn biển bắt hải sâm, ốc vú nàng kéo dài khoảng một tháng. Chỉ cần may mắn mỗi người có thể kiếm được 20-30 triệu đồng. Thời bấy giờ, đây là khoản thu nhập trong mơ của nhiều người.
Mỗi tàu hành nghề lặn có khoảng 15 người. Ngư dân mang thắt lưng chì nặng 10kg, ngậm ống thở nối với máy cung cấp oxy rồi lao xuống biển. Chỉ với trang bị đơn giản như thế nhưng những kình ngư Lý Sơn có thể chinh phục độ sâu 50-60m.
Ở độ sâu lớn, áp suất nước cực cao. Chỉ cần máy cung cấp oxy gặp sự cố hoặc trồi lên mặt biển quá nhanh, người lặn sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Chính vì lẽ đó mà nhiều người gọi lặn biển là "đi dạo cùng tử thần".
Với anh Đặng Dư, lần chạm mặt tử thần đầu tiên diễn ra ở vùng biển Hoàng Sa. Đó là một buổi trưa tháng 5, nắng gắt, biển Hoàng Sa trong vắt. Anh cùng người bạn bắt đầu ca lặn thứ 3. Khi anh vừa đặt chân xuống đáy biển ở độ sâu hơn 50m thì máy oxy gặp sự cố. Luồng khí lạnh ập đến, cả hai cuống cuồng bám dây ra hiệu để được kéo lên, nhưng tất cả đã muộn. Trước khi rơi vào hôn mê, anh Dư vẫn kịp nhìn thấy bạn mình buông dây hơi chìm xuống đáy biển. Lần đó, anh Dư được cứu, riêng bạn anh mãi nằm lại giữa biển khơi, không tìm thấy thi thể.
"Ám ảnh, sợ lắm nhưng khỏe lại là tiếp tục lặn thôi. Nó như cái nghiệp bám lấy mình", anh Dư nói. Lần chết hụt đó khiến sức khỏe anh Dư giảm sút. Những người làm nghề lặn ai cũng phải đối mặt với nguy cơ suy giảm sức khỏe do hiện tượng giảm áp. Người nhẹ thì tê chân tay, người nặng bị liệt vĩnh viễn. Cũng có người bị cá mập tấn công gây thương tích.
Theo anh Dư, vùng biển vịnh Bắc Bộ là nơi có nhiều cá mập nhất. Cảnh cả đàn cá mập bơi sát bên cạnh không mấy xa lạ với những thợ lặn như anh. Với cá mập, người hành nghề lặn luôn tuân thủ một điều, tuyệt đối không tranh giành thức ăn của chúng. Có lúc, thấy thợ lặn bắt được cá to, cá mập lao vào để cướp. Lúc đó, ngư dân phải chủ động bỏ cá, nhẹ nhàng di chuyển đến vị trí khác. Nhưng đôi khi cá mập trở chứng tấn công cả thợ lặn.
"Có người bị cá mập cướp cá xong lại lao vào tấn công. Tàu anh đã có người bị cắn mất cả cánh tay. Nói chung, làm nghề này nguy hiểm luôn rình rập", anh Dư nói.
Bên bờ biển, câu chuyện của anh Đặng Dư vẫn rì rầm trong tiếng sóng. Anh kể, có những thợ lặn xong ca lên tàu nghỉ thì gặp sự cố. Nhiều người đang ăn cơm bỗng ngã ngửa, máu rỉ ra từ mũi, tai rồi bất tỉnh. Khoảnh khắc đó đến bất thình lình khiến nhiều ngư dân khỏe mạnh trở thành người tàn tật. Anh là một trong số đó.
Sau 30 phút lặn, anh Dư trồi lên mặt biển kết thúc ca làm việc thứ 4 trong ngày. Kết thúc giảm áp, anh lên tàu tắm nước ngọt chuẩn bị ăn trưa. Bỗng chân anh nhói lên, rồi như có một dòng điện chạy khắp cơ thể, anh quỵ ngã rơi vào vô thức.
Giữa biển khơi, cách duy nhất có thể giúp những ngư dân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" do giảm áp chính là đưa họ trở lại lòng biển. Anh Dư được cạy miệng cho ngậm dây hơi rồi thả xuống biển ở độ sâu khoảng 10m. Áp suất nước ở độ sâu này sẽ giúp hạn chế tối đa tai biến.
Sau 6 giờ ngâm mình dưới biển, tình trạng của anh Dư vẫn không được cải thiện. Cả tàu quyết định đưa anh về bờ chữa trị. Sau một năm ngược xuôi khắp nơi, anh Dư chấp nhận về nhà với đôi chân không còn lành lặn. Kể từ đó, những ngày nắng đẹp, anh vẫn ra bờ biển nhìn về phía những con tàu vươn khơi.
Những chuyến tàu hành nghề lặn ra khơi mang theo những ngư dân can trường của đất đảo Lý Sơn. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo sợ mơ hồ của những người vợ, người mẹ. Họ biết, giữa đại dương thăm thẳm ngoài kia, con người trở nên vô cùng nhỏ bé. Chỉ cần sơ sẩy sẽ có người không thể trở về, hoặc trở về với cơ thể không còn lành lặn.
Hơn 15 năm đã trôi qua nhưng bà Trần Thị Khuyên vẫn nhớ như in ngày con trai gặp nạn. Năm đó, anh Nguyễn Vui - con trai bà - vừa tròn 25 tuổi. Trong một lần lặn ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, anh Vui gặp sự cố giảm áp. Chàng trai trẻ được đưa vào Hải Phòng cấp cứu trong tình trạng liệt nửa thân dưới.
Từ đảo Lý Sơn, bà Khuyên khăn gói ra Hải Phòng tìm cách cứu con. Suốt 17 tháng trời đằng đẵng, bà Khuyên đưa con đi khắp các bệnh viện lớn từ bắc vô nam. Bà bảo, anh Vui còn quá trẻ, bà không muốn anh phải gắn chặt cuộc đời mình với chiếc xe lăn.
Đến với nghề lặn biển được cũng nhiều, nhưng đã mất là mất hết. Có những chuyến ra khơi lặn hải sâm, anh Nguyễn Vui được chia 40 triệu đồng. Thu nhập cao cùng cảm giác chinh phục biển cả là động lực khiến anh Vui bất chấp nỗi sợ lao vào lòng biển. Thế nhưng rất nhanh, chàng ngư dân trẻ cao lớn, với những ca lặn kéo dài ở độ sâu hơn 60m bị biển quật ngã. Chỉ sau 2 năm bám biển, anh Vui phải trở về đảo trên chiếc xe lăn.
Từng ngang dọc khắp các vùng biển giờ lại gắn chặt đời mình với chiếc xe lăn, đó là một cảm giác hụt hẫng khủng khiếp. "Tỉnh dậy, thấy mình mất tất cả, hồi đó tưởng như không thể vượt qua", anh Vui nói rồi kể, lúc đó nếu không có mẹ chắc mình cũng chẳng thiết sống.
Bây giờ, nỗi đau ngày đó đã nguôi ngoai, anh Vui cũng tìm được cho mình một việc làm qua mạng trực tuyến. Cuộc sống bình lặng cứ thế trôi qua. Có điều, nỗi nhớ biển trong anh vẫn còn khắc khoải.
"Bao nhiêu người chết hụt nhưng rồi lại quay lại với nghề. Không bỏ được đâu, nhớ Hoàng Sa, Trường Sa lắm. Có những lúc mơ thấy mình ngậm ống hơi đi dạo dưới đáy biển. Ngoài đó san hô rất đẹp!" anh Vui nói rồi nén tiếng thở dài rất khẽ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành chia sẻ, lặn biển là một trong những ngành nghề chính của ngư dân Lý Sơn. Trước kia, do thiết bị thô sơ, thiếu kỹ thuật nên nhiều ngư dân bị tai biến, tử vong do giảm áp. "Năm 2008 và 2016, huyện phối hợp với một tổ chức phi chính phủ tập huấn kỹ thuật lặn và cách sơ cấp cứu cho ngư dân. Gần đây, hệ thống oxy, máy đo độ sâu, các trang thiết bị lặn cũng được trang bị đầy đủ hơn nên những tai nạn do giảm áp khi lặn giảm rõ rệt", ông Thành cho biết.
Nội dung & Ảnh: Quốc Triều
Thiết kế: Khương Hiền