45 cách thức tra tấn ở "địa ngục trần gian" trại giam Phú Quốc
(Dân trí) - Lúc cao điểm, Trại giam Phú Quốc (Kiên Giang) giam giữ gần 40.000 tù binh cộng sản. 45 cách thức tra tấn tàn độc của địch không thắng được lòng yêu nước của các chiến sĩ cách mạng kiên trung.
Một loạt hình thức tra tấn tàn bạo như chích điện, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng hoặc ném vào chảo nước sôi, thiêu sống... mà chế độ thực dân, đế quốc dành cho tù binh cộng sản tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc (gọi tắt là Trại giam Phú Quốc). Nơi đây được mệnh danh là "địa ngục trần gian", đã khiến hàng nghìn chiến sĩ cách mạng hy sinh.
Khoảng cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ, ngụy cho xây dựng Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam - Phú Quốc tại thung lũng An Thới, phía nam TP Phú Quốc.
Trại giam được xây dựng trên diện tích 400ha, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Đến năm 1972, trại giam có khoảng 36.000 tù nhân.
Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt.
Hình phạt đầu tiên mà các tù binh cộng sản phải gánh chịu là "chuồng cọp". Các "chuồng cọp" được đặt ngoài trời với những dây kẽm gai sắc nhọn. Tù binh bị nhốt trong đó, bị cởi hết quần áo chỉ cho mặc một chiếc quần mỏng, phơi nắng, phơi sương ngoài trời.
Những chiếc "chuồng cọp" được thiết kế chật hẹp, với nhiều lớp gai kẽm nên chỉ cần người tù nhúc nhích, thay đổi tư thế là bị kẽm gai đâm vào cơ thể tứa máu. Trong "chuồng cọp", tù binh chỉ được ăn một ít cơm với muối hoặc ăn cơm nhạt, mỗi ngày chỉ được 1-2 ca nước uống, phải đi tiêu, tiểu tại chỗ.
Đối diện các "chuồng cọp" là hàng rào kẽm gai 10-15 lớp ken cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc bao quanh mỗi khu nhà. Bộ máy cai ngục, chó săn lúc cao nhất lên tới bốn tiểu đoàn lính cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm.
Một trong 45 hình phạt kinh hoàng nhất là địch bỏ tù binh vào bao bố rồi ném vào chảo nước sôi đun nóng đến chết.
Địch dùng đinh đóng vào đầu gối, bàn chân của các chiến sĩ.
Hình thức tra tấn chôn sống tù binh.
Không gục ngã trước các đòn tra tấn tàn độc, căm phẫn trước sự tàn ác của địch, những người tù cộng sản đã tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh, vượt ngục bằng cách đào hầm thông qua khu trại giam.
Các chiến sĩ cách mạng dùng mọi vật dụng có thể để đào hầm như nắp cà men, muỗng inox... Miệng hầm thường là vị trí dưới giường của tù nhân bị bệnh nan y để tránh sự kiểm tra của cai ngục.
Sau suốt 4 tháng kiên trì đào liên tục, các chiến sĩ đã đào thông được đường hầm dài khoảng 120m.
Những hình ảnh ghi lại đủ trò tra tấn bằng nhục hình như đóng đinh vào đầu, khớp tay, đầu gối; đốt dây kẽm cháy đỏ rồi đâm vào da thịt; đục răng; gõ thùng; trùm bao bố bỏ vào chảo nước rồi đun sôi; phơi chuồng cọp; thiêu sống; chôn sống…
Trong chưa đầy 6 năm trại giam hoạt động (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), Trại giam Phú Quốc có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế.
Hầu hết tù binh được trao trả đều mang thương tật vĩnh viễn.
Du khách Nguyễn Thị Hồng (ngụ tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ: "Tai nghe, mắt thấy những hình ảnh này, tôi xót xa vô cùng vì không tưởng tượng nổi lại có những hình thức tra tấn dã man như thế. Tôi vô cùng cảm phục và biết ơn thế hệ cha ông đã kiên cường, bất khuất, đổ máu xương để đổi lấy hòa bình hôm nay. Lễ Quốc khánh 2/9, nhìn những hình ảnh này tôi càng quý trọng độc lập, tự do, hòa bình".
Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng tại Phú Quốc trại giam Cây Dừa có diện tích khoảng 40 hecta, bao gồm bốn khu A, B, C, D, để giam giữ tù binh chống Pháp.
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm cho sửa trại giam Cây Dừa này thành Trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa với mục đích giam giữ tù binh cộng sản.
Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho mở rộng diện tích nhà lao, gọi là Trại giam Phú Quốc.
Năm 1995, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Hiện nay, hàng năm di tích đón hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan (trong đó có nhiều cựu tù nhân là chứng nhân sống về lịch sử di tích), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.