(Dân trí) - Lịch sử Croatia không chỉ ghi nhận Boban như một huyền thoại bóng đá, một tiền vệ tấn công tài hoa bậc nhất. Liên quan đến Boban còn có một huyền thoại khác được xem là thay đổi cả lịch sử dân tộc…
Lịch sử Croatia không chỉ ghi nhận Zvonimir Boban như một huyền thoại bóng đá, một tiền vệ tấn công tài hoa bậc nhất. Liên quan đến Boban còn có một huyền thoại khác được xem là góp phần thay đổi cả lịch sử dân tộc…
Điều tồi tệ nhất mà bóng đá có thể làm, một môn thể thao luôn được biết đến với khả năng gắn kết các cộng đồng lại với nhau, đó là gây ra những xung đột sắc tộc không thể tránh khỏi.
Điều này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết vào ngày 13/5/1990, khi những cổ động viên (CĐV) cực đoan của Dinamo Zagreb đứng lên chống lại cảnh sát người Serbia và các ultra của Red Star Belgrade, những người đang xé nát sân vận động của Dinamo thành từng mảnh.
Đó cũng là ngày Zvonimir Boban trở thành huyền thoại với cú đạp vào một sĩ quan cảnh sát, thay vì đá trái bóng như ông vẫn làm trong cả sự nghiệp.
Để hiểu được nguyên nhân cho hành động của Boban, cần hiểu một chút về lịch sử của Nam Tư cũ.
Nam Tư được khai sinh vào năm 1918, sau Thế chiến thứ nhất. Về cơ bản, đó là một nhóm các dân tộc tập hợp lại với nhau để tạo thành một quốc gia. Trước đây Nam Tư là một phần của đế chế Áo - Hung nhưng sau chiến tranh, nó được gọi là Vương quốc của người Serbia, người Croatia và người Slovenia trước khi được đổi thành Vương quốc Nam Tư vào năm 1929.
Nam Tư bị phe Trục xâm lược trong Thế chiến thứ hai. Sau chiến tranh, chế độ quân chủ bị giải thể và một nền cộng hòa ra đời, gồm các quốc gia được thành lập sau này như Bosnia & Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Kosovo, Serbia và Slovenia. Sự pha trộn giữa các dân tộc và nền văn hóa được gìn giữ dưới sự thống nhất của một người đàn ông: Josip Broz Tito.
Đối với nhiều người, nhà chính khách này là biểu tượng cuối cùng cho sự thống nhất của Nam Tư. Các chính sách của ông đã duy trì nền hòa bình của các quốc gia khác nhau trong liên bang từ năm 1943 đến đầu những năm 90. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước sinh nhật lần thứ 88 của mình, Tito đột ngột qua đời.
Sau cái chết của Tito, chủ nghĩa dân tộc dần nổi lên ở nhiều quốc gia với khát khao giành độc lập. Croatia cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hai tuần trước cuộc đụng độ tại sân vận động Maksimir ở Zagreb, Croatia tiến hành cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên trong gần 50 năm, với ứng cử viên ủng hộ độc lập Franjo Tudjman là người giành chiến thắng. Tuy nhiên, chúng đi ngược lại ý tưởng của người Serbia, những người đã nắm quyền kiểm soát của Nam Tư từ những ngày đầu tiên sau Thế chiến.
Bất chấp những căng thẳng giữa Zagreb và Belgrade đang ngày một leo thang, cuộc chạm trán giữa hai trong số những CLB lớn nhất Nam Tư là Red Star Belgrade (cái tên quen thuộc hơn là Sao đỏ Belgrade) và Dinamo Zagreb vẫn được tổ chức. Sẽ là khiên cưỡng nếu nói trận đấu này trực tiếp dẫn đến cuộc giao tranh diễn ra sau đó. Tuy nhiên, như Boban chia sẻ với Daily Mail: "Trận đấu đó phản ánh tất cả mọi thứ đã diễn ra trong xã hội và cuộc sống hàng ngày của chúng tôi".
Trận đấu vốn không mang nhiều ý nghĩa, vì Red Star Belgrade đã giành chức vô địch. Mặc dù vậy, đã có những trận chiến diễn ra trước khi trận đấu bắt đầu, khi Red Star Belgrade đến với hơn 3000 thành viên của nhóm CĐV cực đoan khét tiếng Delije.
Delije được dẫn dắt bởi Zeljko Raznatovic, người được biết đến nhiều hơn với cái tên "Arkan". Ông là trùm xã hội đen khét tiếng, sau này trở thành lãnh chúa người Serbi trong cuộc xung đột Balkan và bị Tòa án Quốc tế về Tội phạm Chiến tranh ở Hague truy tố. Delije đến để đối đầu với những người hâm mộ Dinamo, những người cũng có một nhóm cực đoan của riêng họ, Bad Blue Boys (BBB).
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập Croatia diễn ra một năm sau đó, hai nhóm này trở thành nòng cốt của quân đội hai nước trên tiền tuyến. Còn ở trên sân, hai bên đều đã sẵn sàng cho một cuộc chiến, với việc những người Croatia mang theo đá, còn đối thủ người Serbia mang axit tới để đốt hàng rào an ninh và tràn sang.
Trận đấu được bắt đầu, nhưng bất cứ ai chứng kiến đều hiểu nó sẽ không kéo dài. Ban đầu, Delije cố gắng kích động BBB bằng cách hô vang các khẩu hiệu dân tộc như "Zagreb là của người Serbia" và "Chúng tao sẽ giết Tudjman" - Tổng thống mới được bầu của Croatia. Người hâm mộ Zagreb phản ứng với những khẩu hiệu tương tự, nhưng khi phía Delije xé ghế nhựa và ném vào những khán giả Dinamo, họ đã tỏ ra vô cùng tức giận.
Có một đội ngũ hùng hậu cảnh sát Nam Tư do người Serbi quản lý trong trang phục chống bạo động hướng về phía Bắc khán đài, nơi các CĐV Dinamo ngồi, nhưng không một sĩ quan nào cố gắng ngăn chặn các hooligan của Red Star tràn sang khán đài đội chủ nhà. Không có sự can thiệp nào, ngay cả khi Delije đập vỡ hàng rào ngăn cách họ với những người hâm mộ địa phương ôn hòa trên khán đài phía Nam và tấn công họ bằng dao.
"Chúng tôi khởi động ngay trước những người ủng hộ Red Star, nên không hề bỏ lỡ những gì đã xảy ra," thủ môn Miralem Ibrahimovic của Dinamo nhớ lại. "Cảnh sát đã không làm tròn trách nhiệm. Họ cho phép các Delije phá hoại sân vận động của chúng tôi."
Phía BBB dĩ nhiên không thể ngồi yên. Trận đấu bị hủy bỏ chỉ sau 10 phút, khi sân bóng trở thành bãi chiến trường. Hàng nghìn CĐV Dinamo tràn sang khán đài phía Nam, nơi những người đồng hương đang bị người Serbi tấn công. Cảnh sát cuối cùng đã vào cuộc với dùi cui và hơi cay, nhưng họ sớm bị áp đảo và buộc phải rút lui chờ quân cứu viện.
Cuộc chiến kéo dài trong 70 phút, với hàng trăm người bị thương ở tất cả các bên. Trong khi các cầu thủ Red Star nhanh chóng rút lui về phòng thay đồ, một số cầu thủ Dinamo vẫn ở lại trên sân.
Vjekoslav Skrinjar, cựu tiền vệ Dinamo cho biết: "Đó không phải là những thứ bạn thường thấy trong cuộc sống, chứ đừng nói là trong bóng đá. Chúng tôi thấy cảnh sát đang đánh những người ủng hộ, nên chúng tôi chỉ đơn giản là ở lại để trợ giúp họ."
Đó là sân khấu cho một trong những hành động mang tính biểu tượng nhất thế giới bóng đá: Đội trưởng 21 tuổi của Dinamo, Zvonimir Boban, sau khi chứng kiến một CĐV nhà bị cảnh sát dùng dùi cui tấn công, đã tung một cú đá kung-fu khiến sĩ quan này ngã xuống, trước khi ra khỏi sân dưới sự bảo hộ của các BBB.
"Tôi mới chỉ liếc qua vai phải của mình và thấy cậu ấy ở trên không với cái chân giơ cao," Refik Ahmetovic, tên của sĩ quan này nhớ lại. Mặc dù vị cảnh sát dính đòn của Boban hóa ra là người Bosnia theo đạo Hồi chứ không phải người Serbi (nhiều năm sau, anh mới công khai tha thứ cho Boban, nói rằng anh hoàn toàn hiểu hành động của cầu thủ này), Boban lập tức trở thành người anh hùng của Croatia, cũng như là nhân vật phản diện ở Serbia.
"Đó là điều rất khó tưởng tượng, nhưng nếu quay lại thời gian, tôi vẫn sẽ làm như vậy thôi," Boban chia sẻ. Nhiều năm sau, trong một tuyên bố với CNN, anh đã tóm tắt hành động của mình không thể tốt hơn:
"Đây là tôi, một gương mặt đại chúng sẵn sàng để đánh đổi mạng sống, sự nghiệp và mọi thứ mà danh vọng có thể mang lại, tất cả vì một lý tưởng, một mục đích: vì Croatia!"
Liên đoàn bóng đá Nam Tư đã treo giò Boban 6 tháng. Ngoài ra, cảnh sát cũng đệ đơn cáo buộc hình sự đối với cầu thủ này. Mặc dù vậy, chỉ hai tuần sau sự cố, Quốc hội Croatia được thành lập và thay thế hầu hết những người không phải người Croatia trong lực lượng cảnh sát. Boban không bị truy tố, nhưng anh vẫn chấp hành án treo giò và bỏ lỡ World Cup 1990, giải đấu Nam Tư lọt vào tứ kết.
Một năm sau, cầu thủ sinh năm 1968 ký hợp đồng với AC Milan và có 9 năm thành công rực rỡ ở San Siro khi giành 4 Scudetto và 1 Champions League, đồng thời dẫn dắt Croatia giành vị trí thứ ba tại World Cup 1998, vào đến tứ kết Euro 1996.
Trong suốt thập kỷ từ năm 1991 đến 2001, Nam Tư xảy ra chiến tranh liên miên, khi các dân tộc khác nhau bắt đầu đấu tranh giành độc lập. Slovenia, Croatia và Macedonia là những nước đầu tiên tuyên bố độc lập vào năm 1991, trước khi Bosnia & Herzegovina làm điều tương tự một năm sau. Giao tranh tiếp tục diễn ra trong khu vực cho đến năm 2001, khi Kosovo muốn tách khỏi Serbia. Tuy nhiên, phải đến năm 2008 điều đó mới xảy ra, hai năm sau khi Serbia và Montenegro đã đi theo những con đường riêng.
Đã có hơn 140.000 người mất mạng trong các cuộc chiến tranh tại Nam Tư, với khoảng 4.000.000 người được cho là đã phải di tản. Ở Croatia và đặc biệt là ở Zagreb, nhiều người coi các sự kiện của ngày 13/5/1990 là ngày chiến tranh bắt đầu. Một bức tượng với ba người lính đã được dựng trước sân Maksimir. Bên dưới bức tượng có dòng chữ: "Gửi những người hâm mộ của đội bóng, những người đã bắt đầu cuộc chiến với Serbia tại sân bóng này vào ngày 13/5/1990."
Mặc dù tuyên bố này có phần hơi phóng đại, chắc chắn đó là một phép thử thách thức về tình yêu đất nước trong khu vực vào thời điểm đó, đồng thời chứng minh rằng bóng đá không chỉ đơn giản là một trò chơi đối với nhiều người.
Còn với cá nhân Zvonmir Boban, không có gì lạ khi các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trở thành biểu tượng quốc gia. Nhưng trong trường hợp của Boban, điều đó không chỉ vì màn trình diễn của anh với tư cách là một cầu thủ, mà còn bởi anh đã dám đứng lên vì người dân của mình, một hành động dù nhỏ nhưng đủ để đặt nền móng cho cả một đất nước.
"Ở Zagreb, ông ấy có một vị trí đặc biệt nhờ cú đạp đó. Ông ấy mãi mãi là huyền thoại", Sven Milekic, phóng viên tờ Balkan Insight có trụ sở tại Zagreb miêu tả. "Đó là lý do vì sao luôn có vầng hào quang đặc biệt xung quanh ông ấy. Ông ấy đã đạp tay cảnh sát!".
Dario Brentin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Graz ở Áo, người viết luận án về thể thao và bản sắc dân tộc Croatia thời hậu Nam Tư, cho biết: "Trận đấu đó đã ăn sâu vào trí nhớ của toàn thể dân chúng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bạo động có phần bị phóng đại".
Viên cảnh sát bị Boban đạp không phải là người Serbia hay Croatia. Ông ta người Bosnia. Tên là Refik Ahmetovic. Về phần Boban, ông vẫn khoác áo đội tuyển Nam Tư cho đến khi Croatia giành độc lập. Tuy nhiên, huyền thoại về cú đạp đã được dựng nên và ăn sâu vào tâm trí cả dân tộc. Khởi nguồn mối liên hệ giữa bóng đá và bản sắc dân tộc Croatia khi quốc gia này lần đầu dự World Cup.
Giải đấu năm 1998 đó, Boban và đội tuyển áo sọc ca-rô đỏ trắng đã trải qua một hành trình đáng kinh ngạc với việc vào tới tận bán kết và chỉ chịu dừng chân trước chủ nhà Pháp. Một đội tuyển của một quốc gia non trẻ và nhỏ bé lại tiến sâu như vậy ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh thực sự có ý nghĩa vĩ đại.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên