DMagazine

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa

(Dân trí) - Đương kim vô địch vốn là… bất lợi lớn tại sân chơi World Cup các kỳ gần đây. Lời nguyền ấy càng đáng sợ với những người Pháp luôn bi quan và lắm bê bối.

Đương kim vô địch vốn là… bất lợi lớn tại sân chơi World Cup các kỳ gần đây. Lời nguyền ấy càng đáng sợ với những người Pháp luôn bi quan và lắm bê bối.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 1

Chinh phục đỉnh cao đã khó, đứng vững trên vinh quang càng khó gấp bội. World Cup là minh chứng rõ ràng. 1/4 thế kỷ, 5 giải đấu chứng kiến những nhà đương kim vô địch thế giới hùng mạnh và hiển hách thất bại ê chề, cay đắng, thậm chí nhục nhã.

World Cup 2002, đội tuyển Pháp không chỉ là nhà vô địch thế giới mà còn vô địch châu Âu. Những tên tuổi như Zinedine Zidane, Thierry Henry, David Trezeguet hay Patrick Vieira vẫn là ngôi sao hàng đầu đương thời. Dù vậy, Les Bleus phải xách va-li về nước ngay sau vòng bảng với vị trí đội sổ với vỏn vẹn một điểm. Tại bảng đấu "chỉ" có sự hiện diện của Đan Mạch, Senegal và Uruguay, thật khó để hình dung đội tuyển Pháp lại phải nhận kết cục bi thảm đến như vậy.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 3

Trong trận đấu đầu tiên với Senegal, "bản lề" khiến Les Bleus bị loại tại vòng bảng, ngay trước thời điểm Bouba Diop ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu, trung phong David Trezeguet có pha dứt điểm đưa bóng dội cột dọc. Trezegol không vò đầu bứt tai, không biểu cảm tiếc nuối trên khuôn mặt. Anh… bật cười.

Một nụ cười thản nhiên như thể không pha dứt điểm này thì pha dứt điểm khác bóng sẽ đi vào lưới. Vì đối thủ quá yếu còn Pháp quá mạnh. Nụ cười ấy minh chứng sống động cho việc chẳng ai ngờ thảm họa lại xảy đến khủng khiếp đến vậy.

4 năm sau, World Cup 2006, Brazil là đương kim vô địch. Selecao tham dự giải vô địch bóng đá thế giới với bộ tứ huyền ảo Kaka - Ronaldinho - Adriano - Ronaldo. So với bộ 3R (Ronaldo - Rivaldo - Ronaldinho) đã đưa đội bóng áo vàng xanh lên đỉnh tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hàng công này xem ra còn hùng hậu hơn. Và quả thực, tuyển Brazil tiến vào tứ kết với thành tích toàn thắng cùng những khoảnh khắc lóe sáng của các ngôi sao. Song, sự rời rạc của Selecao đã phơi bày tại tứ kết, khi chạm trán phải cường địch đầu tiên. Đó là… đội tuyển Pháp, đội bóng sau đó trở thành Á quân.

World Cup 2010 tại Nam Phi, giải vô địch bóng đá thế giới đầu tiên tổ chức trên lục địa đen và chứng kiến sự thống trị của tiqui - taca (lối chơi bật nhả và di chuyển liên tục) và đội tuyển Tây Ban Nha, nhà đương kim vô địch Italy lặp lại thảm kịch của tuyển Pháp. Nằm ở bảng đấu khá dễ thở với Paraguay, Slovakia và New Zealand, đoàn quân thiên thanh ê chề xách va-li về nước với vỏn vẹn 2 điểm cùng vị trí cuối bảng.

Không chịu "thua kém" Pháp và Italy, tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2014 cũng nhanh chóng chứng minh sự hết thời bằng thảm bại 1-5 ngay trận mở màn trước Hà Lan. Đến lượt trận thứ hai, La Roja thua tiếp Chile với tỷ số 0-2 và bị loại chóng vánh. Chiến thắng 3-0 trước Australia ở lượt trận cuối chỉ còn mang tính danh dự cho sự cáo chung của Những đấu sĩ bò tót (El Matador) và phong cách tiqui - taca, với mạch hai chức vô địch châu Âu và một lần đăng quang World Cup.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 6

World Cup 2018 lại là sự kết thúc của đội tuyển Đức, một đế chế hùng mạnh khác kéo dài từ cuối thập niên 2000. Tính từ World Cup 2006 trên sân nhà đến Euro 2016, Die Mannschaft luôn góp mặt ít nhất là bán kết hai giải đấu bóng đá lớn và chất lượng nhất hành tinh cấp đội tuyển quốc gia. Đỉnh cao là chức vô địch thế giới năm 2014 ngay trên đất Brazil. Song, kỳ World Cup 2018 chứng kiến tuyển Đức không vượt qua nổi vòng bảng và thậm chí lần đầu để thua một đại diện châu Á là Hàn Quốc.

Những dữ kiện vừa nêu hẳn nhiên là điềm báo không lành dành cho đội tuyển Pháp, nhà đương kim vô địch tại World Cup 2022 sắp diễn ra.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 7

Trong lịch sử World Cup chỉ có hai đội bóng bảo vệ thành công chức vô địch và đều từ thuở sơ khai của túc cầu. Đó là đội tuyển Italy (1934, 1938) và đội tuyển Brazil (1958, 1962). Còn như đã đề cập, 4/5 giải vô địch bóng đá thế giới gần nhất chứng kiến các nhà đương kim vô địch bị loại ngay từ vòng bảng.

Lời nguyền nghe chừng ma mị này thực ra phản ánh một cách khách quan sự xoay vần của thế giới bóng đá. Vì sao vô địch đã khó, bảo vệ chức vô địch càng khó hơn? Trước nhất, bất cứ đội bóng nào cũng muốn đánh bại nhà vô địch, đặc biệt là nhà vô địch thế giới. "Muốn" không đơn thuần là ý chí, khát khao còn là sự nghiên cứu sâu sát để tìm ra điểm mạnh yếu của đối phương.

Tại bảng A World Cup 2002, các đội tuyển Senegal, Đan Mạch và Uruguay có thể không nắm bắt hết điểm mạnh yếu của nhau nhưng chắc chắn hiểu rất rõ đội tuyển Pháp. Tương tự là bảng F World Cup 2018, Thụy Điển, Mexico hay Hàn Quốc chắc chắn nắm rõ sở trường, sở đoản của đội tuyển Đức.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 9

Không chỉ vậy, lối chơi của một số nhà đương kim vô địch (ĐKVĐ) quá đặc trưng, sau quãng thời gian thống trị thì phong cách ấy dần bị bắt bài hay còn gọi là "hết thời". Tiqui - taca của người Tây Ban Nha năm 2014 là như vậy. Không chỉ giới chuyên môn, đến người hâm mộ nhắm mắt lại cũng có thể đoán được La Roja chơi với đội hình nào, lối chơi ra sao.

Một vấn đề khác của các nhà vô địch là khi đăng quang, đồng nghĩa đã vươn tới đỉnh cao. Sau đỉnh cao là tụt dốc, thậm chí vực sâu. Đơn giản vì đời cầu thủ được mấy lần 4 năm? Những năm tháng đỉnh cao nhất sự nghiệp hay nói cách khác là độ tuổi chín muồi lại càng hiếm hoi, thường chỉ được một lần 4 năm từ tuổi 26 đến 30. Dĩ nhiên vẫn có những trường hợp chơi bóng đỉnh cao hàng thập kỷ như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo nhưng đó là những trường hợp dị biệt và kỳ vĩ. Thiếu động lực vì đã đăng quang cộng với chuyện già đi 4 tuổi, chỉ chừng đó thôi cũng đủ để một đội bóng suy yếu đi nhiều.

Mở rộng vấn đề, nếu như các CLB với đặc quyền chuyển nhượng có thể quy tụ đội hình toàn những cầu thủ đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì đội tuyển quốc gia (ĐTQG) lại bị giới hạn nguồn lực trong một vùng lãnh thổ. Để tập hợp được đội hình mạnh cho ĐTQG phụ thuộc rất nhiều vào chuyện trồng người hay nói cách khác là chiến lược nhân sự dài hạn. Rất nhiều đội bóng rơi vào tình trạng thiếu hụt thế hệ kế cận, thế nên không thể duy trì sự thống trị.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 11

Cho dù World Cup 2022 chưa diễn ra, lời nguyền cũng dần đúng với đội tuyển Pháp. Trong danh sách triệu tập của HLV Didier Deschamps chỉ còn 11 cái tên từng đăng quang trên đất Nga hiện diện ở Qatar. Nếu 4 năm trước, mỗi vị trí của Les Bleus có thể liệt kê 2, thậm chí 3 ngôi sao hàng đầu thì đội hình hiện tại làm dấy lên nhiều mối quan ngại. Đó là đội hình tồn đọng đủ vấn đề, từ phong độ, chấn thương, tuổi tác, sự thiếu kinh nghiệm cho đến hục hặc cá nhân.

Phân tích sâu hơn, sự vắng mặt của Kante lẫn Paul Pogba khiến đội tuyển Pháp mất trọn vẹn tuyến giữa đã đăng quang trên đất Nga. Hy vọng sẽ được đặt vào những cầu thủ còn rất trẻ, ngoại trừ Adrien Rabiot, 5 tiền vệ còn lại (Camavinga, Fofana, Guendouzi, Tchouaméni và Veretout) có trung bình 6 lần khoác áo Les Bleus.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 14

Tại hàng thủ, Varane không còn là hòn đá tảng sừng sững tại Real Madrid mà đã trở thành bệnh binh què quặt tại Man Utd. Khi công bố danh sách tham dự World Cup 2022 của đội tuyển Pháp, HLV Deschamps phải cam kết Varane "sẵn sàng cho trận đấu đầu tiên", đồng thời chỉ ra Presnel Kimpembe, trung vệ nhiều khả năng sẽ đá cặp với Varane, đã bình phục chấn thương.

Hàng công là nơi Les Bleus có chất lượng nhân sự ổn nhất và HLV Deschamps vẫn trao trọn niềm tin vào bộ ba Griezmann - Benzema - Mbappe. Tài năng của 3 tiền đạo này là điều miễn bàn, nhưng Griezmann đã sa sút không phanh trong suốt 4 năm qua. Benzema, đương kim quả bóng vàng không còn duy trì sự bùng nổ như mùa giải trước. Trong khi đó, xung quanh Mbappe là vô khối câu chuyện lùm xùm về một cầu thủ "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng".

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 15

1/4 thế kỷ qua, trong 6 kỳ World Cup gần nhất, Pháp chính là một trong những đội tuyển đem lại nhiều cảm xúc nhất, cả tích cực lẫn tiêu cực, và lặp đi lặp lại theo hệ thống đồ thị kỳ dị.

3 giải vô địch bóng đá thế giới trong số đó, Les Bleus lọt vào chung kết. Những chú gà trống Gaulois đăng quang vào các năm 1998 và 2018, về nhì trên đất Đức vào năm 2006 sau loạt luân lưu may rủi với người Ý. Tại World Cup 2014, tuyển Pháp cũng chỉ chịu thua nhà vô địch Đức với tỷ số tối thiểu 0-1 tại tứ kết sau 90 phút cân não.

Nhưng 2 kỳ World Cup còn lại là thảm họa ê chề bậc nhất trong lịch sử túc cầu xứ sở lục lăng. World Cup 2002 như đã đề cập, với tư cách đương kim vô địch thế giới, Pháp bị loại ngay từ vòng bảng. World Cup 2010, Les Bleus với tư cách đương kim á quân, vẫn dừng chân ngay vòng bảng với vỏn vẹn một điểm. Bi kịch hơn nữa là xô xát, ẩu đả và đấu đá nội bộ đã tạo nên hình ảnh vô cùng xấu xí cho tuyển Pháp.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 17

Cao trào của kịch tính là vụ việc một nhóm tuyển thủ Pháp từ chối tập luyện ngay giữa World Cup, giải đấu tưởng chừng mọi cầu thủ sẵn sàng chết để được ra sân. Nguồn cơn là tranh cãi giữa Nicolas Anelka và HLV Raymond Domenech trong trận thua Mexico. Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) can thiệp bằng cách trục xuất Anelka khỏi đội hình. Ngay sau đó, trong buổi tập công khai tại Knysna, thủ quân Patrice Evra nảy sinh mâu thuẫn với HLV thể lực Robert Duverne. Hệ quả là Duverne bỏ đi và các tuyển thủ cũng bỏ lên xe buýt đi về.

Vì cuộc binh biến này, Jean-Louis Valentin, Giám đốc đội tuyển Pháp, cay đắng từ chức cùng tuyên bố: "Đây là vụ bê bối lớn đối với người Pháp, với liên đoàn và đội tuyển. Họ (các cầu thủ) không chịu tập luyện. Đó là điều không thể chấp nhận. Đối với tôi, mọi chuyện đã kết thúc. Tôi sẽ rời khỏi liên đoàn. Tôi phát ốm và ghê tởm!".

"Người Pháp luôn bi quan", Christophe Larcher, cây bút của France Football, bình luận về đội hình tuyển Pháp tham dự World Cup 2022 trong mối âu lo thảm họa của 2002 và 2010 tái hiện. Vấn đề không đơn thuần là chất lượng đội hình, các học trò của HLV Deschamps đã vướng vào một loạt vụ bê bối, bao gồm những cáo buộc nghiêm trọng nhằm vào FFF, chuyện lùm xùm Pogba thuê thầy phù thủy "ám" đồng đội hay những tranh cãi về bản quyền hình ảnh của "ông vua con" Mbappe.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 19
Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 21

Florimond là một cổ động viên (CĐV) nhiệt thành của PSG sống gần Stade de France. Anh đặc biệt phấn khích bởi màn trình diễn của Mbappe trong trận đấu với Áo, khi tiền đạo này ghi được một bàn thắng cực đẹp. Nhưng khi chia sẻ với báo giới, Florimond vẫn không khỏi lấn cấn: "Tôi cảm giác như cậu ta chơi bóng cho bản thân chứ không phải toàn đội".

Mbappe có một mối quan hệ phức tạp với Paris và PSG. Tiền đạo này đang khoác áo đội bóng hùng mạnh nhất của thành phố quê hương nhưng một thời gian dài chỉ tơ tưởng đến Real Madrid. Sự khó chịu lan sang đội tuyển Pháp, cho dù Mbappe không thể mộng mơ khoác áo ĐTQG khác. Câu chuyện xoay quanh vấn đề bản quyền hình ảnh. Ngôi sao của PSG từ chối tham gia buổi chụp hình quảng cáo của FFF và bày tỏ thái độ bức xúc vì cảm thấy đang bị cơ quan quản lý bóng đá Pháp lợi dụng để trục lợi.

Báo giới cũng đăng tải thông tin rò rỉ rằng Mbappe không thoải mái vì hình ảnh bị sử dụng để quảng cáo đồ ăn nhanh và trang web cờ bạc. Và sau cuộc khẩu chiến giữa Mbappe với giám đốc điều hành cấp cao của Kentucky Fried Chicken, FFF đã đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ "xem xét" thỏa thuận về quyền hình ảnh với một số cầu thủ "càng sớm càng tốt".

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 23

"Trước đây họ sẽ trả lời đó chỉ là vấn đề nhỏ, một cầu thủ trẻ đòi hỏi quyền lợi, chúng ta cũng chẳng mấy quan tâm… nhưng đây là ngôi sao Mbappe", Larcher bình phẩm, đồng thời cho biết sự nổi loạn của tiền đạo đang khoác áo PSG cũng nhận được sự ủng hộ của những cựu binh. Ít nhất Lloris và Varane ra mặt trong cuộc tranh cãi với Liên đoàn.

Còn một vụ bê bối khác nghiêm trọng hơn bội phần, giống như đám mây đen bao phủ lấy đội tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022. Đó là việc Chủ tịch FFF Noel Le Graet đối mặt cáo buộc quấy rối tình dục và đích thân Bộ trưởng Thể thao Pháp, Amelie Oudea-Castera ký quyết định thanh tra Liên đoàn bóng đá nước này.

Không chỉ bóng đá nam, bóng đá nữ tại Pháp cũng đang rúng động vì vụ cựu tuyển thủ Pháp, Aminata Diallo bị bắt vì liên quan đến việc người đồng đội cũ Kheira Hamraoui bị kéo lên chiếc xe hơi bởi hai người đàn ông bịt mặt và bị đánh vào chân bằng gậy sắt. Chiếc xe đó từng được Diallo lái vào tháng 11 năm ngoái. Hiện nữ cầu thủ này liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Tuyển Pháp trước thềm World Cup 2022: Lời nguyền không tâm linh và đệ tam thảm họa - 25

Vụ việc gây hại cho đồng đội này khiến nhiều người liên tưởng tới chuyện thuê phù thủy của Pogba hay bê bối tống tiền đồng đội của Benzema. Mặc dù tiền đạo Real Madrid đã được triệu tập trở lại đội tuyển Pháp sau 6 năm nhưng năm ngoái, anh bị tuyên án một năm tù treo vì tội đồng lõa trong vụ dùng clip nhạy cảm tống tiền Valbuena. Điều đó có nghĩa Benzema không vô tội.

Bê bối tiếp nối bê bối, giới mộ điệu còn chẳng buồn quan tâm đến các vấn đề căn bản của đội tuyển quốc gia như chiến thuật hay nhân sự, những vấn đề vốn đã nổi cộm. Bởi vậy, những người Pháp luôn bi quan đang sợ sệt về một đệ tam thảm họa ập xuống, tiếp nối World Cup 2002 và 2010.

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Thủy Tiên