(Dân trí) - Trả lời Dân trí trước thềm Asian Cup 2023, chuyên gia Steve Darby nhận định tuyển Việt Nam sẽ phải chơi thiên về phòng ngự nhiều hơn, không chỉ vì đối thủ mạnh mà còn bởi tổn thất lớn trên hàng công.
Asian Cup 2023 đang diễn ra. Vì nhiều lý do khác nhau, chỉ còn 4 cầu thủ đã cùng HLV Park Hang Seo tiến vào tới tứ kết Asian Cup 2019 góp mặt năm nay. Một dữ liệu đáng chú ý khác, tại Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam là một trong những đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ nhất giải (23,1 tuổi). 4 năm sau, tuyển Việt Nam vẫn sở hữu đội hình thuộc hàng trẻ nhất, với độ tuổi trung bình là 23,3. Theo ông, liệu có điều gì đó không hợp lý?
- Đó là thống kê bất thường. Dàn cầu thủ tham dự Asian Cup 2019 thực tế nên là cốt lõi của đội tuyển quốc gia vào năm 2023. Dữ kiện này cho thấy nhiều thành viên đội tuyển Việt Nam vào năm 2019 không phát triển sự nghiệp đúng như kỳ vọng.
Vấn đề ở đây là gì? Có thể là chính sách tuyển chọn thiếu hiệu quả hoặc giải vô địch quốc gia (VĐQG) thiếu chất lượng, khiến cho các cầu thủ không duy trì đủ cường độ ganh đua liên tục ở mức cần thiết để giữ vững vị trí tại đội tuyển quốc gia (ĐTQG).
Đâu là vị trí ông cảm thấy đáng ngại nhất cho đội tuyển Việt Nam sau khi một loạt trụ cột không thể tham dự Asian Cup vì chấn thương? Tuyển Việt Nam sẽ không có tiền đạo Tiến Linh, tiền vệ Hoàng Đức, hậu vệ Quế Ngọc Hải, thủ môn Đặng Văn Lâm và nhiều cầu thủ quan trọng khác.
- Chấn thương là vấn đề nghiêm trọng đối với mọi đội bóng. Đối với một số đội, có những cầu thủ chủ chốt quan trọng tới mức không thể thay thế, chẳng hạn như Harry Kane tại đội tuyển Anh, Son Heung Min tại Hàn Quốc hay Cristiano Ronaldo trước đây ở tuyển Bồ Đào Nha.
Đội bóng nào cũng luôn có những cầu thủ quan trọng hơn so với những cầu thủ khác. Đội bóng yếu càng phải chú trọng vấn đề chấn thương của các cầu thủ. Điều này đồng nghĩa với việc các đội phải xây dựng được đội hình đủ chiều sâu chứ không chỉ một đội hình gồm 11 cầu thủ đá chính xuất sắc.
Tuyển Việt Nam sẽ cần một thủ môn xuất sắc nếu muốn vượt qua vòng bảng. May mắn thay, Đặng Văn Lâm dính chấn thương đã có Filip Nguyễn thay thế. Bản thân tôi đánh giá rất cao Hoàng Đức vì tôi nghĩ cậu ấy là cầu thủ có kỹ năng xuất sắc vượt trội và thực hiện được nhiều nhiệm vụ khó khăn.
Đội tuyển Việt Nam sẽ phải phòng ngự rất nhiều nên chấn thương của Quế Ngọc Hải gây ra vấn đề lớn, nhưng tôi nghĩ Tiến Linh là sự vắng mặt nghiêm trọng nhất. Cậu ấy không chỉ hoạt động trong vai trò trung phong độc lập mà còn là một trong số ít cầu thủ Việt Nam sở hữu tố chất săn bàn bẩm sinh.
Nguyên nhân rất dễ chỉ ra, vì đa số các đội bóng ở V-League đều sử dụng tiền đạo ngoại, khiến cầu thủ nội gần như không có cơ hội cạnh tranh.
Một vấn đề khác là phải tìm ra nguồn cơn dẫn đến chấn thương của các cầu thủ. Nguồn cơn ở đây là gì? Những tác động mạnh dẫn đến những chấn thương theo kiểu không thể tránh khỏi như gãy chân.
Tuy nhiên, chấn thương cơ bắp thường do phương pháp tập luyện thiếu khoa học hoặc chất lượng mặt sân kém gây ra. Ngoài ra, kế hoạch điều trị và phục hồi cho cầu thủ ở các CLB tại V-League như thế nào để họ nhanh lành chấn thương cũng là điều phải phân tích.
Hậu vệ Phan Tuấn Tài được nhiều người nhắc đến như một canh bạc của HLV Troussier. Cầu thủ này có vị trí sở trường là hậu vệ cánh trái nhưng lại được ông Troussier ưu tiên sử dụng ở vị trí trung vệ lệch trái trong sơ đồ 3 trung vệ. Tuấn Tài sở hữu cái chân trái khá khéo léo, hiệu quả trong việc phối hợp phát triển bóng từ sân nhà nhưng lại mỏng cơm, tranh chấp kém và không có "tư duy" của một trung vệ thực thụ. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
- Như mọi khi, quan điểm của tôi luôn là mỗi HLV đều chọn ra đội hình họ nghĩ sẽ giành chiến thắng. HLV được đánh giá dựa trên kết quả và ông ta sẽ bị sa thải hoặc giữ được vị trí tùy thuộc vào màn trình diễn của các học trò.
Vì vậy, ý kiến duy nhất quan trọng là ý kiến của ông Troussier. Nếu ông ấy tin những cầu thủ được chọn là những hậu vệ xuất sắc nhất, thì hãy ủng hộ những cầu thủ ấy. Hậu vệ cần sự mạnh mẽ, nhưng sự thông minh thường quan trọng hơn sức mạnh.
Trận gặp Nhật Bản sẽ không phải là trận đấu quyết định cơ hội bước vào vòng trong của tuyển Việt Nam. Các trận gặp đội tuyển Iraq và Indonesia mới quan trọng. Ở những trận này phải hạn chế bàn thua ở mức tối thiểu nhất có thể, đặc biệt là khi lực lượng tuyển Việt Nam khá yếu trên mặt trận tấn công và có thể không có nhiều cơ hội ghi bàn.
Ông nhận định như thế nào về cơ hội đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp của tuyển Việt Nam? Nhật Bản dường như quá mạnh. Iraq cũng đã thể hiện sự vượt trội khi hai đội gặp nhau trên sân Mỹ Đình, tại vòng loại World Cup 2026. Indonesia thì sao? Đội bóng này có rất nhiều duyên nợ và thường đem đến cho tuyển Việt Nam những kỷ niệm đắng cay.
- Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa các đội, có lẽ Nhật Bản sẽ giành trọn 9 điểm. Đội bóng này sở hữu nhiều cầu thủ xuất sắc, bao gồm những ngôi sao đang chơi bóng tại Premier League như Wataru Endo của Liverpool hay Kaoru Mitoma của Brighton.
Đội tuyển Iraq lại là đối thủ rất khó đoán. Không thể phủ nhận đội bóng này sở hữu những cầu thủ tài năng, nhưng tình trạng bất ổn trong nước có thể ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của đội bóng này. Khâu chuẩn bị là tối quan trọng.
Như chúng ta thấy, hiện tại Thái Lan đang có sự chuẩn bị rất kém cho Asian Cup, với việc thay đổi HLV và thất bại nặng nề trong những trận giao hữu.
Về phần Indonesia, lịch sử đối đầu là vô nghĩa trong bóng đá. Những gì xảy ra trong ngày thi đấu mới quan trọng. Indonesia có nhiều cầu thủ tài năng và một số HLV giỏi tại giải VĐQG.
Ngoài ra, đất nước này sở hữu dân số đông đảo và cực kỳ đam mê bóng đá. Tuy nhiên, Indonesia đã trở thành nạn nhân của sự can thiệp chính trị quá sâu vào quản lý bóng đá. Nếu bộ máy quản lý và HLV được hỗ trợ tốt, đây là đối thủ cực kỳ đáng gờm.
Tôi nghĩ cuộc đua giành vị trí thứ hai tại bảng đấu này sẽ rất khốc liệt, có thể thậm chí còn phụ thuộc vào hiệu số bàn thắng nên việc hạn chế bàn thua trước Nhật Bản là rất cần thiết.
Trong một phát biểu gần đây trước báo giới, HLV Troussier thẳng thắn thừa nhận đang có những cổ động viên quay lưng với đội tuyển quốc gia vì ông ấy. Nhưng ông Troussier khẳng định điều đó càng khiến đội tuyển Việt Nam thêm mạnh mẽ hơn. Ông có thể chia sẻ thêm về đánh giá của ông về cá tính và năng lực của HLV Troussier?
- Tôi chưa từng gặp gỡ ông Troussier, nhưng tôi đã thấy cách ông ấy huấn luyện đội tuyển Nhật Bản. Tôi nghĩ ông ấy đã thực hiện công việc một cách xuất sắc. Các cầu thủ phản ứng tích cực với tính kỷ luật và tổ chức của ông ấy.
Tôi đã khá ngạc nhiên khi ông Troussier đảm nhận vai trò phát triển bóng đá trẻ tại Việt Nam, nhưng ở một vài khía cạnh, đó là sự may mắn giúp ông ấy có kinh nghiệm về văn hóa bóng đá tại Việt Nam. Văn hóa này độc đáo và thường khó hiểu đối với người nước ngoài.
Truyền thông mạnh mẽ tại Việt Nam có thể ảnh hưởng đến dư luận. Ngoài ra, giờ đây còn xuất hiện thêm "con quái vật" gọi là mạng xã hội, nơi những người chẳng biết gì về bóng đá cũng có thể làm lung lay quan điểm của hàng triệu người.
Tôi nghĩ ông Troussier đủ mạnh mẽ và kinh nghiệm để bỏ ngoài tai những ý kiến chỉ trích thiếu kiến thức. Ông ấy sẽ được đánh giá dựa trên kết quả và ông ấy biết điều đó. Ý kiến trên mạng xã hội chẳng nên được xem trọng.
Ngoài Việt Nam và Indonesia, bóng đá Đông Nam Á còn hai đại diện khác là Thái Lan và Malaysia. Ông đánh giá cơ hội vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023 của hai đội bóng này như thế nào?
- Malaysia đã có sự chuẩn bị tốt, với đội hình mạnh mẽ được huấn luyện tại Johor Darul Tazim FC, nơi hầu hết các tuyển thủ đang khoác áo. Họ cũng tận dụng rất tốt yếu tố kế thừa và có được một số cầu thủ giỏi như hậu vệ Dion Cools hay tiền vệ Brendan Gan. Tôi nghĩ Malaysia sẽ thi đấu tốt và gây bất ngờ.
Tuy nhiên, thất vọng thay, Thái Lan, nơi tôi từng làm việc, đang trải qua giai đoạn hỗn loạn. Họ đã sa thải một HLV giỏi được các cầu thủ tôn trọng và bổ nhiệm một HLV người Nhật Bản mà hầu hết cầu thủ không mong muốn.
Hiện nay có sự can thiệp lớn từ chính trị vào quản lý đội tuyển Thái Lan khiến nhiều cầu thủ rút lui hoặc nêu lý do chấn thương. Tôi không nghĩ Thái Lan có thể vượt qua vòng bảng. Họ sẽ phải rất nhớ Teerasil Dangda, cộng với những cầu thủ nổi bật đã từ chối thi đấu.
Câu hỏi thường gặp nhất trước mỗi giải đấu lớn là đội bóng nào sẽ vô địch? Tuy nhiên, tôi lại muốn hỏi quan điểm của ông về cách phát triển của bóng đá Đông Á và Tây Á. Nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc dự giải với rất nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu thì Saudi Arabia chỉ sử dụng cầu thủ từ giải quốc nội, tương tự là Qatar, các nhà đương kim vô địch Asian Cup. Ông ủng hộ cách phát triển của nền bóng đá nào?
- Tôi dành sự ủng hộ lớn cho sự phát triển bóng đá ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ có kế hoạch dài hạn, đầu tư tài chính mạnh và bền vững, cùng một chương trình đào tạo HLV rất chất lượng.
Các nước này sở hữu hệ thống thi đấu quốc nội mạnh mẽ, nơi các cầu thủ được phát triển trong môi trường có tiêu chuẩn cao và sau đó những cầu thủ xuất sắc ra nước ngoài thi đấu.
Những tên tuổi như Son Heung Min, Endo, Minamoto, Kim Min Jae và Hwang Hee Chan khiến giải đấu trở nên danh giá và thể hiện chất lượng ngày càng được nâng cao của cầu thủ châu Á.
Giải VĐQG Saudi Arabia đang có bước thăng tiến vượt bậc nhưng nhờ yếu tố chính là tiền bạc. Nhờ tài chính, họ thu hút những cầu thủ và HLV giỏi. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc này cần vài năm mới thể hiện rõ kết quả.
Đáng buồn là Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi lẽ ra phải có ĐTQG mạnh lại không phát triển được. Gian lận, tham nhũng, dàn xếp tỷ số là căn bệnh ung thư ngăn cản sự phát triển bóng đá ở hai quốc gia này.
Câu hỏi cuối cùng, ông nhận định như thế nào về đội tuyển Australia? Bản thân tôi nhận thấy đội bóng này đang ngày càng đi xuống kể từ khi gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á, trái ngược với sự phát triển của các đội bóng hàng đầu chính gốc châu Á.
- Có vẻ như Australia đang ở trong giai đoạn sa sút. Điều này thường được cho là hệ quả của giải VĐQG kém chất lượng và ít cầu thủ xuất sắc sang châu Âu chơi bóng. Cũng có một lý do quan trọng khác là chương trình phát triển thể thao thanh thiếu niên.
Trước đây Viện Thể dục thể thao Australia (AIS) đã triển khai rất tốt kế hoạch để sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc như Viduka, Neill, Emerton và Zelic. Chương trình này được thay thế bằng cách rập khuôn hệ thống đào tạo trẻ của Hà Lan, mà đơn giản là thất bại và nguồn nhân lực cạn kiệt.
Dù vậy, tôi vẫn kỳ vọng Australia vào tới bán kết cùng Iran, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhà vô địch có thể sẽ phụ thuộc vào đội nào "giữ quân" được đến cuối cùng!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thiết kế: Đức Bình