DNews

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: "Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi"

Thế Nam

(Dân trí) - Từng được mệnh danh là "Phạm Văn Quyến của bóng đá nữ", cựu tiền đạo Văn Thị Thanh để lại trong lòng người hâm mộ bóng đá nữ Việt Nam với nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là chức vô địch SEA Games 22.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: "Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi"

Giúp đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 22 năm 2003, đồng thời giành danh hiệu Quả bóng vàng năm 2003, liên tiếp giành danh hiệu cầu thủ nữ xuất sắc nhất năm 2004 và 2005, đó là những dấu ấn trong sự nghiệp của cựu tiền đạo Văn Thị Thanh.

Năm 2011, cầu thủ người Hà Nam gây bất ngờ khi tuyên bố giải nghệ và bắt đầu chuyển sang làm công tác huấn luyện viên (HLV). Mới đây cựu tiền đạo đội tuyển nữ Việt Nam ghi dấu ấn mới khi ngồi vào "ghế nóng" của CLB Thái Nguyên T&T với mục tiêu giúp đội bóng xứ chè cạnh tranh chức vô địch quốc gia 2024-2025.

Cựu ngôi sao bóng đá nữ sinh năm 1985 Văn Thị Thanh đã dành cho Dân trí một cuộc trò chuyện về thử thách mới của bản thân.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 1

HLV Văn Thị Thanh chính thức dẫn dắt CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T từ 1/10/2024 (Ảnh: NVCC).

Khóc như mưa khi bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia

Nhắc đến bóng đá nữ Việt Nam, cái tên Văn Thị Thanh để lại trong lòng người hâm mộ rất nhiều ấn tượng đẹp, đặc biệt là bàn thắng trong trận chung kết SEA Games 22 trên sân nhà để giúp tuyển nữ Việt Nam giành HCV, hẳn chị vẫn còn nhiều cảm xúc khó quên để chia sẻ?

- Phải nói rằng nhờ có lần tham dự SEA Game 22 vào 21 năm về trước mà người hâm mộ mới biết đến một Văn Thị Thanh loắt choắt, đen nhẻm và ghi bàn, tạt cánh, lên tấn công về phòng thủ một cách linh hoạt.

Nhờ bàn thắng trong trận chung kết đó mà tôi có tiền lo cho bản thân, lo cho gia đình. Bàn thắng đó đã trở thành bước ngoặc lớn để thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của tôi sau này.

Không chỉ bàn thắng ở trận chung kết, các bàn thắng của tôi ghi được hồi đó đã được nhiều người ca tụng, thậm chí còn gọi tôi là phiên bản của Phạm Văn Quyến ở bóng đá nữ.

Ngày đấy còn trẻ được mọi người khen ngợi là sướng lắm. Nhưng dù sao những bàn thắng đó cũng đã giúp cho tôi có chỗ đứng trong đội hình của tuyển nữ Việt Nam và ở CLB Phong Phú Hà Nam.

Tham dự SEA Games 22 khi chỉ mới 17 tuổi và nhanh chóng thành danh, chị có cho rằng mình thành công là nhờ may mắn hay là do nỗ lực và sự chăm chỉ?

- Không chỉ trong bóng đá mà tất cả các môn thể thao, thành công nhờ may mắn chỉ chiếm một phần rất nhỏ, bởi tất cả phụ thuộc vào sự nỗ lực rèn luyện, cố gắng của bản thân.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 2
Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 3
Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 4

Năm 2003, ở tuổi 17, tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games 22 nhưng kinh nghiệm chưa có, mình là em út, phải cạnh tranh với các đàn chị đã trưởng thành nên sớm bị gạch tên. Khi đó tôi đã khóc rất nhiều và luôn nghĩ mình sẽ phải phấn đấu để được trở lại đội tuyển quốc gia.

Sau đợt đó, cơ hội lại đến khi tôi được thầy Mai Đức Chung gọi trở lại đội tuyển. Đợt ấy có giải tiền SEA Games, nhưng tôi chưa được ra sân đá chính ngay đâu. Tôi chỉ được vào sân từ ghế dự bị, nhưng cứ vào sân là ghi bàn. Giải đấy tôi may mắn giành luôn danh hiệu Vua phá lưới.

Trong suốt quãng thời gian chuẩn bị cho SEA Games 22 tại sân nhà (sân Lạch Tray, Hải Phòng), tôi cũng luôn ở trong trạng thái nghĩ rằng nếu mình không cố gắng thì sẽ bị loại bất cứ lúc nào. Thầy Mai Đức Chung sau đó nhận thấy tôi chơi được cả chân trái, nên tạo điều kiện cho tôi được thử nghiệm vài trận.

Tôi đã lấy lại được sự tin tưởng của thầy Mai Đức Chung rồi sau đó được đá chính và ghi bàn vào lưới Myanmar trong trận chung kết, giúp tuyển nữ Việt Nam giành chiến thắng 2-1 để đoạt HCV SEA Games 22. Trong năm đó, tôi giành được danh hiệu Quả bóng Vàng 2003, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác là tại SEA Games 2005, khi tôi được phân công thực hiện các quả đá 11m nếu có cơ hội. Nhưng trước các buổi tập, tôi luôn bị tâm lý. Thủ môn Kiều Trinh (bây giờ là đồng nghiệp của tôi ở CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T) luôn đẩy được tất cả các cú sút 11m của tôi và khiến tôi càng thêm áp lực.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 5

Cựu tiền đạo Văn Thị Thanh là gương mặt đáng nhớ của bóng đá nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21.

May sao, thầy Mai Đức Chung vẫn tin tưởng và giao nhiệm vụ cho tôi đá phạt đền ở trận SEA Games 2005 và tôi đã chiến thắng để góp công giúp tuyển nữ Việt Nam giành được HCV của năm đó.

Vậy thì chị đã gặt hái được rất nhiều thành công chỉ trong chưa đầy 10 năm theo đuổi sự nghiệp "quần đùi áo số"?

- Tôi cũng may mắn giành được nhiều giải thưởng cho riêng mình, trong đó giải thưởng đáng nhớ nhất là danh hiệu Quả bóng vàng nữ Việt Nam năm 2003 khi tôi chỉ mới 17 tuổi. Trong các năm 2003 và 2005, tôi cũng nằm trong tốp 10 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam.

Có một "sự cố" vô cùng thú vị. Không biết do sai sót hay không, mà ban tổ chức đã trao nhầm cho tôi danh hiệu "huấn luyện viên xuất sắc" năm 2005 chứ không phải danh hiệu vận động viên tiêu biểu. Đó là một chiếc bình thủy tinh rất đẹp mà bây giờ tôi vẫn còn cất giữ.

Cơ duyên nào để đưa Văn Thị Thanh đến với bóng đá và bóng đá đã làm thay đổi cuộc sống của chị ra sao?

- Tôi sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Tôi là con gái duy nhất trong gia đình nhưng lại rất đam mê bóng đá. Lúc mới 10-11 tuổi, nhìn các chị Ngọc Mai, Hiền Lương… thi đấu rất lăn xả, quả cảm, tôi đã ước một ngày nào đó cũng được chơi bóng như các chị.

Cả nhà tôi đều thích bóng đá. 4 anh em đá bóng với nhau bằng quả bòng hay rơm cuộn lại, bố tôi cũng đá cùng với các con. Hàng xóm còn trêu nhà này toàn con trai (cười).  

Lúc ấy, tôi mê đá bóng đến mức độ, nhà có chuyến đi vào Quảng Ngãi chơi, bố mẹ bắt tôi đi cùng. Vì nhà chỉ có con gái duy nhất nên bố mẹ tôi muốn con gái đi cùng để thăm bác ruột. Vậy mà tôi nhất quyết không đi chỉ để được ở nhà đá bóng.

Thời điểm ấy, thường có giải đá bóng giữa các xã với nhau. Thầy Phạm Hải Anh (người đặt nền móng cho bóng đá nữ Hà Nam) có đi tuyển chọn và dạy bóng đá cho các em bé nữ. Thầy Hải Anh đã đến thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam) và phát hiện ra tôi, rồi sau đó tôi được lên đội năng khiếu tỉnh Hà Nam.

Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian này. Gia đình thuần nông, bố mẹ chỉ có mỗi chiếc xe đạp thay nhau chở tôi lên chỗ tập trung, tại thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên, bây giờ là thị xã Duy Tiên.

Trời thì lạnh, mà quần áo chưa được đầy đủ nên bố nghĩ ra cách mua bánh mì để tôi cho vào người cho ấm. Tôi biết ơn bố vì sự đồng hành của ông ấy đã giúp tôi có được ngày hôm nay.

Khoảng hơn 20 năm trước, dường như bóng đá nữ chưa được coi trọng và có nhiều người hâm mộ như bây giờ. Chị và các đồng nghiệp của mình có gặp những khó khăn nào khi theo đuổi đam mê của mình?

- Với một cô bé tràn đầy nhiệt huyết khi đó, tôi nhìn đâu cũng thấy màu hồng và không có gì là khó khăn, thách thức trong suy nghĩ của tôi. Khó khăn nếu có, chỉ là những chấn thương trong tập luyện và thi đấu.

Tôi mê phim Hàn Quốc lắm, thường xuyên xem các bộ phim Hàn Quốc nên muốn đến Hàn Quốc xem thực tế so với phim ảnh thì có gì khác nhau. Tiếc là chấn thương trong một buổi tập khiến tôi bị lỡ chuyến đi Hàn Quốc năm đó. Sau này tôi cũng được đi nhiều nơi, nhưng lúc ấy không được sang Hàn Quốc khiến cô bé Thanh năm đó tiếc hùi hụi (cười).

HLV nữ duy nhất của Việt Nam có bằng đạt chuẩn của AFC

Sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, chị đã chuyển sang làm HLV, điều mà không ít những người cùng trang lứa có thể thực hiện được. Đặc biệt đến lúc này chị là HLV nữ duy nhất của Việt Nam có bằng được Liên đoàn bóng đá châu Á công nhận (AFC Pro), có phải chị là người biết hoạch định cho tương lai, giống như mẫu tiền đạo luôn biết cách săn bàn thắng?

- Phải nói rằng con đường tôi đang đi gặp rất nhiều may mắn. Vì sao tôi lại nói như vậy? Không phải ai từng là cầu thủ cũng sẽ trở thành HLV trong tương lai. Một cầu thủ xuất sắc nhưng chưa chắc là một HLV giỏi.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 6

Văn Thị Thanh nhận chứng chỉ AFC Pro khi theo đuổi sự nghiệp làm HLV (Ảnh: NVCC).

Một cầu thủ giỏi và sau đó theo nghiệp cầm quân đôi khi sẽ đặt kỳ vọng các học trò cũng sẽ phải chơi hay như mình và điều ấy sẽ tạo áp lực lên cả thầy và trò. Một HLV phải có cái nhìn tổng quan khi dẫn dắt một đội bóng.

Đối với cá nhân tôi, bằng cấp thật sự rất cần thiết đối với mỗi HLV muốn làm bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả bằng cấp, đó là mình sẽ làm được gì, cho công việc mà mình đang làm.

Tôi đã mất 12 năm để hoàn thành lên bằng Pro. Thất bại có, thành công có. Bóng đá luôn thay đổi và từ việc tham gia các khóa học cho đến việc được làm trực tiếp một đội bóng chuyên nghiệp giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp bóng đá của tôi.

Thực ra tôi cũng không có lộ trình cho con đường mình sẽ đi. Về cơ bản, tôi là người ham học hỏi, rất thích học và mày mò, tìm hiểu và tự phân tích, đặt mình vào vị trí các cầu thủ trên sân.

Chơi sơ đồ chiến thuật gì, triết lý chơi sẽ như thế nào. Rất nhiều điều thú vị mà bóng đá mang lại, nên tôi dành thời gian đi làm và luôn trau dồi kiến thức để hỗ trợ cho công việc mà tôi đang làm.

Năm 2024, chị trở thành HLV của CLB Thái Nguyên T&T? Chị có thể nói thêm về lý do quyết định ngồi vào ghế nóng ở CLB này và mục tiêu của chị với đội bóng sẽ là gì?

- Như tôi đã nói ở trên, tôi là người ham học hỏi, và không sợ thất bại. Nếu không dám làm chắc chắn sẽ không có thất bại hay thành công. Thêm một lý do nữa, đó là trong những năm vừa qua, tôi cũng đã dành tâm huyết để làm công tác đào tạo bóng đá trẻ rồi.

Tôi muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân xem có hợp với con đường bóng đá chuyên nghiệp hay không.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 7
Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 8
Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 9

Mục tiêu của tôi khi đến với CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T là cùng đội bóng xây dựng lối chơi, gắn kết giữa các cầu thủ được chuyển nhượng về và các cầu thủ được đào tạo và trưởng thành từ chính CLB. Tất cả cùng nhau tạo nên một tập thể gắn kết, nỗ lực thi đấu để gặt hái những thành công trong tương lai.

CLB Thái Nguyên hiện tại được đầu tư rất lớn, với nhiều cầu thủ ngôi sao như Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Thu, đồng nghĩa chị cũng sẽ chịu nhiều áp lực về thành tích? Chị sẽ nói gì về áp lực vô hình này?

- Trong bóng đá, thành công và thất bại luôn đan xen. Hôm nay có thể thành công, nhưng ngày mai cũng có thể thất bại. Đó là châm ngôn của tôi khi bước chân vào nghiệp bóng đá.

Trong bóng đá đội bóng mạnh hơn chưa chắc đã thắng, và lối chơi đẹp chưa chắc đã có kết quả thuận lợi. Việc quan trọng của tôi là làm thế nào để đội bóng cùng tốt lên, tất cả đều thi đấu cống hiến cho CLB, chứ không quan trọng một ngôi sao nào. Giữa các cầu thủ với nhau phải được đối xử công bằng, không phân biệt.

CLB Thái Nguyên T&T đã tiến bộ trong thời gian qua, minh chứng là tấm HCĐ (hạng ba) lịch sử ở giải vô địch quốc gia 2024. Tôi muốn cùng các cầu thủ tiếp tục phát triển đội bóng, duy trì vị trí trong tốp 3 đội bóng nữ hàng đầu Việt Nam. Đây là đích đến mà lãnh đạo giao cho.

Ngồi ở cương vị HLV trưởng luôn có áp lực, nhưng tôi không ngại đương đầu với áp lực, mà luôn sẵn sàng vượt qua. Tôi luôn nỗ lực và chỉ quan tâm mình có thể làm gì để đóng góp cho CLB nữ Thái Nguyên T&T.

Bóng đá nữ Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu lớn trên đấu trường quốc tế. Nhiều người cho rằng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chỉ mạnh khi các CLB bóng đá nữ ở các địa phương cũng phải mạnh và đào tạo, tuyển chọn được nhiều tài năng trẻ, chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi đồng ý với quan điểm này. Đội tuyển quốc gia có mạnh hay không thì các giải đấu quốc nội phải mạnh, có nhiều giải đấu để các cầu thủ được tham gia. Và đội tuyển quốc gia có mạnh hay không thì phải xem hiện tại có bao nhiêu CLB đá giải V-League, có bao nhiêu cầu thủ đang chơi bóng. Số lượng người chơi bóng đá nữ hiện quá ít.

Công tác đào tạo trẻ cũng rất quan trọng. Không có trẻ sẽ không có lứa kế cận. Cần có những HLV có chuyên môn làm công tác đào tạo trẻ. Ngay từ nhỏ các cầu thủ được dạy dỗ tốt, thì sau khi lên các đội tuyển lớn đỡ bị vất vả.

Chị từng là học trò và sau đó là trợ lý của HLV trưởng Mai Đức Chung, chị học được điều gì từ HLV này cho công việc của mình hiện tại?

- Với cá nhân tôi cũng như nhiều thế hệ cầu thủ nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung giống như một người thầy, một người cha. Từ khi còn là cầu thủ và sau này khi có cơ hội làm trợ lý cho HLV Mai Đức Chung, tôi học được rất nhiều thứ từ thầy, về cách đối nhân xử thế và đặc biệt là cách làm tâm lý cho các cầu thủ khi thi đấu.

Tôi sẽ phải học hỏi từ thầy Mai Đức Chung rất nhiều và hy vọng rằng những kinh nghiệm ấy sẽ giúp cho tôi áp dụng được vào CLB bóng đá nữ Thái Nguyên T&T để cùng đội bóng chinh phục những thành công trong thời gian tới.

Bóng đá đã sinh ra tôi lần thứ hai

Được biết dù xuất sắc trên sân cỏ nhưng Văn Thị Thanh lại không có được niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống hôn nhân khi chị đã từng thổ lộ rất buồn sau khi hôn nhân tan vỡ sau 6 năm. Đâu là lý do khiến chị và bạn đời đường ai nấy đi và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của chị?

- Cuộc sống không chỉ có màu hồng, và con người không ai là hoàn hảo. Ông trời lại không cho ai tất cả. Tôi may mắn khi có được một chút thành công trên con đường bóng đá, nhưng lại lận đận trong chuyện tình duyên.

Tôi và chồng cũ đã yêu nhau 5-6 năm, hiểu được khó khăn vất vả của nhau. Chúng tôi có một đứa con, nên khi quyết định ly hôn, điều tôi suy nghĩ nhất chính là thằng bé. Nó sẽ thiệt thòi vì thiếu tình cảm của bố và mẹ.

Tôi nghĩ do hai người làm việc ở hai nơi khác nhau. Mỗi người đều phải lo hoàn thành công việc của mình, ít thời gian gặp nhau, quan tâm đến nhau, nên chuyện gì đến rồi cũng sẽ phải đến thôi.

Quả bóng vàng Văn Thị Thanh: Đừng nghĩ đá bóng giỏi thì làm HLV cũng giỏi - 10

"Tôi cũng chỉ là một phụ nữ bình thường như bao người khác", cựu tiền đạo Văn Thị Thanh thừa nhận đằng sau sự mạnh mẽ trên sân cỏ thì cô là một người phụ nữ yếu đuối trong tình duyên (Ảnh: NVCC).

Mọi người thấy tôi mạnh mẽ trên sân cỏ, nhưng thật ra tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác, cũng yếu đuối lắm chứ. Thời điểm ấy, hôn nhân tan vỡ, điều kiện kinh tế chưa vững, Tôi cảm thấy chán tất cả. Có lúc, tôi phi xe lên cầu và đứng hét thật to vì chẳng biết chia sẻ với ai, thoát ra thế nào.

Khi chia tay, tôi giấu bố mẹ cả hai bên. Phải sau một thời gian tôi mới kể cho bố mẹ của mình. Nhưng bóng đá và cậu con trai vô cùng đáng yêu đã giúp tôi vượt qua được quãng thời gian bế tắc ấy. Phải mất 2 năm tôi mới có thể vượt qua được cú sốc tâm lý này.

Tôi phải chấp nhận thực tế, không thể cứ mãi u sầu, đau khổ. Tôi phải thuê nhà, đi làm thêm bất cứ việc gì ngoài công tác huấn luyện để mong sao bù đắp và hỗ trợ cho con trai điều kiện tốt nhất.

Cuộc sống hiện tại của Thanh như thế nào và chị đã tìm thấy niềm vui mới cho riêng mình hay chưa?

- Có thể nói bóng đá đã sinh ra tôi lần thứ hai. Bóng đá không chỉ là đam mê, mà nó còn cho tôi điều kiện kinh tế, giúp tôi khuây khỏa và vượt qua những nỗi buồn. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi vẫn vậy và vẫn chưa tìm thấy niềm vui mới. Hay là do duyên chưa đến nhỉ? Nếu có tin vui, tôi sẽ không ngại chia sẻ với mọi người đâu (cười).

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ảnh: Dương Minh Hoàng