DNews

Người hùng futsal nữ Việt Nam: "Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Vô địch futsal nữ Đông Nam Á 2024, Trần Thị Thùy Trang đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ nữ đầu tiên vừa vô địch AFF Cup bóng đá sân cỏ, vừa vô địch AFF Cup futsal, tạo nên kỳ tích của bóng đá nội.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: "Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào"

Tuy nhiên, để chạm đến lịch sử, Trần Thị Thùy Trang đã trải qua con đường sự nghiệp không hề bằng phẳng, đối diện với nhiều khó khăn của chuyện "con gái đá bóng".

Sáng 22/11, chỉ nửa ngày sau khi cùng đội tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2024 trên đất Thái Lan, Thùy Trang tâm sự với phóng viên Dân trí, về chuyện đời, chuyện nghề.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 1

Đội tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á 2024 (Ảnh: NVCC).

Vô địch Đông Nam Á ở hai nội dung bóng đá sân cỏ lẫn futsal 

Thành công với Thùy Trang bây giờ không còn là chuyện lạ, nhưng riêng thành công của ngày hôm nay, trong môn futsal, có khác với những thành công trước đó?

- Tôi không dám gọi mình là người thành công, chỉ nghĩ đơn giản rằng mình may mắn. May mắn vì được chơi bên cạnh những đồng đội giỏi, hiểu mình và tận tâm với nghề. Tôi may mắn vì được dìu dắt bởi những người thầy giỏi, giàu tâm huyết.

Riêng về chiến thắng Thái Lan ở chung kết giải vô địch futsal nữ Đông Nam Á vừa diễn ra, tôi chợt nghĩ đến thất bại trước chính đội này ở chung kết SEA Games năm 2013. Năm đó, ở giải tiền SEA Games, chúng tôi thắng họ. Chúng tôi bước vào Đại hội thể thao Đông Nam Á với niềm tin rất lớn, nhưng cuối cùng vẫn thất bại trong trận chung kết trước Thái Lan.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 2

Thùy Trang (phải) vừa có thêm ngôi vô địch futsal Đông Nam Á (Ảnh: FAT).

Giờ chúng tôi đã đánh bại họ sau một quãng thời gian rất dài, sau một hành trình rất dài. Chiến thắng này, vì thế với tôi rất khác biệt nhưng ngọt ngào. Tôi hạnh phúc vì lần đầu tiên futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Cô là cầu thủ quá đặc biệt, từng thành công cả trong môn bóng đá sân cỏ 11 người lẫn môn bóng đá trong nhà futsal. Có bí quyết nào để cô thành công đến vậy và có sự khác biệt nào giữa bóng đá sân cỏ và futsal?

- Khác biệt nhiều lắm chứ, về kỹ thuật về thể lực và cách chơi, cách di chuyển trong 2 môn này. Trong môn futsal, cầu thủ sử dụng gầm giày nhiều hơn, cầu thủ trong môn futsal chủ yếu sử dụng gầm giày để bóng khống chế và đi bóng những nhịp đầu tiên.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 3

Thùy Trang trên sân cỏ (Ảnh: Hải Long).

Khó đem kỹ thuật này áp dụng vào bóng đá, nên mỗi lần chuyển đổi sân chơi, tôi cũng phải chuyển đổi kỹ thuật chơi và chuyển đổi thói quen sử dụng các kỹ thuật cơ bản trong từng nội dung thi đấu.

Trong môn futsal, cường độ hoạt động của các cầu thủ cao hơn, va chạm nhiều hơn, với một cầu thủ đã lớn tuổi như tôi, nguy cơ chấn thương vì thế cũng cao hơn. May mắn là tôi vượt qua tất cả.

Vượt qua khó khăn để hướng đến thành công

Giữa futsal và bóng đá sân cỏ, thật ra cô thi đấu ở môn nào trước, tập chuyên biệt với môn nào trước?

- Tôi học Đại học Thể dục thể thao (TDTT) và tốt nghiệp đại học với nội dung futsal trước. Tôi từng tham dự Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010 ở nội dung futsal. Nhưng sau khi ra trường vào năm 2010, tôi gia nhập CLB bóng đá nữ TPHCM và tham gia thi đấu bóng đá sân cỏ 11 người, tại giải bóng đá nữ TPHCM mở rộng năm 2011.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 4

Thùy Trang cùng người bạn thân Huỳnh Như trên sân cỏ (Ảnh: Hải Long).

Ngày đó, tìm một đội bóng đá nữ để thi đấu đã là chuyện khó, chứ đừng nói đến chuyện tìm một đội futsal để thi đấu, nên việc tôi buộc phải chuyển đổi từ futsal sang bóng đá sân cỏ 11 người là việc không thể tránh khỏi.

Một câu chuyện nữa, khó tránh khỏi với giới cầu thủ nữ, đó là những gian khó từ thu nhập đến rào cản từ phía gia đình? Gia đình cô có cấm cô chơi bóng đá?

- Thật ra là có, cấm nhiều lần là đằng khác. Tôi đam mê chơi bóng từ nhỏ rồi, hồi học cấp Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) cho đến Trung học phổ thông (THPT), tôi đều đá bóng ở trường. Mỗi lần đi đá bóng về, bị cha mẹ phát hiện, đều bị la, có khi còn bị đòn.

Năm tôi học Đại học TDTT, tôi vẫn phải giấu gia đình, nói rằng mình theo học môn cầu lông, chứ không phải theo học môn bóng đá. Mẹ cứ theo dõi tôi suốt, mẹ nói: "Con gái đá bóng cực lắm con, nghỉ đi con". Mỗi lần nghe câu này, tôi thường bật khóc, biết cha mẹ thương mình nhiều lắm, sợ con gái khổ.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 5

Thùy Trang được đánh giá là cầu thủ tận tụy với đồng đội, với công việc (Ảnh: Hải Long).

Ngay đến năm ngoái, sau khi tôi trở về từ World Cup bóng đá nữ 2023 (diễn ra ở Australia và New Zealand), cha tôi nói: "Con gái nghỉ đá bóng đi, lấy chồng đi con". Tôi không biết trả lời sao, chỉ biết ôm cha tôi khóc, hai cha con ôm nhau khóc.

Cha tôi bị tai biến, nằm một chỗ, tôi không dám làm cho cha tôi buồn, biết cha thương mình lắm nên mới nói vậy. Ai chẳng mong con cái mình được sống một đời yên ả, ít sóng gió. Tôi biết cha mẹ tôi cũng tự hào khi tôi giành nhiều thành tích trong bóng đá, bản thân tôi cũng tự hào vì mình đã làm được những điều đó.

Trăn trở với nghề

Thành công với cô không thiếu, nhưng có điều gì khiến Thùy Trang còn tiếc nuối rằng mình không thể làm được trong sự nghiệp hay không?

- Chiến dịch World Cup 2023 là niềm hạnh phúc nhưng cũng là nỗi buồn của tôi. Tôi không được ra sân phút nào ở giải đấu ấy, dù đã rất kỳ vọng được đứng trên sân cỏ World Cup.

Tôi nhớ như in mình đã nỗ lực như thế nào ở vòng loại tại Ấn Độ một năm trước đó (đầu năm 2022). Đấy là thời điểm toàn đội chìm trong khủng hoảng của dịch Covid-19, trong đội chỉ có tôi, Huỳnh Như và Tuyết Dung là không nhiễm bệnh. Toàn đội siết tay nhau vượt qua khó khăn để cùng nhau đặt chân đến World Cup.

Tôi tiếc khi không được một lần bước ra sân cỏ ở giải đấu này. Đấy có lẽ là điều tiếc nuối lớn nhất của cả sự nghiệp cầu thủ của tôi. Thời điểm đó, tôi hụt hẫng nhiều, khóc cũng nhiều.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 6

Thùy Trang trong màu áo đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam (Ảnh: AP).

Một điều nữa, có lẽ không tránh khỏi ở nghiệp "con gái đá bóng", đó là thu nhập thấp so với mặt bằng chung của nhiều nghề. Có khi nào cô chạnh lòng với điều này hay không?

- Nhiều lần, nhiều lần lắm chứ! Cách đây không lâu, tiền công tập luyện ở CLB của tôi chỉ là 45.000 đồng/buổi. Anh biết rồi đó, 45.000 đồng ở giữa TPHCM, đâu mua được cái gì to tát đâu. Chắc chắn, nếu không có ngọn lửa đam mê, không ai theo nổi bóng đá nữ.

Rồi chấn thương nữa chứ, mỗi lần chấn thương là mỗi lần như một cơn ác mộng với giới cầu thủ nữ chúng tôi. Mỗi lần tôi chấn thương, cha mẹ biết tin lại khuyên tôi nghỉ, năn nỉ tôi nghỉ đá bóng, cũng vì thương con gái.

Nói đến đây, tôi muốn nói lời cảm ơn đến những ai đã quan tâm đến bóng đá nữ, những nhà chuyên môn, những nhà quản lý, những mạnh thường quân, trong đó có bầu Tú (Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú). Họ là những người đã chung tay giúp bóng đá nữ, giúp cầu thủ nữ đỡ cực hơn.

Quyết tâm theo đuổi bóng đá đến cùng

Vậy thì, có khi nào cô nghĩ đến chuyện dứt khỏi bóng đá, hoặc nếu được chọn lựa lại từ đầu, cô có chọn một nghề khác, không phải nghiệp cầu thủ nữ hay không?

- Dứt khoát không! Bóng đá với tôi là niềm đam mê, là cái nghiệp. Bóng đá ăn vào máu của tôi rồi. Ngày tôi bắt đầu chơi bóng, tôi biết nghề này cực, biết gia đình ngăn cản, nhưng tôi vẫn theo.

Người hùng futsal nữ Việt Nam: Chiến thắng Thái Lan luôn rất ngọt ngào - 7

Bóng đá mang lại cho Thùy Trang nhiều thành công (Ảnh: Hải Long).

Giờ, nếu được bắt đầu lại, tôi vẫn sẽ chọn bóng đá. Nhiều khi, tôi nỗ lực trong cái nghề này cũng chỉ để người khác không chê mình kém cỏi. Tôi từng bị chê thể lực kém, kỹ thuật kém, nhưng tôi cải thiện từng ngày. Tôi không muốn bỏ cuộc, không muốn người khác đánh giá thấp mình. Tôi không phải là người dễ bỏ cuộc.

Cô có định hướng gì cho tương lai khi ở tuổi 36 có lẽ không còn thi đấu đỉnh cao được lâu nữa?

- Trước mắt, tôi còn hợp đồng thi đấu cho CLB nữ TPHCM đến hết năm 2025. Sau đó, tôi sẽ tính tiếp, tôi sẽ thi đấu đến lúc nào không còn chạy nổi nữa mới thôi. Còn sức khỏe, tôi sẽ còn thi đấu bóng đá đỉnh cao, cả bóng đá sân cỏ 11 người lẫn futsal.

Sau đó, tôi sẽ là nhân viên của trung tâm TDTT Quận 1 (TPHCM), có thể trở thành HLV các tuyến khác nhau của CLB bóng đá nữ TPHCM. Tôi muốn gắn bó với bóng đá đến tận cùng.

Xin cảm ơn Thùy Trang về cuộc trao đổi! 

Trần Thị Thùy Trang sinh ngày 8/8/1988 tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam.

Cao: 1m55, vị trí thi đấu sở trường: Tiền vệ.

Tốt nghiệp Đại học TDTT năm 2010, chuyên ngành bóng đá.

Cô khoác áo đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam từ năm 2014 - 2023, khoác áo đội tuyển futsal nữ Việt Nam từ năm 2010 - 2014, sau đó quay lại khoác áo đội tuyển futsal nữ Việt Nam từ năm 2023 đến nay.

Vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á năm 2019, vô địch futsal nữ Đông Nam Á năm 2024. Thùy Trang giành huy chương vàng (HCV) SEA Games các năm 2019, 2022 và 2023.

Vô địch bóng đá nữ Việt Nam các năm 2015, 2016, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 và 2024.

Cô giành Quả bóng bạc nữ Việt Nam năm 2022.