(Dân trí) - Cuộc chạm trán Bayern Munich gợi nhớ cho người hâm mộ Man Utd về cú ngược dòng vĩ đại tại chung kết Champions League 1999, nơi thăng hoa văn hóa chiến thắng của Quỷ đỏ thời Sir Alex Ferguson.
Cuộc chạm trán Bayern Munich ở bảng A UEFA Champions League năm nay (02h00 ngày 21/9 trên sân Allianz Arena) ắt hẳn gợi nhớ cho người hâm mộ Man Utd về cú ngược dòng vĩ đại tại trận chung kết năm 1999, nơi thăng hoa văn hóa chiến thắng của "Quỷ đỏ" dưới thời Alex Ferguson. Đáng tiếc, ký ức ấy ngày càng buồn vì thực tại thê thảm!
Huyền thoại về cú "ăn ba vĩ đại" của Man Utd khởi nguồn từ một trận cầu kinh điển phải sử dụng tới 3 trọng tài chính. Đó là cuộc tiếp đón Sheffield Wednesday trên sân nhà Old Trafford, trận đấu quyết định đến chức vô địch quốc gia Anh mùa bóng 1992-93, mùa giải đầu tiên giải đấu mang phiên hiệu nay đã trở thành đế chế số một thế giới: Premier League.
Man Utd bị đội khách dẫn trước trong suốt phần lớn thời gian thi đấu và chỉ ngược dòng giành chiến thắng 2-1 nhờ cú đúp muộn màng của Steve Bruce.
Càng kịch tính hơn nữa khi bàn thắng ấn định tỷ số đến vào phút bù giờ thứ 6 và được xác nhận bởi trọng tài chính John Hilditch, người chỉ điều khiển trận đấu sau khi hai vị trọng tài được chỉ định là John Martin và Mike Peck dính chấn thương trước và trong trận đấu.
Trước đó, Man Utd dưới thời HLV Alex Ferguson đã một vài lần ghi bàn thắng ở phút bù giờ, nhưng bàn thắng bất hủ của Bruce chính là biểu tượng cho sự ra đời của hiện tượng mang tên "Fergie Time".
"Những bàn thắng muộn viết nên lịch sử của Man Utd", Sir Alex đúc kết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, một năm sau khi ông giải nghệ. "Tôi yêu những bàn thắng muộn. Tôi có thể nói về những bàn thắng ấy suốt ngày".
Vị chiến lược gia vĩ đại người Scotland yêu thích bàn thắng muộn bởi sự phấn khích và ý nghĩa quan trọng định đoạt kết cục trận đấu. HLV Alex Ferguson xây dựng đội bóng phản ánh hình ảnh của chính bản thân và không đặc điểm nào trong tính cách của ông nổi bật hơn khát vọng chiến thắng mãnh liệt cũng như sự chối từ thất bại kịch liệt.
Nhìn lại hầu hết bất kỳ chiến thắng nào của Sir Alex tại Man Utd, từ chung kết FA Cup 1990 đến chức vô địch Premier League 2012-13, rất nhiều trận đấu kết thúc với kịch bản ngược dòng hoặc được quyết định bởi những bàn thắng muộn. Trong đêm trọng đại nhất sự nghiệp của ông, Man Utd thực hiện cả hai điều đó.
Không một danh hiệu nào khiến Alex Ferguson thèm khát như chức vô địch châu Âu. Có ba lý do chính yếu để Sir Alex đam mê chiếc cúp tai voi một cách đặc biệt. Thứ nhất là ký ức đánh thức tình yêu bóng đá trong ông từ thuở thiếu thời, khi lẻn vào sân Hampden Park xem Real Madrid đánh bại Eintracht Frankfurt với tỷ số 7-3 trong trận chung kết C1 1960.
Thứ hai, chức vô địch châu Âu mang đến uy danh và vẻ hào nhoáng mà ngay cả 13 danh hiệu vô địch quốc gia (VĐQG) cũng không sánh được. Thứ ba, đấu trường danh giá nhất châu Âu là thử thách khốc liệt nhất về trí thông minh, sự nhạy bén chiến thuật và khả năng quản trị nhân sự của một huấn luyện viên.
Vị chiến lược gia người Scotland ghét cay, ghét đắng văn hóa tự ti của các đội bóng Anh mỗi khi bước ra sân chơi châu lục. Trong mắt đại bộ phận bóng đá xứ sương mù, những gã khổng lồ đến từ Tây Ban Nha, Đức hay Italy như Real Madrid, Juventus, Bayern Munich, AC Milan... đơn giản là trên tầm đẳng cấp.
Tuy nhiên, trong phần lớn thập niên 1990, Alex Ferguson phải thừa nhận các đội bóng Anh chỉ như những kẻ học việc. David Beckham thì ví von việc tham dự Champions League chẳng khác nào "học lại bóng đá từ đầu".
Chỉ đến mùa giải 1998-99, Sir Alex mới cảm thấy Man Utd đã sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đội bóng hàng đầu châu Âu, tất nhiên vẫn trong thế của người lần đầu leo lên đỉnh Everest.
Trận chung kết Champions League 1999 là lần đầu tiên sau 8 mùa giải không có sự hiện diện của một đội bóng đến từ Serie A. Man Utd lần lượt loại hai đại diện của bóng đá Italy là Inter Milan và Juventus ở tứ kết và bán kết.
Trước đó, thầy trò Sir Alex lẫn Bayern Munich, đối thủ trong trận chung kết, đều đã vượt qua "bảng đấu tử thần", với thêm sự hiện diện của Barcelona và Brondby.
Bayern Munich lẫn Man Utd đều hướng đến cú "ăn ba" đầu tiên trong lịch sử, trước đó chỉ có Celtic (1967), Ajax và PSV Eindhoven (1988) từng đăng quang cả ba đấu trường cúp châu Âu, VĐQG và cúp quốc nội trong cùng một mùa giải.
Điểm chung khác của cả hai đội là đều thiếu vắng hai trụ cột quan trọng. Man Utd mất cặp tiền vệ trung tâm Roy Keane và Paul Scholes, Bayern thiếu hậu vệ cánh trái Bixente Lizarazu và trung phong Giovane Elber.
Trận chung kết Champions League là trận đấu khép lại "chặng leo dốc" quyết định mùa giải của Man Utd chỉ trong 11 ngày. Ngày 16/5, Quỷ đỏ đánh bại Tottenham với tỷ số 2-1 tại Old Trafford để đăng quang Premier League, với chỉ một điểm nhiều hơn Arsenal. Ngày 22/5, 4 ngày trước đại chiến tại Camp Nou, thầy trò Sir Alex hạ gục Newcastle United với tỷ số 2-0 trong trận chung kết FA Cup.
Sự chênh lệch trình độ giữa hai đội lớn tới mức các cầu thủ Man Utd cảm nhận như vừa thi đấu một trận giao hữu. David May, trung vệ dự bị của Man Utd còn nói với Paul Scholes: "Tớ thậm chí còn không mệt. Không tin nổi đây lại là chung kết".
Chiến thắng trước Newcastle giúp Man Utd hoàn tất "cú đúp" quốc nội thứ ba trong 6 mùa giải. Một bữa tiệc tưng bừng được tổ chức sau khi đăng quang Premier League, nhưng chức vô địch FA Cup chỉ được đón chào bằng bữa ăn nhẹ nhàng để tập trung cho trận chung kết Champions League. Cuộc chạm trán với Bayern Munich sẽ khiến Man Utd chật vật gấp ngàn lần trận đấu với Newcastle.
Chỉ 6 phút sau khi bóng lăn, Johnsen phạm lỗi với tiền đạo Janker bên phía Bayern ngay rìa vòng cấm. Mario Basler tung ra cú sút phạt tầm thấp đầy tinh quái tung lưới thủ thành Schmeichel.
Bị dẫn trước không phải là kịch bản bất thường với Man Utd, nhưng mức độ nghiêm trọng của cục diện trận đấu lại khác thường. "Quỷ đỏ" chưa bao giờ để đối phương dẫn trước ở một trận đấu quan trọng và trong một khoảng thời gian dài như vậy.
Thầy trò Sir Alex đã nỗ lực để tìm bàn gỡ nhưng thực tế cơ hội chưa bao giờ đến một cách rõ rệt. Có vài lý do dẫn đến sự lép vế ấy. Một trong số đó là phân nửa đội hình Man Utd đang gặp vấn đề về chấn thương và phần còn lại kiệt sức ở trận đấu thứ 63 trong mùa giải.
"Quỷ đỏ" còn thiếu thủ lĩnh Roy Keane, cầu thủ mạnh mẽ nhất về tinh thần lẫn thể chất, nguồn cảm hứng để Man Utd ngược dòng trước Juventus bằng những đường chuyền lên phía trên không ngừng.
"Chúng tôi bị căng cứng về mặt tâm lý", Giggs thừa nhận. Cầu thủ người xứ Wales không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. "Chúng tôi chưa từng tham dự chung kết Champions League", tiền đạo Andy Cole chia sẻ. "Tôi rất thất vọng về màn trình diễn của bản thân. Đó là điều luyến tiếc hiếm hoi trong sự nghiệp của tôi. Tôi đã không thể tỏa sáng ở trận đấu lớn nhất sự nghiệp".
Blomqvist, cầu thủ chạy cánh trái thay cho Giggs được đẩy sang cánh phải để David Beckham vào đá tiền vệ trung tâm, thì mô tả "chân nặng như đeo chì". Ngoại trừ pha dàn xếp tấn công đầu hiệp 2, Man Utd không tạo đủ áp lực lên Bayern cho đến cuối trận.
Và mặc dù Bayern Munich không cầm nhiều bóng và tạo áp lực liên tục, Hùm xám vẫn tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn rõ rệt hơn từ các pha phản công.
Mặc dù quả quyết Man Utd là đội mạnh hơn tuy nhiên chính Sir Alex phải thừa nhận: "Thật lòng, tôi không thể tin vào điều bất ngờ nào cho đến 3 phút kỳ diệu cuối cùng. Không phải Man Utd bị Bayern đánh bại. "Quỷ đỏ" không hề bị "Hùm xám" khuất phục.
Các học trò của HLV Ferguson cầm bóng nhiều hơn, được hưởng nhiều quả phạt góc hơn và dứt điểm trúng đích nhiều hơn. Nhưng, những cú chạm bóng luôn nặng nề và quyết định xử lý có phần vội vã, hấp tấp hơn bình thường.
Ngoại trừ Beckham xuất sắc lạ kỳ khi làm lu mờ Effenberg ở hàng tiền vệ, hàng công Man Utd gặp vô vàng khó khăn. Giggs vẫn nhanh như điện ở hành lang nhưng không tạo ra nhiều đột biến. Blomqvist nhạt nhòa như tên tuổi. Trong khi đó, Yorke là nỗi thất vọng lớn nhất. Sir Alex chưa bao giờ thấy tiền đạo người Trinidad & Tobago "cóng" đến như thế.
Việc điều chuyển vị trí của Giggs và Beckham khiến Man Utd thiếu những quả tạt chất lượng. "Chúng tôi đang thất bại", Alex Ferguson viết trong cuốn tự truyện Managing My Life. "Chúng tôi rơi vào cơn ác mộng khi theo đuổi trận đấu trước đối thủ biết cách tận dụng điểm mạnh và che giấu điểm yếu bằng chiến thuật thực dụng".
Điều duy nhất Man Utd thể hiện là khát vọng. Từng cầu thủ đều chiến đấu quên mình như thể không có ngày mai. Bước ngoặt đầu tiên đến từ sự xuất hiện của Teddy Sheringham. Man Utd chuyển sang sơ đồ hàng tiền vệ hình thoi 4-1-2-1-2, với Giggs bên trái, Beckham bên phải, Yorke chơi phía sau cặp Cole-Sheringham. Một canh bạc tất tay.
Bayern Munich đáp lại bằng cách tung Mehmet Scholl vào thay Zickler. Scholl khéo léo, khôn ngoan hơn, nên biết cách khai thác khoảng trống mênh mông hàng thủ Man Utd để lộ ra vì dâng cao đội hình. Một quyết định điều chỉnh khôn ngoan và mô phạm.
Hy vọng cạn kiệt dần theo thời gian. Các cầu thủ Man Utd, đặc biệt là Sheringham và Stam bắt đầu bực tức trước cách "biểu diễn" của một số cầu thủ đối phương. "Khi Basler thực hiện các quả phạt góc cho Bayern, đó là sự sỉ nhục", Stam chia sẻ. "Hắn ta tạo dáng và tận hưởng tràng pháo tay, với niềm kiêu hãnh là cầu thủ của trận đấu, khi đã ghi bàn thắng quyết định".
Basler đầy tự đắc trở thành hình ảnh biếm họa của Bayern kiêu căng ở những phút cuối trận. "Hùm xám" bỏ lỡ 4 cơ hội ngon ăn để kết liễu trận đấu chỉ trong khoảng thời gian từ phút 73 đến 84. Phút 87, Man Utd tung "gà son" Solskjaer vào sân còn Bayern Munich rút thủ lĩnh Matthaus rời sân. Bước ngoặt thứ hai và quyết định.
Lời cảnh báo là 4 cơ hội Man Utd tạo ra chỉ trong 90 giây cuối thời gian thi đấu chính thức. Sheringham, Solskjaer, Yorke thi nhau bắn phá khung thành thủ môn Oliver Kahn. Cho dù vậy, bình luận viên Marcel Reif và hầu hết những ai theo dõi trực tiếp trận đấu đều tin Bayern sẽ thắng.
Gã bình luận viên người Đức ngạo nghễ nói trên sóng truyền hình: "Có lẽ tôi không nên nói điều này và tôi hứa sẽ không bao giờ nói lại nữa: Bóng đá, như Gary Lineker từng nói, là một trò chơi đơn giản; 22 gã đàn ông đuổi theo một quả bóng trong 90 phút và cuối cùng người Đức chiến thắng".
Giggs, Butt và Neville đồng quan điểm. Neville nhớ lại: "Tôi liên tục nhìn đồng hồ. Trận đấu trôi dần về phút cuối và tôi chỉ nghĩ người Đức đã đến và hạ gục chúng tôi một lần nữa".
Trọng tài thứ tư giơ cao biển báo bù giờ 3 phút, Man Utd được hưởng quả ném biên, Neville ném chút hy vọng còn sót lại cho Beckham, cầu thủ hiếm hoi trông còn tươi tắn và tự tin. Pha tấn công dẫn đến quả phạt góc bên cánh trái. Từ ngoài đường biên, Sir Alex ra hiệu cho Schmeichel dâng lên tham gia tấn công.
Quả tạt của Beckham đưa bóng sạt đầu thủ thành hộ pháp người Đan Mạch, Yorke đón lõng phía sau cố đưa bóng trở lại khu vực lộn xộn trước khung thành, và sau khi Torsten Frings phá bóng yếu ớt, bóng đến chân Giggs ở rìa vòng cấm.
Cú sút bằng chân phải của Giggs không đủ lực nhưng lại trở thành đường kiến tạo tuyệt hảo khi tìm đến đúng vị trí Sheringham. Tiền đạo này nhanh chân xoay người dứt điểm sát cột. Lưới Bayern Munich rung lên ở giây thứ 36 của phút bù giờ thứ nhất.
Chưa đầy 30 giây sau, Man Utd lại được hưởng phạt góc. Beckham vẫn tạt bóng, lần này Sheringham bật cao đánh đầu. Cú dứt điểm trở thành đường kiến tạo tuyệt hảo để Solskjaer nhanh chân đá nối tung nóc lưới Bayern. Cầu trường như vỡ tung, các cầu thủ Man Utd òa lên sung sướng tột độ, đối nghịch là sự sụp đổ của đối phương.
Trong 20 năm qua, hàng triệu câu chữ đã được các cây bút cố vận dụng để miêu tả điều kỳ diệu diễn ra tại Camp Nou. Tuy nhiên, không có từ ngữ nào có thể diễn đạt chuẩn xác như những câu chữ mà Alex Ferguson đã nói trong cuộc phỏng vấn chỉ 2 phút sau khi trận chung kết kết thúc.
"Tôi không thể tin được, không thể tin được! Bóng đá, địa ngục đẫm máu. Nhưng họ đã không buông xuôi, khát vọng chiến thắng không ngừng đã giúp chúng tôi đăng quang. Tôi rất đỗi tự hào về các học trò của mình".
Khát vọng chiến thắng không bao giờ suy chuyển chính là dấu ấn trong cú "ăn ba" vĩ đại của Man Utd, trong tính cách của Sir Alex và hình thành nên văn hóa của "Quỷ đỏ" thành Manchester. Cho dù sau này nhiều đội bóng khác giành cú "ăn ba" song không đội bóng nào tạo được hiệu ứng khủng khiếp như thầy trò Alex Ferguson.
Cộng hưởng với sự bùng nổ của công nghệ truyền hình, Man Utd trở thành đội bóng được yêu mến nhất thế giới, điều kiện để "Quỷ đỏ" tiếp tục thống trị bóng đá Anh và kiến tạo những chiến công hiển hách suốt hơn chục năm tiếp theo dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Scotland.
Kể cả khi Sir Alex nghỉ hưu và thành tích trên sân của Man Utd ngày càng sa sút, đội bóng này vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Chỉ đáng tiếc, giới chủ MU chỉ quan tâm đến phần sau: Lợi nhuận.
Một thống kê mới đây chỉ ra, Pep Guardiola là huấn luyện viên chi nhiều tiền nhất trong lịch sử chuyển nhượng bóng đá. Con số ước chừng khoảng 2 tỷ euro. Riêng tại Man City, khi dẫn dắt đội bóng giàu có này từ năm 2016, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha đã ngốn khoảng 1 tỷ euro ngân sách để tăng cường lực lượng.
Thoạt nghe những con số khổng lồ này khiến người ta dễ có định kiến Guardiola chỉ là nhà cầm quân dùng tiền mua danh hiệu chứ chẳng có tài cán gì. Tất nhiên định kiến ấy hoàn toàn nông cạn và thiếu hiểu biết.
Hãy thử so sánh để thấy rõ vấn đề. Theo số liệu của chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, từ năm 2016 đến nay, dưới thời Pep Guardiola, Man City đã chi tổng cộng 1,5 tỷ euro để mua sắm cầu thủ. Cùng khoảng thời gian, đội bóng láng giềng Manchester United chi số tiền gần như tương đương: 1,4 tỷ euro.
Kết quả Guardiola biến Man City từ đội bóng bị châm biếm là gã trọc phú trở thành thế lực thống trị trong nước lẫn châu lục. Cùng với vị chiến lược gia người Tây Ban Nha, The Citizens đã chinh phục tổng cộng 15 danh hiệu trong 7 năm, bao gồm 5 lần đăng quang Premier League và một chức vô địch Champions League trong cú "ăn ba vĩ đại" ở mùa giải trước.
Chuyển sang Man Utd, đội bóng được yêu mến nhất hành tinh, gã khổng lồ thao túng xứ sở sương mù suốt hai thập niên 1990 và 2000, ngày càng lụn bại và trở thành đề tài chế nhạo hàng tuần của giới túc cầu.
Từ năm 2016 đến nay, Man Utd đã 4 lần thay tướng, chưa kể khoảng thời gian Michael Carrick dẫn dắt tạm thời sau khi Solskjaer bị sa thải. Số danh hiệu "Quỷ đỏ" giành được vỏn vẹn là 4, và chỉ là những danh hiệu hạng hai như League Cup, Community Shield và Europa League. Lọt vào top 4 Ngoại hạng Anh trong vài năm trở lại đây đã là nhiệm vụ chật vật cho Man Utd.
Phân tích sâu hơn về khía cạnh chuyển nhượng, tuyệt đại đa số các bản hợp đồng của Guardiola đều thành công, thậm chí thành công theo cách không ai nghĩ tới bởi những phát kiến chiến thuật xuất sắc của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.
Joao Cancelo, John Stones, Illkay Gundogan, Bernardo Silva hay Jack Grealish đều vươn tới đẳng cấp thế giới nhờ bệ phóng chiến thuật của Pep.
Bây giờ đến lượt Man Utd, có thể đặt cho đội bóng này biệt danh là "Vua bom xịt". Bất cứ ngôi sao nào, cho dù tài năng tới đâu, và được phản ánh qua mức giá chuyển nhượng khổng lồ, hầu hết cứ đầu quân cho Quỷ đỏ là tịt hẳn. Không khó để liệt kê ra danh sách dài các "bom xịt" của Man Utd.
Đi theo trình tự thời gian để thấy rõ sự thảm họa. Mùa hè 2016, cùng với sự xuất hiện của Người đặc biệt Jose Mourinho, kình địch của Pep Guardiola, Man Utd chi ra số tiền kỷ lục thế giới là 105 triệu euro để chiêu mộ lại Paul Pogba từ Juventus. Cũng trong mùa hè này, Man Utd còn chiêu mộ Henrikh Mkhitaryan từ Dortmund với giá 42 triệu euro.
Đến mùa hè 2019, Man Utd biến Harry Maguire trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử thời điểm đó, với mức phí chuyển nhượng 87 triệu euro. Phần còn lại là một câu chuyện buồn nhưng rất dễ gây cười.
Cũng trong kỳ chuyển nhượng này, "Quỷ đỏ" còn chiêu mộ Aaron Wan-Bissaka với giá 55 triệu euro, khoản chi đến bây giờ có thể khẳng định là không thể hiểu nổi với một cầu thủ trình độ thấp như thế. Ba mùa giải trở lại đây, đến lượt các hợp đồng thảm họa: Donny van de Beek, 39 triệu euro và Jadon Sancho, 85 triệu euro.
Trong diễn biến mới đây, Jadon Sancho đã bị trục xuất khỏi đội hình của Man Utd sau khi từ chối xin lỗi HLV Erik ten Hag sau khi đăng tải trên mạng xã hội cáo buộc ông thầy người Hà Lan nói sai sự thật về mình.
Sự bất đồng giữa cả hai đã gay gắt tới mức không còn có thể hàn gắn. Điều đáng nói, Sancho không phải là ngôi sao đầu tiên bật thầy tanh tách tại Old Trafford. Paul Pogba hay Cristiano Ronaldo trước đây đều có xung đột với huấn luyện viên trưởng.
Tất nhiên, căn bệnh thâm căn cố đế của Man Utd không nằm ở cầu thủ hay huấn luyện viên mà là sự lụn bại về văn hóa bắt nguồn từ giới chủ. Nhà Glazer ngay từ đầu đã xem Man Utd chỉ là công cụ kiếm tiền.
Quỷ đỏ không phải là niềm kiêu hãnh hay một phần máu thịt của những nhà tài phiệt người Mỹ này. Họ cũng không nỗ lực xây dựng hình ảnh thông qua CLB như cái cách các ông chủ Man City đã làm.
Mục tiêu chỉ là tiền và cả hệ thống quản lý của Man Utd đều chạy theo tôn chỉ đó. Thay vì quan tâm đến thực trạng CLB, tiềm lực đội hình, điều ban lãnh đạo Man Utd quan tâm chỉ là những con số trong báo cáo tài chính.
Hệ quả là không ít cầu thủ khoác áo Man Utd để nhắm đến tài chính thay vì chinh phục những đỉnh cao trong sự nghiệp. Bi kịch của Man Utd là ở chỗ đó!
Thiết kế: Đức Bình