DMagazine

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd

(Dân trí) - Bóng đá ẩn chứa vô vàn biến cố từ trong ra ngoài sân cỏ và Man Utd là đội bóng kém cỏi bậc nhất trong việc kiểm soát những vấn đề trên thị trường chuyển nhượng.

Bóng đá ẩn chứa vô vàn biến cố từ trong ra ngoài sân cỏ và Man Utd là đội bóng kém cỏi bậc nhất trong việc kiểm soát những vấn đề trên thị trường chuyển nhượng.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 1

Khi sắp sửa bước vào mùa giải mới 2023-24, những tưởng mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ với Man Utd trên thị trường chuyển nhượng.

Ba vị trí Quỷ đỏ thành Manchester lên kế hoạch nâng cấp trong phiên chợ hè 2023 đều được thực hiện thành công. Hơn 190 triệu euro chưa kể biến phí được chi ra cho thủ thành Andre Onana từ Inter Milan (52,5 triệu euro), tiền vệ trung tâm Mason Mount từ Chelsea (64,2 triệu euro) và trung phong Rasmus Hojlund từ Atalanta (75 triệu euro).

Onana và Mount là mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch tuyển mộ tân binh ở vị trí của hai tân binh này. Trong khi đó, Hojlund là trung phong ứng viên số một sau khi Man Utd quyết định rút lui trong cuộc đua giành chữ ký của Harry Kane.

Nếu trong một thế giới lý tưởng, bóng đá là môn thể thao tuyến tính phát triển theo đường thẳng và không xảy ra biến cố, HLV Erik Ten Hag đã có trong tay đội hình chất lượng để triển khai lối chơi kiểm soát bóng bằng sơ đồ 4-3-3.

Vị chiến lược gia người Hà Lan có một thủ thành chơi chân xuất sắc như mong muốn, tăng cường cho hàng phòng ngự ngày càng vững vàng nhờ sự xuất hiện của trung vệ Lisandro Martinez hay sự hồi sinh mạnh mẽ của Luke Shaw.

Ở hàng tiền vệ, sự xuất hiện của Casemiro củng cố chất thép cho một Bruno Fernandes luôn biết cách tạo ra đột biến. Trung hòa ở giữa với nhiệm vụ điều phối đã có Christian Eriksen, nay được bổ sung Mason Mount.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 2

Trên hàng công, về lý thuyết, Jadon Sancho và Marcus Rashford là những lựa chọn tối ưu và lý tưởng cho vị trí tả hữu tiền đạo. Trong khi đó, lĩnh ấn tiên phong là Rasmus Hojlund, cầu thủ được ví như Erling Haaland đệ nhị.

Tất nhiên, cần nhấn mạnh lại rằng về lý thuyết là như vậy, còn thực tiễn lại luôn khác xa lý thuyết. Bóng đá là môn thể thao của vô vàn biến cố xảy ra trong lẫn ngoài sân cỏ. Đáng tiếc, Man Utd kiểm soát biến cố rất kém, đặc biệt trên thị trường chuyển nhượng.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 4

Minh chứng rõ ràng cho biến cố ảnh hưởng đến đội bóng và nằm ngoài tầm kiểm soát của Man Utd là vị trí hậu vệ cánh trái.

Thời điểm kỳ chuyển nhượng mới mở cửa, Man Utd thừa thãi hậu vệ trái. Luke Shaw là lựa chọn số một miễn bàn cãi. Dự bị cho hậu vệ người Anh là Tyrell Malacia, cái tên đã phần nào tạo được sự tin tưởng đối với HLV Ten Hag.

Bên cạnh hai lựa chọn uy tín kể trên còn có Alex Telles trở về từ Sevilla với tư cách nhà vô địch Europa League. Suốt cả mùa hè rao bán chật vật, Quỷ đỏ thành Manchester đạt được thỏa thuận chuyển nhượng cầu thủ người Brazil sang Al-Nassr với mức phí 4 triệu bảng.

Một hậu vệ cánh trái khác của Man Utd là Brandon Williams. Cầu thủ này trải qua mùa giải 2022-23 mài đũng quần trên băng ghế dự bị, thi thoảng được tung vào sân từ băng ghế dự bị và đôi khi thi đấu cho đội U21.

Ngoài ra còn có Alvaro Fernandez, cầu thủ 20 tuổi khoác áo Preston North End theo dạng cho mượn. Fernandez thi đấu rất ấn tượng và được bình chọn là tài năng trẻ xuất sắc nhất mùa giải của đội bóng đang góp mặt ở giải hạng Nhất nước Anh Championship.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 5

Với sự lực lượng dồi dào như vậy, Man Utd không phải quá lo ngại khi một trong hai lựa chọn hàng đầu dính chấn thương. Chẳng hạn Malacia đã không góp mặt suốt chuyến du đấu chuẩn bị cho mùa giải mới ở Mỹ của Man Utd. Sự ra đi của Telles và Williams cũng là quyết định dễ hiểu cho sự nghiệp hai cầu thủ này.

Biến cố chỉ xảy ra khi Shaw theo chân Malacia dính chấn thương chỉ ít giờ sau khi Man Utd hoàn tất thỏa thuận cho Ipswich mượn Williams. Ngay lập tức, đội chủ sân Old Trafford phải hoãn thương thuyết hợp đồng cho Granada mượn Fernandez.

Cho dù vậy, HLV Ten Hag vẫn muốn Man Utd khẩn cấp chiêu mộ một hậu vệ cánh trái giàu kinh nghiệm. Ba cái tên được đưa vào danh sách: Nicolas Tagliafico (Lyon), Marcos Alonso (Barcelona) và mục tiêu số một là Marc Cucurella (Chelsea).

Chelsea sẵn sàng cho mượn Cucurella. Số tiền The Blues đòi hỏi là 7 triệu bảng với một năm cho mượn đối với cầu thủ họ đã phải chi ra tới 60 triệu bảng để chiêu mộ. Man Utd không sẵn sàng bỏ ra số tiền vừa nêu và chuyển hướng sang Sergio Reguilon, cầu thủ không có chỗ đứng ở Tottenham.

Thỏa thuận nhanh chóng được ký kết: Man Utd chi trả toàn bộ mức lương 115.000 bảng/tuần của Reguilon nhưng Spurs không đòi hỏi thêm bất kỳ khoản phí cho mượn nào.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 7

Sở dĩ Man Utd bỏ Cucurella và chọn Reguilon bởi đội bóng này phải dành tiền cho thương vụ Sofyan Amrabat.

Như HLV Ten Hag phát biểu sau trận thua Arsenal với tỷ số 1-3, một số cái tên khác nằm trong danh sách tuyển mộ của ông trong suốt kỳ chuyển nhượng. Tuy nhiên, nguồn tin của tờ The Athletic tiết lộ rằng màn trình diễn kém cỏi của hàng tiền vệ đã thúc đẩy vị chiến lược gia người Hà Lan tăng cường cho tuyến giữa.

Trong khi cuộc thương thuyết với Amrabat diễn ra suôn sẻ, Man Utd lại gặp nhiều khó khăn trên bàn đàm phán với Fiorentina vì ngân sách hạn chế. Ở thời điểm đang hỏi mượn Cucurella, Man Utd chỉ dám đưa ra đề nghị mượn tiền vệ người Morocco với mức phí 2 triệu euro.

Cấu trúc của thỏa thuận bao gồm khoảng định phí được thanh toán làm 2 lần, mỗi lần 1 triệu euro, kèm theo điều khoản Man Utd có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng vào tháng Giêng.

Tuy nhiên, điều khoản chấm dứt hợp đồng này sẽ có hiệu lực trước lần thanh toán thứ hai, đồng nghĩa Fiorentina có thể chỉ nhận được vỏn vẹn 1 triệu euro. Tất nhiên, đội bóng Italy từ chối ngay lập tức.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 9

Số tiền Fiorentina muốn nhận được là 35 triệu euro, bao gồm 10 triệu euro phí cho mượn, 20 triệu euro phí chuyển nhượng sau lần ra sân thứ 15, cộng với 5 triệu euro biến phí.

Man Utd tiếp tục "kì kèo bớt một thêm hai" bằng đề nghị với khoản phí cho mượn vỏn vẹn 3 triệu euro. Fiorentina trở nên mất kiên nhẫn và thông báo với Matt Hargreaves, trưởng bộ phận đàm phán của Man Utd rằng mọi thương thảo bị chấm dứt.

Hargreaves trở thành người phụ trách thương thuyết các vụ chuyển nhượng của Man Utd kể từ khi được bổ nhiệm vào tháng 3, kế tục Matt Judge và Tom Keane.

Khi thương vụ Amrabat trên bờ vực sụp đổ, Hargreasves vẫn kiên trì đề nghị phía Fiorentina tiến hành đàm phán trực tiếp. Đội bóng Italy chẳng hề đoái hoài, trừ khi Man Utd đảm bảo chi ra 10 triệu euro phí cho mượn.

Man Utd xếp đặt máy bay riêng và đặt lịch một cơ sở y tế tại Pisa trong trường hợp tìm thấy bước đột phá trong thương vụ Amrabat. Các cuộc thảo luận tiếp tục được tiến hành khi Hargreaves đến Florence vào thứ Sáu, ngày 1/9. Fulham bất ngờ nhập cuộc nhưng Amrabat cho biết anh chỉ quan tâm tới đội chủ sân Old Trafford.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 11

Cuối cùng, Man Utd cũng đạt được thỏa thuận với Fiorentina về Amrabat vào chiều tối ngày cuối chuyển nhượng. Phần lớn điều khoản giống như đòi hỏi của Fiorentina, bao gồm 10 triệu euro phí cho mượn và tổng giá trị thương vụ là 35 triệu euro.

Điểm khác biệt là Man Utd được lựa chọn quyền mua đứt Amrabat với giá 20 triệu euro thay vì bắt buộc phải mua.

Với việc mượn thành công Reguilon, chiêu mộ thủ thành dự bị Altay Bayindir từ Fenerbahce với mức phí 5 triệu euro và ký hợp đồng theo diện chuyển nhượng tự do với người cũ Jonny Evans, kế hoạch chuyển nhượng mùa hè của Man Utd đã hoàn tất.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 12

Man Utd chỉ đủ tiền để chiêu mộ Amrabat sau khi bán được thủ thành Dean Henderson cho Crystal Palace với giá 17,5 triệu euro.

Nếu thanh lý cầu thủ thuận tiện và nhanh chóng hơn, Man Utd có lẽ không phải "kì kèo bớt một thêm hai" trong thương vụ Amrabat cho đến tận những giờ phút cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè như thế.

Điển hình như trường hợp Harry Maguire. Man Utd nhận được đề nghị trị giá 30 triệu bảng từ West Ham United cho Maguire, tuy nhiên trung vệ bị tước băng thủ quân Man Utd không đồng thuận ra đi.

Man Utd cũng phải cân nhắc việc phải chiêu mộ trung vệ đáng tin cậy khác để thay thế Maguire, tính ra chi phí còn tốn kém hơn số tiền thu về, thế nên đồng ý nương theo quyết định của hậu vệ này.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 14

Scott McTominay được định giá tương đương và cũng thuộc diện thanh lý. Tuy nhiên, Man Utd chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nếu đội bóng nào chồng đủ 40 triệu bảng. Bayern Munich đã lên kế hoạch chiêu mộ McTominay, theo đề nghị của HLV Thomas Tuchel, nhưng khi nhận được mức phí Man Utd đưa ra, họ chuyển sang chiêu mộ Joao Palhinha của Fulham.

Rốt cuộc, McTominay tiếp tục ở lại Old Trafford tương tự như cái cách Donny van de Beek đang mắc kẹt. Tiền vệ người Hà Lan chỉ nhận được sự quan tâm muộn màng từ Galatasaray và thương vụ vẫn có thể được tiến hành vì thị trường chuyển nhượng tại Thổ Nhĩ Kỳ đến ngày 15/9 mới đóng cửa. Mặc dù vậy, Man Utd đã từ chối đề nghị trị giá 1 triệu bảng mượn Van de Beek từ đối thủ trực tiếp ở vòng bảng Champions League sắp tới.

Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua, Man Utd đã thu về 55 triệu euro từ việc bán cầu thủ, doanh thu chuyển nhượng cao nhất của đội bóng này kể từ mùa hè 2019.

Tuy nhiên, số tiền Quỷ đỏ thu được từ việc bán cầu thủ vẫn còn rất khiêm tốn so với các ông lớn khác. Chẳng hạn như Man City, nhà vô địch Premier League thu về tới 114,5 triệu euro thông qua các thương vụ bán cầu thủ. Chelsea dù chi ra tới 464 triệu euro trong phiên chợ hè song được bù đắp phần nào nhờ khoản thu 267 triệu euro.

Tổng quát hơn, dẫu không trải qua một kỳ chuyển nhượng mua sắm rầm rộ, Man Utd vẫn là đội có mức chi ròng cao thứ ba tại Premier League, ở mức 129 triệu bảng, tương đương 111 triệu euro, chỉ xếp sau Arsenal và Chelsea.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 15

Man Utd luôn phải chi số tiền lớn để chiêu mộ tân binh, hậu quả là khi những cầu thủ này không đáp ứng được kỳ vọng, họ gặp vô vàn khó khăn trong việc thoát vốn. Riêng đội hình hiện tại có thể chỉ ra 3 gương mặt thuộc diện này là Harry Maguire, Donny van de Beek và Eric Bailly.

Một hệ quả khác từ việc chuyển nhượng thiếu hiệu quả là Man Utd đã nằm trong danh sách hạn chế chi tiêu của FFP (Luật công bằng tài chính). Hồi tháng 7, đội chủ sân Old Trafford đã bị UEFA phạt 300.000 euro vì "thâm hụt nhỏ trong cân đối tài chính" mùa giải 2022-23.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 17

Nguyên nhân là Man Utd báo lỗ khoảng 150 triệu bảng ở mùa 2021-22, với những vụ chuyển nhượng tốn kém, quỹ lương khổng lồ, trong khi không thể lọt vào top 4 để giành vé dự Champions League.

Điều đáng nói, bi kịch đang trên đà lặp lại. Man Utd từng phải ôm một đống bom xịt như Paul Pogba, Alexis Sanchez, Romelu Lukaku hay Harry Maguire để rồi phải gánh nợ và ngày càng sa sút.

Sự xuất hiện của Ten Hag mới chỉ manh nha đem đến chút hy vọng hồi sinh thì giai đoạn đầu mùa giải 2023-24 chứng kiến một loạt cầu thủ đắt giá và được kỳ vọng rơi vào vòng khủng hoảng.

Jadon Sancho chỉ trích HLV Erik Ten Hag. Antony bị cáo buộc hành hung bạn gái. Tấm gương tày liếp cho cả hai là Mason Greenwood, cầu thủ vừa phải chuyển sang Getafe theo dạng cho mượn để cứu vãn sự nghiệp.

Từ một tài năng trẻ sáng giá. Sự nghiệp của tiền đạo cánh người Anh nhanh chóng đi xuống sau cáo buộc hành hung bạn gái và bị loại khỏi đội hình Man Utd vào tháng 1/2022.

Vòng luẩn quẩn và bi kịch kiểm soát biến cố chuyển nhượng của Man Utd - 19

Sancho có giá 85 triệu euro, Antony có giá 95 triệu euro, đắt hơn 10 triệu euro. Man Utd làm thế nào để thoái vốn khỏi hai vụ đầu tư với tổng trị giá 180 triệu euro này trong tương lai? Vì vậy, vòng lặp bom tấn thành bom xịt rồi bất khả thanh lý ở Old Trafford vẫn chưa dừng lại.

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Tuấn Huy