(Dân trí) - Đánh bại và thải loại Cristiano Ronaldo, Erik ten Hag không chỉ tháo xiềng xích cho những cậu học trò để đưa Man Utd hồi sinh mạnh mẽ mà ông còn khẳng định quyền lực tuyệt đối trong phòng thay đồ.
Đánh bại và thải loại Cristiano Ronaldo, Erik ten Hag không chỉ tháo xiềng xích cho những cậu học trò để đưa Man Utd hồi sinh mạnh mẽ mà ông còn khẳng định quyền lực tuyệt đối trong phòng thay đồ.
4 chiến thắng liên tiếp, ghi 9 bàn thắng và chỉ nhận một bàn thua, Man Utd đã góp mặt trong top 4 trên bảng xếp hạng Premier League. Cho dù còn quá sớm tuy nhiên râm ran đâu đó trong các cuộc chuyện trò rôm rả của những người hâm mộ nổi tiếng lạc quan và vui tính của đội bóng này, Man Utd đã tính đến khả năng vô địch.
Khi được hỏi về cơ hội đăng quang của Man Utd sau chiến thắng giòn giã 3-0 trước Bournemouth, HLV Erik ten Hag tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. "Đây là bước tiến lớn", ông nói. "Không, chúng tôi phải bước từ trận đấu này sang trận đấu khác và đạt được sự tiến bộ". Tuy nhiên, nếu cứ "tiến bộ" hết trận này sang trận khác như 4 trận vừa qua cho đến cuối mùa giải, liệu đội chủ sân Old Trafford có thể vô địch không?
"Sự tự tin ngày càng vững vàng và lan tỏa", Ten Hag nói thêm. "Đó là tín hiệu thật tích cực và rất tuyệt khi có được cảm giác như vậy. Chúng tôi phải hiểu rằng chúng tôi phải cống hiến trọn vẹn 100% năng lực, 100% sự tập trung và 100% sự đoàn kết cho từng trận đấu. Nếu duy trì được triết lý ấy thì cơ hội là có thể".
Lần cuối cùng Old Trafford phát đi tín hiệu thách thức danh hiệu Premier League đã cách đây hơn 2 năm, khi cú vô lê của Paul Pogba trên sân Turf Moor đưa Man Utd lên đỉnh bảng sau 17 trận. Tuy nhiên, điệp khúc dở hay, hay dở dai dẳng trong suốt nhiệm kỳ của Ole Gunnar Solskjaer khiến giới quan sát phải hoài nghi liệu màn trình diễn của Quỷ đỏ có bền vững không. Câu trả lời là không. Với Solskjaer, lúc người hâm mộ kỳ vọng nhất, Man Utd thường gây thất vọng, ngược lại, lúc người hâm mộ rơi tõm xuống hố sâu tuyệt vọng, Man Utd lại đem đến những màn trình diễn vượt ngoài kỳ vọng, thậm chí là cả sự tưởng tượng.
Tuy vậy, dù sao đi nữa, Man Utd ở mùa giải 2020/21 dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Na Uy vẫn là "mẫu so sánh" có tương quan phù hợp nhất với Man Utd vào thời điểm hiện tại. Kết quả là cùng sau 17 trận, Quỷ đỏ của hiện tại tụt 3 bậc, cách đội đầu bảng 9 điểm và giành ít hơn một điểm so với mùa giải 2020/21. Bởi vậy, mơ về chức vô địch đối với Man Utd vào thời điểm này vẫn là khá viển vông. Hy vọng chủ yếu đến từ màn trình diễn ngày càng khởi sắc nhưng cũng từ thực tế Quỷ đỏ chỉ kém đội bóng láng giềng Man City, nhà vô địch 4 trong 5 mùa gần nhất, vỏn vẹn 4 điểm.
Man Utd đã có những tiến bộ rõ rệt dưới sự dẫn dắt của HLV Ten Hag, đặc biệt sau cuộc thanh trừng Cristiano Ronaldo. Dù vậy, Quỷ đỏ vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện, như chính vị chiến lược gia người Hà Lan thừa nhận. Man Utd hiện ghi ít bàn thắng hơn Brighton, Fulham và Brentford và chỉ ghi nhiều hơn Leicester City đang khủng hoảng duy nhất một bàn. Marcus Rashford là chân sút số một của đội chủ sân Old Trafford với 7 pha lập công, bằng 1/3 thành tích ghi bàn của Erling Haaland. Tiếp theo là Antony và Anthony Martial, với 3 bàn thắng.
Nếu kế hoạch chiêu mộ trung phong của Man Utd thành công trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng này, lỗ hổng lớn nhất trong đội hình của HLV Ten Hag sẽ được lấp đầy và Rashford không còn phải chịu áp lực quá lớn từ trọng trách ghi bàn.
Tuy nhiên, ngay cả với viễn cảnh có được tay săn bàn cự phách trên hàng công, Man Utd vẫn cần cải thiện khả năng tạo cơ hội. Bàn thắng kỳ vọng (xG) trên mỗi 90 phút của Quỷ đỏ tại Ngoại hạng Anh mùa này là 1,49xG, nôm na mỗi trận các chân sút có cơ hội để ghi 1,49 bàn thắng, tỷ lệ ổn định đối với một đội bóng trung bình khá chứ chưa thể lọt vào nhóm tinh hoa tranh đua chức vô địch.
Nhìn về quá khứ, lịch sử vẫn là tấm gương soi cho dù chẳng mùa giải nào diễn ra giống mùa giải nào tại Premier League suốt 30 năm qua, chỉ có 3 đội đăng quang với điểm số trung bình mỗi trận thấp hơn con số 2,06 điểm/trận của Man Utd hiện tại. Cả 3 nhà vô địch này đều lên ngôi trước thời điểm chuyển giao thế kỷ, khi giải đấu chưa bị phân tầng rõ rệt như ngày nay.
Nếu duy trì hiệu suất giành điểm như vậy, Man Utd kết thúc mùa giải với 78 điểm, điểm số luôn đảm bảo một suất trong tốp 4 và giành vé dự Champions League. Tuy nhiên, để đăng quang với điểm số như vậy trong những năm gần đây là điều bất khả. 5 năm qua, nhà vô địch giành trung bình 95 điểm mỗi mùa, đến Á quân cũng có điểm số trung bình là 85. Đội Á quân tệ nhất trong 5 năm qua chính là Man Utd của Solskjaer ở mùa 2020/21, khi chỉ giành 74 điểm.
Một khía cạnh khác, không cần phải tìm hiểu sâu xa để tiếp tục hoài nghi thực lực của Man Utd. Thực tế trong mạch 4 chiến thắng liên tiếp hiện tại của Quỷ đỏ, có tới 3 chiến thắng trước những đội bóng nằm trong nhóm 6 đội cuối bảng. Đó là Nottingham Forest , Wolverhampton Wanderers và Bournemouth.
Vì vậy, thực lực và bản lĩnh của thầy trò Ten Hag chỉ được chứng minh vào cuối tháng này, khi lần lượt chạm trán Man City và Arsenal. Nếu tiếp tục tích lũy điểm số đều đặn trước những đội bóng dưới cơ và hạ gục những ông lớn đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng, rõ ràng chẳng ai dám gạt Quỷ đỏ ra khỏi cuộc đua vô địch. Tóm lại, còn quá sớm để khẳng định Man Utd là ứng cử viên vô địch, nhưng chỉ trong vài tuần nữa, đẳng cấp của Quỷ đỏ sẽ được thể hiện rõ. Nhưng với thực lực hiện tại, nhiều khả năng thầy trò Ten Hag sẽ hài lòng với một vị trí trong top 4. Muốn tái sinh rực rỡ cũng cần có thời gian chứ không chỉ ý chí.
Thất bại gần nhất của Man Utd đã cách đây tròn 2 tháng, vào trung tuần tháng 11, trong chuyến làm khách của Aston Villa. Đó cũng là trận đấu cuối của C.Ronaldo trong màu áo Quỷ đỏ. Trận đấu cuối cùng CR7 đá chính, trận đấu cuối cùng CR7 chơi ở vị trí trung phong, trận đấu cuối cùng CR7 mang băng thủ quân và thất bại. Từ đó Man Utd chưa biết thua là gì, một ẩn dụ không thể nào sống động hơn.
Không còn lão tướng người Bồ Đào Nha, cả hệ thống Man Utd không còn phải phục tùng cỗ máy săn bàn đã hết khấu hao cả trong tư tưởng lẫn chiến thuật. Bằng chứng rõ ràng nhất đến từ màn trình diễn của Bruno Fernandes và Marcus Rashford, hai cái tên sáng giá nhất trên hàng công Quỷ đỏ.
"Bruno Fernandes phải là nhân vật chính và bất cứ ai cũng có thể cảm nhận điều này khi C.Ronaldo không còn ở đây nữa. Bây giờ, cậu ấy lại là ông chủ trên sân", Patrice Evra, cựu cầu thủ Man Utd bình luận.
Fernandes vẫn có chỗ đứng khi C.Ronaldo trở lại. Tuy vậy, có cảm giác tiền vệ giàu cá tính này bị ức chế tầm ảnh hưởng vì phải đứng cạnh đàn anh siêu sao đồng hương. Những số liệu thống kê tuy khô khan nhưng phần nào phản ánh điều này. Từ thời điểm ra mắt Ngoại hạng Anh vào tháng 2/2020 cho đến tháng 9/2021, thời điểm Man Utd ký hợp đồng với Ronaldo, Fernandes ghi 29 bàn tại trận địa này, chỉ kém Harry Kane một bàn và Vua phá lưới Mohamed Salah 2 bàn.
Không chỉ ghi bàn, Fernandes còn bỏ xa Kevin De Bruyne về số pha kiến tạo thành bàn. 19 đường chuyền thành bàn là con số cực kỳ ấn tượng, đồng thời đưa tiền vệ sáng tạo người Bồ Đào Nha trở thành cầu thủ tấn công hay nhất Premier League. Không chỉ vậy, với sự xuất hiện của Bruno Fernandes, Man Utd hồi sinh mạnh mẽ, từ chỗ đứng gần nửa dưới bảng xếp hạng hơn là tốp 4, trong vòng một năm rưỡi đầu Bruno khoác áo Quỷ đỏ, đội bóng này chỉ giành điểm kém Man City ở Ngoại hạng Anh.
"Cậu ấy là thủ lĩnh, một thủ lĩnh điển hình", Gary Neville bình luận. "Mỗi khi đội có bóng, cậu ấy đều muốn nhận bóng. Mỗi khi có bóng, cậu ấy đều muốn thực hiện đường chuyền đột biến. Tôi có thể nói rằng cậu ấy đã biến đổi cả đội bóng.
Cú hat-trick vào lưới Leeds United ở lượt trận mở màn Premier League mùa trước đã nâng tổng số bàn thắng của Fernandes tại giải đấu này lên con số 29 chỉ sau 52 trận. 2 tuần sau, Ronaldo trở lại Old Trafford. Kể từ đó, Fernandes ra sân 31 trận và chỉ ghi được vỏn vẹn 5 bàn.
Như đã đề cập, C.Ronaldo ảnh hưởng đến đàn em từ tâm lý đến chiến thuật, đặc biệt là Bruno Fernandes. Về mặt tâm lý, rõ ràng mẫu cầu thủ có tư chất thủ lĩnh bẩm sinh như Fernandes không thể thoải mái khi đứng cạnh cái bóng quá lớn của đàn anh đồng hương. Hãy hình dung các tình huống Bruno Fernandes đá phạt đền còn C.Ronaldo lượn lờ phía sau. Đó là cảm giác chẳng dễ chịu chút nào.
Về mặt chiến thuật, Bruno Fernandes là mẫu tiền vệ sáng tạo ưa phiêu lưu cùng trái bóng. Thay vì phân phối trái bóng theo cách ổn định và đều đặn tới mức thành công thức như De Bruyne, Fernandes luôn muốn tạo sự khác biệt trong đường chuyền. Khi anh tung chân, quỹ đạo trái bóng phải độc, lạ và bất ngờ. Cũng bởi vì vậy cầu thủ này để mất bóng nhiều hơn bất kỳ ai ở Man Utd và gần 900 lần mất bóng kể từ khi gia nhập Quỷ đỏ. Đó là cái giá của sự phiêu lưu.
Trở lại với những đường chuyền của Bruno Fernandes, tiền vệ này muốn tung ra đường chuyền "độc" thì cũng cần những cầu thủ chạy chỗ "lạ". C.Ronaldo của tuổi 37 không phải mẫu cầu thủ này. Sự già nua khiến CR7 hoạt động cố định trong phạm vi hẹp. Fernandes rất khó "sáng tạo" với một trung phong như vậy. Để "vẽ" nên những đường chuyền biến hóa khôn lường, Fernandes cần những tiền đạo cánh cơ động và tốc độ.
Marcus Rashford chính là ví dụ điển hình. "Tôi đã nói với Marcus rằng tôi không quan tâm nếu tôi bỏ lỡ 10 đường chuyền, hãy tập trung để nhận bóng cho chuẩn xác, hãy để tôi mắc lỗi", Fernandes chia sẻ. Rashford cũng hiểu rõ điều này. "Chúng tôi có những chân chuyền xuất sắc", tiền đạo này nói. "Chỉ cần chúng tôi nỗ lực bứt tốc 3, 4 hay 5 lần thì chúng tôi sẽ nhận được bóng. Chúng tôi có thể không thành công ngay lần đầu tiên nhưng điều quan trọng thực sự là phải tiếp tục chạy chỗ khi Bruno hay Chris (Eriksen) có bóng".
Và không nằm ngoài tình thế, Rashford cũng bị che phủ bởi cái bóng vĩ đại của C.Ronaldo. Mùa giải trước, tiền đạo này chỉ ghi vỏn vẹn 5 bàn sau 32 lần ra sân trên mọi đấu trường, bao gồm 4 bàn sau 25 trận tại Ngoại hạng Anh. Thành tích này khiến Rashford bị chỉ trích dữ dội và thậm chí có ý kiến cho rằng tiền đạo này xao nhãng tập luyện bởi hư danh ngoài sân cỏ.
Tuy nhiên, lý giải xác đáng nhất cho sự sa sút của Rashford, như vừa nêu, là C.Ronaldo. CR7 hiện diện trên sân đồng nghĩa CR7 là điểm đến của mọi đường chuyền cuối cùng. Khi lão tướng người Bồ Đào Nha dứt áo ra đi, Rashford là một trong những cầu thủ nhẹ nhõm nhất trên sân, như thể được tháo gông cùm. Bằng chứng nhãn tiền là mùa này Rashford đã ghi 11 bàn trên mọi đấu trường và từ sau World Cup, khi Ronaldo đã ra đi, Rashford đã ghi bàn trong 3 trận đấu liên tiếp.
C.Ronaldo ra đi, Rashford trở lại với vai trò chủ công của Man Utd. 3 trận gần nhất, tiền đạo này ghi 3 bàn. Nhưng, trong chuyến làm khách của Wolves, trước khi sắm vai người hùng, Rashford là tội đồ và không được đá chính. Khi HLV Erik ten Hag tiết lộ thông tin Rashford ngồi dự bị vì "kỷ luật nội bộ", nhiều người trong phòng họp báo chưa dám tin.
Một cách bình tĩnh, Ten Hag nhấn mạnh lại như một cách nổ phát súng mở màn cho câu chuyện khác về tình trạng bất ổn của Man Utd. Cầu thủ cuối cùng bị Ten Hag trừng phạt vì lý do tương tự đã chuyển đến Saudi Arabia.
Tuy nhiên, tình huống này hoàn toàn khác. Đến cuối buổi chiều, Rashford tiết lộ lý do bị loại khỏi đội hình chính tại Molineux và chấp nhận với quyết định của HLV. "Tôi ngủ quên nên đến họp hơi muộn", tiền đạo này cho biết. "Đây là nguyên tắc của toàn đội. Tôi nghĩ đó là sai lầm có thể xảy ra nhưng tôi hiểu quyết định của HLV. Tôi vui vì dù sao chúng tôi cũng giành chiến thắng và tôi nghĩ chúng tôi có thể vạch ra giới hạn nào đó".
Đối với Ten Hag, giờ giấc là bất khả thương lượng. Bất chấp việc vào sân và ghi bàn thắng duy nhất đem về 3 điểm của Man Utd, lời lẽ của Rashford đầy sự khiêm nhường và hối lỗi. Bài học của C.Ronaldo là quá đủ để cầu thủ này hiểu vị chiến lược gia người Hà Lan đang thiết lập quyền lực tuyệt đối trong phòng thay đồ Old Trafford bằng quân luật.
Ngay từ khi vừa tiếp quản Man Utd, Ten Hag đã đưa ra những quy định ngặt nghèo và hình phạt khắt khe cho các học trò. Trước thềm mùa giải mới, một cầu thủ bị loại khỏi chuyến du đấu vì 2 lần đến muộn ở các cuộc họp toàn đội. Bruno Fernandes và David De Gea luôn nói về tầm quan trọng của việc tôn trọng quy tắc. Ronaldo phải tập một mình sau lần rời sân sớm. Thông điệp từ nhà cầm quân người Hà Lan luôn nhất quán như vậy.
Việc đúng giờ tưởng như nhỏ nhặt và không liên quan đến kết quả trận đấu nhưng đối với Ten Hag, có một mối liên hệ mật thiết giữa hai vấn đề này. "Tất cả phải đáp ứng tiêu chuẩn và quy tắc, vì vậy chúng tôi phải chấp nhận hy sinh, đó cũng là điều tôi mong đợi trên sân cỏ", HLV Man Utd nhấn mạnh. "Phải có hy sinh nếu không bạn không bao giờ thành công".
Rashford là chủ công Man Utd, và nếu là một nhà cầm quân kém bản lĩnh, có thể tiền đạo này không bao giờ mất suất đá chính, đặc biệt là các trận đấu quan trọng với đối thủ trực tiếp. Nhưng Ten Hag, với sự ủng hộ tuyệt đối từ lãnh đội, có tầm nhìn xa hơn. Ông hiểu rõ hình phạt cho Rashford là thông điệp sắt máu cho phần còn lại.
Vị chiến lược gia này từng nhấn mạnh: "Phải như vậy. Chúng tôi là đội bóng khó bị đánh bại, nhưng đó là vì chúng tôi tấn công bằng 11 cầu thủ, phòng thủ bằng 11 cầu thủ, và tất cả răm rắp tuân theo chiến thuật đề ra. Đó là lý do tại sao rất khó chọc thủng lưới Man Utd. Vì vậy, nếu không duy trì các tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ phải trả giá. Khi rời sân là buông bỏ mọi tiêu chuẩn và quy tắc, thì thái độ xấu ấy sớm muộn cũng tràn vào bên trong sân".
Phòng thay đồ đội chủ sân Old Trafford từng là nơi lộn xộn bậc nhất xứ sương mù. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi cùng Ten Hag. Như Luke Shaw chia sẻ: "Ở đội bóng hàng đấu như thế này, mọi thứ phải như vậy chứ. Mọi người không thể thích làm gì thì làm. Có lẽ đó là một phần vấn đề trong quá khứ. Nhưng hiện tại, tất cả tránh xa mọi lỗi lầm dù là nhỏ nhất. HLV xem xét từng chi tiết một. Nếu không đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất sẽ không được ra sân".
Paul Scholes và Rio Ferdinand biết thế nào là một phòng thay đồ khó khăn. Sir Alex Ferguson ghét sự chậm trễ và nói với mọi người rằng thà đến sớm 20 phút còn hơn trễ hai phút. Cả Scholes và Ferdinand đều ủng hộ Ten Hag. Đó chính là quyền lực tuyệt đối vị chiến lược gia người Hà Lan đang tạo dựng tại Old Trafford.
Khải Hưng