HLV Trần Công Minh: "Đời cầu thủ của tôi không kiếm tiền dễ như bây giờ"
(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, cựu danh thủ Trần Công Minh tâm sự về những năm tháng khó khăn để theo nghiệp "quần đùi áo số" và hé lộ lý do ông không để các con trai tiếp nối sự nghiệp cầu thủ của mình.
Trần Công Minh là danh thủ hàng đầu của bóng đá Việt Nam, từng khoác áo đội tuyển từ năm 1994-2000, thuộc "thế hệ vàng" của những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Đỗ Khải, Nguyễn Hữu Đang, Trần Minh Chiến, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hữu Thắng…
Ông Trần Công Minh từng nhiều lần đeo băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn nói trên, là một trong những ngôi sao sáng nhất của thế hệ vàng ngày ấy. Nhưng thật bất ngờ, tâm sự với phóng viên Dân trí, HLV Trần Công Minh cho biết ông chưa từng hướng con mình theo nghiệp bóng đá.
Nặng lòng với bóng đá nước nhà
Không còn cầm quân ở sân chơi đỉnh cao, có vẻ như ông không còn dành nhiều sự quan tâm cho bóng đá nội?
- Ngược lại là đằng khác, tôi theo dõi thường xuyên chứ. Bóng đá là một phần cuộc sống của tôi. Tôi trải qua những năm tháng đẹp nhất cuộc đời với bóng đá. Những người bạn của tôi cũng nhiều người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá, nên câu chuyện giữa chúng tôi không thể tách rời khỏi câu chuyện bóng đá.
Định kỳ, tôi vẫn đi thi đấu lão tướng với các đồng đội, đồng nghiệp cùng trang lứa, với các anh Huỳnh Quốc Cường, Trịnh Tấn Thành, Ngô Công Nhậm… (đều là những cựu danh thủ của bóng đá Đồng Tháp, vô địch quốc gia năm 1996, từng khoác áo đội tuyển Việt Nam). Mỗi dịp sinh hoạt như vậy, chúng tôi như thể sống lại những ngày xưa.
Có nghĩa là ông vẫn xem đội tuyển Việt Nam thi đấu ở vòng loại World Cup, ông đánh giá đội tuyển như thế nào?
- Tôi đánh giá rất cao HLV Philippe Troussier, bởi lẽ ông ấy là HLV có đẳng cấp, có kinh nghiệm. Thực tế cũng cho thấy ông Troussier đang giúp cho đội tuyển Việt Nam thi đấu tốt dần lên theo thời gian.
Ở các trận giao hữu trước vòng loại World Cup, đội thi đấu có phần chệch choạc, nhưng những trận vừa rồi ổn hơn hẳn. Đội tuyển Việt Nam thi đấu hiệu quả trong trận thắng Philippines 2-0, chơi khôn ngoan và hợp lý trước Iraq mới đây.
Thật ra, đấy là trận đấu tuyệt vời của đội tuyển về mặt đấu pháp, về sự thể hiện của các cầu thủ trẻ ở trên sân. Điều đáng tiếc duy nhất của chúng ta trong trận đấu với Iraq chỉ là bàn thua ở những giây cuối cùng.
Trót chọn cái nghề "làm dâu trăm họ"
Cũng nhân nói về các cầu thủ trẻ của HLV Troussier, ông đánh giá thế hệ cầu thủ trẻ hiện nay ra sao so với lứa cầu thủ của những Công Phượng, hay Quang Hải trước đây?
- Khách quan mà nói, lứa cầu thủ của Công Phượng và sau này là lứa của Quang Hải đồng đều hơn, nhiều gương mặt nổi trội hơn. Hai lứa ấy có sự bổ sung cho nhau ở các đội tuyển trẻ và đội tuyển Việt Nam sau này.
Lứa cầu thủ trẻ hiện tại không có may mắn sở hữu lực lượng dồi dào như thế, không có được sự bổ sung như thế. Nhưng đội bóng hiện nay vẫn giàu triển vọng, vẫn có các cầu thủ ấn tượng.
Nhưng khi sử dụng các cầu thủ trẻ, thay thế cho một vài cựu binh, HLV Troussier lại chịu nhiều sự chỉ trích?
- Tôi cho rằng điều đấy cũng bình thường, nghề HLV và nghề cầu thủ chuyên nghiệp là như thế. Người ta gọi chúng tôi "làm dâu trăm họ" có lẽ cũng có cái lý của họ. Với chúng tôi, việc được khen hay bị chê rất bình thường.
HLV phải có tâm lý vững vàng mới làm việc được. Cầu thủ cũng vậy, phải có tâm lý vững vàng mới trưởng thành được. Chứ hễ bị chê lại nản chí thì sự nghiệp không đi đến đâu cả. Tôi mong các cầu thủ trẻ vượt qua sóng gió. Những trận đấu ở đẳng cấp vòng loại World Cup vừa qua sẽ giúp họ trưởng thành hẳn lên.
Tôi cũng mong HLV Troussier kiên định với triết lý mà ông ấy lựa chọn. Mỗi HLV có một triết lý riêng, họ đã chọn và chúng ta phải tôn trọng lựa chọn của họ.
Có vẻ như đấy cũng chính là những gì mà ông từng trải qua kể từ khi còn là cầu thủ cho đến lúc trở thành HLV?
- Tôi không dám so mình với người khác. Nhưng khó khăn và sóng gió là điều khó ai có thể tránh khỏi, nhất là với sự nghiệp bóng đá đỉnh cao. Tôi cũng từng trải qua những ngày tháng như vậy.
Những ngày tôi mới lên đội tuyển, là cầu thủ lên đội tuyển từ tỉnh lẻ, phải phấn đấu có chỗ đứng, phải thể hiện xứng đáng. Tôi phải nỗ lực nhiều lắm. Cũng may mắn là tôi luôn nhìn cuộc sống một cách tích cực, nên khó khăn nào rồi cũng qua. Tôi mong các cầu thủ trẻ ngày nay cũng vậy.
Thời còn thi đấu, ông có ấn tượng đặc biệt với HLV ngoại nào ở đội tuyển hay không? Tương tự như cách ông đánh giá cao HLV Troussier bây giờ?
- Tính tôi hòa đồng, dễ thích nghi nên hầu như tôi chưa từng gặp vấn đề gì với bất kỳ HLV nào. Tôi nhớ hồi tôi mới lên đội tuyển năm 1994, thời HLV Tavares (người Brazil), sau đó là HLV Karl Heinz Weigang (Đức), rồi HLV Colin Murphy (Anh), sau này là HLV Alfred Riedl (Áo). Theo tôi, mỗi người tốt cho bóng đá Việt Nam theo một hướng khác nhau.
Mỗi HLV có một triết lý, mà khi tiếp xúc với họ, triết lý nào cũng có ích cho các cầu thủ. Mỗi HLV trong số các HLV ngoại vừa nêu có một cá tính riêng, đáng để học hỏi. Chuyện của HLV Troussier hiện tại cũng vậy thôi.
Hai con trai không theo nghiệp cha, một người đã trở thành kỹ sư phần mềm tại Microsoft
Còn về chính bản thân ông, hầu như hiếm khi nghe ông nhắc đến gia đình. Hiếm khi nghe HLV Trần Công Minh nhắc đến các con của mình, những người mà có thể đang ở vào độ tuổi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp?
- Các con tôi không ai theo nghiệp cầu thủ cả. Con trai lớn Trần Công Hậu năm nay 28 tuổi, đang là kỹ sư phần mềm tại Microsoft. Con trai thứ hai năm nay 24 tuổi, đang học đại học kỹ thuật ở bang Washington (Mỹ).
Hồi nhỏ các con tôi có tham gia bóng đá phong trào, cũng có chút năng khiếu, nhưng chưa trải qua bất kỳ lớp đào tạo hay chưa tham gia học viện nào chuyên về bóng đá. Sau này, các con tôi cũng không theo nghiệp cha.
Hơi bất ngờ khi một cựu danh thủ nổi tiếng như anh lại không hướng con mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp?
- Ngay từ đầu tôi không có ý can thiệp vào sự lựa chọn nghề nghiệp của con mình. Gia đình tôi ngày đó cũng không can thiệp vào quyết định của tôi.
Thực chất, khi tôi chọn nghề cầu thủ, gia đình tôi ngày đó cũng không đồng tình, vì ngày đó nghề cầu thủ bấp bênh. Thế nên, tôi càng không thể áp đặt sự lựa chọn của mình vào thế hệ kế tiếp.
Nghề nghiệp có một chữ duyên, tôi thấy các con mình sau này học cũng được, nên cố gắng tạo mọi điều kiện cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Tôi mừng là các con tôi không theo nghiệp cha (cười).
Đó là ngày trước, còn giờ này, có lúc nào đó ông cảm thấy tiếc vì không được nhìn thấy một thế hệ cầu thủ tài năng, nổi tiếng tiếp theo trong chính gia đình mình, không được nhìn thấy chính Trần Công Minh ngày nào trong hình hài của các con?
- Bản thân tôi cũng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp hết sức tình cờ đấy chứ. Tất cả nằm ở một chữ duyên. Khác với các cầu thủ cùng trang lứa, tôi không được trải qua các trường lớp bóng đá một cách bài bản. Tôi xuất thân từ sân chơi phong trào. Tận đến những năm 14-15 tuổi, tôi vẫn đá bóng ở sân ruộng là chính, chứ vẫn không khoác áo các đội năng khiếu.
Nếu không theo nghiệp cầu thủ, có khi giờ này tôi đã là ông giáo làng, bởi tôi theo học Cao đẳng Sư phạm (Khoa giáo dục thể chất) Đồng Tháp một thời gian (khoảng 1,5 năm) rồi mới đi đá bóng chuyên nghiệp. Nếu các anh ở đội Đồng Tháp ngày đó không mấy lần gọi tôi lên đội, có lẽ giờ này tôi đã là một ông giáo nào đó ở quê nhà, dạy môn thể dục.
Hơn nữa, thời điểm tôi vào nghề cầu thủ, khó khăn nhiều lắm. Đời cầu thủ ngày đó không kiếm được nhiều tiền như bây giờ đâu. Thế nên, thật tình tôi muốn con mình có cuộc sống êm đềm hơn.
Sống chậm, tập trung vào công việc của gia đình
Vậy có lẽ ông tự hào với sự trưởng thành của các con ông hiện nay. Không phải ai cũng có thể trở thành kỹ sư phần mềm tại Microsoft như Trần Công Hậu?
- Nhiều người khi biết chuyện cũng chúc mừng tôi vì điều đó. Bản thân tôi không nghĩ nhiều, chủ yếu thấy con vui thì tôi vui. Giờ con trai lớn đã mua được nhà ở Mỹ, lập gia đình riêng, cưu mang được con trai kế Công Hiếu cũng đang đi học tại Mỹ. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc rất lớn.
Khoảng một tháng nữa, tức những ngày cuối năm nay, sẽ là lần đầu tiên vợ chồng con trai lớn về Việt Nam, kể từ ngày chúng cưới nhau hồi đầu năm nay. Nhiều người nói tôi không còn quá lo lắng về chuyện kinh tế gia đình cũng là vì vậy. Tôi đỡ lo là nhờ các con trai tôi tự lo được rồi.
Còn dự định mở các lớp bóng đá ở quê nhà Đồng Tháp để cho ra lò các cầu thủ nhí thì sao, thưa ông?
- Tôi cũng dự định, nhưng ngay lúc này chưa thực hiện được. Nhiều năm qua, tôi đi liên tục, hết làm HLV ở địa phương này đến địa phương khác. Giờ có dịp về nhà, tôi chủ yếu giải quyết công việc của gia đình là chính.
Tôi có 2 sân bóng mini cỏ nhân tạo. Cũng may là 2 sân bóng này được xây trên đất nhà (thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp), nên cũng đỡ phần kinh phí thuê đất. Hai sân bóng giúp cho vợ chồng có thêm thu nhập. Niềm vui còn lại của vợ chồng tôi là chờ đón cháu nội (lại cười)!
Niềm vui khác, là những dịp vợ chồng tôi lái xe rong ruổi trên những nẻo đường của đất nước, từ quê nhà lên TPHCM, rồi từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung, lên Tây Nguyên, nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường. Năm nay chưa thực hiện được, vì còn một số việc ở nhà chưa làm xong, nhưng vẫn có dự định như thế. Dường như tôi đang sống chậm lại…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đôi nét về cựu danh thủ Trần Công Minh
Cựu danh thủ Trần Công Minh sinh năm 1970, tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Trần Công Minh có 2 lần vô địch quốc gia (giải đấu ngày nay gọi là V-League) vào các năm 1989 và 1996, trong màu áo đội Đồng Tháp, một đội bóng rất mạnh thời đó.
Năm 1994, Trần Công Minh lần đầu khoác áo đội tuyển Việt Nam. Ông từng giành huy chương bạc (HCB) SEA Games 1995, hạng ba AFF Cup 1996, hạng nhì AFF Cup 1998, HCB SEA Games 1999.
Trần Công Minh giã từ đội tuyển sau AFF Cup 2000, giã từ sân cỏ năm 2003 vì chấn thương dây chằng. Cũng trong năm đó, ông theo nghiệp HLV. Trong sự nghiệp HLV, Trần Công Minh từng giành vị trí Á quân V-League năm 2008 cùng CLB Đồng Tâm Long An.