(Dân trí) - Theo đánh giá của chuyên gia thể lực Bae Ji Won, thành tích nghèo nàn tại Asiad 19 cho thấy sự thiếu nhận thức trong phát triển thể lực, thể chất của thể thao Việt Nam.
Theo đánh giá của chuyên gia thể lực Bae Ji Won, từ thành tích nghèo nàn tại Asiad 19 đến vụ lùm xùm "bữa ăn 800 nghìn đồng" của các vận động viên (VĐV) đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia cho thấy sự thiếu nhận thức trong phát triển thể lực, thể chất của thể thao Việt Nam.
Bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung không đạt được kết quả tốt tại Asiad 19. Thành tích này khá đối nghịch với sự thống trị tại SEA Games. Một tờ báo của Indonesia đã đùa cợt rằng thể thao Việt Nam thống trị Đông Nam Á nhưng thất bại ở châu Á. Vấn đề ở đây là gì thưa ông?
- Vấn đề là sự đầu tư dàn trải và kinh phí eo hẹp. Thể thao Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào bầu sữa ngân sách nhưng phải căng mình trên quá nhiều bộ môn. Trong khi đó, việc thu hút tài trợ hay rộng hơn là các nguồn kinh phí xã hội hóa không đáng kể.
Ngay cả bóng đá, môn thể thao được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng, các CLB tại V-League đều phụ thuộc vào doanh nghiệp tài trợ. Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh bóng đá rất hạn chế. Ngoài ra, cần có sự đầu tư chiều sâu vào các môn thể thao có tiềm năng tranh giành huy chương tại các giải đấu lớn, đặc biệt là Asiad và Olympic.
Nhìn chung, không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần dịch chuyển sự đầu tư dần sang các giải đấu lớn thay vì tập trung vào SEA Games. Rõ ràng chênh lệch trình độ giữa thể thao Đông Nam Á và châu Á chứ chưa nói thế giới vẫn còn xa, nhưng để có thể cạnh tranh, trình độ tổng quát phải ngày càng được nâng cao.
Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước cùng nỗ lực lớn lao từ Liên đoàn thể thao tương ứng.
Về việc đầu tư dàn trải, chẳng hạn như môn lặn vốn là môn thể thao Việt Nam thống trị Đông Nam Á thì không được đưa vào thi đấu tại Asiad và Olympic. Đối với quốc gia có thể thao phát triển như Hàn Quốc, kế hoạch đầu tư phát triển được triển khai ra sao thưa ông?
- Trong lĩnh vực thể thao, việc đầu tư dàn trải có ích cho sự phát triển đồng đều của các môn. Ý nghĩa của việc này đến từ vấn đề khoảng cách đầu tư lẫn sự quan tâm giữa môn thể thao phổ biến và không phổ biến rất lớn. Người hâm mộ hầu như chỉ theo dõi các môn thể thao được yêu thích rộng rãi.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt ở các giải đấu quan trọng như Asiad và Olympic, Hàn Quốc đầu tư mạnh vào các môn thể thao mang tính cá nhân như bắn cung, bắn súng, bóng bàn, võ thuật, marathon, bơi lội. Dù vậy, kinh phí đầu tư vẫn thua xa những môn thể thao phổ biến như bóng đá hay bóng chày.
Thực trạng chung là sự thiếu quan tâm của người hâm mộ ở một số môn thể thao, chẳng hạn như các môn thể thao cá nhân trong những bộ môn tôi vừa nêu. Những môn thể thao ít phổ biến, ít khả năng giành huy chương như điền kinh hay nhảy cầu thì kinh phí càng hạn hẹp.
Vì vậy, hầu hết các VĐV ở môn thể thao cá nhân ít phổ biến sẽ nhận được sự hỗ trợ chính từ chính quyền địa phương. Họ được đưa vào biên chế của thành phố, quận, huyện, nơi cư trú. Tất nhiên cơ sở hạ tầng thể thao của Hàn Quốc rất tốt, không chỉ thành phố lớn mà cả các thành phố nhỏ, thị trấn đều có sân vận động chất lượng để VĐV tập luyện.
Ngoài ra, các môn thể thao ít phổ biến khi tổ chức sự kiện sẽ được hỗ trợ từ chính quyền Trung ương đến địa phương và Liên đoàn (hiệp hội) thể thao tương ứng. Các VĐV cũng được ký hợp đồng với đội tuyển và CLB, được hưởng lương, hỗ trợ nơi ăn, chốn ở, trang thiết bị cá nhân...
Mặc dù thu nhập và điều kiện của họ không thể bằng các VĐV chuyên nghiệp ở các môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng rổ hay bóng chày, song từ chính quyền đến xã hội đều thể hiện nỗ lực để đảm bảo cho họ điều kiện tốt nhất có thể để thực hiện ước mơ, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Vậy đối với bóng đá, ngoài sự quan tâm lớn của toàn xã hội, chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ như thế nào để môn thể thao này ngày càng phát triển?
- Bóng đá tại Hàn Quốc rất được đầu tư. Không chỉ vì thị hiếu mà còn là nỗ lực của toàn hệ thống. Mục tiêu cao nhất luôn là giành vé tham dự và nâng cao thành tích ở World Cup. Động lực phát triển đến từ nguồn tài trợ rất lớn của các doanh nghiệp.
Nguồn tài trợ khổng lồ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để phát triển các cấp đội tuyển quốc gia, từ đội trẻ đến đội chính. Các CLB đang góp mặt ở K-League 1, K-League 2 cũng có các bản hợp đồng tài trợ trang thiết bị từ nhiều hãng sản xuất dụng cụ thể thao hàng đầu.
Đối với bóng đá quần chúng, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ ở khắp nơi. Mọi thành phố lớn hay nhỏ tại Hàn Quốc đều có sân vận động đạt tiêu chuẩn cao như tôi đã nói. Không riêng gì bóng đá, các cuộc thi điền kinh hay môn thể thao cá nhân khác cũng được tổ chức ở những sân vận động này.
Một trở ngại lớn đối với thể thao quần chúng tại Hàn Quốc là thời tiết. Mùa đông rất lạnh nên các sân vận động ở miền Bắc không thể sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn trong bóng đá, các đội bóng sẽ được tổ chức tập huấn tại miền Nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn.
Nhân việc này, các giải giao hữu mùa Đông được tổ chức tại miền Nam. Do đó, chính quyền nhiều thành phố xây dựng cơ sở thể thao lớn hơn quy mô dân số nhằm thúc đẩy phát triển và tạo ra nguồn thu.
Tôi đã tham dự nhiều giải bóng đá trẻ tại Việt Nam, tôi nhận thấy có khá nhiều sự khác biệt so với Hàn Quốc. Trước hết, tôi cho rằng số lượng giải đấu, sân vận động và chất lượng mặt cỏ là chưa đủ. Sân cỏ chất lượng là điều kiện tiên quyết để các cầu thủ trẻ phát triển kỹ năng chơi bóng.
Ông có thể nói rõ hơn về cách Hàn Quốc phát triển bóng đá trẻ?
- Hiện nay, tất cả các đội bóng U13, U16, U19 ở Hàn Quốc đều là đội bóng đại diện cho trường học hoặc do tư nhân đầu tư. Các đội bóng này tham gia nhiều giải bóng đá lớn nhỏ do Liên đoàn bóng đá hoặc địa phương tổ chức.
Giải bóng đá trẻ quy mô nhất thì được chia thành từng khu vực để thi đấu. Vòng chung kết quy tụ 64 đội bóng từ các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tranh tài để tìm ra đội vô địch.
Giải bóng đá trẻ Hàn Quốc là giải đấu thể thao có quy mô lớn nhất nước, với tổng số 576 đội tham dự kể từ khi thành lập vào năm 2009 và số lượng đội tham gia không ngừng tăng. Năm 2017, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc còn đặt mục tiêu có 1.000 đội tham dự.
Mỗi CLB tham dự K-League cũng bắt buộc phải có đội trẻ các cấp. Các đội trẻ này cũng tham dự nhiều giải đấu trong năm, bao gồm hai giải cố định theo thể thức của giải chuyên nghiệp là thi đấu vòng tròn (League) và đấu loại trực tiếp (Cup).
Ngoài ra, Hàn Quốc có hơn 1.000 đội bóng của các trường đại học được tổ chức bài bản và hoạt động thường xuyên. Các đội bóng này cũng thi đấu League và Cup hàng năm như các đội trẻ K-League.
Về phần giải vô địch quốc gia, K-League được phân làm 7 hạng, K-League 1-2 là giải đấu chuyên nghiệp, K-League 3-4 là bán chuyên nghiệp, K-League 5-6 là giải nghiệp dư dành cho các doanh nghiệp còn K-League 7 tập hợp các CLB tự phát.
Cách để bóng đá Hàn Quốc thu hút đầu tư như thế nào thưa ông?
- Điều may mắn của bóng đá Hàn Quốc là các CLB đều được tài trợ chính bởi những tập đoàn lớn trong nước như Samsung, Hyundai, Kia, LG và Union Bank. Các đội khác nhỏ hơn thì nhận sự hỗ trợ nhiều từ chính quyền địa phương.
Các CLB được chính quyền địa phương tài trợ không thể có ngân sách xông xênh như các đội được doanh nghiệp tài trợ, nhưng địa phương cũng thể hiện sự nỗ lực bằng cách kêu gọi tiếp thị cho CLB và thu hút các nhà tài trợ khác.
Tất nhiên, trong kinh doanh, sẽ không ai dám mạnh tay đầu tư nếu lợi nhuận không được đảm bảo. Kể cả các tập đoàn lớn như Samsung hay Huyndai thì việc đầu tư vào các CLB cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tiếp thị.
Ví dụ, CLB Jeonbuk Hyundai được tài trợ bởi Hyundai Motor. Hyundai Motor hỗ trợ tài chính cho Jeonbuk Hyundai, đội bóng này đạt được kết quả thi đấu tốt. Hyundai Motor đẩy mạnh hoạt động tiếp thị gắn với Jeonbuk Hyundai để thu hút người tiêu dùng.
Nhìn chung, nguồn tài chính không nên chỉ phụ thuộc vào nhà nước. Các tập đoàn lớn nên quan tâm đầu tư vào thể thao và chính quyền hỗ trợ về mặt pháp lý cho sự đầu tư ấy. Nói cách khác, đó sẽ là cơ cấu hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, với mục đích quan tâm, đầu tư phát triển thể thao.
Về câu chuyện "VĐV trẻ đói ăn" được báo chí phản ánh thời gian qua, ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng?
- Bữa ăn như thế quá nghèo nàn và không đủ chất để các VĐV tập luyện cường độ cao. Tôi rất sốc. Tại Hàn Quốc, tất cả bữa ăn của các VĐV đều được chuẩn bị bởi chuyên gia dinh dưỡng. Nếu như một người bình thường cần nạp 2000-3000kcal thì VĐV thể thao cần tới 4000-5000kcal.
Đây là thực trạng đáng báo động về việc thiếu quan tâm đến thể chất, thể lực của VĐV. Chẳng hạn như trong phạm vi bóng đá, thực tế ngoại trừ các đội bóng có chức năng trung tâm bóng đá như Viettel, HAGL và PVF, rất khó chứng kiến các CLB thuê HLV thể lực chuyên nghiệp cho các lứa trẻ.
Trước hết, tôi cho rằng nhiều đội trẻ thiếu nhận thức về thể lực trong thể thao. Do đó, hầu hết các đội đều để một HLV đảm nhiệm hết các vai trò, từ chuyên môn đến thể lực. Tuy nhiên, đối với các VĐV trẻ, nếu việc rèn luyện thể lực không diễn ra đồng bộ cùng sự phát triển chuyên môn lẫn thể chất, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh sau này.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi đội trẻ nào cũng có HLV thể lực chuyên biệt, như vậy kinh phí quá lớn. Vì vậy để đảm bảo sự phát triển cho các VĐV, HLV phụ trách phải có kiến thức tổng quát về thể lực và khung cơ bản về thể trạng. Họ phải hoàn thành khóa học, được cấp bằng về thể lực cũng như phải có kiến thức, kinh nghiệm.
Các VĐV trẻ đều cần được rèn luyện thể chất để phát triển kỹ năng. Chẳng hạn trong bóng đá, các cầu thủ trẻ cần rèn luyện thể chất để di chuyển theo nhiều cách khác nhau với trái bóng. Do đó, HLV đội trẻ phải được trang bị kiến thức căn bản về các chương trình thể lực sử dụng với từng loại bóng.
Sau đó, khi bắt đầu rèn luyện thể chất kỹ càng hơn ở độ tuổi U15, cường độ và khối lượng vận động sẽ tăng dần từ đó trở đi. Vì các giải trẻ do FIFA tổ chức sẽ bắt đầu từ lứa U16 trở đi, nên cần có huấn luyện thể lực chi tiết và có hệ thống hơn.
Nếu sau tuổi 16 không được rèn luyện thể lực chuyên nghiệp, nhất là từ lứa tuổi U19 đến khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ không thể tăng khả năng cạnh tranh, dẫn đến thua sút so với các quốc gia khác ngay từ giải trẻ. Đó là nguyên nhân khiến cầu thủ châu Á thiệt thòi hơn so với cầu thủ châu Âu.
Vóc dáng, thể lực của người Việt vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia phát triển, trước hết chính là sự khác biệt về lượng thức ăn. Vì thế, các đội bóng có vai trò trung tâm bóng đá phải có một hoặc hai HLV thể lực riêng để quản lý thể trạng cầu thủ. Rộng hơn, các đội thể thao phải đặt ra yêu cầu cho HLV là đảm bảo được kiến thức cơ bản về thể chất.
Mặc dù rất khó để phát triển cơ sở hạ tầng thể thao trong ngày một, ngày hai, nhưng ít nhất phải cố gắng thiết lập mô hình quản lý thể chất VĐV có hệ thống và kiến thức căn bản. Chỉ có nâng cao thể trạng mới ngày càng tăng cơ hội tranh đua ở các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới, từ Asiad, Olympic đến World Cup.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!