DNews

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad

Trọng Vũ

(Dân trí) - Thể thao Việt Nam dẫn đầu tại SEA Games, nhưng bị Thái Lan và Indonesia bỏ xa ở Asiad 19. Điều đó cho thấy các quốc gia trong khu vực đầu tư đúng trọng điểm hơn chúng ta.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad

Thể thao Việt Nam đầu tư không đúng trọng điểm

Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam bỏ xa các đối thủ ở Đông Nam Á về số lượng huy chương, đặc biệt là số lượng huy chương vàng (HCV). Tại SEA Games 32 hồi tháng 5, Việt Nam nhất toàn đoàn với 136 HCV (thêm 105 huy chương bạc và 114 huy chương đồng).

Cũng tại kỳ SEA Games 32 hồi tháng 5 trên đất Campuchia, Thái Lan có 108 HCV, Indonesia có 87 HCV, Philippines có 58 HCV, Singapore đạt 51 HCV và Malaysia chỉ có 34 HCV.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 1

Thể thao Việt Nam chỉ giành 2 HCĐ môn bơi của Huy Hoàng tại Asiad 19 (Ảnh: Tuấn Bảo).

Trước đó một năm, ở SEA Games 31 trên sân nhà, chúng ta giành đến 205 HCV (kỷ lục của Đại hội thể thao Đông Nam Á). Trong khi đó, số lượng HCV tương ứng của Thái Lan là 92 HCV, Indonesia có 69 HCV, Philippines 52 HCV, Singapore 47 HCV và Malaysia 39 HCV.

Ở hai kỳ SEA Games gần nhất, số lượng HCV của đoàn thể thao Việt Nam bỏ rất xa mọi đối thủ còn lại trong khu vực. Cá biệt, chúng ta có số lượng HCV gấp 4 lần Malaysia tại SEA Games 32 năm 2023, gấp hơn 5 lần số HCV của Malaysia tại SEA Games 31 năm 2022.

Tương tự như thế, số lượng HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 hồi tháng 5 vừa rồi nhiều gấp 1,56 lần so với số lượng HCV của Indonesia. Trước đó, vào năm 2022, ở kỳ SEA Games trên sân nhà, số lượng HCV của chúng ta nhiều gấp gần 3 lần so với Indonesia.

Nhưng đến Asiad 19 vừa kết thúc, Indonesia giành được 7 HCV, nhiều gấp 2,33 lần so với số lượng HCV của thể thao Việt Nam (3 HCV). Còn Malaysia giành được 6 HCV, nhiều gấp đôi số lượng HCV của thể thao Việt Nam.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 2

Ở đấu trường Asiad 19, thể thao Việt Nam kém nhiều đoàn khác trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là ở môn điền kinh (Ảnh: Tuấn Bảo).

Điều này cho thấy chính các quốc gia ở Đông Nam Á cũng dần dịch chuyển hướng đầu tư, họ không còn quá coi trọng số lượng và thành tích ở đấu trường SEA Games, chuyển sang đầu tư trọng điểm cho các đấu trường cao hơn như Asiad và Olympic.

Ngược lại, thể thao Việt Nam vẫn chuộng hình thức đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm, thiên về số lượng hơn chất lượng, áp đảo các đối thủ ở sân chơi khu vực, nhưng lại hụt hơi khi bơi ra "biển lớn" Asiad.

Ví dụ, trong số 12 HCV của Thái Lan, 2 HCV trong môn Taekwondo, một môn thi đấu chính thức tại Olympic, bao gồm HCV của nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit (hạng 49kg). Panipak Wongpattanakit từng giành HCV Olympic Tokyo 2020, có nghĩa cô thuộc dạng vận động viên (VĐV) trọng điểm có thể đảm bảo HCV cho Thái Lan ở các kỳ đại hội thể thao lớn.

Còn trong số 7 HCV của Indonesia, họ có HCV môn cử tạ hạng cân 73kg nam Rahmat Erwin Abdullah. Đô cử này từng giành huy chương đồng (HCĐ) Olympic Tokyo 2020, cũng là VĐV trọng điểm của xứ vạn đảo, chuyên tấn công vào các đấu trường lớn.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 3

Đô cử Rahmat Erwin Abdullah (Indonesia) được đầu tư trọng điểm cho Asiad và Olympic (Ảnh: JPNN).

Tương tự như thế, Malaysia có võ sĩ Muhammad Arif Afifuddin giành HCV hạng cân 84kg nam ở nội dung thi đấu đối kháng trong môn Karate. Nội dung thi đấu đối kháng trong môn này cũng là nội dung có trong chương trình của Olympic, nên mức độ đầu tư trọng điểm cao hơn so với việc các VĐV Việt Nam chỉ giành HCV ở nội dung biểu diễn.

Tầm nhìn hạn chế so với các đối thủ

Không thể phủ nhận thể chất ảnh hưởng lớn đến thành tích trong thể thao, khiến cho thành tích của thể thao Việt Nam khi ra đấu trường châu Á kém hẳn so với thành tích của chính chúng ta tại SEA Games.

Về mặt này, chuyên gia Đoàn Minh Xương, cựu HLV bóng đá chuyên nghiệp, cựu giảng viên Đại học Thể dục Thể thao Quốc gia TPHCM (giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2013) bình luận: "Đã nói đến thể thao là nói đến vấn đề thể chất, trừ một số môn không đòi hỏi nhiều về thể lực như cờ và bắn súng".

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 4

Bắn súng là môn ít đòi hỏi yếu tố thể chất (Ảnh: Tuấn Bảo).

"Cho dù ý chí của vận động viên mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu thể chất và thể lực kém thì thành tích vẫn khó bằng đối thủ. Các môn thuộc chương trình thi đấu tại Olympic gồm điền kinh, bơi, các môn võ thi đấu đối kháng hạng cân nặng… càng đòi hỏi thể chất", chuyên gia Đoàn Minh Xương nói thêm.

Dù vậy, đó là khi so sánh các VĐV Việt Nam với các đối thủ Trung Quốc, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Uzbekistan, Triều Tiên… Còn khi so sánh giữa VĐV Việt Nam với chính các VĐV trong khu vực Đông Nam Á, yếu tố thể hình và thể lực chênh lệch không đáng kể.

Về mặt thể chất, các VĐV Thái Lan, Indonesia và Malaysia có lẽ không có khác biệt quá lớn với VĐV Việt Nam, nhưng họ vẫn thành công hơn hẳn chúng ta.

Như đã nói, các quốc gia nói trên có những VĐV mạnh ở tầm mức thế giới, trong một số môn thể thao cụ thể. Thái Lan ngoài võ sĩ Taekwondo Panipak Wongpattanakit gần như đảm bảo HCV ở các kỳ đại hội thể thao lớn, họ còn cực mạnh ở các nội dung golf của nữ.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 5

Nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) là VĐV mạnh tầm thế giới, giành HCV Asiad 19 và Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: Bangkok Post).

Việc Thái Lan dẫn đầu toàn đoàn ở môn golf tại Asiad 19 (2 HCV) chứng minh điều này. Thậm chí Thái Lan chưa gọi về nước hai VĐV từng giành danh hiệu major (tương đương với tính chất các danh hiệu Grand Slam trong môn quần vợt), gồm Patty Tavatanakit và Ariya Jutanugarn.

Nếu tập hợp đủ lực lượng, golf Thái Lan thậm chí có thể cạnh tranh huy chương, kể cả HCV Olympic. Giống như các môn cờ và bắn súng, golf là môn không đòi hỏi nhiều về yếu tố thể chất, lại có trong chương trình thi đấu Olympic, cho thấy thể thao xứ Chùa Vàng đầu tư có trọng điểm.

Indonesia ngoài VĐV cử tạ Muhammad Arif Afifuddin, còn có đến 2 HCV ở nội dung bắn súng, thuộc về Muhammad Dwi Putra (nội dung 10m mục tiêu di động và nội dung 10m mục tiêu di động hỗn hợp). Điều đó cho thấy, họ chuẩn bị tấn công đấu trường Olympic ngay từ đầu.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 6

Đầu tư có trọng điểm, Thái Lan luôn đảm bảo có được HCV tại Asiad lẫn Olympic (Ảnh: Siam Sport).

Trong khi đó, câu hỏi đặt ra cho thể thao Việt Nam sau kỳ Asiad 19 là đến Asiad 20 năm 2026 và trước mắt là Olympic Paris 2024, đâu là những mục tiêu và VĐV trọng điểm của chúng ta có thể giành HCV?

Thay đổi định hướng

 Quay trở lại các thông số, Malaysia là quốc gia ở Đông Nam Á có thành tích thấp dần đều tại các kỳ SEA Games những năm gần đây, họ chỉ giành được 39 HCV tại SEA Games 31 năm 2022 và 34 HCV tại SEA Games 32 năm 2023, lần lượt xếp hạng 6 (năm 2022) và hạng 7 (năm 2023).

Nhưng ở đấu trường Asiad, thành tích của đoàn thể thao Malaysia rất ổn định, họ giành được 7 HCV ở Asiad 18 năm 2018 tại Palembang (Indonesia) và 6 HCV tại Asiad 19 năm nay tại Hàng Châu (Trung Quốc). Thể thao Malaysia không hề yếu, họ chỉ thay đổi định hướng đầu tư, thay đổi đấu trường để tấn công.

Ngược lại, thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ Asiad quá thất thường, triển vọng ổn định thành tích tại Olympic càng xa vời.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 7

Sau Asiad 19, vận động viên nào và môn thể thao nào là mục tiêu huy chương cho thể thao Việt Nam tại Asiad 20 năm 2026 và Olympic Paris 2024? (Ảnh: Quý Lượng).

Về vấn đề nói trên, chuyên gia Đoàn Minh Xương hiến kế: "Về lâu dài, ở cấp độ châu lục và thế giới, thể thao Việt Nam phải phát triển từ gốc. Thời gian qua chúng ta chỉ mới làm tốt thành tích ở phần ngọn. Thời điểm thể thao Việt Nam xuất hiện lứa VĐV giỏi, chúng ta có thể giành thành tích, nhưng thành tích này không kéo dài, phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi".

"Thể thao Việt Nam phải phát triển từ nền tảng, hướng đến việc VĐV Việt Nam phải cao hơn, khỏe hơn và nhanh hơn, theo đúng tinh thần Olympic. Ví dụ như cải thiện cơ sở vật chất, tạo sân chơi thể thao cho trẻ em từ các trường học, cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho VĐV, sau đó hướng đến việc xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa.

Lâu nay chúng ta chỉ mới hướng đến thành tích trước mắt, chưa trọng điểm hóa. Đầu tư trọng điểm đó là nếu phát hiện ra VĐV tài năng, phải tập huấn và thi đấu dài ngày ở nước ngoài.

Tôi nhấn mạnh chi tiết tập huấn kết hợp với thi đấu, chứ tập huấn mà không thi đấu như Ánh Viên (môn bơi) trước đây, càng dễ bị thui chột. Chúng ta cũng đã thấy Thái Lan và Indonesia đầu tư có trọng điểm, không dàn trải", ông Đoàn Minh Xương nói thêm.

Có thể trong giai đoạn trước mắt, tầm vóc và thể chất chưa thể cải thiện được ngay, nhưng thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể nhắm đến việc tấn công vào các môn và các nội dung thi đấu không đòi hỏi nhiều về thể chất. Ví dụ môn bắn súng, các nội dung võ, cử tạ hạng cân nhẹ… như cách các quốc gia ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia đang thực hiện.

Thái Lan, Indonesia đầu tư đúng trọng điểm hơn thể thao Việt Nam tại Asiad - 8
Dòng sự kiện: Asiad 19